Đình làng ở Quảng Nam
PHAN TẤN PHÁP đi bộ đội năm 1980, sau tôi chừng ba năm, thuộc đơn vị thông tin của tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307. Lúc đó, chúng tôi đang sống trong khoảng thời gian khốc liệt nhất. Hầu hết những bài thơ in trong tập Đất bên ngoài Tổ quốc http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/643-dat-ben-ngoai-to-quoc.html của tôi và Đoàn Tuấn viết trong khoảng thời gian này. Sau năm năm ở chiến trường Kampuchia, Phan Tấn Pháp phục viên và theo học Đại học Luật Hà Nội.
Hiện nay, anh công tác tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tây Giang (Quảng Nam) và đã từng viết nhiều bài nghiên cứu và thực tế áp dụng pháp luật ở Việt Nam đăng trên tạp chí Nhà nước và Pháp luật của Viện khoa học pháp lý, tạp chí Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, tạp chí Tòa án nhân dân của Tòa án Nhân dân Tối cao, tạp chí Dân chủ và pháp luật của Bộ Tư pháp...
Nay tôi post bài viết Quyền Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian của anh viết chung với cộng sự Nguyễn Nho Hoàng - Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Lãnh vực này thú thật, tôi rất tơ lơ mơ nhưng hy vọng bài viết có tính chuyên sâu này sẽ giúp ích về chuyên môn cho nhiều người.
Sự trưởng thành của một cựu chiến binh cùng chiến hào như Phan Tấn Pháp bao giờ cũng là niềm vui của đồng đội cũ.
L.M.Q
VIII.2012
Ngày 29/11/2005, Luật sở hữu trí tuệ đã ra đời, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Đến tháng 6/2009 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật sở hữu trí tuệ và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng trên thực tế, những quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian vẫn còn nhiều bất cập nên rất khó cho việc thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam hiện nay. Nhằm góp phần tìm hiểu thực trạng của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, thông qua đó bảo vệ, phát huy và gìn giữ những tinh hoa, bản sắc dân tộc cho muôn đời sau.
I. Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian
Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được hiểu là sự bao hàm các sản phẩm chứa đựng các yếu tố đặc thù của di sản nghệ thuật, được duy trì và phát triển bởi một cộng đồng trong nước, hoặc bởi các cá nhân phản ánh các tác phẩm văn học nghệ thuật truyền thống của một cộng đồng. Có thể hình dung các đối tượng này ở bốn nhóm cơ bản:
- Loại hình thể hiện bằng ngôn từ (lời nói) bao gồm: truyện, thơ, câu đối dân gian;
- Loại hình được thể hiện bằng âm nhạc (nhạc) gồm: bài hát và nhạc cụ dân gian;
- Loại hình được thể hiện bằng hành động (qua ngôn ngữ hình thể) bao gồm các điệu múa, vở kịch và nghi lễ nghệ thuật dân gian;
- Loại biểu đạt lồng trong một vật thể, có thể nhận thấy qua xúc giác bởi lẽ nó tồn tại dưới dạng hữu hình, bao gồm các bức tranh vẽ, tượng, tác phẩm điêu khắc, đồ gốm, khảm; mộc, tác phẩm kim loại, đá quý, dệt, thảm, trang phục nhạc cụ và các hình mẫu kiến trúc dân gian. Đối với loại hình này, tác phẩm vật thể nên nhất thiết phải được thể hiện bằng một chất liệu tồn tại hữu hình.
Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam có những đặc điểm chung như sau:
- Tác phẩm văn học nghệ thuật được sinh ra trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp cũ, độc canh lúa, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường sinh thái thiên nhiên. Tác giả của nó là những người nông dân sống trong những công xã xóm làng, cho nên khuôn viên chủ yếu của các hoạt đông văn học nghệ thuật dân gian là các làng (ở người Việt) và các đơn vị xã hội tương đương như bản, buôn, phum… (ở các dân tộc thiểu số).
