Núi Bà bỗng một ngày như bồng bềnh trong màn sương trắng mỏng mờ đục, núi như cánh buồm nhấp nhô kỳ ảo. Nắng hửng lên, những tia nắng như dát vàng, dát ngọc, hồi quang phản chiếu sắc cầu vồng. Sương nhẹ mỏng dần, như xiêm áo mỹ nữ…
Một danh lam thắng cảnh tại Tây Ninh. Ảnh: Internet
Hào hứng với chuyên mục "Tác phẩm của bạn bè", nhà thơ Đoàn Vị Thượng (em ruột nhà thơ Từ Nguyên Thạch) vừa gửi đến bài viết này - nhằm góp thêm một vài tư liệu về thế hệ cầm bút trưởng thành sau 1975. Bài viết nhiều thông tin và có cái nhìn dí dỏm, thân tình trong tình bạn. Trong đó, Thượng không hề nhắc đến thơ anh, trước 1975 anh đã có thơ in báo và ký tên thật Trần Quang Đoàn. Lúc nào rỗi, có thời gian tôi sẽ post những bài thơ đó của anh lên trang web này mà tôi đang lưu giữ.
Từ trái qua phải: Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương (2012)
Ai tôi không biết, chứ Đoàn Vị Thượng là một người yêu thơ quyết liệt, anh đã có tập thơ và nhiều thơ in lai rai từ năm 1975 đến nay và là một những hội viên lớp đầu của Hội Nhà văn TP.HCM. Năm 1989, khi tôi in tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao, http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/670-trong-coi-chiem-bao.html Thượng là người viết lời Tựa. Ấy là cái thuở chúng tôi cặp kè với nhau như hình với bóng... Nhò vậy, tôi có cảm hứng viết bài thơ này tặng Thượng, nay đọc lại ngậm ngùi quá đỗi http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/669-ngay-mai-con-lai-mot-minh-toi.html?start=24 Và bây giờ, thỉnh thoảng vẫn là những hẹn hò nắng mưa trong quán nhậu, vẫn là những câu chuyện đắm đuối về thơ. Thoáng đó, đã ngoài năm mươi...
L.M.Q
IV.2012
Nhà thơ Trần Hoàng Vy, quê quán Quảng Ngãi. Hiện nay, anh sống, dạy học và sáng tác tại Gò Dầu, Tây Ninh. Từ năm 1973, anh đã in tập thơ Ca dao của mẹ.
Nhà thơ Trần Hoàng Vy
Những tác phẩm thơ của anh đã xuất bản, ta có thể kể đến Ngủ giữa vườn tiếng chim, Thơ gửi tuổi 17, Bóng nhớ, Chớp mắt rồi cười, Tự khúc… Ngoài ra, anh còn có nhiều tập văn xuôi khác cũng được bạn đọc yêu thích. Anh từng nhận nhiều giải thưởng văn học của Trung ương và địa phương.
Chùm thơ của anh gởi về trang web www. leminhquoc.vn, tôi đọc chậm rãi và hào hứng. Và chắc rằng, như anh đã viết: "xanh hết đời, / xanh lẫn vào xanh…". Thì thơ anh đến với người yêu thơ cũng trong tâm thế đó.
L.M.Q
IX.2012
Nhà thơ Hoàng Gia Cương, quê quán Quảng Bình, hiện sinh sống tại Hà Nội và hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà thơ Hoàng Gia Cương
Anh đã in những tập thơ như Lặng lẽ thời gian , Lắng đọng, Trong cõi vô biên, Trải nghiệm với thời gian và tập truyện & ký Cổ tích cho mai sau. Chùm thơ này anh gửi đến trang web leminhquoc.vn, tôi đọc và cảm nhận từ trong sâu thẳm mỗi câu thơ, anh gửi gắm nhiều nỗi niềm thế sự.
L.M.Q
IX.2012
Trong một trang tùy bút tài hoa, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết một câu mà tôi còn nhớ, đại khái, ông không thể tưởng tượng được, nếu một sớm mai thức dậy ở Huế, lại thấy dòng sông Hương biến mất. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi cũng có thể nói rằng, tôi không thể tượng tượng nổi, nếu ngày kia lật lại trang viết của nhà văn Đoàn Thạch Biền mà nhân vật không còn xưng hô “ông” và “em” nữa.
Đó “đặc sản” của văn xuôi Đoàn Thạch Biền.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền qua nét vẽ họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi
Còn thơ?
