BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Báo động giả!

LÊ MINH QUỐC: Báo động giả!

 

 Gần đây, phải thừa nhận rằng văn hóa đọc đang có chiều hướng phát triển tốt. Điều này có thể ghi nhận qua thống kê hàng tuần, hàng tháng của hệ thống phát hành quốc doanh lẫn tư nhân. Và có một điều rõ nét nhất, hầu như tuần nào cũng có cuộc ra mắt sách tại một quán cà phê, hoặc tụ điểm sinh hoạt văn hóa, Câu lạc bộ sách nào đó. Dù không đông người, náo nhiệt kiểu “thời thượng” nhưng lại là những người thật sự yêu sách. Họ có nhu cầu cần tìm đọc sách mới và trò chuyện với tác giả mà mình yêu thích.

 

Bia-1-Nha-co-cua-khoa-traiRR

 

Mới đây nhất là cuộc giao lưu sách chủ đề “Trở về” của nhà văn Trần Thị NgH do NXB Hội Nhà văn và Công ty Phương Nam tổ chức vào ngày 19.1.2013 tại Q.1 (TP.HCM). Gọi “trở về” bởi bà là nhà văn tiếng tăm trên văn đàn miền Nam trước 1975, hiện đang sống và làm việc tại Pháp. Vì thế khi ra mắt ba tập truyện ngắn Lạc đạn, Nhà có cửa khóa trái, Trở về mái nhà xưa (NXB Hội Nhà văn) của bà đã thu hút khá đông giới viết lách và người đọc.

Công chúng trẻ ngạc nhiên khi nhà văn Dạ Ngân “tiết lộ”, bà là em ruột của nhà thơ Lê Giang nổi tiếng với các công trình sưu tầm ca dao, hò vè Nam bộ. Và cũng thật lạ, dù ở phương xa nhưng nhà văn Trần Thị NgH vẫn kể vanh vách những tác phẩm - tác giả đang viết sung sức trong nước như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức hoặc Thận Nhiên, Mai Sơn v.v… Thì ra, qua tác phẩm văn học, dù người Việt ở chân trời góc bể nào vẫn có thể tìm đến với nhau miễn là họ cùng yêu tiếng Việt, yêu quê nhà.

Sự việc này không có gì phải bàn. Chỉ tiếc, trong giao lưu này lại có người tranh thủ cơ hội này để phát ngôn không đúng về tình hình xuất bản sách hiện nay. Đó là một nhà văn “thường thường bậc trung”, anh ta nói, đại khái chúc sách của nhà văn Trần Thị NgH không rơi vào trường hợp như nhà văn Dương Nghiễm Mậu và… của anh ta! Một phát ngôn lạc quẽ, lố bịch và dễ gây ngộ nhận trong môi trường xuất bản hiện nay. Tại sao?

Thứ nhất, sách của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, trước đây có đơn vị đứng ra in nhưng sau đó bị thu hồi vì quy chế của Luật Xuất bản hiện hành. Sự việc đáng tiếc này ngay cả nhà văn đó cũng không muốn nhớ lại - bằng chứng là hôm ra mắt sách của Trần Thị NgH, ông vẫn đến và phát biểu khiêm tốn, dành nhiều chân tình cho bạn viết. Trong khi đó, sách của anh này lại khác, dù mới viết sau này là do nội dung của nó, và chính tác giả phải chịu trách nhiệm về nội dung. Hai sự việc này hoàn toàn khác nhau, không thể à uôm đánh đồng “cá mè một lứa”, bỏ chung vào một rọ khiến công chúng hiểu sai về bản chất của sự việc đã diễn ra. Khi anh ta phát ngôn có ý thức như thế, có lẽ cũng không ngoài mục đích “ăn theo” sự cố của người đi trước, cố tình nhập nhằng là nhằm “làm sang” cho mình đấy thôi!

Câu phát ngôn lạc quẻ của nhà văn trên là không cần thiết, nếu không muốn nói là quá tào lao và xúc phạm đến nhà văn phải nghe “câu chúc” nhảm nhí đó cũng như công chúng yêu văn học. Đây còn là sự giễu cợt đến những người chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập như nhà văn Trung Trung Đỉnh, Trần Quang Quý, Tạ Duy Anh của NXB Hội Nhà văn.

Nghĩ cho cùng, sự “trở về” của bất kỳ nhà văn nào viết trước 1975 tại miền Nam cũng bình thường, rất bình thường trong sinh hoạt văn hóa đã có nhiều cởi mở hơn trước. Mà đâu chỉ một hai người, ta còn có thể kể đến một loạt tác phẩm - tác giả 1975 nay đã có sách in lại như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mộng Giác, Tràng Thiên, Lê Tất Điều, Nhật Tiến, Trần Thị NgH… và sắp tới còn là những nhà văn khác nữa - miễn là họ làm đúng quy trình và được sự chấp thuận của Cục Xuất bản. Vậy hà cớ gì phải bù lu bù loa báo động giả?

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ nữ TP.HCM ngày 21.1.2013, ký Lê Văn Nghệ)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com