- Tác phẩm văn học nghệ thuật gắn chặt với các hoạt động thường ngày trong sản xuất và sinh hoạt của người nông dân. Mỗi biểu hiện của văn học nghệ thuật dân gian thường được sáng tạo để phục vụ một hoạt động hàng ngày nào đó. Chẳng hạn, để ru trẻ ngủ, người ta sáng tạo bài hát ru và người ta cũng chỉ hát bài hát đó khi cần ru trẻ ngủ. Không bao giờ người nông dân hát bài hát ru khi họ đang lao động trên đồng ruộng. Vậy văn học nghệ thuật dân gian là thứ văn hóa nằm ngay trong cuộc sống thường ngày. Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người nông dân bằng những hoạt động được thể hiện thông qua những biểu đạt đa yếu tố. Một ngày hội xuân chẳng hạn, chúng ta có thể tìm thấy ở đấy những trình diễn sử dụng các động tác múa trong tiếng hát hay tiếng đàn sáo với những bộ trang phục thêu hay dệt đầy những hoa văn nhiều màu, nhiều đường nét v.v… Tất cả những yếu tố đó được sử dụng kết hợp với nhau nhằm tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh.
- Mặt khác tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian lại có một đặt thù là tính dị bản. Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là công trình sáng tạo bằng miệng của cả một tập thể cộng đồng, được lưu giữ, diễn xướng qua hình thức truyền miệng. Và vì là truyền miệng nên mỗi cá nhân đều có quyền cải biên. Do đó, việc xác định thế nào là “cải biên”, thế nào là “giữ nguyên gốc”, thế nào là “copy” thế nào là sáng tạo, thế nào là xâm phạm bóp méo, thế nào là “làm giàu vốn cổ” chính vì vậy để bảo hộ là rất khó.
- Đặc điểm nổi trội là tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được lưu giữ bằng trí nhớ của con người. Đây là cơ chế sáng tạo, truyền bá và tiếp nhận của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian .
Cơ chế vận hành của tác phẩm văn học nghệt thuật dân gian, nhất là ở các loại hình nghệ thuật trình diễn là: các khâu sáng tạo (thường là ứng tác), thực hành, phổ biến, tiếp nhận thường diễn ra cùng lúc và tại chổ và sự phân công, phân tách giữa các khâu đó không rạch ròi.
Các hiện tựợng, các hình thức thể hiện tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian thường tồn tại dưới hình thức một mô hình. Trên cơ sở đó, khi thực hành các thành viên công xã có quyền thêm thắt những sáng kiến chi tiết của cá nhân mình.
Do đó, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được hình thành thông qua hai bộ phận cấu thành:
Một là, cái cốt, cái khung (lồng bản/cốt chuyện). Nếu chỉ có cái cốt, cái khung không thôi thì chưa trở thành tác phẩm.
Hai là, các thành viên cộng đồng sử dụng cái cốt, cái khung này theo ý mình thông qua trình diễn.
Như vậy, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được hình thành bắt buộc phải có hai thành tố nêu trên, nếu thiếu một trong hai thì tác phẩm chưa xuất hiện.
Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là kết quả sáng tạo được kết tinh lại từ nhiều thế hệ thành viên công xã. Nó là sở hữu của toàn cộng đồng. Mỗi thành viên cộng đồng đều có quyền sử dụng bất cứ một hay tất cả vốn văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng mình. Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là những tác phẩm có giá trị nhân văn, có sức sống trường tồn, lưu truyền trong đời sống của nhân dân mà tác giả của chúng là các thế hệ nhân dân, là cộng đồng xã hội nơi mà tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được hình thành và phát triển là chủ sở hữu tác phẩm do mình sáng tạo ra.
Với ý nghĩa đó, về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả có tính pháp lý thực sự là toàn thể cộng đồng. Nhưng các nghệ nhân và người thực hành đều là thành viên công xã, nhờ tài năng, nhờ những hiểu biết vừa rộng rãi vừa sâu về một lĩnh vực nào đó của văn học nghệ thuật dân gian, họ trở thành người đại diện cho cả cộng đồng và cộng đồng ghi nhận công lao của họ.
Theo kinh nghiệm của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội đã công nhận những thực thể và cá thể sau đây tham gia chủ sở hữu quyền tác giả (khai thác lợi ích thu được từ tác phẩm):
- Cộng đồng công xã: Như trên đã nói, khuôn viên sáng tạo, lưu truyền phổ biến, tiếp nhận văn học nghệ thuật dân gian cổ truyền là các cộng đồng công xã được gọi là làng bản, buôn phum, sóc gọi chung là làng). Do đó,Hội xác định làng là đơn vị xã hội có chủ quyền sở hữu trên tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian của làng mình. Trường hợp nhiều làng có cùng một loại hình văn học nghệ thuật dân gian thì Hội công nhận tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian của từng làng. Thực tế cho thấy, tuy có cùng loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian nhưng mỗi làng lại thể hiện không hoàn toàn giống nhau.
