BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập sách Thành phố không mặt người

LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập sách Thành phố không mặt người

 

TRONG CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI TRẺ

 

Trong lãnh vực sáng tác văn học, không phải cứ có cuộc thi, có đầu tư, có “phát động phong trào” là có tác phẩm tốt. Có những năm mùa màng văn học thất bát. Tìm mờ mắt, đếm mỏi tay vẫn không thấy, không nhặt được một nhúm thóc nào là “đỉnh cao của thời đại”. Ngược lại, có những năm lại nở rộ nhiều vụ gặt khiến công chúng hào hứng, tung hô. Cứ thế, năm tháng lại đi qua. Và thời gian, quái quỷ thời gian, nó lại sàng lọc một cách công bằng và tàn nhẫn. Có thể Giải nhất của hôm nay, nhưng qua ngày sau đã trôi tuột vào lãng quên. Và cũng có thể ngược lại chứ sao?

R

Tự ý thức như thế, để thấy rằng, trong một cuộc thi nào cũng vậy chuyện giải cao thấp cũng là lẽ thường tình. Cốt lõi của nó, nhất là với những người viết trẻ, vẫn là nội lực đường dài của anh (chị) thế nào, có bền lòng đi hết cuộc chơi hay không? Có những người đến với văn chương, như tham dự một người đi dạo, không mảy may tham vọng, thế nhưng khi ra khơi lại câu được cá mập. Có những người hăm hở ra khơi với biết bao ý tưởng, kế hoạch chu đáo nhưng quay về chỉ có được dăm con cá nhép.

Dù thế nào đi nữa, qua một cuộc thi, ở đây là cuộc thi do trang mạng Yume tổ chức lần 1- từ ngày 15.04.2011 đến ngày 15.07.2011, thu hút hơn 1.000 tác giả tham dự. Qua đó, ta thấy nó đã giúp cho công chúng thấy được gì trong tâm thế của người viết trẻ? Nói cách khác, trong cái nhìn của họ có gì khác so với những người đi trước?

Đọc 39 truyện ngắn đã lọt vào vòng chung khảo, đã xóa hết danh tánh tên tuổi người viết, đặng Ban Giám khảo khi đọc không phải “phân tâm”, tôi nhận ra rằng mình đã được nhìn một bức tranh đa chiều, nhiều sắc màu khác nhau. Truyện ngắn Chiếc xi líp màu đỏ nhìn lại, ta thấy được cái sự lẫn thẫn, tưởng rằng lẫn thẫn nhưng qua đó lại là một sự tò mò cần thiết. Nhất là khi ngườI ta còn trẻ. Bởi còn trẻ nên mới quan tâm đến một sự việc tưởng chừng như rất “vô nghĩa lý” kia. Và chính vì thế hành động của nhân vật đủ sức kéo người đọc đi theo. Người đọc nào cũng vốn khó tính. Nếu biết tiết chế về câu chữ, câu chuyện sẽ đanh và gọn hơn. Ở Người đàn bà đa tình, dù tình tiết này người khác cũng có thể tưởng tượng thế, nhưng chắc chắn cách viết sẽ không như thế. Văn phong của truyện ngắn này mang âm hưởng của dòng văn học đồng bằng Nam bộ đã rộ lên từ sau Cánh đồng bất tận. Cách nói ấy, dùng từ ấy không lẫn vào đâu được. Nó góp phần làm rõ hơn nữa một diện mạo của văn chương phía Cửu Long cuồn cuộn phù sa…

Tôi cũng thích Thế giới vịt cồ. Trời, sao mà đúng với tâm trạng của mình như thế. Cũng những cái tủn mủn, cái vặt vãnh của đời sống cơm áo gạo tiền, của một anh công chức đã ngốn hết một ngày mệt mõi. Rồi cứ thế, người ta lại sống. Nhưng phải đến Ngách vắng xôn xao, thì cái sự rệu rã, gần như bất lực lại đè nén người đọc đến khó thở. Thì ra, muốn viết được, phải sống. Sống hết và trọn vẹn với ý nghĩa của nó, người ta phát hiện ra nhiều điều lạ lẫm mà con mắt đã vô cảm, chai lì khó có thể nhìn ra. Với những truyện ngắn khác như Gió lạc mùa, Giấc mơ vượt đỉnh Mí Ròong, Giấc mơ về một con chuột mang khuôn mặt người, Làng… cũng đem lại cho tôi cảm giác ấy. Cái cảm giác tin cậy, những người viết trẻ hiện nay rõ ràng họ đã có cái nhìn về thế giới chung quanh khác thề hệ đàn anh. Chỉ có điều trong cách viết, đôi khi họ còn dài dòng, lan man. Nếu biết tiết chế hơn, trầm tĩnh hơn thì sẽ tạo nên ấn tượng rõ nét hơn.

Mà bất kỳ cuộc thi nào cũng vậy thôi. Cũng có những va vấp trong câu chữ này nọ… Nhưng là lẽ thường tình. Văn chương? Cái trò chơi nhọc nhằn này, nếu quyết tâm đi với nó thì còn lao tâm lao lực chán. Đây, chỉ mới bắt đầu. Cuộc thi marathon này kết thúc. Có người về trước, có người về sau. Chẳng can hệ gì. Miễn là khi ngồi trước trang giấy, trước bàn phím vi tính anh có tự ý thức mình đang chạy marathon với chính mình để “vượt lên chính mình” hay không?

L.M.Q

(2001)

 

Cùng một chủ đề:

Thành phố không mặt người - "Bữa tiệc" nhiều món ngon

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com