PHÙNG HIỆU: Gãi chuyện “dị nhân” Văn Thùy

Phùng Hiệu là nhà thơ trẻ, đã có vài tập thơ xuất bản trong thời gian gần đây. Về thơ anh, tôi sẽ giới thiệu sau. Anh vừa gửi đến trang web www.leminhquoc.vn bài viết Gãi chuyện “dị nhân” Văn Thùy. Thú thật, tôi chưa có dịp đọc thơ lẫn diện kiến ông Văn Thùy nên cũng ngần ngại khi giới thiệu với bạn đọc của tôi. Tuy nhiên, đọc hết bài này, tôi nhận thấy "dị nhân" có những câu lục bát hay. Vì thế, tôi chọn và không ngoài mục đích giúp bạn đọc biết thêm, trong thời buổi này vẫn còn những người yêu thơ lạ lùng như trường hợp này.

L.M.Q

IX.2012

AVTHUY3RRR

"Dị nhân" Văn Thùy và người yêu thơ

Lần đầu tiên tôi gặp Văn Thùy, trông ông giống như lão dị nhân bí ẩn, kỳ dị trong các bộ phim kiếm hiệp. Với mái tóc dài hoa tiêu xõa ngang lưng, khuông mặt xương xương, đôi mắt “lăm le”, hàm răng “kỳ lạ”. Tuy ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng dáng dấp của ông vẫn còn nhanh nhẹn và linh hoạt. Hôm nay, ông được nhà thơ Vũ Luân dẫn đến, vừa gặp mặt, chưa kịp bắt tay ông đã chìa về phía tôi một tập thơ chép tay nhỏ bằng bàn tay và một cái Cardvisit ông nói:

- Có động vật quý hiếm đến thăm nhà đây! Không cần trà nước, rượu suông được rồi!

Tôi bật cười bắt tay ông mời ngồi. Mới bắt đầu một hai câu chuyện thì  “dị nhân” đã nốc cạn ly cà phê đá, ông rít một hơi thuốc lào dài như còi tàu  rồi ngả người vào thành ghế gáy o…o… Vũ Luân bảo:

- Lão là thế đấy! Ngủ ở bất kỳ nơi nào, trong nhà người lạ, trên xe buýt, ghế đá, vỉa hè và cả trong quán nhậu, có chỗ dựa là lão thừa hơi để ngáy...

Lúc này, tôi mới nhìn lại cái card visit của “dị nhân”. Hàng đầu tiên trên card có chữ: “Hợp Tác Xã Thơ Hồn Rơm” kế đến “Văn Thùy Dã Thi” giữa card ông Quảng cáo: “Chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch”. Hàng dưới cùng bên trái có dòng chữ nhỏ: “Liên hệ Bằng Chân - phố Phạm Huy Thông - Ân Thi - Hưng Yên”. Bên phải thì: “Liên hệ Bằng Mồm -  01299….”. Tôi tiếp tục nhìn qua tập thơ cũng dí dỏm không kém chiếc card tí nào. Trang bìa phía trước ông để: “Thơ chép tay, cấm in trộm” khoảng giữa bằng chữ thư pháp rất đẹp: “Văn Thùy - 100 Đoản Khúc Lục Bát” phía dưới là: “Lai ghép và nhân giống lục bát thế hệ F”. Bìa sau ông để hai câu thơ:

Yêu thơ giá bốn mươi ngàn

Ghét thơ đổ đóm ăn tàn mà mua

Hàng cuối thì: “Giá tươi sống 40.000 - Giá ướp lạnh 25.000 - Đảm bảo thơ sạch”. Nhìn kiểu trình bày tập thơ chép tay rất lạ lẫm và hài hước, tôi lật tập thơ ngấu nghiến đọc, bỗng giật mình khi bắt được những câu thơ “rất quái” và ngộ nghĩnh khi ông mở đầu cho tập thơ chép tay kỳ lạ:

Từ ngày đốc chứng làm thơ

Khôn ngoan vốn mỏng, ngẩn ngơ thêm dày

Đam mê là tội trời đầy

Càng béo chữ nghĩa càng gầy niêu cơm

Vào trang sau là những câu thơ lạ lẫm khi “dị nhân” đang ngao du thiên hạ:

Mãi mê thơ phú cánh  diều

Bỏ trâu gặm cụt nắng chiều mồ côi

Khi chán cảnh rày đây mai đó:

