Tranh sơn dầu Lê Minh Quốc
Có những lúc không biết làm gì cho hết một buổi chiều. Chẳng tha thiết điều gì. Trước đây, cắm cúi vào Nhật ký vẫn tốt hơn cả. Một cách giết thời gian. Nghĩ gì, cứ viết. Nhưng viết mãi cũng chán. Trong một ngày, có quá nhiều thông tin hắc ám, chẳng lẽ né tránh? Bằng không, lại bình luận, lại suy ngẫm rồi cảm thấy rầu rầu. Cái nhìn về cuộc đời lại u ám. Thời buổi gì mà lạ lùng quá, có những chuyện không hề tưởng tượng nổi nhưng rồi vẫn cứ xẩy ra. Vẫn nhan nhản từng ngày trên mặt báo, trong các câu chuyện kể. Thế thì, chẳng viết gì lại khỏe cái thân. Tội gì ôm rơm cho nặng bụng. Cần viết kiếm sống mỗi ngày, cứ viết, nếu không thì thôi vậy. Những chiều không Nhật ký, lai rai cùng bạn bè chăng? Đôi lúc nhớ đến những câu thơ của Lưu Quang Vũ:
Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu
Tôi chẳng còn điếu thuốc nào
Đốt lên cho đỡ sợ
Yếu đuối đến cộc cằn thô lỗ
Tôi xấu xí mù loà như đứa trẻ mồ côi
Tình yêu trong lòng tôi chẳng ích lợi cho ai
Những gì mọi người cần, tôi chẳng thiết
Tôi khao khát yêu người
Mà không yêu sao được
Cuộc đời như một mụ già dâm đãng
Một núi giây thừng bẩn thỉu rối ren
Tôi chán cả bạn bè
Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới
Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại
Tôi đi một mình trong phố vắng ban đêm
Đến một tuổi nào đó, tìm kiếm niềm vui sao khó quá. Lại những câu chuyện tầm phào, vô thưởng vô phạt rồi tan hàng quay về với men say ngất ngưởng cũng chỉ một mình trong bóng tối. Do làm báo nên có nhiều mối quan hệ, đa phần ngồi với nhau vì nhờ cậy gì đó. Có thể ngồi hôm nay, rồi chẳng bao giờ gặp lại. Ngồi thì ngồi chung nhưng mỗi người một đời sống khác, công việc khác. Khó có thể mở lòng. Có những lúc tưởng chừng như rút ruột tâm tình. Nhưng rồi... Sau cơn say mệt nhọc, sáng thức dậy, mọi chuyện lại quên hết dù trước đó đã thề non hẹn biển và bàn tay siết chặt. Ngủ một giấc. Giấc ngủ chẳng khác gì cơn mưa rửa bùn sau lũ. Lũ ấy là cơn say bất tận bán trời không mời thiên lôi và ảo tưởng có thể hô phong hoán vũ. Sáng mai quên tuốt tuột. Chán là thế. Với nhà báo chuyên nghiệp, mối quan hệ "xã giao thời vụ" ấy nhiều lắm. Nếu tận dụng, mỗi chiều đều có thể "gài" một độ nhậu.
Bạn bè thân thiết của y lại khác. Không là mối quan hệ "xã giao qua đường" ấy. Chỉ vài ba gương mặt đã chơi với nhau tròm trèm hơn hai mươi năm. Đếm không đủ năm đầu ngón tay. Thân tình thật sự. Ngồi với bạn bè thân thiết mới thích. Đã biết tính nết nhau, lúc say có thể nói năng nhăng cuội nhưng rồi vì tình thân, vì đã hiểu nên dễ dàng xí xóa. Nhưng rồi, đâu phải lúc nào cũng có thể bù khú.
Có những chiều đẹp quá, nắng xanh hồng tím đỏ tươi ngon vẫy gọi xuống phố, tấp xe vào đâu đó? Rồi ngồi một mình ngắm chiều qua ly bia đang sóng sánh bọt vàng? Có mà điên. Vậy phải là gì? Chẳng làm gì, lại viết. Trở lại với Nhật ký 10.10.2014: “Nhân đây, thử hỏi “Thơ rơi” là gì? Chỉ xin vắn tắt là một thể hoại văn học dân gian rất đặc thù của người miền Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu ở An Giang đã phân tích chu đáo rồi. Không nhắc lại”.
