BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Thử "giải mã hiện tượng" NGUYỄN NHẬT ÁNH

LÊ MINH QUỐC: Thử "giải mã hiện tượng" NGUYỄN NHẬT ÁNH

Đến nay nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là một “hiện tượng” đáng kinh ngạc: Nếu xếp toàn bộ tác phẩm của anh, kể cả những lần tái bản thì chắc chắn sẽ... cao gấp 5 lần chiều cao 1 mét 60 của anh; khá nhiều tác phẩm của anh lọt vào “mắt xanh” của nhiều đạo diễn để dựng thành phim, thành kịch; nhiều tác phẩm được “phóng tác” thành truyện tranh, chuyển thành sách nói cho người khiếm thị...

nguyennhatanhdaongocthach

Có một điều không nói ra nhưng ai cũng biết, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một người khá đẹp trai, nhất là những lúc anh cười. Một nụ cười rạng rỡ, gần như không vướng bận một điều gì và ta tin anh đang cười thật chứ không phải cố gắng cười, hoặc tệ hơn, giả vờ cười. Trên gương mặt bầu bĩnh có cặp kính cận, có chiếc răng khểnh nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy phảng phất một nét đôn hậu và tạo cho người đối diện một sự tin cậy, dù mới gặp lần đầu. Thuở nhỏ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sống ở Thăng Bình (Quảng Nam) - một vùng đất nổi tiếng với những đụn cát trắng chạy dài đến tận chân trời, mùa hè chỉ nhìn ra ngoài nắng ta đã xây xẩm mặt mày! Vùng đất này còn “nổi tiếng” với đặc sản khoai lang. Khoai lang Trà Đõa đã đi vào ca dao “Quảng Nam có lụa Phú Bông/Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn”. Khoai lang Trà Đõa bùi, thơm, ngon. Còn gì nữa? Người ta còn nhắc đến Thăng Bình với chợ Đo Đo. Nếu nhạc sĩ Xuân Hồng đưa sóc Bom Bo vào âm nhạc, nhà thơ Vũ Anh Khanh làm rạng danh Tha La xóm đạo bằng thơ... với quảng đại quần chúng cả nước, thì Nguyễn Nhật Ánh cũng đưa cái chợ Đo Đo lặng lẽ ở một góc nhỏ trong địa danh xứ Quảng vào... “văn học sử”! Thậm chí anh còn muốn quảng bá nó ra ngoài... thế giới nữa, bằng chứng là đã có trang web: www.quandodo.com. Âu cũng là tình yêu dành cho mảnh đất mà anh đã chôn nhau cắt rốn.

Dù xa quê, nhưng đến nay trang viết của anh vẫn thấp thoáng không gian dân dã, quê mùa của một Quảng Nam mà anh đã sống từ ngày thơ bé. Có lần anh bảo, một nhân vật trong tiểu thuyết nếu đi từ góc phố này sang ngã tư nọ, chỉ đơn thuần là sự di chuyển; nhưng nếu nhân vật ấy đi từ đường làng ra bến sông, không chỉ một sự xê dịch mà không gian ấy còn tham dự vào tính cách của nhân vật, gợi lên biết bao nhiêu kỷ niệm trong lòng người.

Nói cách khác, không gian của nông thôn còn mang một giá trị văn hóa đặc thù để tạo nên tính cách nhân vật.

