ĐOÀN VỊ THƯỢNG - Thuở ban đầu cầm bút gieo vần... yêu

Hào hứng với chuyên mục "Tác phẩm của bạn bè", nhà thơ Đoàn Vị Thượng (em ruột nhà thơ Từ Nguyên Thạch) vừa gửi đến bài viết này - nhằm góp thêm một vài tư liệu về thế hệ cầm bút trưởng thành sau 1975. Bài viết nhiều thông tin và có cái nhìn dí dỏm, thân tình trong tình bạn. Trong đó, Thượng không hề nhắc đến thơ anh, trước 1975 anh đã có thơ in báo và ký tên thật Trần Quang Đoàn. Lúc nào rỗi, có thời gian tôi sẽ post những bài thơ đó của anh lên trang web này mà tôi đang lưu giữ.

2RR

Từ trái qua phải: Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương (2012)

Ai tôi không biết, chứ Đoàn Vị Thượng là một người yêu thơ quyết liệt, anh đã có tập thơ và nhiều thơ in lai rai từ năm 1975 đến nay và là một những hội viên lớp đầu của Hội Nhà văn TP.HCM. Năm 1989, khi tôi in tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao, http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/670-trong-coi-chiem-bao.html Thượng là người viết lời Tựa. Ấy là cái thuở chúng tôi cặp kè với nhau như hình với bóng... Nhò vậy, tôi có cảm hứng viết bài thơ này tặng Thượng, nay đọc lại ngậm ngùi quá đỗi http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/669-ngay-mai-con-lai-mot-minh-toi.html?start=24 Và bây giờ, thỉnh thoảng vẫn là những hẹn hò nắng mưa trong quán nhậu, vẫn là những câu chuyện đắm đuối về thơ. Thoáng đó, đã ngoài năm mươi...

L.M.Q

IV.2012



Trong cuốn truyện mới nhất của mình Lá nằm trong lá, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã kể về những cây bút học trò đam mê sáng tác văn chương, nuôi những giấc mộng lớn về “sự nghiệp văn học”… một cách hóm hỉnh, tinh nghịch, dễ thương. Điều thú vị, hầu hết những cây bút được nhắc trong truyện đều phát xuất từ thực tế có thật vào những năm trước 1975 tại miền Nam, đồng thời với tác giả, và hiện nay - càng thú vị hơn, hầu hết những “mầm non văn nghệ” ấy cũng đã trở thành cây-xanh-lá-biếc trong làng văn nước nhà tuy mức độ “tỏa bóng” có rộng hẹp khác nhau.

Bây giờ, từ cây xanh nhìn lại mầm biếc - qua một số sáng tác một thuở của những cây bút này, thấy ra nhiều “dấu hiệu”… hoàn toàn không biết trước, hihi!

NHỮNG BÚT DANH “XỊN”

Thuở tập cầm bút - do muốn gửi gắm ước vọng, lý tưởng vào “sự nghiệp văn học”, đa phần các cây bút trước tiên đều muốn “sắm” cho mình một bút danh xịn! Thử điểm qua hai cây bút có tên thật gần gần như nhau là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Nguyễn Thái Dương. Hai “chàng” đều có cái tên mang hình tượng mặt trời, nhưng thuở ấy, do ở vùng quê cực kỳ thiếu sách, Nguyễn Nhật Ánh thường hay giở nhiều chiêu dụ dỗ bạn học để có sách đọc. Sự ham đọc đã khiến chàng ta luôn thấy thiếu sách và thế là bút danh Hoài Mộng Diễm Thư (mơ màng sách hay) ra đời! Trong khi đó Nguyễn Thái Dương nghiêm túc hơn, nhận thấy khuynh hướng “Nôm hóa” trong chữ nghĩa lúc ấy đương là phong trào của những cây bút có thực tài, bèn “chuyển” Thái Dương thành Mặt Trời, từ đó có bút danh là Nguyễn Mặt Trời. Khổ nỗi, do thơ cũng… khá hay, nên nhiều người cứ nghĩ (lầm) rằng chàng ta muốn thành “mặt trời trong thi ca” đây mà, chết thế! Nhưng Mặt Trời dù sao cũng còn… “tế nhị”, nhà thơ Lê Minh Quốc thuở ấy đã muốn “lưu danh cùng thiên cổ” và chàng ta không ngại lấy một cái tên - chả khác sự định giá về một tác phẩm, là Thiên Bất Hủ (một áng văn thơ không phai cũ)! Tên oai thế, nhưng chỉ ở trên mặt báo thôi, còn khi nghe bạn văn gọi “Hủ, Hủ” là chàng ta “quê như cái tủ”, chỉ muốn… chuồn, nhất là khi có mặt bạn gái! Cũng thế, sau khi tương đối có tiếng, Nguyễn Thái Dương mà nghe ai gọi “Trời, Trời” là chỉ muốn nhìn xuống… đất!

