BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Đo Đo thơ

LÊ MINH QUỐC: Đo Đo thơ

 

Một ngày kia, tại xã kia, có cô gái nọ đến ủy ban nhân xã để làm giấy đăng ký kết hôn. Tay thư ký nhìn chị một lúc rồi hỏi: “Chồng của chị tên là Chiêm hay Chim?”. “Thưa, tên là Chim”. Như sợ người nghe không rõ, chị nhấn mạnh: “Chim”! Với cách phát âm của người miền Nam thì Chiêm cũng như Chiêm. Tay thư ký nghe xong ngắc ngứ hỏi lại: “Rắc rối quá! Chiêm hay Chim? Thế, Chim có “ê” hay không?”. Chị ta bẽn lẽn: “Dạ, lúc đầu cũng có “ê”, nhưng bây giờ thì... quen rồi!”.

 

Qun_tai_quan_o_do2

Từ trái qua phải: Huỳnh Hoàng, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân tại quán Đo Đo

 

Câu chuyện vừa chấm dứt, mọi người cười lên cái rần! Cười cái gì? Thì cái vụ “ê a” ê ẩm nghe cũng... sướng con ráy! Ấy là cách kể chuyện rất có duyên của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Anh có biệt tài kể chuyện tiếu lâm, nhất là tiếu lâm “mặn”. Mà một nơi có thể dành cho anh độc quyền “múa gậy vườn hoang” là quán Đo Đo, vì người nghe hầu hết là nhà văn, nhà thơ chúng tôi... vốn xa lạ với chuyện “ê” như trên (!?).

Thông thường sau khi lai rai vài ly, nghe chuyện tiếu lâm thì anh em lại cao hứng... làm thơ! Trời! Thời buổi @ này mà “tửu nhập thi xuất” thì chỉ có thể tại quán Đo Đo. Tôi từng chứng khiến, anh Nguyễn Nhât Ánh  hào hứng phóng bút thành thơ nhanh như... Trạng Quỳnh vẽ tranh! Nhưng khoan, ta hãy nghe “nhà thơ trẻ” Đoàn Duy Xuyên "cảm tác” mấy câu thơ mùi mẫn:

Dã quỳ rực rỡ đường lên bản

Ta bước cùng nhau nắng hiền hòa

Sơn nữ hững hờ buông giọng hát

Tình trót đong đầy một giỏ hoa

Gật gù nghe xong, nhà thơ Đỗ Trung Quân sửa “rực rỡ” thành “lộng lẫy” và “sơn nữ” thành “gái núi”. Thế là “nổ” ra một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại về cái sự dùng chữ trong trường hợp này. Nguyễn Nhật Ánh cũng nhảy vô cãi ỏm tỏi biến quán Đo Đo bỗng chốc thành cái chợ vịt. Thấy chủ quán hò hét ghê quá, họa sĩ Mai Rừng  giật tay nhắc nhỏ:

- Quán của anh! Quán của anh!

Đang gây gổ, Nguyễn Nhật Ánh giật mình:

- Ủa! Quán của tau hả? Vậy mà nãy giờ tưởng đang ngồi ở quán Ruốc của Mường Mán hay quán Đất Sét của Đông Ki Rét chớ. Thôi, hổng cãi nữa. Để tau làm thơ cho khỏi ồn!

Thế là anh hồn nhiên hý hoáy làm thơ ngay trên tờ hóa đơn tính tiền màu hồng nhạt. Thơ rằng:

Cụng ly này đã mấy ly

Say sưa bằng hữu biết gì nữa đâu!

Nhập nhằng tóc bết vào râu

Chợt nghe tiếng dế, ngẩng đầu: “Rót đi!”

Tôi tưởng Nguyễn Nhật Ánh phịa cho vui, chứ quán Đo Đo nằm ngay trên đường Lương Hữu Khánh (Q.1) xe chạy ồn ào như ngựa hí thì làm gì nghe nổi tiếng dế như ở quê nhà xa lắc xa lơ đó? Nào ngờ, ngay lúc đó có tiếng dế gáy ran ngay bụi cây bên cạnh làm tôi hoảng hồn. Hóa ra có dế thật!  Thật ra, người bảo “Rót đi” chính là nhà văn Tôi thương mà em đâu có hay. Nhanh như chớp, Nguyễn Nhật Ánh lại ngật ngưỡng viết:

Ông Biên, ông Biển, ông Biền

Trong ba ông đó ông điên ông nào?

Đó là ông vẫn nói câu:

“Tôi thương em lắm em nào có hay!”

Đích thị là nhà văn Đoàn Thạch Biền, chứ còn ông nào vào đây nữa? Thấy Nguyễn Nhật Ánh làm thơ, Đỗ Trung Quân hào hứng: “Tui cũng biết làm thơ chứ bộ”. Đỗ Trung Quân phóng bút nhoang nhoáng:

Ngồi vòng quanh

Có mấy cha

Trên năm mươi tuổi rất là trẻ con

Hỏi rằng rượu hết hay còn?

Hết thì thôi rót

Còn thì “rót đi!”

Ừ! Thì cứ rót. Mạnh ai nấy uống. Ở Đo Đo, anh em văn nghệ đến nhậu thường có kiểu chơi “rất Mỹ”. Xong, chia đều tiền, mỗi người góp một chút. Vậy là vui. Vì vui quá nên lúc bấy giờ, chính xác là 21g ngày 18.5.2009 có một giai nhân sắc nước hương trời bước đến và ngồi chung bàn nhậu với chúng tôi. Đó là Song Thương. Ngon thì làm thơ về Song Thương đi!”. Có người đố. Nguyễn Nhật Ánh hấp háy mắt liên hồi để ngắm nghía người đẹp và... làm thơ. Thơ rằng:

Thương em đâu chỉ một lần

Thương thêm lần nữa mới thành Song Thương

Yêu vì sắc? Nhớ vì hương?

Hay lưu luyến chỗ con đường ngã ba?

Rắc rối nhất là câu thơ thứ tư. Không ai hiểu là cái quái gì cả. Ngay cả Song Thương cũng thế, nàng thỏ thẻ: “Anh Ánh ơi! Con đường ngã ba chỗ nào mà em không biết?”. Nghe xong, lập tức chuyện gì đã xẩy ra trong bàn nhậu ngày hôm đó?

Xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

 

L.M.Q

 

Cùng một chủ đề:


Đến Đo Đo "Bật một que diêm"

Tôi bị "kỷ luật" tại Đo Đo

0407

Đo Đo và chuyện vui về bút danh văn nghệ sĩ

"Đời" đến Đo Đo

Vũ Ân Thy, rượu A Ma Công và... nước mắm Nam Ô

Đo Đo Hoài Mộng Diễm Thư

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com