- Nghệ thuật dân gian: Những người được cộng đồng công nhận là người hàng đầu trong việc nắm giữ và thực hành, truyền dạy vốn văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng. Không phải mọi thành viên đều nắm được một số lượng các biểu đạt văn học nghệ thuật dân gian như nhau và cùng có một trình độ thực hành như nhau (có những người có tài năng nổi bật hơn những thành viên khác). Đây là người nắm được nhiều nhất vốn văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng, có khả năng thực hành hay trình diễn vốn ấy thành thạo nhất với kỹ năng cao nhất, có khả năng sáng tạo, bổ sung làm giàu thêm vốn ấy và cũng là người thầy truyền dạy vốn văn hóa đó cho các thế hệ tiếp theo. Chính nhờ những người này mà di sản văn học nghệ thuật dân gian của các tộc người việt nam được lưu giữ và truyền lại cho đến hôm nay.
- Người sưu tầm, nghiên cứu: Đó là các nhà sưu tầm, nghiên cứu, bằng cách nào đó, họ đến cộng đồng và được cộng đồng cung cấp vốn văn học nghệ thuật dân gian. Những người này cũng được coi là chủ sở hữu về những tư liệu mà họ sưu tầm được.
II.Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian theo Luật sở hữu trí tuệ, sự bảo hộ của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian và những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian ở việt Nam.
Điều 23, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: “Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là sự sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm: Truyện, thơ, câu đố; Điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi; Sản phẩm nghệ thuật đồ họa, hội họa điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào đó”.
Tại các Điều 13, 37 đến Điều 42 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 không đề cập đến chủ sở hữu quyền tác giả là cộng đồng, nghệ nhân, người thực hành và người sưu tầm nghiên cứu, lưu giữ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Điều 37 quy định: “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại tại các Điều 37 đến Điều 42 của Luật này”.
Điều 36 quy định: “Chủ sở hữu qyền tác giả là tổ chức cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của luật này”.
Sự tiến bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian nói riêng quan trọng sau đây:
Khẳng định việc Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực quyền tác giả, chống lại bất cứ hành vi sử dụng các đối tượng sở hữu quyền tác giả mà không được phép của chủ sở hữu đối tượng đó. Các quy định của luật pháp Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian nói riêng dần dần phù hợp theo pháp luật quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ để Việt nam từng bước tham gia các công ước và hiệp ước quốc tế. Nhất là về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs).
Đặc biệt, việc Nhà nước có biện pháp bảo hộ, duy trì và giữ gìn các giá trị nhân văn thể hiện trong các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là cần thiết, là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên không thể bảo hộ theo quy định chung về quyền tác giả, vì chúng là di sản văn hóa của cộng đồng và tác giả của nó là nhân dân. Nó là kết quả lao động trí tuệ sáng tạo của nhiều thế hệ nhân dân và thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng dân tộc. Khi chưa có Luật sở hữu trí tuệ, các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian không thuộc tác phẩm được bảo hộ theo các tiêu chí của pháp luật về quyền tác giả. Đây là một bước tiến bộ quan trọng trong pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ ở việt nam.
Trước đây, đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian này tại khoản 1 Điều 748 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định việc tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được thực hiện theo quy định riêng của pháp luật. Ngoài ra, Luật sở hữu trí tuệ bỏ sự phân biệt các loại tác phẩm khác nhau, thông qua việc loại bỏ quy định các tác phẩm được Nhà nước bảo hộ riêng theo Bộ luật dân sự năm 1995. Như vậy các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được xếp hạng ngang hàng với các tác phẩm khác. Còn tin tức thời sự thuần túy và văn bản của các cơ quan Nhà nước không còn được bảo hộ.
Mặc khác, ở Việt Nam tuy đã có văn bản bảo hộ (Luật sở hữu trí tuệ) quy định cụ thể về việc bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, những quy phạm pháp luật thể hiện trong luật vẫn chưa đủ để bảo hộ có hiệu quả do còn một số bất cập. Chẳng hạn: Trong luật sở hữu trí tuệ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian cũng mới chỉ giới hạn là truyện kể và câu đố, còn với sử thi, ca dao tục ngữ, thành ngữ chưa cụ thể hóa các khách thể được bảo vệ.
Khoản 1 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ định nghĩa: “Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác”.
Sau đó Khoản 2 Điều 23 của luật sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”.