Ngy Xuân Sơn ngày xưa là bút danh của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu sau này. Làm như bút danh có “tác động” đến “ngòi bút”, thuở ấy thơ tình học trò của Ngy Xuân Sơn rất mượt, (các bạn đọc thử bài Tiểu thơ áo lụa thì biết) còn bây giờ thơ của chàng bộ đội một thời này rất gồ ghề. Hỏi, mới biết vì Phạm Sỹ Sáu… biết yêu sớm, chữ Ngy trong bút danh kia chính là viết tắt của các chữ “người gái yêu”! Trời, có thể nói, Phạm Sỹ Sáu xứng đáng là “đại ca” của những 9x thời nay qua việc biết đặt nickname “từ khuya”, thời chưa có máy tính!

“TRIỆU PHÚ” NGÔN TỪ!

“Chim sơn ca không còn vang tiếng hót / kể từ khi anh bỏ cửa tháp ngà /nơi dấu ái có bạn bè thân thuộc /có hàng cây rơi những trái me già” là một đoạn thơ dễ thương nói về tình bạn học: người con trai nghỉ học để lại nỗi trống vắng nơi người bạn gái. Đoạn thơ chữ nghĩa “sang sang” là nhờ các từ ngữ “sơn ca”, “tháp ngà”, “dấu ái”… Nhưng bây giờ, bạn đọc tím ít chia sẻ với những từ ngữ ấy, vì sự “sang sang” kia vô hình trung làm nhòa sự “bình dị” thân thiết của tình bạn mà tác giả muốn diễn tả mất rồi! Tác giả của nó - Vũ Thị Phù Sa không ai khác chính là nhà thơ Vũ Trọng Quang hiện nay. Hồi ấy, “chàng” Quang cảm thấy rằng phải ký một cái tên con gái thì mới làm người đọc cảm thông da diết về “tình ý” dành cho người bạn trai trong bài thơ! Còn những từ ngữ “sang sang” kia, xin đừng vội chê tác giả, nó là “đặc sản” của tuổi học trò một thời - viết vậy nghe chừng mới tha thiết, và đặc biệt, nó mới nói lên tầm “trí thức” về chữ nghĩa của tác giả! Khác với Nguyễn Nhật Ánh có cái bút danh Hoài Mộng Diễm Thư ướt rượt như công chúa, bút danh Vũ Thị Phù Sa của Vũ Trọng Quang cũng “nồng nàn” như thôn nữ!

PGS-TS, Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương cũng từng làm thơ… không dở trước khi thành nhà phê bình! (Thường thường ai làm thơ dở mới… chuyển sang làm nhà phê bình mà).Thời ấy, ông lấy bút danh là Lê Hồ Phủ mơ mơ hồ hồ không rõ nghĩa, thì ra đó cũng là một cách gây ấn tượng với bạn đọc (tên lạ quá phải nhớ, phải đọc xem sao). Có cảm tưởng Huỳnh Như Phương thấy chất “tao nhân” chưa đủ nên cái bút danh kia nó khoác vẻ “mặc khách” u huyền làm sao! Trong một bài thơ thuở học trò, ông viết: “Em chơi ô ở trước sân nhà / Anh len lén vào vườn hái trái  / Cả lũ ổi bầy chim đều sợ hãi ,/ Chỉ mình em nhoẻn miệng rất xinh thôi. //  Sài Gòn dạo ấy chiều hay mưa / Anh ngồi xin trời chuyển sang mùa / Để mai kia nắng về hơ ấm / Những cánh chim gầy trên phố xưa”. Bài thơ chỉ có hai khổ mà khổ 1 và 2 hầu như không “dính” gì nhau, âu đó cũng là cách của nhà phê bình… làm thơ! Nhưng đoạn thơ thứ hai khá là “tráng khí”, người viết tỏ ra là một bậc “chính nhân” sẵn sàng bảo bọc hết những ai đang… đau khổ, nhất là các đấng nữ nhi, “anh ngồi xin trời chuyển sang mùa / để mai kia nắng về hơ ấm / những cánh chim gầy trên phố xưa” trong khi chính mình chỉ là một cậu học trò nhiều mơ mộng đang cần “định hướng” hơn ai hết! Hình như đó là “tiết tháo” chung của những thi sĩ học trò một thời. Thì xem, không biết đã yêu đến đâu mà Nguyễn Mặt Trời đã đặt một cái tựa thơ cực… dữ Cái đêm tri ngộ, rồi trong thơ cũng gọi ai đó là “người” rất chi là người lớn và trách móc thế này thế nọ như là một tình nhân…cay đắng!

Đó là “phong cách” làm thơ một thời của tuổi tím trước 1975 tại miền Nam. Có chút đại ngôn, có chút mơ cuồng, thậm chí là những “triệu phú” ngôn từ thơ ngây. Nhưng đó là những tâm hồn triệu phú thứ thiệt, vì những cây bút ấy đã biết ấp ủ bao hoài bão lớn đồng thời với cái thực tại thơ mộng mà mình đang sống và tận hưởng lúc bấy giờ, trong thơ!

