BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vĩnh biệt nhạc sĩ HOÀNG HIỆP

LÊ MINH QUỐC: Vĩnh biệt nhạc sĩ HOÀNG HIỆP

 

Trên đường đời, có những con người dù mình ít gặp, ít chuyện trò bù khú, đàn đúm bia bọt nhưng lại dành nhiều tình cảm quý mến. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong tôi là vậy. Vì thế, từ năm 1997, tôi hào hứng viết kịch bản phim “Hoàng Hiệp - Tình tự với quê hương”. Đơn giản, tôi muốn công chúng biết nhiều hơn về sự đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Khác với nhiều người, nhạc sĩ Hoàng Hiệp dù có tài nhưng lại kiệm lời và không thích tự nói về mình.

 

vinhbiet-nhac-si-Hoang-Hiep

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931 - 2013)

 

Để viết kịch bản đó, tôi đã có nhiều thời gian làm việc cùng ông dưới tàn cây hoa sứ ở sân 81 Trần Quốc Thảo. Viết xong, tôi đưa kịch bản cho Hãng phim Giải Phóng, do “không có kinh phí” nên ba năm sau buộc tôi đưa đó qua HTV. Đọc xong, đạo diễn Việt Bình bắt tay thực hiện ngay. Bộ phim này phát sóng ngày Chủ nhật 25.3.2001 trên HTV 7. Còn nhớ khi bộ phim này chiếu giao lưu tại Cung Lao động, ngồi cạnh nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tôi vui hơn khi biết ông đã gật gù hài lòng.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1.10.1931 tại một làng cù lao nằm giữa dòng sông Tiền. Từ dòng sông này, ông đi kháng chiến và bắt đầu sáng tác. Trong ba lô của ông có những ca khúc của Văn Cao, và Lưu Hữu Phước mà ông ghi nắn nót trong sổ tay. Đó là hai thần tượng âm nhạc mà ông rất kính trọng và yêu mến. Một ngày kia, Hoàng Hiệp đã bàng hoàng nhận được tin người bạn thuở nhỏ của mình đã hy sinh trong chiến đấu. Người ấy tên Hòa. Để tưởng nhớ đến bạn, ông đã ghép tên Hòa với tên Nghiệp của mình lại. Và chia hai. Chính tình cảm sâu đậm này bút danh Hoàng Hiệp ra đời.

Năm 1954, chia tay với dòng sông Tiền của tuổi thơ, Hoàng Hiệp đã tập kết ra Bắc và thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay Nhạc viện Hà Nội), bạn học cùng khóa với ông là Hồng Đăng, Huy Thục, Chu Minh, Tân Huyền... Có điều lạ lùng, ngay từ năm học đầu tiên, Hoàng Hiệp đã gây sửng sốt trong giới âm nhạc bằng Câu hò bên bờ Hiền Lương (lời: Đằng Giao). Ca khúc này ông viết năm 25 tuổi  và đã đánh dấu từ một người sáng tác nghiệp dư, ông đã trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Ít ai biết, Hoàng Hiệp ông còn có bút danh Lưu Nguyễn. Ông kể rằng, vào một ngày đầu thu của năm 1961, thần tượng âm nhạc của ông là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vỗ vai thân mật, bảo: “Cậu hãy cố gắng viết một bài về quân giải phóng. Nếu bài hát ấy trở thành bài hát chính thức của quân giải phóng thì càng tốt”. Chính từ sự gợi ý này mà ông đã có ca khúc Hành khúc giải phóng và Giờ hành động. Cả hai ca khúc này đều ký tên Lưu Nguyễn và Long Hưng. Hoàng Hiệp đã ghép họ Lưu của mình vào họ Nguyễn của người yêu để tạo nên bút danh Lưu Nguyễn. Còn Long Hưng là tên chung của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng. “Trong cuộc đời sáng tác của mình, tôi coi đây là một niềm hạnh phúc, một vinh dự to lớn”, ông tâm sự.

Nhắc Hoàng Hiệp, chắc chắn nhiều thế hệ sẽ không thể quên được Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Đất quê ta mênh mông, Trường Sơn Tây - Trường Sơn Đông, Con đường có lá me bay, Trở về dòng sông tuổi thơ, Thành phố tôi yêu…và nhất là ca khúc về Nhớ về Hà Nội ông sáng tác năm 1984. Bây giờ và sau này, nghe lại thì chúng ta vẫn hình dung ra một Hà Nội với hồn nước thiêng còn lắng đâu đây… và là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội.

Vĩnh biệt một người nhạc sĩ tài hoa và rất khiêm tốn, tôi nhớ lại có lần ông chia sẻ là rất tâm đắc về định nghĩa âm nhạc của nhà thơ Raxun Gamzatốp: “Bài hát sinh ra từ trong trái tim, trái tim truyền lại cho miệng hát, miệng hát truyền lại cho mọi trái tim và mọi trái tim truyền mọi bài hát cho muôn đời sau”. Tôi nghĩ rằng, trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của mình, có nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã  viết từ trái tim  nên đã đến với mọi trái tim và sức sống còn lâu bền.

LÊ MINH QUỐC

(9.I.2013)

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM 11.1.2013)

 

Cùng một chủ đề:

 

Kịch bản phim  HOÀNG HIỆP - Tình tự với quê hương

Xem phim Hoàng Hiệp - Tự tình với quê hương http://clip.vn/watch/Hoang-Hiep-Tinh-tu-voi-Que-huong,Wq_Q?fm=se,

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com