DƯ LUẬN VỀ GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIÊT NAM:
MUỖI ĐỐT GỖ?
Thật lạ, hằng năm cứ vào dịp cuối năm thì y như rằng, sóng gió dư luận về Hội Nhà văn Việt Nam (HNV) lại nổi lên. Có hai chuyện cứ lặp đi lặp lại nhiều lần: kết quả giải thưởng văn chương và xét kết nạp hội viên mới. Cứ nhìn lại mà xem, sự việc hội viên từ chối một giải thưởng danh giá trên văn đàn hiện nay đã trở thành phổ biến.
Trước hiện tượng này, cần phải nghiêm túc xem lại vai trò và uy tín của thành viên ban giám khảo. Hoàn toàn không phải “nổi hứng”, “chơi nổi” hoặc “đốt đền” mà các nhà văn, nhà thơ như Hồ Anh Thái, Ly Hoàng Ly đã nói “không” với giải thưởng của HNV; và năm nay lại đến lượt nhà văn Y Ban, Phạm Ngọc Cảnh Nam. Rõ ràng, đây là sự bất thường, vì trái khoáy này lặp đi lặp lại nhiều lần.
Đã thế, dư luận lại cho rằng, trong khi đó những người khi “cầm cân nảy mực”, có “vai vế” của Hội lại chiếm quá nhiều giải. Khi nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục nhận giải tập thơ Thương lượng với thời gian, dư luận lại rộ lên ẩm ĩ rằng HNV cũng đã từng trao cho ông với Đường tới thành phố, Thư mùa đông, chẳng nhẽ vinh quang lại đến những… ba lần? Một việc “xưa nay hiếm”, rất hiếm! Gần đây nhất, ta có thể kể đến trường hợp Lỏng và Tuột (Trần Đức Tiền), Huyền thoại tàu không số (Đình Kính), Lính trận (Trung Trung Đỉnh) và bây giờ Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ) nên khiến nhà thơ Trần Nhương có lời bình, ngẫm lại thấy chua chát: “Mới chỉ chưa đến nửa nhiệm kỳ khóa mới mà có đến 4 ủy viên trong Ban chấp hành lần lượt được trao giải thưởng thì mới thấy các ủy viên của Hội ta viết văn tài thật”.
Theo chúng tôi, có thể chất lượng tác phẩm của những người này xứng đáng nhận giải, nhưng nếu họ không “vai vế” trong HNV thì liệu có được giải? Nên chăng có quy chế đã trong ban chấp hành, thì thôi tham gia giải thưởng hàng năm; hoặc nếu tham gia ban chấp hành thì rút lại tác phẩm dự thi của mình? Mà việc này không mới, từ những năm 2000 các nhà thơ Bằng Việt, Nguyễn Trọng Tạo, Trúc Thông cũng đã có động thái tích cực này khi chấm giải rồi. Nghĩ cho cùng giải thưởng văn chương ngoài nhiều yếu tố như phát hiện tác phẩm - tác giả xuất sắc trong năm v.v… còn là sự động viên phong trào sáng tác trong cả nước nữa. Trao giải như vừa rồi, dù đúng về chất lượng tác phẩm nhưng dư luận vẫn ì sèo này nọ là cũng có cơ sở.
Hơn nữa, cách chấm giải của HNV mới đây nhất mà bất kỳ ai,dù dễ tính nhất cũng khó chấp nhận. Chẳng hạn, tác phẩm được trao giải của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam là Thế kỷ bị mất, nhưng thông báo chính thức của HNV đến bàn dân thiên hạ lại là Một thế kỷ bị mất (!?). Tương tự khi xét Giải thưởng Nhà nước cho Nhà văn Sơn Nam, người ta lại nhầm Hương rừng Cà Mau là… tiểu thuyết, trong khi nó thuộc thể loại tập truyện ngắn; hoặc nhà thơ Hữu Loan với Màu tím hoa sim và tập thơ Thơ với tuổi thơ - thật ra Thơ với tuổi thơ là tên gọi chung cho một Tủ sách thơ của NXB Kim Đồng!
Những sự sai sót trầm trọng này khiến dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi rằng, trong khi xét giải thì ban giám khảo có đọc tác phẩm hay không? Nhà văn Y Ban cho biết: “Mùa giải năm 2012 tôi có tác phẩm dự thi. Ngày bỏ phiếu tôi cũng được triệu tập đến. Có 5 thành viên hội đồng có mặt. Nhà văn Bão Vũ có bản nhận xét và bỏ phiếu qua email. Nhà văn Thái Bá Lợi xin bỏ sau. Nhà Văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu qua điện thoại. Chị Tuyên nghe điện thoại nói lại, anh Tuấn bảo anh ấy bỏ tất cho mọi người vì…chưa kịp đọc. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cầm điện thoại nói với nhà văn Trần Văn Tuấn: Không bỏ thế được đâu. Ông đọc ai rồi thì bỏ. Nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ một phiếu duy nhất cho Thành phố đi vắng”.
Đúng là "bó tay", nếu “chưa kịp đọc” mà bỏ phiếu. Lá phiếu ấy làm sao có chất lượng? Đến nay chưa thấy nhà văn Trần Văn Tuấn có ý kiến phản hồi lại sự “vu cáo” rất trầm trọng này, nếu có. Cho dù có hoặc không, tại sao HNV không lên tiếng giải thích cho dư luận?
Có một điều lạ nữa, khi nhà văn Y Ban viết đơn không nhận giải gửi HVN, chị khẳng định với chúng tôi chiều ngày 20.1.2013 qua điện thoại là đã “đưa tận tay” cho các vị có thẩm quyền, thế nhưng người phát ngôn chính thức của HNV vẫn là điệp khúc “chưa nhận được” (!?). Tại sao?
Chính vì vậy, ta không ngạc nhiên khi biết sau vụ lùm xùm trên, ngày 21.1.2013, Ban Thường vụ HNV đã ra thông báo số 07/ TB-HNV “Về giải thưởng văn học năm 2012” vẫn… giống y chang nội dung đã thông báo vào ngày 16.1.2013 (tất nhiên có sửa lại đúng tên tác phẩm của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam). Nếu thông báo trước cho biết, “Lễ trao giải và kết nạp Hội viên năm 2012 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 29/1/2013 tại hội trường Bảo tàng Hội Nhà Văn Việt Nam (số 275 Âu Cơ, Hà Nội) thì thông báo này lại là “tổ chức lễ trao giải vào dịp đón xuân Quý Tỵ 2013”. Cụ thể ngày nào thì… chịu!
Tại sao mọi sự trở nê ồn ào mà HNV không có một thông báo chính thức định hướng dư luận? Tại sao thông báo mới nhất lại hoàn toàn không “đả động” gì đến bức xúc của hội viên và giới truyền thông ? HNV hoàn toàn không có thông tin hay phớt lờ dư luận? Chẳng lẽ, nói như nhà văn Y Ban, dư luận ì sèo mấy ngày qua chẳng khác gì “muỗi đốt gỗ”?
Lê Minh Quốc
(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 23.2013 ký bút danh LÊ VĂN NGHỆ)
Chú thích ảnh: Hai tác phẩm được HNV trao giải nhưng tác giả lại thẳng thừng từ chối
< Lùi | Tiếp theo > |
---|