 

THIÊN BẤT HỦ
(Lê Minh Quốc)

ĐÊM XUÂN HỒNG TUỔI THƠ

Trong vòng tay mẹ ngủ vùi
Đêm ba mươi Tết ngậm ngùi tháng năm
Lửa reo nồi bánh tình thâm
Con nghe sung sướng nhang trầm thơm sao
Chị Kim ửng má hồng đào
Ngồi bên chân ngoại thì thào nửa đêm
Con nằm trên cỏ ấm êm
Nhìn trăng mơ tưởng cánh chim bay về
Pháo hồng rộn rã đam mê
Vòm trời thơ ấu đêm khuya rực hồng
Cuối năm hát khúc ca lòng
Nghe hồn nhung nhớ tháng cùng đã qua
Đêm ba mươi nhớ xót xa
Vàng son dĩ vãng bướm hoa thiên đường
Trồng cây nêu nhớ vô thường
Dưa hành, thịt mỡ, mai vàng nghinh xuân
Đêm ba mươi nấu bánh chưng
Trầm hương thơm ngát lòng bừng nở bông
Con say sưa giấc mơ hồng
Vùi trong thơ ấu bềnh bồng yêu thương

(in tuần báo Thiếu nhi trước 1975)

VŨ THỊ PHÙ SA
(Vũ Trọng Quang)

CHIẾC GHẾ BỎ KHÔNG

Sáng hôm nay em trở vào lớp học
đứng thật lâu hồn ngơ ngẩn vô cùng
nhìn xuống lớp bỗng dưng em bật khóc
hàng cuối cùng một chiếc ghế bỏ không

Cơn gió thoảng xôn xao hàng bụi phấn
rơi vô tình phủ từng lớp vấn vương
xòe bàn tay dấu in hằn năm ngón
rất rõ ràng trên chiếc ghế bỏ không

Chim sơn ca không còn vang tiếng hót
kể từ khi anh bỏ cửa tháp ngà
nơi dấu ái có bạn bè thân thuộc
có hàng cây rơi những trái me già

Chỗ ngồi đó bốn mùa buồn ủ rũ
vẫn lạnh lùng như ngày tháng lập đông
hoa trước khuôn viên sao lười biếng nở
đợi chờ ai để phai sắc hương nồng.

NGY XUÂN SƠN
(Phạm Sỹ Sáu)


TIỂU THƠ ÁO LỤA

Buổi mai đi học mờ sương
Trong thân áo lụa con đường chợt quen
Chi mô mà anh cũng khen
Cô tê xinh tệ, nghe răng lạ kỳ

Nắng vừa xuống ngập đường đi
Áo bay với gió, gió chi thổi hoài
Cặp sau yên với ô mai
Chân thon đạp nhẹ trên hai bánh vòng

Xe qua mấy rặng sầu đông
Tóc bay phất phới, quai hồng xinh ghê
Nón bài thơ, suối tóc thề
Dáng con gái Huế đi về tiểu thơ

Đâu phải mình anh biết mơ
Theo em đã mỏi mấy chờ đợi nhau
Chân đi guốc mộc hai màu
Ta về lót ván bắc cầu em qua

(Đà Nẵng, mùa tựu trường 19720

LÊ HỒ PHỦ
(Huỳnh Như Phương)

KHÔNG ĐỀ
Em chơi ô ở trước sân nhà
Anh len lén vào vườn hái trái
Cả lũ ổi bầy chim đều sợ hãi,
Chỉ mình em nhoẻn miệng rất xinh thôi.

Sài Gòn dạo ấy chiều hay mưa
Anh ngồi xin trời chuyển sang mùa
Để mai kia nắng về hơ ấm
Những cánh chim gầy trên phố xưa.


NGUYỄN MẶT TRỜI
(Nguyễn Thái Dương)


THỪA…

Vắng một người đến lớp
Thừa ra một chỗ ngồi
Buổi học dài như thể
Thời gian không chịu trôi

Thương cho chiếc băng dài
Thiếu dáng ai ngồi học
Thương cho mình hôm nay
Cũng thấy… thừa ra mất!


CÁI ĐÊM TRI NGỘ

Vẫn là cơn mộng dữ thôi
Mắt người bén một nụ cười liếc nghiêng
Tôi nhìn, mắt cũng láo liên
Cái đêm tri ngộ dở điên, dở khùng

Vẫn là một giấc mơ hung
Trên môi người thắm chút son dịu dàng
Tôi so môi chạm, bàng hoàng
Cái đêm tri ngộ vô vàn đắng cay

Vẫn như một giấc ngủ gầy
Tóc người sợi vắn sợi dài lửng lơ
Tôi nghiêng đầu đọ thẫn thờ
Cái đêm tri ngộ những ngờ, những nghi

… Tỉnh ra, tôi nhớ được gì ?
Dẫu bao mộng mị tan đi, nhẹ hều
Lòng còn canh cánh một điều
Cái đêm tri ngộ đánh liều trái tim


(Đăng trên Giai phẩm Em - 1972)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com