Sáng dậy sớm, đọc lại Hồi ký Bà Tùng Long do NXB Hội Nhà văn vừa tái bản. Viết bài đọc sách. Viết rằng: Nhà văn Bà Tùng Long là một hiện tượng độc đáo của văn học miền Nam, từ thập niên 1940. Có lẽ chưa có một nhà văn nữ nào suốt đời cầm bút chỉ viết đề tài duy nhất: hôn nhân gia đình. Sức viết ấy ghê gớm, cho đến cuối đời, bà đã viết trên một ngàn truyện ngắn và chừng sáu chục cuốn tiểu thuyết đã một thời độc giả say đắm.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Bà Tùng Long còn là nhà báo tiên phong mở chuyên mục mà nay vẫn còn nhiều báo thực hiện: Từ năm 1953, báo Sài Gòn mới có mục Gỡ rối tơ lòng; năm 1962, báo Tiếng vang có mục Tâm tình cởi mở đều do bà khởi xướng và phụ trách. Những chuyên mục này na ná Nhỏ to tâm sự, Vườn hồng, Tổng đài tư vấn Thanh Tâm… của báo chí ngày nay. Công việc trên chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu giải đáp, chia sẻ nỗi lòng bạn đọc thôi sao? Không, nó còn là chất liệu của văn chương. Trước đây, nhà báo Lê Phương Chi đặt câu hỏi vì sao cùng một lúc, bà có thể viết feuilleton cho nhiều báo? Bà Tùng Long trả lời: “Với những điều mắt thấy tai nghe, tôi còn chắt lọc thêm qua những câu chuyện tâm tình của bạn đọc”; và qua hai chuyên mục kể trên “đó là hai nguồn cung ứng tài nguyên cho đề tài và chất liệu trong tác phẩm của tôi”.
Do đó, các tiểu thuyết như Bóng người xưa, Nàng dâu mẹ chồng, Đời con gái, Nẻo về tình yêu, Vợ lớn vợ bé… một thời được nữ giới “gối đầu giường” bởi họ tìm được các tình tiết, tâm lý nhân vật gần gũi đời thường. Sau năm 1975, một loạt tác phẩm của bà tái bản, thì ra, dù thời nào đi nữa tiếng nói bình đẳng, bênh vực quyền lợi vẫn là câu chuyện thời sự.
Đã đọc nhiều hồi ký của các cây bút nữ, tôi nhận ra rằng, bao giờ, họ cũng dành nhiều trang viết về mối tình đầu. Điều này khác với nhà văn nam giới. Có phải do tấm lòng thủy chung, ước mơ vun vén hạnh phúc cho chồng con nên kỷ niệm đầu đời đối với họ luôn là điều khó quên chăng?
Bạn đọc sẽ tủm tỉm cười khi đọc những dòng đắn đo, e thẹn của nữ sĩ lúc ngoài 80 xuân kể lại chuyện tình. Bà Tùng Long cho biết “cái thuở ban đầu lưu lưu luyến ấy” vẫn những đoạn khó viết nhất. Cuối cùng, bà tâm sự: “Lúc nào tôi cũng xem anh như một người thầy, một người anh, một người bạn, một người chồng. Đó là mối tình đầu tiên và cuối cùng của tôi”. Những dòng chân thành, cảm động này, Bà Tùng Long viết về nhà thơ, nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy. Kết quả của mối tình ấy, đã là sự tiếp tục của một thế hệ viết văn sau này.
Ngoài ra với Hồi ký Bà Tùng Long, bạn đọc còn được tiếp cận với bối cảnh xã hội, không khí văn chương miền Nam mà sinh thời, lúc viết Tựa tập sách này, ông Trần Bạch Đằng rất tâm đắc vì “giúp cho chúng ta hình dung được chừng nào hoàn cảnh đất nước mình”. Có thêm một điều thú vị, dù nổi danh được các danh tài đương thời ca ngợi nhưng bà chỉ khiêm tốn tự nhận: “Tôi là nhà giáo, tôi viết văn để nuôi con”. Dù không “tuyên ngôn” gì to tát nhưng sự bền bĩ đeo đuổi một đề tài xuyên suốt đã cho thấy ý thức, trách nhiệm của một người cầm bút đã sống trọn một đời với tâm niệm: “Viết là niềm vui muôn thuở của tôi”.