Trở về ngồi gốc đa thôi

Nghe con trâu ợ ra lời rạ rơm…

Chưa đọc xong những vần thơ này thì ông chợt tỉnh giấc, ký tặng liền cho tôi hai tập thơ chép tay và đóng dấu hẳn hôi theo kiểu Văn Thùy, ông bảo: “Dấu dân chẳng khác dấu vua tý nào”. Vừa tặng thơ ông vừa đọc:

Xổ ra một đống thơ tình

Nửa thành giấy góa, nửa rình tặng nhau

Rồi tôi, ông cùng cười…

Hôm ấy, khi ngồi “ nhâm nhi” đến 10h đêm thì chúng tôi đã thân nhau như tự thuở nào. Và cũng đêm đó ông đã cho ra đời những câu thơ “ngộ nghĩnh” mà tôi còn nhớ mãi.

Hai tháng rong chơi tại Sài Gòn, tôi - ông có rất nhiều kỷ niệm. Ông ngủ ở tầng trệt nhà tôi, hằng đêm, cứ đến 3h sáng là ông thức dậy cặm cụi viết. Tôi cũng không quên dành sẵn cho ông một xị đế để vừa nhấp vừa nháp cái chữ. Người ta bảo ông “đãng trí, hay quên”, nhưng tôi thì không hề nghĩ vậy. Thật ra ông rất tỉnh táo và nhớ dai hết cỡ. Những câu thơ ông cách đây 10 năm nhưng ông còn thuộc vanh vách…

Tháng 8/2012, ông vào lại Sài Gòn. Đêm ấy tôi, ông, nhà thơ Phan Hoàng, nhà báo Nguyễn Dũng đang ngồi “đấu ẩm” tại quán vỉa hè thì có Văn Công Hùng đến. Tôi giới thiệu:

- Đây! Văn Thùy!

Văn Công Hùng à lên:
- “Dị nhân” phải không? Nghe tên đã lâu hôm nay mới gặp - vừa nói Văn Công Hùng vừa đưa máy ảnh ra chụp.

Văn Thùy khoát tay đọc liền hai câu:

Bây giờ tôi chẳng giống tôi

Ngày đi săn nắng đêm ngồi bẫy trăng

Chúng tôi cười xoà.  Cuộc nhậu tiếp tục với nhiều câu chuyện hài hước. Bỗng nhiên Nguyễn Dũng bỏ vào chén ông một con ốc. Ông cầm con ốc trả lại và chỉ vào hàm răng lòi lõm “già nua” của mình bằng bốn câu thơ:
 

Răng cửa đảo chánh răng nanh
 

Ngồi nhìn các chú ăn nhanh mà thèm

Ăn thì lựa thứ mềm mềm
 

Ấy thì phải chọn mấy em đã gì…

Cuộc vui “nóng” hơn khi chiếc tivi cũ kĩ ở góc nhà phát đi chương trình Trường Sa mà Phan Hoàng đang “đọc… diễn..” trên màn hình. Nhìn Phan Hoàng rồi nhìn lên tivi, các bàn nhậu kế bên ngạc nhiên:

- Sao “ông” đang nói chuyện trên truyền hình giống “ông” đang ngồi ở bàn bên đây vậy?

-  Thì ông ấy chớ còn ai nữa - Một người bàn kế bên nhận định.

Thế là bàn chúng tôi liên tục “tiếp khách” theo kiểu “lắc kêu”. Những cái bắt tay thắm tình “chiến hữu”. Đêm ấy, chúng tôi say đến “quên cả lối về”… Hai hôm sau, trang web Văn Công Hùng có bài: “Vào Sài Gòn gặp dị nhân Văn Thùy”.

AVTHUY1RR


Từ trái sang : Thành Lâm, Phan Hoàng, Văn Công Hùng, Văn Thùy, Phùng Hiệu, Nguyễn Dũng


Sau những lần gặp nhau, cuối cùng tôi cũng biết được “cái tâm sự” thật nhất của “dị nhân”, ông  giành cho tôi một buổi “chất vấn”:

* Anh thường bảo: xa gia đình vợ con gần 15 năm để sinh ra hai tập thơ?

- Chính xác! “Thằng lớn” để ra năm 2004, “Thằng nhỏ” thì năm 2011, cả “Hai đứa” đều được tài trợ từ Nhà xuất bản Quân Đội và Quỹ hổ trợ văn chương cuộc sống. Gần 15 năm qua tôi sống độc thân giống như nhà tu hành. “Tu thơ” mà còn vương bụi hồng trần thì sao đắc đạo được? Nói đùa thôi, thực ra là hoàn cảnh xã hội chia cắt. Thời thế tạo anh hùng mà!

