BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tôi bị “kỷ luật” tại Đo Đo (!?)

LÊ MINH QUỐC: Tôi bị “kỷ luật” tại Đo Đo (!?)

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, tôi khoái nhất là từ “ăn”. Này nhé! Ăn nằm, ăn ngủ, ăn ảnh, ăn ké, ăn bẻo (ăn chặn), ăn bòn, ăn bóng (ăn nhờ), ăn chõm (ăn phần của người khác) ăn khảnh (ăn ít, theo ý muốn mình), ăn hoang v.v...

Gì thì gì, tôi vẫn không quên ăn nói. Ăn, có nói thì mới khoái. Nói cũng là một lạc thú ở đời. Tục ngữ có câu “Được ăn được nói”. Nhưng muốn nói cho hay ho, cho bay bướm văn hoa, lịch lãm thì phải học. “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là vậy. Nói tắt một lời: Rượu vào thì lời ra. Không thể khác. Cũng tỉ như đã ăn mì Quảng phải có bánh tráng, đã ăn bún bò Huế thì phải ớt thật cay, đã ăn phở thì phải có “người lái”...

Đã ăn thì phải... nói.

“Nguyên tắc” ấy bất di bất dịch, không thể thay đổi. Ấy vậy mà khi đến quán Đo Đo, tôi lại bị nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “kỷ luật” cấm... nói! Hơn cả thế, cấm luôn cả... cười!

Tại sao có lệnh cấm ấy? Thưa, tôi vốn là người có giọng nói dạt dào, ầm ầm như sóng Mỹ Khê, tiếng cười rổn rảng hào sảng như mõ làng nên những lần khoái chí cười nói là cả đầu làng cuối xóm đều... giật mình! Điều này ảnh hưởng đến không khí ấm cúng, nhỏ nhẹ của quán Đo Đo. Nhưng dù gì đi nữa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ban lệnh cấm ấy dành cho tôi là vô lý.

Tôi gào lên: ức quá, bất công quá, chèn ép quá!

Mặc kệ, Nguyễn Nhật Ánh vẫn cười khì khì.

Trước đây anh Ánh thường bảo: “Đêm đã khuya, để khỏi phiền lòng hàng xóm, Quốc điều chỉnh âm thanh chỉ vừa đủ nghe”. Tất nhiên, tôi cố cãi để tránh sự “áp đặt”, sự “cưỡng bức” vô lý ấy. Thấy không ăn thua, lần sau, anh Ánh đổi giọng gần như... năn nỉ: “Từ rày trở về sau, Quốc được miễn trả tiền nhậu nhưng bù lại là... cấm nói, cấm cười!”.

Anh em, nhất là Đỗ Trung Quân, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Xuân Hải, Đỗ Hoàng Tường, Thận Nhiên, Mai Sơn, Nguyễn Khắc Nhượng, Lưu Đình Triều, Lê Ngọc Thịnh, Đặng Việt Hoa... vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt! Nghe vậy, tôi phổng mũi, thấy sướng, bỗng dưng mình được “ăn bóng” (nói theo kiểu miền Bắc), “ăn ghé” (nói theo kiểu miền Nam), “ăn ké” (nói theo kiểu miền Trung) một cách hợp lệ.

Sướng nhé!

Vâng, sướng lắm chứ!

Nhưng chỉ sướng một vài lần thôi.

Còn gì khổ tâm hơn, ray rứt mồm mép, ngứa ngáy chân tay hơn cho bằng ngồi nhậu tì tì mà không được há mồm ra nói một câu cho hả, cho đã đời con nòng nọc? Mà không nói thì phải nghe. Nghe cái gì? Nghe lão Đỗ kể chuyện tiếu lâm, nghe Nguyễn Nhật Ánh tranh luận với Thận Nhiên về âm nhạc, nghe Nguyễn Khắc Nhượng hát boléro, v.v... và v.v... Nghe mà chỉ nghe suông là... xoàng (!?). Phải cãi lại mới sướng. Nhiều lúc, tôi ngứa miệng muốn vung tay cãi cho sướng, muốn cười rổn rảng cho méo trời lệch đất thì lại phải im thin thít như thịt nấu đông!

Chết còn sướng hơn!

Nhưng tôi chưa kịp chết thì đêm qua (11.7.2009), đang ngồi nhậu bỗng dưng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tuyên bố: “Từ rày trở về sau hủy lệnh cấm cho Quốc”. Mọi người cười rần. Tôi sướng rơn. Anh Ánh thương tôi, “cảm tình” với tôi nên nói thế chăng? Không phải. Hoàn toàn không phải.

Do, nhiều cuộc nhậu vừa qua, tôi ngồi im lặng, không nói không rằng nên... không khí chung buồn thiu! Nhậu mà buồn thiu như ngồi họp thì nhậu để làm gì? Chán lắm. Vì thế, anh em mới quyết định cho tôi được cười nói hào sảng như trước! Để làm gì? Để cuộc nhậu vui hơn! Tôi oách quá nhỉ? Oách lắm chứ? Bạn không tin à, xin hỏi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

(lê minh quốc)

Quoccuoi

lê minh quốc: "nhậu phải cười dzậy mới đã nè!"

(lê minh quốc)

http://quandodo.com/4rum/showthread.php?t=340

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com