LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.11.2014

 

TranNhanTongRRR
Bài thơ Thanh điệu của Lý Bạch ghi trên độc bình (ảnh: báo TN)

 

Y nhát.

Ừ, thì nhát.

Nhát như thỏ đế. Nhát như cáy. Nhiều lần trên Nhật ký, y đã phát biểu nhiều điều hiễn nhiên. Nhưng rồi lại sợ. Đôi khi biết những điều như thế này, như thế khác nhưng rồi trên giấy trắng mực đen chẳng dám viết. Đã viết mà tay cìn run. Trái tim trog ngực đập loạn xạ. Ấy là nhát. Ủa? Đã phát biểu câu gì mà nay vẫn thấp thỏm?

À, câu này. Mà không ngờ trên báo ANTG (số 159-tháng 11.2014) ông nhà văn Đỗ Kim Cuông với chức danh Phó Chủ tịch thường trực UB toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ VHVN, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phát biểu na ná: “Nhà văn với cuộc đời này, họ nói chưa bao giờ đạo đức xã hội chúng ta lại bi quan như thế. Họ nhìn thấy tận mắt hàng ngày bao cái xấu đang diễn ra. Nhìn hiện thực như thế, có ai dám phản ánh một cách sâu sắc và trung thực không? Hay lại sợ hãi, né tránh nó. Lắm ông bây giờ viết mà vẫn còn sợ. Đấy là một cái, cái thứ hai là trung thực với những điều chúng ta đang viết, trung thực với chính chúng ta trong cuộc sống. Tất cả những cái đó tưởng là nhỏ nhưng đang chi phối đạo đức, lối sống xã hội. Bây giờ con người ta không dám nói thật với nhau, có hai người thân còn dám nói thật. Nhưng có mặt người thứ ba lại phải nói khác đi hoặc chúng ta không dám nói điều chân thực. Trung thực và nói dối là điều khác biệt giữa hôm qua hôm nay”.

Suy ngẫm sâu xa một chút, hiện tượng trên đáng âu lo quá đi chứ?

Đạo đức xã hội, một khi không thật lòng mổ xẻ và chấn chỉnh tận gốc, thế thì, tất cả chỉ là lời nói suông, không thể giải quyết một cách rốt ráo những gì đang diễn ra. Tại sao con người ta muốn tồn tại phải “hai mặt”, phải đeo nhiều mặt nạ, phải thay lưỡi khi nói? Kẻ sĩ thế kỷ trước có hèn kém thế không? Nếu chọn cách sống an toàn ấy, làm gì có các bản điều trần của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ…? Yếu tố tích cực nhất, Đổi mới triệt để nhất và cũng có ý nghĩa nhất ở các nhà nho cấp tiến Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… là gì? Là đến một lúc, họ nhận thấy rằng, không thể thay đổi xã hội bằng các bản điều trần thì phải thay đổi chế độ đó. Đó là sự khác biệt của thế hệ nhà nho Việt Nam đầu thế kỷ XX trước và sau khi tiếp thu Tân thư. Biện pháp của Phan Bội Châu là đào tạo lớp người mới, từ phong trào Đông Du và sử dụng vũ trang; Phan Châu Trinh lại khác, trước hết cần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” v.v…Nói cách khác, các cụ dù thuộc phái “ám xã” hoặc “minh xã” cũng chung một mục đích là lật chế độ quân chủ chuyên chế và ách ngoại xâm.

Một xã hội lành mạnh là một khi cộng đồng tin cậy vào Kẻ sĩ. Ấy thế, Kẻ sĩ hiện nay thế nào? Thế nào cũng chấp nhận được, không đáng âu lo. Âu lo nhất hiện nay vẫn là không ai dám nói lời thật, nói thật với nhau. Điều này thể hiện nỗi sợ hãi, sợ bóng sợ gió đấy chứ? Do đâu hình thành nên tính cách đó? Tại sao như thế? Với câu hỏi “tại sao”, hôm qua người bạn hỏi tại sao ông Trần Văn Truyền - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ lại tha hóa đến thế? Do bản lĩnh chính trị? Do cơ chế? Do môi trường? “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Mà thật ra, cũng chẳng nên bi quan gì. Hãy cứ tin ngày mai, mọi điều sẽ khác. Thích thêm hai câu này cũng của Nguyễn Trọng Tạo: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo”. Cứ tin vào quy luật của sự biện chứng, chứ không thể nào khác. Tin rằng, mà thôi, chỉ với niềm tin con người ta có thể sống khỏe, vui vẻ trẻ trung, hồ hởi phấn khởi chăng? Lại ảo tưởng nữa rồi.

