BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Đo Đo và chuyện vui về bút danh văn nghệ sĩ

LÊ MINH QUỐC: Đo Đo và chuyện vui về bút danh văn nghệ sĩ

tanda

Thi sĩ Tản Đà (ảnh tư liệu Lê Minh Quốc)

 

Gã đàn ông trong bài giảng văn của sách Quốc văn giáo khoa thư, bảo: “Chốn quê hương là nơi đẹp hơn cả”. Tại sao? Có nhiều cách để lý giải.

Theo tôi, vì nơi ấy gắn bó trong máu thịt ta từ thuở ấu thời qua những món ăn mẹ nấu. Rồi sau này lớn lên, dẫu có phiêu du đến tận chân trời góc biển, được thưởng thức biết bao món ngon vật lạ thì ta cũng nhớ đến món ăn dân dã, quê mùa ấy. Ngày ấy mẹ còn khỏe, mẹ nấu ăn cho ta mỗi ngày. “Ngay cả lúc cơm sôi/ còn có cả giọt mồ hôi/ của mẹ”.

Thử hỏi làm sao quên?

Chính vì không quên nên nhiều người vào Sài Gòn lập nghiệp đã mở quán “chuyên trị” những món ăn Quảng hoặc món ăn Huế, v.v... Như một cách biểu hiện về nỗi nhớ, về lòng tự hào mà người đàn ông trong sách giáo khoa đã tự sự. Trong số đó có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với Quán chợ Đo Đo.

Cái tên nghe ngồ ngộ. Như quen như lạ. Muốn biết cụ thể về nó thì phải đọc quyển Quán Gò đi lên. Đọc đến đâu sướng đến đó, bởi cách viết hài hước, bông lơn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng ngồ ngộ không kém. Chính vì thế, đọc xong quyển sách này, nhà thơ lão làng Tường Linh quyết tìm đến quán Đo Đo. Ăn xong, ông cao hứng phóng bút ra vế đối:

“Đây đó đến Đo Đo đông đủ, đi đôi được đon đả đón đãi đằng, động đũa đã đời, đừng đỏng đảnh, đợi đừ, đành để đói”.

Ông giao hẹn, nếu ai đối được thì ông sẽ đãi cho một chầu mì Quảng. Tôi làm gan đối lại: “Bà Ba béo bả bán bánh bò, bánh bèo bên bờ biển bả bị bộ binh bắt bỏ bót ba bốn bữa” (!?). Nhà thơ Tường Linh cười khì: “Quốc đối... trật lất!”.

Lúc nhà thơ Tường Linh viết câu đối này thì quán Đo Đo còn nằm bên hông chợ Tân Định. Mỗi chiều, tôi và một vài anh em văn nghệ thường đến ngồi tán gẫu. Khoác lác tán phét thế mà cũng ra chuyện. Nói có sách mách có chứng. Xin trích trong tập Nụ cười dân gian hiện đại (NXB Phụ Nữ - 2005) của tôi, trong đó có đoạn: “Riêng tôi vẫn thường hay ngồi ở quán Đo Đo, một phần vì thích món ăn “xứ Quảng quê mình”, một phần vì gặp gỡ các bạn viết cùng thời. Trong lúc “trà dư tửu hậu”, đôi lúc chúng tôi thử “đùa với bút danh của văn nghệ sĩ”. Vì “đùa” nên sự sắp xếp ở đây hoàn toàn theo trí nhớ, không tra cứu sổ sách, thậm chí cũng có phần... khiên cưỡng nữa. Nhưng chắc chắn cũng là một kiểu “đùa” khá thú vị, nay chép lại mời các bạn đọc chơi - mà có lẽ các bạn cũng tự bổ sung thêm cho... vui.

Có nên chép lại không nhỉ? Tại sao lại không? Trong khi chờ món ăn, thay mặt chủ quán Đo Đo mời bạn khai vị bằng “món” này:

SẮP XẾP VĂN NGHỆ SĨ THEO 12 CON GIÁP:

1. Tý: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý...
2. Sửu: Nhạc sĩ Hoàng Sửu, nhà nghiên cứu Lê Quý Ngưu...
3. Dần: Nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Phạm Hổ, nhà nghiên cứu văn học Phan Văn Hùm, nhà phê bình văn học Tam Ích (3 ích (x) tức XXX là... ông Ba mươi, là... con cọp!)…
4. Mẹo: Nhà thơ Vũ Mão...
5. Thìn: Nghệ sĩ Đinh Thìn, nhà thơ Trương Thìn, nhà viết kịch Đào Mộng Long...
6. Tỵ: Họa sĩ Tạ Tỵ...
7. Ngọ: (tạm thời chúng tôi quyết định chọn tên của ông Lê Huy Ngọ có thời làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệpTongue out).
8. Mùi: Nghệ sĩ quan họ Thúy Mùi, (có thể kể thêm nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà văn Trần Hoài Dương, ca sĩ Quý Dương, đạo diễn Lê Quý Dương... vì người ta thường nói “rượu ngọc dương” ắt hiểu là cái ấy của... dê!).
9. Thân: Nhạc sĩ Canh Thân, nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà thơ Phạm Hầu…
10. Dậu: Nhà văn Nguyễn Dậu.
11. Tuất: Cây bút trẻ Nguyễn Tuất...
12. Hợi: Nhà văn Vũ Hợi (Đồ Bì)...