Hiểu và chia sẻ điều này, ta sẽ góp phần lý giải vì sao nhiều thế hệ độc giả yêu thích tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngay cả người nước ngoài cũng vậy. Không phải ngẫu nhiên mà bà Kato Sakae đã chọn Mắt biếc của anh dịch sang tiếng Nhật. Dịch giả này cho biết, bà tự tin khi cho rằng không chỉ lớp trẻ mà cả độc giả trung niên Nhật cũng sẽ yêu thích tác phẩm này. Vì Mắt biếc không chỉ đặt ra vấn đề xã hội mà không gian trong đó còn đậm đà một bản sắc dân tộc. “Bản sắc dân tộc” nghe trừu tượng quá, nhưng ta có thể hiểu, ở đó, qua nhân vật của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tái hiện lại một không gian của nông thôn ngàn đời nước Việt để “hớp hồn” bạn đọc. Theo dịch giả Kato Sakae, tác phẩm Mắt biếc khi dịch sang tiếng Nhật đã được dư luận đánh giá cao: “Tôi rất đồng cảm với nội tâm của nhân vật Ngạn. Tôi đã rơi nước mắt trước tâm hồn vô tư và sự hy sinh của Trà Long, qua đó tôi suy nghĩ nhiều về bối cảnh xã hội Việt Nam” (nhà văn Inazawa Junko), “Giọng văn rất hay và nhẹ nhàng. Câu chuyện tình cảm trong sáng. Sau khi đọc truyện này, tôi bỗng muốn đi Việt Nam” (nhà thơ Takatsuki Fumiko), “Kết cục vượt ra ngoài những dự đoán về cuộc đời đã để lại dư âm sâu đậm” (Sakai Tazuko, nhà phê bình văn học Nhật Bản)...

Một mặt mạnh khác trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh là chất “humour”. Thử đặt câu hỏi, vì sao truyện tranh của Pháp - Bỉ với những nhân vật lừng danh khắp năm châu bốn biển như Lucky Lucke, Tintin, Asterix, Spirou, Fantasio... chinh phục được từ đứa trẻ 9 tuổi đến cụ già 99 tuổi? Có nhiều cách lý giải, nhưng theo tôi là họ đã nắm được chiếc chìa khóa thần kỳ: “tiếng cười”. Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy. Đố bạn tìm được tác phẩm nào của Nguyễn Nhật Ánh mà không có tình tiết làm mình bật cười? Sự dí dỏm, tinh nghịch, thông minh của anh đã khiến bọn nhóc chết mê chết mệt. Phải chăng trong con người Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng lấp ló một “thằng quỷ nhỏ”? Ta thử quan sát xem một “pha” làm quen trong Cô gái đến từ hôm qua:

“Mới gặp nó lần đầu tiên, không có chuyện gì để nói, tôi ậm à ậm ừ một hồi rồi hỏi:
- Mày tên gì vậy?
Nó đáp lí nhí:
- Tiểu Li.
Tôi cười hì hì:
- Tiểu Li là đi tiểu vô trong ly hả?
Tiểu Li nhăn mặt:
- Anh nói bậy!
Nói xong, nó giận dỗi quay lại chơi tiếp trò xây nhà.
Tiểu Li làm tôi hơi quê quê.
Tôi đi vòng tới trước mặt nó và ngồi thụp xuống đống cát, nói:
- Mày cho tao chơi chung với nghen?
Tiểu Li không thèm trả lời. Nó cứ cắm cúi bươi cát.
Thấy vậy, tôi tức mình nhào vô chơi đại, không thèm năn nỉ. Tôi hì hà hì hục đào một đường hầm dài thật dài, xuyên qua đống cát. Đào một lát, bàn tay tôi chạm phải tay Tiểu Li. Tôi liền nắm lấy mấy ngón tay nó.
Tiểu Li cười khúc khích:
- Anh làm em sợ hết hồn! Thả tay em ra đi!
Tôi vẫn nắm chặt tay nó:
- Mày nói mày hết giận tao, tao mới thả!
- Em hết giận rồi!
Tôi cười hì hì và buông tay nó ra.
Thế là tôi đã làm quen với Tiểu Li. Dễ ợt, các bạn thấy chưa!”.


Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Thực ra những gì lung linh nhất, đáng quan tâm nhất của con người một nhà văn thì đã được tác giả giới thiệu, gửi gắm qua các tác phẩm cả rồi. Những gì còn lại ngoài đời chỉ là những cái gạch đầu dòng khô khan mà thôi. Nếu phải chia sẻ một điều gì đó thì tôi muốn chia sẻ điều này: Thuở bé, tôi rất mê đọc sách. Tôi bị quyến rũ bởi các tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ, đắm chìm trong những trang sách của Edmond de Amicis (Tâm hồn cao thượng), Victor Hugo (Những người khốn khổ), Hector Malot (Không gia đình), và tôi mơ ước sau này mình sẽ trở thành nhà văn. Lớn lên, qua nhiều khúc quanh của cuộc đời, cuối cùng tôi cũng trở thành nhà văn và sống được bằng chính cái nghề mình yêu thích từ thuở ấu thơ, đó là hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Nếu bây giờ tôi kiếm được rất nhiều tiền mà không phải bằng nghề mình yêu thích, có lẽ tôi không cảm thấy hạnh phúc thực sự”.


Đã có quá nhiều người nghiên cứu về hiện tượng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhưng tôi chưa thấy ai “giải mã” vì sao anh lại nuôi dưỡng một tâm hồn trẻ thơ lâu bền đến thế? Hỏi anh, anh chỉ cười khì khì, đại khái, trong một nhà văn viết cho thiếu nhi luôn luôn có một nhà sư phạm. Đúng rồi, Nguyễn Nhật Ánh có thời gian đi dạy học. Mà nếu bạn có hỏi chuyện với Nguyễn Nhật Ánh, thì tôi xin “gà” thêm một câu hỏi nữa. Ngoài văn xuôi, anh còn nổi tiếng với nhiều tập thơ tình, mà ở đó đôi khi hiện rõ mồn một nỗi thất tình đau đáu nữa. Vậy trong anh, lúc nào cậu bé tinh nghịch đang “chế ngự”, lúc nào là lúc của nàng thơ đa sầu réo rắt những giai điệu trữ tình?

Trong đời thường, Nguyễn Nhật Ánh là người rất mê đọc sách. Hầu như ở lãnh vực nào anh cũng ghé mắt đến. Nhà anh nhiều sách lắm và cũng nhiều thư của độc giả ái mộ gửi đến và được anh gìn giữ cẩn thận. Tôi ngờ rằng, có một môn thể thao mà anh thích nhất, am hiểu nhất là bóng đá. Không phải tự nhiên mà anh trở thành cây bút bình luận bóng đá duyên dáng và sắc sảo trên Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật hằng tuần dưới bút danh Chu Đình Ngạn. Bây giờ bạn bè vẫn còn nhắc lại, thời đi TNXP anh là một tay tường thuật siêu hạng về các trận đấu chỉ diễn ra trong... tưởng tượng! Thời bấy giờ, sau những thời khắc đào kênh, cuốc đất thì các đội viên được giải lao ngay tại hiện trường. Làm gì cho vui, cho nhộn để quên đi những giọt mồ hôi đã ròng ròng bạc phết lưng áo? Thế là Nguyễn Nhật Ánh được anh em tin cậy giao “mi-cờ-rô” để tường thuật các trận đá bóng! Anh bịa hào hứng, hấp dẫn đến nỗi qua nhiều ngày sau trận “quyết chiến” ấy vẫn chưa chấm dứt!

Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Không gì to tát, chỉ xin kể lại một mẩu chuyện nhỏ. Có lần tôi đến rủ nhà báo Lưu Đình Triều đi uống bia. Bé Nhĩ, con gái anh Triều, nũng nịu: “Ba có rủ chú Ánh không ba?”. Tôi thật tình vọt miệng: “Chắc là có đó con”. Cô bé lập tức giãy nảy: “Ba và chú Quốc không được rủ chú Ánh đi nhậu. Để chú Ánh ở nhà viết truyện cho con đọc”. Không chỉ riêng bé Nhĩ, hàng triệu độc giả đã dành riêng cho anh “phần thưởng” đó, há chẳng phải là niềm hạnh phúc của nhà văn tự nguyện nhận lấy sứ mạng dành trọn đời phục vụ cho thiếu nhi đó sao?

LÊ MINH QUỐC

(Báo Thanh Niên 16-8-2009)
__________________

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com