Chiều nay, nhắc lại. Tìm đọc lại vài tài liệu và có thể giải thích rằng: Thơ rơi là những bài thơ nhằm gửi đến cho ai một thông tin gì đó. Có thể lời tỏ tình, có thể phân bua chuyện oan khuất v.v… Thơ rơi khác vè dù lằn ranh phân biệt rất mong manh. Cả hai cũng đề cập đến chuyện thời sự, cũng không hé lộ tên tác giả nhưng cách thể hiện khác nhau ở chỗ: nếu vè nêu rõ con nguời cụ thể (anh ba, chị tám…) ngụ tại địa chỉ cụ thể (làng này, xã nọ) thì thơ rơi lại không. Đành rằng, thơ rơi giấu tên tác giả nhưng người nhận là ai, trong thơ cũng không nêu cụ thể mà chỉ có những chi tiết ám chỉ để người nghe có thể tự suy luận. Người trong cuộc nghe, đọc ắt biết “thơ rơi” ấy ám chỉ mình, gởi cho mình. Bằng không, bài thơ rơi ấy vẫn tồn tại độc lập, ai thích thì cứ đọc, cứ tiếp tục truyền miệng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu: “Dù sao thơ rơi bằng văn vần bình dân cũng đã có hơn một thời hiện diện tại vùng đất này. Nó được đem ngâm nga như nói thơ, nói vè. Nội dung của nó tuy đa số là chuyện riêng của một người, đôi khi một hạng người, nhưng nó đã góp phần biêu riếu sự gian tà, đả phá những tục hư nết xấu bằng những lời nói lớn, bằng những tiếng phân bua mạnh mẽ, để thiên hạ biết đâu là lẽ phải nên theo, đâu là điều tà nên tránh”; “Khi tư trào Quốc ngữ lên mạnh, thơ, vè, truyện, vãn lần lượt rút lui vào vị trí trân tàng chứ không còn đắc dụng như xưa nữa. Sự vây mượn thơ rơi để làm thơ tín cũng bị gạt bỏ. Người ta bắt chước theo cách viết sáng sủa, gọn ghẽ của lối văn xuôi mới. Ý nghĩa thơ rơi từ ấy cũng chỉ còn có nghĩa là một thứ thơ nặc danh dùng tố cáo hay bôi nhọ một cá nhân nào đó” (xem Diện mạo văn học dân gian Nam bộ).
Có lẽ với tiểu thuyết Lá thơ rơi, nhà thơ Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902 - 1985) là người trước nhất lấy tên một thể loại thơ dân gian miền Nam đặt tựa tác phẩm của mình. Suy luận rằng, do am hiểu về tính chất của thơ rơi như đã phân tích thì cái tựa ấy đã là một yếu tố hấp dẫn bạn đọc. Hôm nọ,anh Thức, con trai nhà thơ Hồng Tiêu cho biết là đang tìm đủ bộ Lá thơ rơi (2 tập) đặng tái bản. Chắc là khó, theo y biết Thư viện Quốc Gia (Hà Nội) chỉ lưu trữ tập 2. Không rõ thư viện Quốc gia ở TP.HCM thế nào, còn còn lưu trữ tập 1 không?
Có những chuyện không đâu vào đâu.
Sáng nay, một cú điện thoại gọi đến không hiện lên tên vì trước đó không lưu. Người bên kia nói rôm rã thân mật lời cám ơn vì đã giới thiệu giúp tác phẩm anh ta lên trang web cá nhân và PN online. Và mời đi ăn sáng tại quán nọ đường kia. Nghe nhưng vẫn không nhận ra người đang trò chuyện là ai. Không rõ là ai, vẫn vác xác đến nơi theo lời mời ư? Có mà ngốc. Nhắn tin hỏi lại. Thì ra, ấy là người bạn vừa quen nhưng anh ta dùng 2 SIM nên mới có cớ sự đó. Chừng hơn mười năm trước, nhắn tin tán tỉnh cô nọ, đang du dương ngon trớn bỗng chựng lại bởi thấy số điện thoại khác lại tiếp nối nội dung vừa diễn ra. Ủa? Tại sao lại thế? Có phải chồng/ người tình của cô ta chăng? Hoảng quá. Tắt máy luôn rồi sau đó không liên hệ lại. Có nhận điện thoại, nhắn tin nhưng vẫn không dám trả lời. Biết đâu đấy. Cẩn thận vẫn hơn. Mãi nửa năm sau gặp nhau, mới biết cô ta dùng 2 SIM nhưng mọi sự đã khác trước rồi. Oái oăm thế. Chiều nay, một cú điện thoại gọi đến, không hiện lên tên người gọi. Người bên kia chẳng rõ ai nhưng nói rôm rã, thân mật vì do cô X giới thiệu. Và cho biết cô X rất quý mến y nên tha thiết mời y vui lòng đến tham dự chương trình nọ. Nghe cũng cảm động. Còn nhớ đến nhau, có lời mời vì tình bạn thì quý quá. Vậy mà. Sau khi nói một hơi, người đó không quên thòng một câu nhấn mạnh "quan trọng nhất", mời đi dự là để nhờ y đưa tin chương trình đó lên mặt báo. Thì ra thế. Bực mình quá. Tắt máy luôn.
Chỉ có sáng nay và trưa nay là vui. Sáng, phở Dậu với N.K.L. Ngồi đấu hót những chuyện trên trời dưới biển về văn chương chữ nghĩa. Trưa, Tẹo từ Đà Nẵng đem vào bún bò Huế. Đã thèm. Chiều rồi. Có lời rủ rê của người bạn thân ngồi đâu lai rai một chút. Nhưng không nhận lời, bún bò Huế ở nhà vẫn còn kia mà...
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|