SẮP XẾP VĂN NGHỆ SĨ THEO ĐƠN VỊ CÂN ĐONG ĐO ĐẾM:

Nhà thơ Dương Hương Ly, họa sĩ Ly Hoàng Ly, nhà thơ Hoàng Trúc Ly.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, nhạc sĩ Hoàng Giác.
Họa sĩ Nguyễn Đồng.
Nhà thơ Nguyễn Huy Lượng.
Họa sĩ Bửu Chỉ.
Nhạc sĩ Thuận Yến.
Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký, họa sĩ Bé Ký, nhà thơ Tạ Ký, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.
“Vua” tuồng Đào Tấn, nhạc sĩ Kiều Tấn, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn, nhà văn Bùi Anh Tấn.
Nhà phê bình Lê Xuân Lít.
Nhà văn Lê Thước.

SẮP XẾP VĂN NGHỆ SĨ THEO THỨ TỰ TỪ 1 ĐẾN… 12:

1. Nhà văn Nhất Linh, cây bút trẻ Nguyễn Một, nhà văn Đào Trinh Nhất, diễn viên Hai Nhất (có thể kể thêm cựu giám đốc Sài Gòn audio: Lê Văn On (tiếng Pháp: Un), nhà văn Lê Huy Oanh (tiếng Anh: One)...
2. Nhà thơ Bùi Mạnh Nhị, nhà văn Hoàng Xuân Nhị, tác giả Huỳnh Minh Nhị...
3. Nhà báo Xuân Ba, nhà báo Yên Ba, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba...
4. Nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhà thơ Đồng Đức Bốn...
5. Nhà văn Lưu Ngũ, nghệ sĩ Năm Phỉ (có thể kể thêm kiến trúc sư Lê Văn Năm)...
6. Nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà văn Trần Hữu Lục, đạo diễn truyền hình Trần Văn Sáu...
7. Nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy, nhà văn Vũ Thất.
8. Nhà thơ Trần Khắc Tám.
9. Nhà thơ Võ Chân Cửu, Phan Chín, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9...
10. Nhà văn Chu Văn Mười, hoạ sĩ Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy).
11. Nhạc sĩ Thập Nhất.
12. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá (có một người khác có thể kể tên nhưng chúng tôi nhất quyết không chọn là... Nguyễn Văn Mười HaiLaughing!).

BÚT DANH CŨNG ĐỐI NHAU CHAN CHÁT:

Nhà thơ Tú Mỡ – Nhà thơ Tú Xương
Nhạc sĩ La Thăng – Nhà thơ Bùi Giáng
Nhà thơ Trần Phá Nhạc – Nhà thơ Vũ Ân Thy
Nhà văn Nguyễn Lập Em – Nhà thơ Tạ Duy Anh
Nhà thơ Thúy Bắc – Nhạc sĩ Nguyễn Nam
Nhà văn Ngụy Ngữ – Nhà thơ Trung Ngôn
Nhà thơ Võ Quê – Nghệ sĩ Văn Thành
Nhà thơ Văn Lê – Nhà văn Võ Hồng
Nhà thơ Cung Văn – Họa sĩ Phan Vũ
Nhà thơ (Trần) Nhật Thu – Diễn viên Chiều Xuân
Nhà văn Nguyễn Dữ – Nhạc sĩ Nguyễn Hiền
Nhà báo Năm Tu Huýt – Nhà báo Ba Thợ Tiện
Ca sĩ Hồng Nhung – Nhà báo Bạch Mai
Nhà thơ Từ Nguyên Thạch – Nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc
Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà – Nhà văn Phùng Văn Tửu
Nhà thơ Thanh Tịnh – Nhà văn Anh Động
Nhà thơ Chim Trắng – Nhà thơ Xích Điểu
Nhà thơ Thy Thy Tống Ngọc – Nhà văn Trung Trung (Tống) Đỉnh!” Tongue out

Sự sắp xếp này, Nguyễn Nhật Ánh đóng góp nhiều ý kiến nhất. Và tôi chỉ ghi lại, gửi đăng lai rai trên Tuổi Trẻ Cười và có nhuận bút nhậu chơi!

Đó là những chuyện đáng nhớ xảy ra ở Đo Đo lúc mở trên đường Nguyễn Hữu Cầu.

Kỳ sau tôi sẽ kể về những lần "chuyển nhà" của Đo Đo…

(lê minh quốc)

http://quandodo.com/4rum/showthread.php?t=53

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com