LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.11.2014

linh-tho-Dong-DuongRR

 

Hôm kia, đến IDICAF tham dự hội thảo và ra mắt tập sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên (nguyên tác: Immigrés de force - Les travailleurs indochinois en France (1939 - 1952) của Pierre Daum, bản dịch của Trần Hữu Khánh. Không rõ tổ chức ra sao, chẳng thấy có lấy một mống nhà báo nào cả.

Quyển sách này thú vị quá. Lần đầu tiên, một nhà báo, nhà nghiên cứu người Pháp điều tra, lật lại những hồ sơ tư liệu về người Việt đã bị đưa sang Pháp thời Thế chiến II. Họ bị tuyển mộ, nói chính xác là bị cưỡng  bức sang “mẫu quốc” làm “lính thợ” phục vụ cho nguồn máy chiến tranh nước Pháp đang đánh nhau với Đức. Từ Hải Phòng, ngày 12.10.1939, lúc 3 giờ chiều, tàu Yang Tse đi Marseille. Chuyến tàu đầu tiên này chở theo 1.396 nông dân Việt Nam. Họ chen chúc dưới hầm tàu, được đối xử như đồ vật, hàng hóa. Ngày 21.11.1939, tàu đến cảng Marseille.  Lần lượt, có cả thẩy 20 vạn người Việt đã đến Pháp, con số chính xác là 19.362 người sang đó làm lính thợ. Trong số này, về sau có một người rất nổi tiếng là họa sĩ Lê Bá Đảng. Y đã có dịp trò chuyện và xem tranh Lê Bá Đảng lúc ra Huế tham dự Fsetival. Lúc đó, Huế vừa tạo điều kiện cho ông mở Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Ít ai biết, chính lính thợ người Việt là chủ nhân của cây lúa ở vùng Camargue: “Nhờ kinh nghiệm cha ông để lại, những người này đã thành công ở vùng đất mà biết bao người khác trước đến đây đã từng thất bại, để trồng lên ở Camargue một giống lúa chất lượng cao làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế và phong cảnh của vùng châu thổ sông Rhôme. Đồng thời giúp nhiều dân xứ Arles giàu to” (tr.166-167). Chưa hết, năm 2000, nhà bảo tàng Gạo do cơ sở tư nhân Robert Bon xây dựng, trên một tấm pano có in hình ảnh người Việt đang cấy lúa, đầu đội nón lá và ghi dòng chữ thuyết minh: “Những người nông dân Việt Nam đang lặp lại những động tác của tổ tiên họ và đã thành công trong việc mang kinh nghiệm của cha ông mình đến cho ruộng lúa Camargue” (tr.178). Nếu không đọc sách, làm sao có thể biết được chi tiết đáng tự hào này?

Vấn đề lính thợ ở Việt Nam ở Pháp của năm tháng 1939 - 1952, hầu như giới sử học nước nhà chưa có một công trình nào nghiên cứu thấu đáo, đầy đủ. Thôi thì, bạn đọc Việt đành “mượn” công sức của chính tác giả người Pháp vậy. Mà nhiều vấn đề tương tự, nếu không ai chú tâm nghiên cứu, thế hệ sau chỉ có thể biết lờ mờ.

Đọc nhiều tài liệu khác, biết rằng, trước đó, thời Thế chiến I người Việt cũng đã từng bị cưỡng bức sang Pháp. Ủng hộ chủ trương này, Phạm Quỳnh đặt ra câu: “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc" tuyên truyền ầm ĩ trên báo chí thuở ấy. Nhà văn Nguyễn Vỹ, với Tuấn, chàng trai nước Việt đã trở thành nhà chép sử trứ danh. Ông viết lại sự kiện trên, thông qua những số phận, những nhân vật hiện rõ từng đường nét ấn tượng: “Tuấn đọc to lên cho cả làng nghe. Tờ "Trung Kỳ Bảo Hộ công báo" là một tờ báo của Toà Khâm Sứ ở Huế gởi đi các tỉnh, tỉnh gởi về Huyện, Huyện gởi về các làng. Tờ báo đăng tin Nhà nước bảo hộ Pháp-lang-sa đang đánh giặc với Đức, tức là nước Phổ-lỗ-sĩ (phiên âm chữ Prusse, Đức phiên âm chữ Deutsch). Đức là một nước "dã man, tàn bạo", bị Pháp-lang-sa đánh thua liểng xiểng , binh lính Đức chết vô số, có cả hàng ngàn, hàng vạn, v.v... Nhưng trận giặc còn lâu dài, cho nên "dân An Nam nhờ nước Pháp-lang-sa bảo hộ  phải quyên tiền và đem binh lính sang Pháp để đánh lũ giặc Đức mọi rợ... v.v... Quyên tiền bạc bằng cách mua "Phiếu Quốc Trái", nghĩa là dân bỏ tiền ra mua Phiếu quốc trái, cũng như cho Nhà Nước Bảo Hộ vay, mỗi năm tính lời v...v... Bức vẽ "Rồng Nam phun bạc" cổ động cho phiếu quốc trái, con Rồng "An Nam" phun bạc ra như thế để "đánh đuổi giặc Đức”. Lúc bấy giờ Đức chiếm cứ cả miền Đông nước Pháp, gồm hai tỉnh Alsace - Lorraine, và hăm dọa tiến vào kinh đô Paris.

Dân làng, bất luận giàu, nghèo, đều phải góp tiền để mua Phiếu Quốc Trái. Hơn nữa, làng phải mộ dân tình nguyện đi lính sang Pháp để "đánh đuổi giặc Đức ".

Sự thật, không có dân nào tình nguyện cả. Sau cùng làng xã phải bắt ép hai cậu thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh. Một người tên là Năm Xin, con Bà Trác goá chồng , nhà nghèo xác nghèo xơ, "không có miếng đất để cắm dùi". Người nữa là chàng nho sĩ, học trò cũ của ông Tú Phong, bấy giờ thôi học, lo làm ruộng.

Hầu hết lớp "lính tình nguyện" nầy ở khắp xứ Trung Kỳ, cũng như ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ đều là thanh niên nho học từ 21, 22 đến 24, 25 tuổi.

Phong trào mộ thanh niên đi tùng chinh sang "Mẫu Quốc" là một dịp cho các quan An Nam từ quan tỉnh xuống quan huyện, cho đến các ông hương, ông xã trong làng, đòi ăn hối lộ. Một số đông các ông này chơi ác, cứ nhè bắt bọn thanh niên trai tráng con nhà giàu, đi tùng chinh. Thế là các bậc cha mẹ phú hộ phải đem của tiền lo lót, cho con khỏi đi. Phải lo lót Xã một phần, lên lo lót Huyện một phần, rồi lo lót các cụ lớn trên tỉnh nữa. Về thực tế, phải nhìn nhận rằng các quan lại người Pháp không bao giờ ăn hối lộ trong vụ này, và họ hoàn toàn không biết một tí gì về cái thói hối lộ của quan An Nam. Hối lộ gần như công khai. Nhà giàu đua nhau nhờ cậy chỗ này chỗ nọ, chạy chọt ông này ông kia, bán cả ruộng đất, nhất là con trai trưởng trong gia đình, khỏi bị bắt "tình nguyện" đi lính sang Pháp (…). Trong làng sở tại của Trần anh Tuấn, lúc đầu tiên có hai người thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh, bị bắt "tình nguyện" tùng chinh sang Pháp. Sau, quan binh buộc làng phải bắt thêm một người nữa. Cả thảy là 3 người:

- Năm Xin, con bà Trác.

- Hai Ngoạn, con chú Đẹp.

- Hai Tạ, con ông Bằng.

Cả ba đều là nhà nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo sát đất, nghèo mạt tệ. Vì lớp thanh niên nhà giàu, hoặc nhà khá giả, hoặc con trai các vị hương chức, đều nhờ hối lộ, và nhờ có quyền thế, đã được miễn tùng chinh. Sót lại ba anh chàng này không có miếng đất cắm dùi, cho nên phải đi lính '"tình nguyện" qua "mẫu quốc" đánh giặc "Phổ Lổ Sĩ ". Nói là qua "mẫu quốc" đánh giặc, nhưng sự thật thì qua bên đó nhập vào một đơn vị gọi là "đoàn quân thuộc địa" chỉ dùng riêng vào việc vận tải lương thực ở hậu tuyến mà thôi. Một số bị bắt ra mặt trận, nhưng cũng chỉ là khiêng vác các khẩu súng lớn, đẩy các cổ đại bác và đào hầm trú ẩn. Chẳng có một người "lính thuộc địa" nào, nhất là lính "Tirailleurs Annamites" được cầm súng đánh giặc cả.

