LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.12.2014

 

Người Việt có thói xấu ấy từ bao giờ?

Thói xấu gì vậy?

Ấy là xây chỗ “yên ngủ ngàn thu” cho người đã khuất quá mức rình rang, tốn kém, hãnh tiến, dị hợm; đôi khi “con gà tức nhau tiếng gáy”, mộ của người nhà mình phải to, phải lớn, phải hoành tráng, phải tốn kém hơn thiên hạ. Có thể mới oách. Mới... hãnh diện. Vẫn biết nếu số tiền bỏ ra ấy từ thu nhập chính đáng không phải tiền tham ô, trộm cắp là được nhưng vẫn thấy buồn cười cho thói xấu của sự kệch cỡm.

Hôm qua, đọc bài báo Những khu mộ như lăng vua, phủ chúa ở nghĩa trang đại gia đầu tiên của Hà Nội (Báo Dòng Đời, phụ bản báo Đất Việt ngày 3.12.2014). Đọc xong, choáng luôn. Phải gọi đúng tên là sự hợm hĩnh. Khó có thể thay bằng từ khác.

Nghĩa trang Vĩnh Hằng cách Hà Nội 73Km nằm trên quả đồi rộng khoảng 20 ha, thuộc 2 xã Vật Lại và Phủ Sơn huyện Ba Vì (Hà Nội). Giá 1 mét vuông hiện nay giao động từ 12 - 15 triệu đồng. Nếu mộ đá phải là đá nguyên khối lấy từ Ninh Bình; nếu xây bằng đá ong phải là đá ong Thạch Thất. Bài báo cho biết: “Nổi tiếng nhất nhì ở đây là khu mộ “Tiên cảnh nhàn du”, được thiết kế kiên cố bằng đá, chạm khắc tinh xảo. Những phiến đá trắng, đá xanh nguyên khối, nguyên tảng, không có đường vân dù nhỏ bằng sợi tóc. Bên trái “Tiên cảnh nhàn du” là một khu mộ với kiến trúc rất mát mẻ, hiện đại. Nhìn vào không khác nào một công viên, nếu không có tấm bia mộ ghi dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn đấng sinh thành…”. Từ hàng rào, lối đi, thảm cỏ, đến cổng ra vào, tường bao, xích đu, ghế đá… tất cả đều khiến người ta nghĩ đây là căn biệt thự hay nhà vườn dành cho người sống”.

Một lăng mộ khác được miêu tả như sau: “Tọa lạc trên một vị trí đắc địa trong nghĩa trang, diện tích khoảng 200 m vuông, với 6 tòa lầu cao chừng 5 m, mái uốn cong, gắn rồng phượng, lợp bằng ngói lưu ly tráng men. Trước khu mộ là cánh cổng gỗ lớn trông như cổng thành, có tượng người và sư tử bằng đá đặt ở hai bên. Bên trong khu mộ cũng có rất nhiều những bức tượng Quan Âm, ngựa voi và lính canh, bàn ghế bằng đá trắng nguyên khối”.

Một người thợ xây cho biết, tốn kém không dưới 10 tỷ đồng: “Những ngôi mộ hoành tráng như vậy nên việc xây dựng vô cùng kỳ công, rồi đào móng sâu tới 5 m, bắn đá, đổ bê tông cốt thép. Trong quá trình xây dựng, gia chủ thường cử người giám sát chặt chẽ, chỉ cần một chi tiết không vừa ý là họ bắt sửa điều chỉnh ngay. Nói chung xây mộ cho người chết ở đây nhiều khi còn khó hơn xây nhà cho người sống”. Dám bỏ ra không dưới 10 tỷ đồng xây phần mộ, dù tiền "sạch" nhưng nó đã phản ánh triệu chứng bất thường của cơ thể sống một xã hội đang vận hành. Với số tiền đó, nhiều, rất nhiều người dân - cứ cho là tầng lớp trung lưu, dù có nằm mơ, có lạc quan như bác Ba Phi cũng không thể nghĩ đến ngày được sở hữu. Từ nghịch lý này, ta có thể nhận ra điều gì? 

Lòng hiếu thảo với đấng sinh thành, người ruột thịt, mong muốn họ "mồ yên mả đẹp" là chính đáng, nhưng báo hiếu, thương nhớ kiểu này có đáng khen không? Trong lúc bà con láng giềng ăn không đủ no, mặc không đủ ấm mà vẫn bỏ tiền của ra xây mộ phần to như dinh tổng thống! Quái đản thật. Nghĩ cho cùng, chẳng có gì bền vững mãi dưới gầm trời này. Con người ta chết đi, điều còn lại ở đời là đã làm được gì cho cộng đồng, chứ không phải ở cái mộ to đùng đoàng kia. Cái Nghĩa trang Vĩnh Hằng kia dù "sinh sau đẻ muộn" có lẽ đã “ăn đứt” cái “thành phố ma” thuộc làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) mà trước kia, nó nổi danh bởi lăng mộ với kiến trúc đồ sộ, quy mô bậc nhất cả nước! Lãng phí khủng khiếp. Mà thôi, chuyện của thiên hạ, bình luận làm chi. Trên đời này còn có nhiều chuyện nhố nhăng, quái đản hơn nữa kia mà. Ừ. Thì mặc xác họ.

Đọc sử càng kính phục, ngưỡng mộ danh tướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngày 20.8 năm Canh Tý (3.9.1300), Ngài qua đời tại phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Trước lúc sắp mất, Ngài dặn lại các con: “Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi sau san đất và trồng cây như cũ, để người sau không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho xác ta mau mục”. Dù vậy, sự thờ phụng Ngài, tôn kính Ngài vẫn mãi mãi lưu truyền trong tâm thức thế hệ này sang thế hệ khác. Năm kia, về Tiên Điền thăm mộ Nguyễn Du thấy đúng như nhận xét của nhà thơ Vương Trọng:

Một vùng cồn bãi trống chênh

Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề

Nơi an nghỉ của đại thi hào dân tộc đấy ư? Cần gì phải lăng mộ huếnh hoáng bạc tỷ kia nhưng với tài sản vô giá Truyện Kiều để lại đời sau, cũng có nghĩa Nguyễn Du đã trường tồn vĩnh cửu trong lòng con dân nước Việt. Vậy thì, điều quan trọng, cốt lõi nhất vẫn là những gì đã làm khi đang sống, chứ lúc đã trở nên thành người thiên cổ thì cái lăng mộ khoe của ấy có ích gì, ý nghĩa gì? Trả hiếu cho đấng sinh thành thay vì ném bạc tỷ vào cái nhà mồ, chỉ cần trích ra một ít mà xây cái cầu, làm con đường, giúp trẻ nghèo hiếu học thành tài… có phải thiết thực hơn không, nhân nghĩa hơn không?

Có thông tin lý thú về thị trường tranh cần ghi lại: Bức tranh sơn dầu Nhìn từ đỉnh đồi (View from the hilltop) của danh họa Lê Phổ vừa được nhà Christie’s International bán đấu giá tại Hồng Kông hôm 22.11.2014 với giá 840.000 USD. Đây được xem là bức tranh đắt giá nhất của một họa sĩ Việt Nam được bán tại Christie’s International. Vượt qua bức Người bán gạo (La marchande de riz) của danh họa Nguyễn Phan Chánh bán được 390.000 USD vào tháng 5.2013 cũng tại đây. Bức tranh này, danh họa Lê Phổ vẽ năm 1937.

Chắc chắn sức sống Nhìn từ đỉnh đồi tồn tại lâu bền hơn, có ý nghĩa nhân sinh hơn bất kỳ lăng mộ vô danh nào dù được “nhìn từ đỉnh đồi” bất kỳ nào.

 

tranh_nhin_tu_dinh_doi_cua_Le_Pho

Nhìn từ đỉnh đồi của danh họa Lê Phổ (ảnh: Iternet)

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment