Trở lại với câu chuyện văn bia. Để có tác phẩm đi vào người, tất nhiên tài năng là một yếu tố không thể thiếu, thậm chí được xếp hàng đầu. Tuy nhiên, rất cần đến yếu tố thôi thúc nội tâm, tự mình cảm thấy phải viết, nếu không sẽ ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm ngày trằn trọc mãi. Vì thế phải viết. Thời chúa Uy vương Trịnh Giang (1729-1740) ra lệnh trong thành Thăng Long cấm đốt lửa ban đêm. Kẻ sĩ muốn viết phải thế nào? Sử không chép rõ, có điều chắc chắn do căm thù chiến tranh, lên án chiến tranh thông qua nỗi lòng người vợ có chồng ra sa trường:
Hồn tử sĩ ù ù gió thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
nên Đặng Trần Côn phải viết. Bất chấp lệnh chúa đã ban, ông đào hầm, ngồi trong lòng đất chong đèn mà học, đọc, viết. Nhờ tài năng và kiên gan bền chí, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Chinh phụ ngâm (dài 478 câu thơ) bằng chữ Hán. Viết là nhu cầu tự thân, dù có giàu tưởng tượng, hư cấu đến đâu cũng không ai dám nghĩ là lúc viết Chinh phụ ngâm trong đầu Đặng Trần Côn mơ tưởng đến… tiền thưởng.
Nói như thế, vì ngày nọ, cách đây chưa lâu, lúc ấy y cùng vài anh em làm Ban Giám khảo cuộc thi thơ quần chúng chủ đề Nông thôn đổi mới của Trung tâm Văn hóa TP.HCM. Lúc trò chuyện, anh bạn nọ - cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết đôi chuyện “bếp núc” của cuộc thi Cuộc thi Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. Anh kể, do giữ trọng trách đứng đầu một cơ quan thuộc Hội chuyên ngành tại TP.HCM nên ông nọ được cử vào Ban Giám khảo. Chuyện phân công này hợp lý quá, nhưng sau đó, nhìn thấy số tiền giải thưởng cao ngất, hơn thù lao của thành viên Ban Giám khảo gấp nhiều lần nên ông ta xin rút lui để… làm thí sinh dự thi! Nghe cứ tưởng như đùa. Chuyện này, tưởng “bí mật” ai ngờ sáng qua vào Hội dự ra mắt sách mới, một người bạn thơ cũng nhắc lại thông tin trên.
Nếu không phải viết như một đòi hỏi sáng tạo khốc liệt của người nghệ sĩ mà vì giải thưởng đặng lãnh số tiền kếch sù, liệu bạn đọc có tin những gì đã viết? Trong đám tang, dù những người khóc chuyên nghiệp có bù lu bù loa đến đâu nhưng cũng nhẹ hều, vô nghĩa trước giọt lệ của người ruột thịt khóc người đã khuất. Tiếng khóc ấy là máu lệ từ gan óc, chứ không hề khóc như một sự mưu sinh kiếm sống. Ở đây, chỉ nêu một trường hợp đó chứ không hề “quơ đũa cả nắm” rằng ai dự thi cũng vì chăm bẳm vào tiền thưởng.
- Ơ hay, cho tôi cho phản biện nhé?
- Cứ việc. Nào ai cấm cản gì đâu.
- Có những tác phẩm rõ ràng viết tham dự cuộc thi nào đó nhưng chất lượng vẫn tốt, vẫn được bạn đọc hoan nghênh kia mà?
- Vâng, viết tham dự cuộc thi nào thì cũng được, chẳng ai bắt bẻ gì. Viết vì động cơ kiếm tiền, vì kiếm danh cũng chẳng sao, thậm chí còn đáng khen là khác. Sinh thời, văn hào Dostoivsky viết như ma đuổi vì nợ nần, bằng mọi giá phải có tiền, nhưng tác phẩm của ông là đỉnh cao. Văn hào Lev Tolstoy thuộc giới quý tộc, viết không vì tiền nhưng tác phầm của ông là đỉnh cao. Với văn hào Victor Hugo ngay từ lúc đi học ông đã từng có ý thức vì danh, bằng chứng một mình ông đã từng làm “tờ báo” chuyền tay bạn học cùng lớp đọc để những gì ông đã viết.