Thời nhỏ, đọc truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Astérix, Xì Trum… Và bây giờ nghĩ rằng, khi đối mặt với Hán tộc phương Bắc thì Việt Nam bé xíu, nhưng đó là “bé hạt tiêu”. Không gì có thể tiêu diệt nổi, kể cả lúc họ sử dụng vũ khí tàn khốc nhất, ác độc nhất và hiệu quả nhất là tiến hành bền bĩ các cuộc xâm lăng văn hóa. Tiến hành chiến tranh vũ trang, lấy thịt đè người thì sao? Lịch sử đã chứng minh rồi. Chỉ có thể bắt đầu từ văn hóa. Một khi văn hóa bị đồng hóa, cũng đồng nghĩa triệt tiêu sức sống của một dân tộc. Có những dân tộc trải quan nhiều thăng trầm như Israel, cuối cùng họ vẫn thành một khối từ sợi dây liên kết thiêng liêng là tôn giáo. Dân tộc Việt không có một tôn giáo riêng. Bất kỳ tôn giáo nào khi du nhập vào cũng đều phải biến hóa, uyên chuyển theo cá tính của người Việt. Sự độc đáo này, nếu được nghe các nhà nghiên cứu uyên thâm trao đổi thêm thì hay quá. Tiếc là  thời buổi này, chẳng mấy ai chịu khó tranh luận, phản biện đặng giúp y thấu hiểu hơn nữa về suy nghĩ trên. Thôi thì, trước mắt cứ tin thế.

Hôm qua đọc báo TN ngạc nhiên với thông tin này: 3 năm trước đây, có người đã “cung tiến” vào chùa Vân Tiêu, Yên Tử, nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông chiếc độc bình. Trên chiếc độc bình đó có chép rành rành hai câu: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/ Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/ Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”. Đây là nội dung bài thơ Thanh Bình điệu của Lý Bạch (701-762) ca ngợi vẻ đẹp của Dương Quý Phi sau đêm sủng ái. Thanh Bình điệu là tên điệu nhạc đời Đường. Sử chép: “Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi thưởng thức hoa mẫu đơn mới nở trong cung, vời Lý Bạch đến để viết lời ca mới cho điệu nhạc này nhằm cho ngợi vẻ đẹp của nàng”. He he, ông vua Đường Minh Hoàng thế mà hay. Chứ si tình, mê gái đến độ cắt đứt luôn một khoảng giang san gấm vóc làm vật sính lễ; hoặc đời cột mốc biên giới thì hỏng bét tiền đồ dân tộc. Được nhà vua vời đến, Lý Bạch lúc ấy đã ngất ngưởng men say bèn cao hứng vung tay, chỉ trong nháy mắt viết luôn 3 bài (tam thủ). Nhà văn Ngô Tất Tố dịch:

1.


Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng,

Gió xuân dìu dặt, giọt sương trong.

Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy,

Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông.


2.


Hương đông móc đượm, một cành hồng,

Non Giáp mây mưa những cực lòng.

Ướm hỏi Hán cung ai dám đọ?

Điểm tô, nàng Yến mất bao công!


3.

Sắc nước, hương trời khéo sánh đôi,

Quân vương nhìn ngắm những tươi cười.

Sầu xuân man mác tan đầu gió,

Cửa Bắc đình trầm đứng lẻ loi.

Rõ ràng, nội dung bài thơ này không thế xuất hiện, dù trên độc bình quý ở nơi tôn nghiêm thờ phụng ông vua anh hùng đã có mặt cả hai lần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông vào những năm 1285 và 1287. Đọc lại sử, ta biết, khi non sông thái bình, tháng 8.1299 thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia. Ngài lên núi Yên Tử đi tu và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm. Ngài lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại đầu đà, Trúc Lâm đại sĩ được người đời tôn xưng Điều Ngự Giác Hoàng. Trong thời gian tu hành ở Yên Tử, ngài đã viết những tác phẩm nghiên cứu về Phật học nhưng nay hầu hết đã thất lạc; và Trần Nhân tông thi tập, Đại hương hải ấn thi tập, bài phú Cư trần lạc đạo…Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm của thượng hoàng Trần Nhân Tông là dòng thiền hoàn toàn mang sắc thái Việt Nam. Dù có tiếp nối các dòng thiền trước đó nhưng với ý thức dân tộc và chấn hưng Phật giáo trong tinh thần sáng tạo, ngài ý thức Đạo và Đời phải hòa nhập với nhau rất tự nhiên.

Ít ai đặt câu hỏi vì sao khi, thượng hoàng Trần Nhân Tông lại chọn núi Yên Tử để tu?

Do thắc mắc ấy, y tìm đọc lại sách của các bậc uyên thâm đặng học hỏi thêm. May quá, đã tìm được câu trả lời của Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) luận giải xác đáng. Sở dĩ ngài lên tu ở đó vì: “Nhận thấy Yên Tử là một ngọn núi cao, phía đông có thể nhòm mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng. Phía Bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang nên mới dựng tu viện, thường qua lại xem động tĩnh, khiến quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó mới là vô lượng đại thế chí Bồ Tát”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment