BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nỗi buồn Cóc Xanh

LÊ MINH QUỐC: Nỗi buồn Cóc Xanh

 

Hiện nay, trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật chỉ có “giải thưởng” Trái Cóc Xanh của tờ Tuổi Trẻ Cười là tổng kết các sự kiện ấm a ấm ớ đó trong năm qua và trao giải. Tất nhiên chả ai dám đến nhận, nhưng cũng là một cách phê phán của dư luận xã hội nhằm chấn chỉnh lại “tình hình”.

 

traicocxanh

 

Năm qua có ba nhân vật “vinh dự” được xướng danh trên “bảng vàng”. Đó là tác giả có khả năng dịch... ẩu và rất nổi tiếng từ Nam chí Bắc bởi câu dịch hay ho đến nỗi đã trở thành một slogan: “Bố tôi chết vì bị ung thư... tử cung”; kế đến là một nam ca sĩ luôn ỡm ờ về giới tính,, đột nhiên cao hứng lên bèn ôm hôn một nhà sư. Chưa hết, thêm một giám đốc âm nhạc tầm cỡ… đài truyền hình lại tuyên bố ngậu xị dàn xếp kết quả của một cuộc thi hát hò! Chả cần phải nhắc tên các vị này lần nữa, không khéo lại P.R cho họ!

Thật ra những trò này không mới, xưa rích như trái đất. Nếu lật lại các sự kiện từng bị cơ quan truyền thông phê phán thời gian qua, nay ta vẫn thấy “vũ như cẩn”. Có thể liệt kê những sự việc hầm bà lằng như phát ngôn gây sốc, khoe thịt da trên sàn diễn, bới móc đời tư của nhau, khoe hàng hiệu tiền USD, khoe nhà cửa, khoe xe, khoe con, khoe giới tính, giả gái õng ẹo trên sân khấu, thi nhau viết “tâm thư”, xào nấu sách bất chấp luật bản quyền, dịch thuật cẩu thả, phim truyền hình  kéo rê vô thưởng vô phạt, đạo nhạc, cuỗm ý tưởng phim v.v… và v.v…

Bao giờ những trò này mới chấm dứt?

Chẳng lẽ, trong thời buổi này sự nhố nhăng, lảm nhảm ấy đã hết thuốc chữa? Trao đổi với chúng tôi suy nghĩ này, một cán bộ của Sở Thông tin Truyền thông phát biểu chí lý: “Ròng rã suốt năm qua, các cơ quan chức năng đã “điểm mặt chỉ tên” nhiều trường hợp vi phạm, những tưởng phê bình người này thì trong giới sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng không, các vi phạm ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, không nghệ sĩ này thì nghệ sĩ khác”.

Khi người nghệ sĩ không còn xấu hổ trước sự phê phán công luận, có nghĩa đến lúc phải xem lại lòng tự trọng của họ. Câu tục ngữ có câu “Nước đổ lá khoai” xem ra rất đúng trong trường hợp này, vì họ đã “lờn” thuốc rồi. Cần phải thay đổi biện pháp răn đe từ các cơ quan chức năng, nếu không mọi sự chỉ trích, oái ăm thay, lại có “giá trị” như một chiêu… quảng bá tên tuổi.

Chẳng hạn, vụ “khóa môi” phản cảm đến thế, vô văn hóa đến thế vậy mà khung sử phạt chỉ gói ghém trong năm triệu đồng. Số tiền này có đáng gì so với thu nhập của họ? Do đó, sự ầm ĩ, ồn ào trên mặt báo đã khiến không ít nghệ sĩ khác thèm thuồng, bởi muốn “nổi tiếng” cỡ đó, muốn được “làng trên xóm dưới” bàn tán nháo nhào thì họ phải mất tiền gấp nhiều lần! Vậy hóa ra bị sử phạt lại là cái may (!?) nên công chúng cười ruồi người ra văn bản phạt cũng là điều dễ hiểu.

Nghĩ cho cùng biện pháp hành chính chỉ có ý nghĩa răn đe, mà làm không đến nơi đến chốn thì chả ai sợ! Nếu những ai vi phạm thuần phong mỹ tục, công súc tu sỉ mà bị cấm diễn thì dù có cho tiền cũng chẳng dám “giỡn mặt”. Vẫn biết vậy, nhưng trong lúc văn bản luật của ta còn nhiều bất cập thì “quan tòa” sáng giá nhất, vẫn chính là công chúng. Khi khán giả đồng loạt, đồng lòng tẩy chay thì người nghệ sĩ đó chẳng còn đất sống. Chúng tôi tin rằng, công chúng có tri thức đã hành động như thế bởi thẩm mỹ của họ không thể “chui chung rọ” với những ai kém văn hóa, dù đó là ca sĩ tiếng tăm.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Trước âu lo này, không thể trút mọi ca thán, chỉ trích xuống đầu giới hoạt động showbiz mà còn phải xem lại từ phía các đơn vị tổ chức nữa. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã thú nhận đau lòng rằng, khi trần ai khoai củ, sống chết với nghề thì họ kiếm một hợp đồng rất khó. Vậy mà chỉ sau vài vụ “lộ hàng” tèm nhem thì lập tức được các bầu show, “đạo diễn” tới tấp săn đón!


Thêm một sự cần chấn chỉnh nữa, theo chúng tôi chính là từ các cơ quan truyền thông, nhất là báo mạng! Khi người nghệ sĩ “bán mình” bằng mọi cách, kể cả phơi tênh hênh thân xác trước mặt đám đông để nổi tiếng - nếu không có sự “hỗ trợ” tích cực đó nhằm câu view thì cớ sự đâu đến nỗi tệ hại.  Sự cộng hưởng đáng buồn của tất cả những điều đó đã vẽ nên chân dung “người của công chúng” ngày càng xấu đi. Sự xấu xí này, chúng tôi đặt cho tên gọi là “nỗi buồn Cóc Xanh"!

L.M.Q

(nguồn: Phụ Nữ TP.HCM ngày 25.1.2013, ký bút danh HUYỀN SƯƠNG)

 

Cùng một chủ đề:

Giám khảo bình chọn Trái Cóc Xanh 2012 Lê Minh Quốc: Thuốc xấu hổ đã lờn

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com