Nhưng viết văn bia, tế, cáo… ngoài tài năng, cảm hứng thì thể loại đó còn đòi hỏi cả yếu tố tâm linh nữa.
Bởi lẽ, làm nên tác phẩm văn bia, văn tế là từ chất liệu của thăng trầm lịch sử, từ công đức, số phận người đã xa mặt khuất mày.
Đừng quên, tính cách một dân tộc, truyền thống một dân tộc, nói khái quát là tinh hoa của một dân tộc không tự nhiên mà có. Mà hình thành trong cả quá trình dựng nước, giữ nước. Quá trình đó, với dân tộc Việt chỉ có thể gói gọn trong một chữ “đánh”. Đánh ngoại xâm, đánh lẫn nhau. Có lẽ bi kịch khốc liệt nhất của nồi da xáo thịt vẫn là thuở Thập nhị sứ quân, Trịnh - Nguyễn phân tranh rồi cuộc chiến gần đây. Giữa chốn sa trường đối mặt với hòn tên mũi đạn, có cái chết nhục, có cái chết vinh, có cái chết được tôn vinh, có cái chết bị dè bĩu, có cái chết oanh liệt, có cái chết oan khuất…
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đổi mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Phơi thây trăm họ nên công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
Vì thế, viết văn bia, văn tế chỉ có thể lấy cái Tâm ra mà viết. Tiền và Danh làm sao sánh nổi:
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Nếu muốn kiếm tiền, kiếm danh thì múa bút ở thể loại nào cũng được. Rất đáng hoan nghênh miễn là viết được cái gì đó cho chính mình và cho bạn đọc. Nhưng viết văn bia, văn tế thì quyết không thể chỉ vì mục tiêu đó. Do đó, không phải ngẫu nhiên, một khi đã khắc bia đá lưu truyền đời sau có nguyên tắc bất di bất dịch không bao giờ ghi tên tác giả, chỉ đôi dòng khiêm tốn phía sau văn bia.
Đúng không nào?
Lại nghĩ, nếu Nguyễn Trãi không viết Văn bia Vĩnh Lăng ca ngợi công đức vua Lê Thái Tổ dưới thời vua Lê Thái Tôn, liệu sau này ông có còn cảm hứng để viết không? Vấn đề đặt ra ở đây, ngoài tài năng, cảm hứng còn là thời điểm nữa. “Thời Lê Thái Tôn ở ngôi là thời Nguyễn Trãi đắc chí nhất, được trọng dụng nhất” (Nguyễn Trãi toàn tập - Viện Sử học, NXB KHXH 1976, tr.17). Sau thời điểm đó, với những oan khuất bầm dập thì dẫu cũng tài năng đó, cảm hứng đó chắc chắn Nguyễn Trãi không thể hạ bút viết câu cú, suy nghĩ thâm sâu như Văn bia Vĩnh Lăng lưu ngàn đời sau mà ta đã biết.
Do đó, nghĩ rằng, nếu Cuộc thi Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” được phát động ngay sau ngày Thống nhất đất nước kết quả sẽ khác, tất nhiên. Làm sao có thể quay lại những ngày tươi đẹp ấy? Còn nhớ ngay sau Giải phóng Đà Nẵng, đi trên nẻo đường nào cũng thấy những tờ truyền đơn hả hê sung sướng trao tận tay, người người hào sảng đọc lên mà cậu bé 15 tuổi thuở ấy là y vẫn còn nhớ như in:
Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy
Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng.