* Anh có làm được các loại thơ khác không?

- Kính thưa các loại thơ. Tôi xài đủ hết nhưng chỉ đắm đuối với lục bát mà thôi.

* Anh có mong lục bát trở thành Quốc thơ?

- Cái này thuộc vấn đề vĩ mô. Đã nhiều đơn vị, có nhiều cá nhân ôm mộng hô hào tôn vinh lục bát là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam. Nhưng bất thành, vì phải có một tổ chức mang tính quốc gia đứng ra xúc tiến mới được. Tôi thiết nghĩ: Một người hát thì gọi là đơn ca; hai người hát là song ca; đông người hát là đồng ca. Cả nước hát một bài mang tính thiêng liêng gọi là quốc ca. Đằng này lục bát có lèo tèo vài người lẻ loi cắm cúi làm. Đại đa số làm thơ tự do, và thơ Đường - có cả Câu lạc bộ thơ Đường Unesco Việt Nam, Câu lạc bộ  thơ Việt Nam đông đến 6,7 ngàn người kéo dài hết dãi non sông. Hơn nữa đến cả hội thơ trung ương có mấy người làm lục bát - lục bát chỉ tiềm tàng trong nhân gian. Cơ quan to nhất nước là Bộ Văn hoá, là Hội Nhà văn Việt Nam không khởi xướng, không phát thì lấy đâu ra động?

* Anh đến với nàng thơ từ khi nào?

- Thuở còn thanh niên, tôi đã mê thơ. Thời ấy, cách đây hơn nữa thế kỷ mà làm gì có nhiều thi sĩ để lại tác phẩm hay, ngoài mấy thi nhân tiền chiến. Những bài tâm đắc, tôi chép hết vào sổ tay bé tí xíu. Nhưng rồi cơn lốc của thời cuộc không cho phép thơ thẩn. Tôi bẵng đi để chìm vào cuộc chiến thế sự và đồng cơm manh áo. Để đợi đến đúng năm 2000, khi mà thiên niên kỷ mới mở ra, và hoàn cảnh gia đình đẩy tôi vào thế độc thân.
 

* Động cơ làm thơ của “dị nhân” là gì?

- Tôi luôn có động cơ duy nhất là làm thơ để trải lòng mình ra, để người ta hiểu thêm về mình trước các vấn đề của xã hội, trong khi tâm sự bất ngờ nghe lỏm được các tình huống của con người, tôi lập tức có đánh giá, và cấu trúc thành bài thơ của mình. Đó là nói hộ người khác. Nới lòng ra, bè bạn hiểu được quan điểm của mình - mình nhẹ người. Tôi chưa bao giờ có những bài thơ châm sử dụng ngôn từ ác hiểm. Nếu có bài thơ nào ở nội dung châm, chữ nghĩa cũng cẩn trọng, và hầu như nhẹ nhàng, hướng về ngộ nghĩnh, hài hước, hóm hỉnh.
 

* Nghe nói Anh thường xuyên chép tay rồi tặng khắp nơi?

- Cám ơn đã phát hiện ra “đức xấu” của tôi.

* Kinh phí ở đâu mà anh có thể in như thế?

- Ôi dào! đáng bao nhiêu. Tập thơ dày nhất có hơn chục tờ giấy photo cở nữa A4, giá photo có sáu đến bảy ngàn đồng mình chân thành tặng bạn. cứ 5 người được tặng, có một người tặng lại cho mình năm chục ngàn là hòa rồi - mình có mất gì đâu:

Tặng bao nhiêu tập không vét túi

Gặp mỗi tri âm đã đủ tiền.

* Cuộc đời là những thăng trầm biến động, anh có những kỷ niệm nào trong thất bại và thành công?

- Tôi làm thơ có mục đích thăng tiến gì đâu, coi như không có “âm mưu” nổi đình nổi đám vì thơ, thì lấy đâu ra thất bại. Tôi đã xác định từ buổi khai bút lâu lắm rồi. Thế này:

Làm thơ cầu lợi mưu danh

Tuổi tên thoáng mắt đã thành khói sương

tapthoRR


Tập thơ chép tay dành tặng Phùng Hiệu có đóng dấu hẳn hoi…

 

PHÙNG HIỆU

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com