Viết đến đó. Chưa kịp ngưng gõ phím đã nghe điện thoại tèng téng teng. Phải hối hả đến Hội Nhà văn TP.HCM, lầu 4, tham dự ra mắt sách mới của người bạn. Vẫn biết thế. Mọi việc là thế thế. Nhưng rồi vẫn đi. Anh bạn chỉ mới quen, điện thoại mời nhiều lần. Nể nang. Rồi đi. Cũng chừng ấy khuôn mặt. Cũng khung cảnh đó. Cũng kiểu cách đó. Cũng lời chúc mừng đó. Mỗi lần vào đó, quay về lại buồn. Mỗi lần quay về lại hỏi, chúng ta, những người cầm bút đang đứng ở đâu trong cuộc sống nhiều biến động, thay da đổi thịt từng ngày? Những va chạm. Những dằn vặt. Những số phận cùng đinh. Những tiếng kêu oan khuất sau cánh cửa đã khép. Những lo toan cơm áo thường ngày. Những vấn đề bức thiết ấy, hầu như ở bên ngoài trang viết. Văn chương chữ nghĩa liệu có còn đóng góp một chút gì cho tâm hồn người đọc? Liệu có còn là tiếng nói đồng hành cùng người đọc? Ngoài một vài nhà văn có sách in số lượng vài chục ngàn bản, còn lại chỉ in vài ngàn là cùng. Cả nước có gần trăm triệu người nhưng tác phẩm mới chỉ in số lượng cỏn con vẫn không bán hết. Vì sao? Có ai sống được bằng nghề cầm bút không?
Sáng nay, từ lan can của Hội Nhà văn nhìn xuống đường Trần Quốc Thảo thấy nắng đẹp quá. Ngày xanh quá. Dòng đời rộn rã. Bừng lên sức sống. Và cứ thế nhịp ngày lao đi. Trong khi đó, các nhà văn ngồi đây, nói với nhau những gì? Và viết cho bạn đọc những gì? Viết gì về cuộc đời, về cõi nhân sinh? Anh bạn ra sách mới, tâm sự hồn nhiên, đại ý, mỗi lần muốn in gì cứ việc bảo con cái. Chúng xuất tiền cho ngay, không chất vấn một câu. Được thế sướng quá. Giây lát sau nhà thơ nọ phát biểu, trường hợp của chị lại khác. Muốn có tiền đi làm từ thiện, con cái cho ngay, thậm chí còn khuyến khích; thế nhưng, khi chị xin tiền in thơ thì chúng cương quyết không. Nhất quyết không. Tuyệt đối không. Một xu cũng không. Cơn cớ làm sao lớp trẻ ngày nay lại ghét thơ đến thế?
Lúc rời khỏi Hội, lấy xe chạy về cơ quan làm việc, em T, nhân viên của Hội cho biết là đã chuyển các tập thơ dự thi giải thưởng và xin vào Hội năm nay sang báo PN. Vậy à? Đã gần cuối năm rồi ư? Lại những cuộc họp bình chọn, nhận xét, công bố kết quả. Cuối cùng, cuộc chơi ấy, người dân tất bật mưu sinh cơm áo gạo tiền có biết đến, ừ cứ cho là biết đến nhưng rồi, có ai thèm quan tâm đến không?
Năm nay, về lãnh vực thơ: có cả thảy 21 tác giả gửi tác phẩm dự xét giải; có 26 tác giả xin vào Hội, danh sách tồn đọng của năm ngoái còn 8 tác giả nữa. Các tác giả này đều gửi kèm tác phẩm thơ cho các thành viên Hội đồng thơ. Có người gửi 1 tập, có người gửi vài ba tập. Y đem các tập thơ về nhà, đặt lên bàn cân thấy nặng đúng… 9,5 ký! Sẽ đọc hết chừng này? Nhọc nhằn thay. Chưa hết, sáng nay, một vài anh em làm thơ lại tặng y những tập thơ vừa in nữa. “Nhớ đọc, Q nhé”. Lời dặn dò chân tình, sao lại nghe bùi ngùi quá đỗi. Đã từ lâu lắm rồi, in thơ rồi tặng cho nhau, chứ có phát hành được đâu! Chẳng còn có tiệm sách nào nhận phát hành thơ, dù ký gửi họ cũng không màng. Không khí thơ ảm đạm quá. Tình yêu thơ tiêu điều quá. Dù biết thế, các nhà thơ vẫn không nản chí. Vẫn dũng cảm oanh liệt. Vẫn bền lòng kiêu hãnh. Vẫn ngày đêm vung tay múa bút với câu chữ như đang nhắm mắt đi trong cõi mơ siêu thoát khỏi cuộc đời. Đáng yêu thay. Ái ngại thay. Mà thôi, mỗi người có quyền chọn cho mình một niềm vui, một lẽ sống miễn là cuộc chơi ấy không phiền lòng đến vợ con, bạn bè, hàng xóm là được.
Sáng nay, báo SGGP đã công bố văn bản 3 tác phẩm đoạt giải cao nhất của Cuộc thi Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. Đó là tác phẩm của Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, nhà thơ Dương Trọng Dật và Lê Quang Trang. Với 3 tác phẩm này, Ban Tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi nhằm “góp phần hoàn thiện tác phẩm cả về nội dung và hình thức trước khi tạc dựng chính thức vào bia trong khuôn viên Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tại huyện Củ Chi”. Nhận ý kiến đóng góp từ nay đến hết ngày 10.4.105. Phải cẩn trọng vậy thôi. Nghĩ rằng, dù hòa chung trong dòng chảy lịch sử nhưng đặc trưng vùng miền, tính cách con người Sài Gòn, hào khí Gia Định vẫn có những nét dị biệt. Đó là những yếu tố gì? Rồi sự kiện tiêu biểu nào của vùng đất này mà địa phương khác không có? Một điều dễ nhận ra, nếu thay đổi tên các nhân vật lịch sử (đã gắn bó với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định); hoặc địa danh cụ thể thì các văn bia này sử dụng cho địa phương nào cũng hợp lý. Chỉ xin đơn cử đoạn kết:
Tám mươi tư năm nhìn lại (1930 - 2014)
Dân giàu nước mạnh, bao nhiêu công sức có ngày nay
Máu chảy đầu rơi, biết mấy gian nguy từ thuở nọ
Hồn Tổ quốc bốn mươi thế kỷ, linh thiêng một mảnh đất anh hùng
Đất phương Nam biết mấy trăm năm, lẫm liệt những người con ưu tú
Thành đồng Tổ quốc, lẫy lừng muôn dặm tại nơi đây
Đất thép Củ Chi, sừng sững ngàn thu là thế đó
Rạng tinh hoa Hồng Lạc Văn Lang
Vang bản lĩnh Sài Gòn Nam Bộ
(Vũ Khiêu)
Nghìn năm dân tộc
Nam quốc sơn hà
Sài Gòn - Gia Định
Rực rỡ tên vàng thành phố Hồ Chí Minh
Thời đại Hồ Chí Minh
Bi hùng khúc tráng ca
Tạc vào lòng người
Tạc vào đất trời
Lưu danh muôn thủa.
(Dương Trọng Dật)
Thời kỳ mới, đổi mới tư duy, lãnh đạo trăn trở tìm đường
Lúc khó khăn, khai thông lợi ích, nhân dân nhiệt tình sáng tạo.
Chung sức, chung lòng vì Thành phố văn minh, hiện đại
Năng động, nghĩa tình cho cuộc đời tươi đẹp, ấm no.
Truyền thống anh hùng thời đấu tranh giành độc lập, tự do
Bệ phóng niềm tin buổi dựng xây đời yên vui, hạnh phúc!
Nhớ quá khứ, tạc dạ bao tấm gương vì Dân, vì Nước.
Nhìn tương lai, ghi tâm những lòng son với Đảng, với Dân.
Vinh quang sáng mãi ngàn năm
Hào khí truyền cùng vạn thuở !
(Lê Quang Trang)
Thiện ý phát động cuộc thi Văn bia rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vẫn thấy khó quá. Chỉ bao giờ, người ta viết bởi sự thôi thúc nội tâm, không thể không viết chứ không phải viết vì giải thưởng thì mới may ra có được văn bia đạt tầm vóc như Ban Tổ chức mong mỏi. Xưa nay, các văn bia có thể viết ngay sau một sự kiện nào đó vừa diễn ra; cũng có thể về sau mới viết nhưng dứt khoát viết từ tâm, vì còn có yếu tố tâm linh, chứ nào phải ngong ngóng chờ đến lúc có cuộc thi mới bắt đầu viết. Biết là thế, nhưng cuộc thi này mở ra cũng rất cần thiết vậy.
Những ngày này, có gì vui không Q? Chẳng có gì. Cũng thế. Ngày như mọi ngày. Nếu là "dân chơi không sợ mưa rơi" thì sáng mai phở bà Dậu nhé? Này, em có là "dân chơi" không em? Hehe
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|