Ngày ấy, chắc chắn ai ai cũng tự thấy rằng: “Cách mạng là ngày hội của quần chúng”. Vì thế, những thơ, những văn, những tác phẩm văn học ra đời trong thời điểm ấy hấp dẫn người đọc một phần còn do tâm thế giữa người viết và người đọc song hành. Được như thế, bởi tình cảm xã hội, hiện thực xã hội đã cho họ có chung một cái nhìn. Nhưng rồi, thời điểm này, thế nào? Từ đó, có câu hỏi: Có phải tất cả những gì đã sáng tác thời điểm ấy, nay nhìn lại ai ai cũng hài lòng? Há chẳng phải có nhiều người người lặng lẽ và không nói gì đó sao? Do đó, một khi giữa truyền thống đến hiện thực đời sống đã có một khoảng cách thì chưa chắc người nghệ sĩ đã sáng tác đúng những gì đúng như họ đã nghĩ trong đầu. Ừ, cứ cho là họ đã viết đúng như mình đã nghĩ, liệu quần chúng có chấp nhận hay không lại là chuyện khác nữa. Lịch sử không bao giờ tồn tại chữ “nếu”. Thành ngữ Pháp có câu cực hay: “Với chữ “nếu” người ta có thể nhét cả Paris vào trong một cái lọ”. Mà thôi, để tránh hiểu nhầm, xin nhắc lại quan điểm của y vẫn như đã phát biểu trong Nhật ký 28.10.2014: “Biết là thế, nhưng cuộc thi này mở ra cũng rất cần thiết vậy".
Sáng, viết đến đây. Nghĩ trưa. Đọc tờ báo Xa lộ Pháp luật (Ấn phẩm của báo Pháp luật Việt Nam) số ra 158 ngày thứ Tư 29.10.2014, chú ý đến bài Lãnh đạo TP.HCM đánh giá Tệ nạn ma túy trên đường phố: “Chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay”. Trong đó có đoạn bất ngờ quá (nguyên văn): “Tệ nạn nghiện ma túy, vô tư chích hút từ khu trung tâm cho đến các con hẻm được lãnh đạo TP HCM đánh giá là rất nguy hiểm. Dù rất sốt ruột, song chính quyền không thể làm gì bởi vướng thủ tục. Không chỉ người dân hoảng loạn mà ngay cả Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cũng bất an khi đối diện với người nghiện. “Hôm đó tôi xuống quận 2 làm việc, ngay chỗ cây cầu sắt. Thấy một anh người thì xăm trổ, tay cầm ống tiêm ngồi trên cầu tôi cũng hoảng, không dám bước xuống xe", ông Quân cho biết tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện”. Cuối bài cho biết đăng lại theo vnepress.net. Kiểm chứng lại, bài báo trên chính là bài Hoảng loạn vì người nghiện ở Sài Gòn - post lúc Thứ hai, 27/10/2014 | 10:53 GMT+7 ngày Thứ Hai 27.10.2014 của tác giả Kiến Tường - Trung Sơn.
Có lẽ, nhà báo bịa ra chi tiết kỳ quặt trên chăng? Làm gì lại có chuyện trái khoáy đến thế?
Chiều vào cơ quan họp. Nhận qua bưu điện tờ báo Văn Nghệ, tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam gửi tặng hội viên. Lâu nay, nhiều tờ báo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đã vắng bóng trên sạp bóng. Họp xong, đi lang thang một vòng xuống khu bán sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn. Đi giết thời gian. Đi mua sách cũ là mua lấy một kỷ niệm đã cũ. Vậy thôi. Phát hiện ra một điều, sách cũ trước năm 1975 còn lại nhiều nhất ở đây vẫn là các loại sách tôn giáo, kinh kệ, truyền đạo. Có lẽ do “ấn tống” nên đã in với số lượng nhiều? hay do không mấy ai sưu tập nên vẫn còn đó? Mà loại sách này, thời nào cũng cần...
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|