Như vậy, với quy định tại Khoản 2 Điều 23 tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được bảo hộ như tác phẩm thuộc về công chúng như quy định tại điều 43 của Luật, có nghĩa là Luật chỉ bảo hộ quyền nhân thân chứ không bảo hộ quyền tài sản đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
Để sửa chữa những lỗi như vừa phân tích, Khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21.9.2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan: “Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian” và “Người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều này phải thoả thuận về việc trả thù lao cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình”. Như vậy, thuật ngữ “sử dụng” trong Khoản 2 điều 20 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Đây thực chất là hành vi “phi thương mại”, nếu hành vi phi thương mại mà phải trả thù lao thì lại trái với quy định tại điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra còn quá nhiều bất cập khi quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, như không thể biết chính xác ai là người lưu giữ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, chưa có quy định về mối quan hệ giữa tác giả của tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc là tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian với người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian (nếu xác định được) trong luật này không đề cập đến cộng đồng, nghệ nhân, người sưu tầm là những chủ sở hữu quyền tác giả, chỉ đề cập đến các chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan khác.
Rõ ràng, đó là sự hạn chế của luật nên rất khó cho việc thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian hiện nay.
Qua việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật và thực trạng của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian ở việt Nam hiện nay còn nhiều vướng mắc và mâu thuẩn trong luật sở hữu trí tuệ, vì lẽ đó việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian ở Việt nam nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cũng như đáp ứng được các đòi hỏi của việc hội nhập quốc tế là rất thiết thực và vô cùng cấp bách. Trên cơ sở phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị cho việc hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian ở Việt Nam hiện nay như sau:
Một là như phần trên đã phân tích khoản 2 Điều 23 Luật sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc về công chúng, có nghĩa Luật chỉ bảo hộ quyền nhân thân chứ không bảo hộ quyền tài sản đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, vì vây. chúng tôi xin kiến nghị như sau:
- Định nghĩa lại thuật ngữ “sử dụng” tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21.9.2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan theo hướng sử dụng với nghĩa là hành vi thực hiện quyền tài sản đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
- Nếu không định nghĩa lại thuật ngữ “sử dụng” tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì phải bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 100 ngày 21.9.2006 của Chính phủ vì quy định như vậy là ngăn cản các nhà nghiên cứu khi nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
Hai là phải cụ thể hóa các khách thể được bảo vệ như sử thi, ca dao, tục ngữ, thành ngữ.
Ba là sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ về chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian trong Luật sở hữu trí tuệ theo hướng các nhà sưu tầm (sở hữu công trình), nghệ nhân bảo lưu, truyền dạy, trình diễn, cộng đồng sáng tạo ra các giá trị đó là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Tóm lại, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhu cầu đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế hiện nay của nước ta, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, trong đó có pháp luật về quyền sở hữu đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian giữ một vị trí quan trọng. Đặt trong bối cảnh đó, việc tìm hiểu, phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về quyền sở hữu đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Có thể nói pháp luật về quyền sở hữu đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian nói riêng, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung của Việt Nam tuy chỉ mới hình thành trong thời gian ngắn nhưng về cơ bản đã điều chỉnh được các vấn đề có liên quan phát sinh trong thực tiển. Thêm vào đó, các quy định hiện hành cũng khá tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Tuy nhiên bên cạnh những điểm tích cực, các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian cũng còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là yêu cầu cấp bách trong việc bảo tồn và phát triển văn học nghệ thuật dân gian thì việc hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian nhằm tiến gần hơn nữa đến mục tiêu về tính đầy đủ và tính hiệu quả theo như tiêu chuẩn của pháp luật thế giới là thực sự cần thiết. Những đánh giá, phân tích thực trạng pháp luật hiện hành về quyền sở hữu đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian và những kiến nghị trong bài viết là ý kiến nhỏ trong việc hoàn thiện pháp luật quyền sở hữu đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian qua đó bảo vệ, phát huy, gìn giữ tinh hoa, bản sắc của dân tộc cho muôn đời sau.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung luật sở hữu trí tuệ năm 2009;
2. Nghị định số 100/NĐ - CP ngày 21.9.2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan
3. Bộ luật dân sự (năm 1995 và năm 2005)
4. TS. Đoàn Đức Lương - chuyên đề quyền tác giả, quyền liên quan. Khoa luật - Đại học Huế, 2011.
5. Lê Hồng Hạnh - Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội ,2004.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|