Gia đình của ba chàng thanh niên trong làng sở tại của Tuấn bị bắt đi tùng chinh bên Pháp đều có làm cơm cúng ông bà, và cúng ông Thần làng, trước hôm họ từ giã ra đi. Tội nghiệp nhứt là bà Trác. Bà khóc nức nở vì bà đã goá bụa, mà Năm Xin lại là con một của bà, "như hũ mắm treo giàn bí". Mấy ông hương chức bắt cậu đi tùng chinh qua Tây kể cũng thật là ác ! Họ chẳng thương hại cho hoàn cảnh của bà Trác một chút nào! Nhưng Năm Xin nói với mẹ: "Mẹ đừng có lo, Nhờ Trời che chở cho con được bình an vô sự, con đi lính sẽ đóng lon Cai, lon Đội, con được hàm Bát Phẩm, Cửu Phẩm, rồi con về làng con được ăn trên ngồi trước, con sẽ bỏ tù hết cả làng cho mẹ coi!". Năm Xin không có học chữ Nho, dốt đặc như cán cuốc, cho nên chàng nói nôm na mánh qué như thế, vậy mà mấy ông làng nghe cũng hơi ơn ớn.

Hôm bà Trác mua một con gà giò về làm thịt nấu cháo để cúng ông bà, cậu Năm Xin có nằn nì mẹ mua cho cậu một tiền rượu, trước là để cúng sau là để cậu uống một bửa cho thoả thích. Uống rượu say, cậu la hét một mình , cả làng xóm đều nghe: "Rồi coi chừng thằng Năm này, nghe không. Tao đi đánh giặc cho Vua nước Đại Pháp, biết đâu chừng Vua Đại Pháp thăng cho tao chức Lãnh binh, Thống chế, rồi tao sẽ cho bà con giòng họ tụi bay đi ở tù hết! Nghe chưa tụi bay? Đó là tao nhơn đức đó, không thì tao giết hết không còn một mạng à!".

Năm Xin mượn hơi rượu để hăm doạ các ông Hương Xã, trước hôm y ra đi tùng chinh, thế mà đã có kết quả ngay ngày hôm sau. Lúc giờ Mẹo, chàng xách gói ra đi, cả làng cả xóm đều đến vuốt ve, dua nịnh, sốt sắng chúc chàng: "thượng lộ bình an". Ai nấy cũng nghĩ thầm: "biết đâu chừng sau này hết giặc, nó sẽ trở về làm tới Lãnh binh, Thống chế!"

Hai vợ chồng ông Bằng, thì bà khóc nhưng ông không khóc. Vì Hai Tạ tuy cũng là con một trong gia đình, nhưng cậu ngỗ nghịch quá xá, lại cờ bạc rượu chè  bỏ nhà đi chơi luôn. Ông ghét nó lắm. Ông muốn thằng con ông đi lính qua Tây cho khuất mắt ông. Qua bên đó đánh giặc thế nào nó cũng chết, ông nghĩ thế. Ông sẽ cưới bà vợ bé, sanh thằng con trai khác để nối giòng nối dõi.

Trong ba chàng thanh niên tùng chinh, chỉ có Hai Ngoạn là có chút ít học thức. Chàng là học trò của ông Tú Phong , dồi mài kinh sử đã lâu, nhưng số phận hẩm hiu, đi thi kỳ nào cũng hỏng, hoặc phạm trường quy bị đánh rớt. Sức học của cậu có kém gì mấy ông Tú Tài, Cử Nhân, nhưng lều chõng mấy phen mà bạch thủ vẫn hoàn bạch thủ, đành cu rú ở nhà, vô tích sự. Chàng có hơi thất chí, nhưng vẫn kiêu căng tự đắc, lúc nào cũng cho mình là một sĩ phu chưa gặp thời đó thôi. Bị làng bắt đi lính sang Pháp-lang-sa, Hai Ngoạn nghĩ rằng thời của chàng đã đến. Đây là cơ hội đễ chàng tiến thân. Chàng xổ một mớ chữ Nho , nhớ câu trong sách: "Đại trượng phu xử thế đương tảo trừ thiên hạ, an sự nhất thất?" (Người trai ở đời phải quét sạch cả thiên hạ, há lẽ chỉ quét một cái nhà thôi ư!).

