Những cuộc tình đẹp vẫn tồn tại và có thật ở trên đời
Đôi dép là một bài thơ hiện đại, dù về mặt thể loại nó vẫn tuân thủ nghiêm ngặt theo cách gieo vần truyền thống. Tại sao hiện đại? Bởi nó không sử dụng cách so sánh giống người trước.
Trước kia, nói về sự bền chặt của tình yêu đôi lứa người ta thường ví von, rằng: “Đôi ta làm bạn thong dong / Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”; hoặc “Đôi ta như thể con tằm / Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong”; hoặc “Đôi ta như bấc với dầu / Khêu ra cho rạng kẻo sầu tương tư”... Ở đây, tác giả Nguyễn Trung Kiên mượn hình ảnh... đôi dép! Tưởng gì! Cái đôi dép ấy bình dị quá, phổ biến quá và thậm chí còn... “tầm thường” nữa.
Chính vì thế, ngay từ tựa bài thơ cũng đã tạo sự tò mò ở người đọc.
Và rồi người đọc đã không dứt khỏi mạch thơ được bởi ở bài thơ này, tác giả trình bày vấn đề bằng phong cách trầm tĩnh và nghe ra có lý lắm. Thứ nhất, tác giả khẳng định: “Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết / Những vật tầm thường cũng có thể thành thơ”. Về nguyên lý văn học điều này không sai; về tình cảm con người thì đó là sự thật, không thể chối cãi.
Sau những câu thơ đề cập đến sự cần thiết không thể tách rời của hai chiếc dép, tác giả buông câu thơ thật hay: “Nếu ngày nào một chiếc bị xa lìa / Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng”. Cái hay của câu thơ giống như cú sút quyết định của cầu thủ sung sức trên sân bóng. Cú sút căng đến nỗi thủ môn của đối phương suýt “bật tim ra ngoài”. Nhưng vẫn chưa lọt lưới. Tại sao như vậy? Tại thiếu yếu tố bất ngờ. Sự đoán định như thế trong bài thơ này vẫn chưa là những câu thơ hay nhất.
Từ khổ thơ kế tiếp, tác giả mới bắt đầu so sánh hình ảnh đôi dép với chuyện tình của “anh và em”. Ta thấy gì? Ta thấy những lúc lứa đôi vắng nhau: “Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía / Dẫu bên cạnh đã có người thay thế / Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh”. Nghe ra bùi ngùi lắm, bởi ở đây Nguyễn Trung Kiên đã nhắc đến tình yêu như một định mệnh, một tất yếu. Đã “dép” thì phải có đôi; đã “anh” phải là “em”. Không thể nào khác được. Lẽ tất yếu ấy được thể hiện bằng hai thơ chắc nịch: “Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối / Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội”.
Chao ôi! Tình cảm của người làm thơ nồng nàn và say đắm đến vậy sao? Câu thơ đi thẳng vào óc. Để rồi từ trong sâu thẳm bật ra câu thơ thật hay: “Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại / Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung”. Câu thơ hay nhưng vẫn chưa tạo sự bất ngờ ở người đọc. Giống một cầu thủ chuyên nghiệp, Nguyễn Trung Kiên đã chọn phút 89 để bất ngờ tung một cú sút quyết định. Đó là những câu thơ không phải viết bằng lý trí mà bằng cảm xúc tột cùng: “Hai mảnh đời thầm lặng bước song song / Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc / Chỉ còn một là không còn gì hết / Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia…”. Dư vang của câu thơ ám ảnh đến lạ thường... “Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia...” Câu thơ như quấn quýt mãi trong cảm xúc của người đọc.
Đến với một bài thơ hay, có nhiều đường đến và nhiều hướng để cảm nhận. Với tôi, tôi nghĩ trong đời nếu có một người để mình da diết thương, mình cuồng nhiệt yêu, mình điên cuồng nhớ... thì đó đã là một hạnh phúc. Hạnh phúc vì tin rằng dù được hoan lạc yêu hay não nùng tình phụ thì những cuộc tình đẹp vẫn tồn tại và có thật ở trên đời. Trong suy nghĩ đó, tác giả Nguyễn Trung Kiên là một người hạnh phúc. Anh đã gieo cho bạn đọc một niềm tin như thế.
LÊ MINH QUỐC
nguồn: http://tuoitre.vn/Tin-tuc/217749/Nhung-cuoc-tinh-dep-van-ton-tai-va-co-that-o-tren-doi.html
Thơ NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ
Nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ, sinh 1989, nguyên quán Đà Nẵng, hiện sống và làm việc tại Long Xuyên - An Giang. Hành trang lên đường đi vào cõi thơ của Thọ đã có giải thưởng của báo Mực Tím (2008, 2009); báo Hoa Học Trò (2009); Thơ Bút Mới - báo Tuổi Trẻ (2009) và đã in Nỗi buồn đập cánh (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2011). Chùm thơ của Thọ đã gợi cho tôi nhớ về không gian khoáng đạt của vùng đồng bằng Nam bộ. Những câu thơ có nhịp đi chậm rãi và gợi đến "Ký tự em chớm xanh chiều diệp lục". Đường thơ còn dài và câu thơ còn đi tới...
L.M.Q
Thơ NGUYỄN THÁNH NGÃ
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã Sinh 1958 tại Ba Gia, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Hiện sống & viết tại vùng núi Đà Lạt (Lâm Đồng). Tác phẩm thơ của anh đã in như NHỚ XANH, NHÌN TỪ ĐÔI MẮT KHÁC, THƯỢNG NGUỒN NGẠC NHIÊN và góp mặt trong nhiều tuyển tập thơ khác.
Đây là chùm thơ của anh vừa gửi về trang web www.leminhquoc.vn.
Và anh cũng là người trước nhất hưởng ứng chuyên mục "Tác phẩm của bạn bè".
Tôi chọn lấy những bài thơ văn xuôi của anh, giúp bạn đọc có thêm cái nhìn về thơ Nguyễn Thánh Ngã. Những câu thơ đi vào trong trí nhớ của người đọc bởi hình ảnh được khắc họa rõ nét lẫn hư ảo lung linh và câu chữ chọn lọc. Một bài thơ đã viết trong hân hoan và nhọc nhằn có đem lại cho người yêu thơ một cảm xúc gì không? Nhà thơ không hỏi và cũng không trả lời. Thơ đã viết là lúc thả gió bay về trời. Phải không?
L.M.Q
Theo thống kê của Bộ Thông tin Tuyên truyền, chúng ta có đến gần ngàn đầu báo được phát hành định kỳ. Thế nhưng, thể loại thơ hầu như không xuất hiện trên các mặt báo. Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Hiện nay, chỉ có tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Thơ, văn Nghệ Quân Đội, tập san Áo Trắng và các báo chuyên ngành của Hội Văn học Nghệ thuật địa phương có in thơ đều đặn. Các báo chính trị, xã hội chỉ có báo Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng… in thơ vào mỗi kỳ chủ nhật.
Sân chơi thơ ngày càng thu hẹp. Phải chăng thể loại thơ đã chết?
Chính vì thế, từ sự gợi ý của nhiều anh em làm thơ, nay trang web leminhquoc.vn mở thêm chuyên mục TÁC PHẨM CỦA BẠN BÈ nhằm giới thiệu các sáng tác mới của những ai đam mê với nghề viết. Tất nhiên, không chỉ thơ mà còn là các thể loại khác.
Cộng tác với chuyên mục này, các bạn thơ email theo địa chỉ: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
LÊ MINH QUỐC
VIII.2012
Trang 91 trong tổng số 91