Nhà văn Đoàn Thạch Biền làm nhiều thể loại thơ. Đủ sức in một tập ra tấm ra miếng. Nhưng đến nay vẫn chưa. Là người em thua anh đúng một con giáp, là người bạn cùng khề khà đối ẩm chừng ba mươi năm nên tôi được đọc khá nhiều thơ anh. Hay nhất vẫn là thơ năm chữ. Loại ngũ ngôn, thoạt đầu tưởng dễ, nhưng tìm chỉ năm chữ đắc địa đứng chung một câu là điều không dễ. Mỗi bài thơ năm chữ của anh đều gọn gàng một tứ thơ. Chỉnh chu. Và Đẹp. Đẹp bởi chi tiết thô ráp của đời sống. Thêm một giọt nữa là thừa. Thiếu một giọt nữa là thiếu. Rót rượu như thế, nhà văn Nguyễn Tuân dùng cụm từ bay bướm “bồng mắt thỏ”, phải là những tay danh tửu hảo hán. Đọc chùm thơ này của nhà văn Đoàn Thạch Biền, tôi liên tưởng đến điều đó dẫu vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khễnh.
Chẳng hề gì.
L.M.Q
XI.2012
Có những người, tôi chưa gặp mặt nhưng thỉnh thoảng vẩn điện thoại tán ngẫu, trong số đó có nhà thơ Cao Thoại Châu. Anh là nhà giáo. Nếu tôi đoán không nhầm, anh sinh năm Đinh Hợi, quê Nam Định và hơn tôi một con giáp. Năm 1963, anh đã có thơ in trên tạp chí Văn, đó là bài thơ Chỗ ngồi của thầy giáo thời chiến. Đến nay, anh có nhiều tác phẩm thơ, tạp văn xuất bản lai lai và cũng đều gửi tặng tôi qua đường bưu điện như Vách đá cheo leo, Vớt lá trên sông, Ngựa hồng, Rạng đông một ngày vô định, Bản thảo một đời....
Nhà thơ Cao Thoại Châu
Bạn văn quý nhất là vẫn có tác phẩm tặng cho nhau.
Sống để viết.
Và bài Một ít tiếng lóng Sài Gòn, anh vừa gửi đến cho trang web leminhquoc.vn. Tôi vui mừng giới thiệu cùng mọi người. Nhân đây cũng xin nói luôn, NXB Khoa học Xã hội năm 2001 có in quyển Tiếng lóng Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khang: "Vì tiếng lóng nói chung và từ ngữ tiếng lóng nói riêng được coi là dạng ngôn ngữ "ký sinh" và "lâm thời: xuất hiện nhanh và mất đi cũng nhanh (bao gồm cả sự mất đi nghĩa là không được sử dụng nữa và mất đi khi chúng trút bỏ cái vỏ lóng để nhập vào ngôn ngữ chung" (tr. 7). Thế thì, từ đó ta có thể hiểu rằng, mỗi thời đại đều có một số tiếng lóng riêng. Và nó sẽ tự đào thải. Vì thế, tiếng lóng chỉ có "giá trị" nhất thời. Khi nghiên cứu tiếng lóng, người ta có thể hiểu được lời ăn tiếng nói của một thời, tất nhiên, tiếng nói ấy chỉ thông dụng trong một giới nhất định chứ không phổ biến chung cho mọi người.
Đọc bài của nhà thơ Cao Thoại Châu, ta sẽ thấy tiếng lóng của Sài Gòn trước 1975. Chúc mừng ông bạn già của tôi vẫn còn viết khỏe và câu văn còn hóm hỉnh lắm.
L.M.Q
IX.2012
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khôi sinh 1938 tại Thị xã Yên Bái, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Anh đã xuất bản những tập thơ như Trai Đình Bảng, Gửi Mường Bản xa xăm,Trưa rừng ấy… và những tác phẩm biên khảo như Bắc Ninh thi thoại, Các dân tộc ở Việt Nam - cách dùng họ và đặt tên, Cổ Pháp cố sự… Anh cũng được trao vài giải thưởng văn chương trong thời gian qua.
Nhà thơ Nguyễn Khôi
Ngày tôi cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền làm tuyển Thơ Tình Hà Nội, anh cũng có thơ được chọn in.
Nay tôi post bài thơ của anh về Paris, kèm theo lời bình của bạn Trần Thị Cẩm Tú. Thơ hay, lời bình nhẹ nhàng, thấu hiểu tác giả thơ. Còn gì hơn?
Hiện nay, tôi đang giữ bản thảo Sơn La ký sự của anh. Nhiều thông tin về dân tộc học, phong tục học rất thú vị của dân tộc Thái anh em. Nếu anh đồng ý tôi sẽ giới thiệu vài chương trên trang web này. Chắc chắc hữu ích cho nhiều người.
L.M.Q
VIII.2012
Vẩn còn nhớ như in ngày đến Bình Định và lai rai cùng bạn thơ Nguyễn Thanh Mừng. Giọng cười anh luôn sảng khoái và nhiệt tình với bạn bè từ phương xa đến. Ngày đó, tôi đang mang nặng đẻ đau một chuyện tình tưởng chừng không lối thoát: http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/733-hanh-trinh-cua-con-kien.html?start=29. Tất nhiên, Mừng không biết chuyện ấy. Nhưng sự nhiệt tình của anh đã an ủi tôi nhiều lắm.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng - Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Anh có nhiều tác phẩm thơ và nghiên cứu văn học đã in, đã nhận nhiều giải thưởng văn chương. Anh tuổi Kỷ Hợi, cùng năm sinh với tôi, Đoàn Vị Thượng, Đoàn Tuấn, Trịnh Lê Văn... Với nghề văn, anh quan niệm:
Người ơi khó nói nên lời
Cầm gian truân để đứng ngồi thong dong
Hai bàn tay trắng long đong
Tay này chép sử vào lòng tay kia
Đây là chùm thơ anh tự chọn và gửi đến trang web www.lemnhquoc.vn. Trân trọng giới thiệu cùng bạn yêu thơ.
L.M.Q
VIII.2012
Ông bạn thơ Vũ Quang Tần sinh năm 1941 tại Hải Phòng. Tôi chưa gặp mặt, nhưng lại quen nhau qua thơ. Anh là hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội; hội viên Hội Văn học Dân gian Hà Nội và đã có những tác phẩm được bạn đọc yêu mến như Gửi lời không nói, Đừng làm đau cỏ, Hạt nắng làm mưa, Cuộc đối thoại câm, Giữa dòng xuôi ngược, Trăm phần trăm gió sương, Trăng ban ngày, Nghìn năm vọng mãi, Gần vẫn rất xa xăm...
Nhà thơ Vũ Quang Tần
Anh bộc bạch chân tình: “Văn chương, phải có sự đam mê, tài năng và nhân cách (với chút may mắn). Tôi viết văn, làm thơ theo ngẫu hứng, cho mình, và chiêm nghiệm với những thân phận cuộc đời. Không để nổi danh, phô bổ, theo phong trào, đặt cược... Khi ai đó thuộc được một câu, hay chỉ nhớ mang máng một ý thôi… Cũng quý hóa lắm rồi. Thật tuyệt vời! Đời đã “trả công”, đã trao “thưởng” đấy! Nhưng, với văn chương không đơn giản chút nào. Viết, viết và viết…
Sợi tơ rút ruột đau tằm
Thầm ơn ai đọc một lần thơ tôi".
Trong chùm thơ này, tôi thích nhất bài thơ Lão xe bò. Chỉ bài thơ ấy, đã nói lên tính cách nhân hậu của một con người. Từng câu thơ ghim vào trí nhớ người đọc…
L.M.Q
VIII.2012
Đình làng ở Quảng Nam
PHAN TẤN PHÁP đi bộ đội năm 1980, sau tôi chừng ba năm, thuộc đơn vị thông tin của tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307. Lúc đó, chúng tôi đang sống trong khoảng thời gian khốc liệt nhất. Hầu hết những bài thơ in trong tập Đất bên ngoài Tổ quốc http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/643-dat-ben-ngoai-to-quoc.html của tôi và Đoàn Tuấn viết trong khoảng thời gian này. Sau năm năm ở chiến trường Kampuchia, Phan Tấn Pháp phục viên và theo học Đại học Luật Hà Nội.
Hiện nay, anh công tác tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tây Giang (Quảng Nam) và đã từng viết nhiều bài nghiên cứu và thực tế áp dụng pháp luật ở Việt Nam đăng trên tạp chí Nhà nước và Pháp luật của Viện khoa học pháp lý, tạp chí Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, tạp chí Tòa án nhân dân của Tòa án Nhân dân Tối cao, tạp chí Dân chủ và pháp luật của Bộ Tư pháp...
Nay tôi post bài viết Quyền Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian của anh viết chung với cộng sự Nguyễn Nho Hoàng - Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Lãnh vực này thú thật, tôi rất tơ lơ mơ nhưng hy vọng bài viết có tính chuyên sâu này sẽ giúp ích về chuyên môn cho nhiều người.
Sự trưởng thành của một cựu chiến binh cùng chiến hào như Phan Tấn Pháp bao giờ cũng là niềm vui của đồng đội cũ.
L.M.Q
VIII.2012
Trang 90 trong tổng số 91