Kể ra chàng cũng có cái khí khái của con nhà Nho dở mùa, nhưng chàng rêu rao có hơi sớm.

Ba nhân vật trên đây có thể nói là điển hình. Họ tiêu biểu ba hiện tượng tâm lý của lớp thanh niên An Nam tùng chinh sang Pháp trong trận Đệ nhứt Thế chiến, 1914-1918” (SĐD, bản in năm 1969, tr.146-151).

Thân phận người Việt sang Pháp năm tháng ấy, cụ thể ra làm sao là vấn đề của sử học. Những rồi đến nay vẫn là một khoảng trống. Nghiên cứu lịch sử, đành rằng thông qua các con số, dữ liệu thống kê v.v… những nó có tác dụng đến đời sau thế nào nếu không đề cập đến những số phận, thân phận cụ thể? Đọc lại Nam Cao, Ngô Tất Tố loáng thoáng có thấy hình ảnh của những con người bị cưỡng bức phục vụ chiến tranh ở Pháp, lúc họ quy cố hương. Có thể ghi nhận, từ sự kiện trên, văn học hiện thực hiện đại Việt Nam đã xuất hiện một mẫu nhân vật mà trước đó chưa hề có. Đó là những nông dân nghèo rớt mồng tơi, chữ nghĩa lem nhem, thất học đột nhiên sang Pháp, tiếp cận văn hóa Pháp ở mức độ thấp. Lúc trở về làng, họ trở thành loại người mà làng xóm cho rằng ngớ ngẫn, đem ra giễu cợt, làm trò cười bởi họ đã có những cách ứng xử theo “kiểu Pháp”… Sự kiện chính trị tác động đến văn học là lẽ tất nhiên. Thời sự nông dân Việt Nam với giải tỏa ruộng đất, tranh chấp đất đai đã xuất hiện không chính thống từ mới, từ “dân oan”. Gọi không chính thống vì từ này không hề xuất hiện trên báo chí của nhà nước. Vài năm trước, có một quyển tiểu thuyết của nhà văn sống ở hải ngoại in trong nước, sau khi ấn hành đã bị thu hồi. Chỉ vì trong đó có viết đến từ “dân oan”.

Cả ngày hôm qua họp. Do đó, không thể tham dự hội thảo về nhà văn Trang Thế Hy tổ chức ở NXB Trẻ. Họp từ sáng đến chiều. Họp xong, tranh thủ chạy qua 42 Trần Cao Vân dự tiệc khai trương Nhà hàng Pizza 365. Loại bánh này đã xuất hiện tại Việt Nam lâu rồi, nhưng đây là lần đầu tiên có bánh Pizza chính hiệu của vùng Napoli - cái nôi của Pizza Ý. Trong nhà hàng này có lò củi hấp bánh nặng 2 tấn, chuyển từ Ý sang, độ nóng thường trực 365 độ và mỗi cái bánh chỉ nướng trong vòng 1 phút 30 giây. Khách có thể tự thao tác để có cái bánh cùng vật liệu kèm do mình chọn. Vài thông tin ghi nhận, chẳng hạn, năm 2009, đặc sản Pizza Napoli được Liên minh châu Âu công nhận là Đặc sản truyền thống được đảm bảo; năm 2011 là ứng cử viên của Di sản phi vật thể UNESCO. Với loại bánh này, người Ý có thông tin chứng minh năm ra đời của nó, sớm nhất vào năm 1660 rồi cải tiến dần dần qua các thời gian sau. Trong khi đó, chứng ta có những món ăn thuộc loại  “thần sầu quỷ khốc” như phở, bún bò Huế, mì Quảng, hủ tiếu, chả cá v.v… nhưng xem ra “lai lịch” còn mù mờ lắm.

Nhìn ra ngoài trời, đã thấy có không khí Tết. Sở dĩ thế, bởi hôm nay, y đi mua vé máy bay Tết.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment