Quái lạ, một họa sĩ tiên phong trong lãnh vực sáng tác truyện tranh nổi tiếng cùa Việt Nam như Mạnh Quỳnh, lại không có mấy tài liệu đề cập đến.
Thế nhưng, trong ký ức của những người cùng thế hệ thì vóc dáng của ông vẫn còn sừng sững. Mọi người thường nhắc đến ông với tất cả sự khâm phục. Nhà thơ Thy Ngọc ở tuổi “cổ lai hy”, nay ngoài 80 xuân nhớ lại: “Năm tôi học lớp 3, lớp 4 tiểu học thì họa sĩ Mạnh Quỳnh đã nổi tiếng. Bấy giờ, ông vẽ truyện tranh phiêu lưu, vui nhộn nhưng lại có tựa bí hiểm là Kao co và vẽ nhân vật Vá, Vếu cho tờ báo Cậu Ấm - Cô Chiêu của ông Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong”.
Tư liệu L.M.Q
Theo tìm hiểu của tôi, Cậu Ấm - Cô Chiêu là tờ báo nhi đồng đầu tiên trong tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam. Từ số 1 đến số 12 (ra ngày 8.5.1935) có tên Cậu Ấm báo con trai. Bắt đầu từ số 13 (ra ngày 15.5.1935) được đổi tên thành báo Cậu Ấm - Cô Chiêu. Tòa soạn đặt tại số 82 Rue du Coton (Phố Hàng Bông - Hà Nội). Báo in theo khổ 19x 29, dày 20 trang. Họa sĩ Mạnh Quỳnh là cây cọ chủ lực của tờ báo này. Nhà thơ Thy Ngọc nói tiếp: “Họa sĩ Mạnh Quỳnh họ Ngô, ấn tượng đối với tôi là vóc dáng của ông cao lớn, nói năng không hoạt bát nhưng lúc nào cũng trẻ trung, hay cười - tạo cho người gặp đầu tiên những tình cảm đáng tin cậy. Ngoài việc vẽ truyện tranh, ông còn là người đầu tiên vẽ phim không cử động ở hiệu ảnh Hạ Long. Thời đó, chưa có băng vidéo hoạt hình, do đó, tuổi nhỏ của chúng tôi rất mê loại “phim” của ông. Không rõ từ bao giờ, ông đã mở lớp vẽ tư ở nhà riêng tại Hàng Trống - trước đó ở phố Nhà Thương Khách. Nhiều họa sĩ nổi tiếng hiện nay từng là học trò của ông”.
Nhân đây cũng xin nói luôn, chính từ bộ Cậu Ấm - Cô Chiêu, tôi đã sựu tập đầy đủ tập truyện dài nhiều kỳ: Đảng Rỗ Bẩy của nhà văn Nguyễn Công Hoan và NXB Trẻ đã in lại thành sách cách đây chừng mươi năm....
Thật cảm động khi ở tuổi gần đất xa trời, nhưng nhà thơ Thy Ngọc - có quá trình trên 50 năm viết văn, làm thơ cho một đối tượng duy nhất là thiếu nhi - lại nhắc về Mạnh Quỳnh như chuyện mới xẩy ra ngày hôm qua đây thôi.
Nhà thơ Thy Ngọc còn cho biết, Mạnh Quỳnh còn là người vẽ tranh minh họa cho bộ truyện ngụ ngôn của thi sĩ Pháp La Fontaine (1612-1695).
Lần đầu tiên đến Việt Nam, tên thi sĩ lừng danh này được phiên âm qua Hán - Việt là Lã Phụng Tiên, được dịch in bằng chữ Quốc ngữ trong quyển Hải lục cách ngôn do Đỗ Thận chủ trương, in tại nhà in của H. Schneider và bán tại hiệu Ích Ký (58 Hàng Giấy - Hà Nội) cùng thời với hoạt động của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Còn bài thơ ngụ ngôn đầu tiên được công bố trên báo chí Quốc ngữ là “Truyện con sói và con chiên con” đăng trên tờ Đại Nam đăng cổ tùng báo (số 821 ngày thứ năm 10.10.1907) và người dịch là nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh ( 1882-1936). Sau đó, tập hợp lại những bài đã in, Nguyễn Văn Vĩnh cho xuất bản tập La Fontaine - Thơ ngụ ngôn (Trung Bắc Tân Văn XB năm 1928), gồm 44 bài mà người minh họa là họa sĩ Mạnh Quỳnh. Nét vẽ của ông đậm đặc cảnh vật và người Việt Nam.
Tập sách này, chúng tôi không sưu tầm được. Nhưng bù lại, chúng tôi có bản in do NXB Cảo Thơm ở miền Nam tái bản vào năm 1969.
Xem La Fontaine - Thơ ngụ ngôn ta thấy hết sức thú vị. Chẳng hạn, với bài “Anh chàng đứng tuổi với hai chị nhân ngãi” - họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ người đàn ông khăn đóng, tay cầm ô; còn phụ nữ thì chít khăn mỏ quạ, tay cầm quạt. Ở bài “Truyện cô hàng sữa”, ông vẽ nhân vật chính là cô Perrette giống hệt hình ảnh cô gái quê đầu thế kỷ XX v.v...
Biết được điều này, hẳn La Fontaine rất hài lòng, bởi lẽ, ngụ ngôn của ông đã đạt đến tính phổ biến của nhân loại, thì mỗi nơi có một cách tiếp cận riêng với từng nhân vật ấy là lẽ tất nhiên. Thông điệp trong ngụ ngôn này là “Không bao giờ bán da con gấu khi chưa hạ được nó” hoặc “Chạy chẳng lợi ích gì, mà phải biết khởi hành đúng lúc”, “Nghi ngờ là mẹ của an toàn”, “Bụng đói thì không có tai” v.v…thì đâu chỉ dân tộc Pháp mới cảm nhận như vậy, mà ở Việt Nam cũng thế thôi. Đặc biệt, loài vật của La Fontaine hiện ra dưới nét vẽ của Mạnh Quỳnh thật ngộ nghĩnh. Ngay cả con vật dữ tợn như sư tử, sói… cũng đều biết cười ! Và trông nét mặt chúng đáng yêu làm sao!
Chính vì có cách thể hiện độc đáo của riêng mình, nên mãi đến bây giờ, ở Việt Nam, chưa có họa sĩ nào minh họa thơ ngụ ngôn La Fontaine tuyệt hơn Mạnh Quỳnh. Theo nhà thơ Thy Ngọc thì ông sinh khoảng trước năm 1920 và mới mất độ dăm năm trở lại đây tại Hà Nội.
Lê Minh Quốc
< Lùi | Tiếp theo > |
---|