Đạo học nước Nam rất tuyệt vời
Mười người đi thi… đỗ cả mười
Đổi mới là nhờ luôn đổi mới
Đào tạo học sinh giỏi tót vời
Ngâm xong bài thơ, cụ Tú Xương nhổ toẹt bãi nước trầu đỏ lòm xuống đất, cả cười: “Hé hé hé, lũ hậu sinh nhại thơ nhố nhăng, nghe ra cũng hay ho gớm”. Rồi hét vang: “Thằng Bột, thằng Bành đâu! Chúng mày đem sách giáo khoa ra đây cho bố”.
Sở dĩ cần xem lại sách giáo khoa vì thời gian gần đây, do quyết chí sánh vai với các trường học tiên tiến trên toàn thế giới nên bộ học càng quyết tâm cải cách giáo dục. Ối dào, nói nào ngay, hễ mỗi lần phát động phong trào cải cách là sách giáo khoa lại thay đổi xoèn xoẹt! “Mà chỉ có thế thôi ư?”, cụ vừa lẩm trong miệng, bỗng nghe tiếng chó sủa vang. Ai đến thăm? Thì ra chính là bác Ba Phi.
Không hẹn mà gặp, vừa gặp mặt, bác Ba Phi hỏi ngay: “Cụ biết gì chưa? Giáo dục nước ta ngày càng đổi mới đấy nhá”. Không đợi trả lời, ông vua nói dóc Nam Bộ cười khà khà: “Chẳng hạn, dù đã nhập học từ giữa tháng 8, nhưng phải đợi đến ngày 5.9 học sinh mới được… làm lễ khai trường! Em hỏi ngu một ý, há không đổi mới là gì?”.
Kinh ngạc quá, cụ Tú lắp bắp: “Thật không?”. Bác Ba Phi cười giòn: “Báo Tuổi Trẻ có giật tít Học trước nửa tháng thì khai trường còn ý nghĩa gì, cụ cứ gõ “từ khóa” đó trên Google ắt rõ”. Sau khi kiểm chứng, cụ Tú hỏi: “Thế hậu duệ của Tú Xương đây có thơ gì không?”. Bác Ba Phi đáp: “Có chứ! Thơ rằng: “Tựu trường nhập học đã lâu/ Mãi ngày sau, mãi tháng sau … khai trường!/ Khai tâm lại tưởng… khai trương/ Một kiểu khai trường thật chẳng ra sao”.
Nào ngờ, lúc cả hai đang trò chuyện, nẫy giờ cụ bà Tú Xương cũng lấp ló nghe lén rồi bật tiếng cười khanh khách: “À há, đúng là chẳng ra làm sao”. Nói xong, cụ bà bèn ư ử ngâm: “Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!/ Hoan hô sự nghiệp trăm năm trồng người/ “Đánh” ngược rồi lại “đánh” xuôi/ Thí sinh vật vã nếm mùi gian truân”. Bác Ba Phi cười nôn ruột: “Xuất sắc ra phết. Cụ bình câu tuyên bố thi đại học là “trận đánh lớn”, chuẩn quá. Em hỏi ngu một ý, há không đổi mới là gì?”. Không trả lời, cụ bà lại ngâm thơ, nghe rầu thúi ruột: “Thoạt nghe đã thấy đắng lòng/ Còn chuyện nhăng nhố gì không hả trời?”.
Dường như chỉ chờ có thế, bác Ba Phi đáp ngay: “Sao lại không? Thưa cụ Tú, cụ có nhớ cái mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng thí sinh chỉ cần chỉ đạt… 0,25 điểm vẫn đậu? Nếu cụ đi thi vào thời buổi này, sức mấy cảm thán được câu thơ trứ danh: “Bụng còn chẳng muốn nói năng chi/ Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”. Đúng không nào?”.
Dù câu hỏi cực kỳ dứt khoát nhưng cụ Tú Xương vẫn câm như thóc.
Rồi như sực nhớ, cụ ngoảnh vào sau bếp: “Ơ hay! Thằng Bột, thằng Bành đâu rồi! Sao chúng mày đem sách giáo khoa ra đây cho bố”. Nào ngờ, bà Tú lại cười lỏn lẻn: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”. Muốn có thêm đồng ra đồng vào, em đã cân ký hết rồi ạ”. Nghe câu ấy, nào khác gì xét đánh ngang tai, cụ Tú Xương rú lên: “Đạo học ngày nay đã hỏng rồi”, rồi ngã lăn kềnh ra bộ tràng kỷ.
Hoảng hốt trước tình huống bất ngờ này, cụ bà níu áo bác Ba Phi: “Bác có cellphone thì gọi giúp xe cấp cứu”. Bác Ba Phi chỉ cười: “Gượm đã”. Nói xong, bác rút từ túi quần tờ báo mới toanh rồi đọc khe khẽ, khi nghe đến câu: “Sẽ nhập giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến, sinh viên không phải đi du học”, cụ Tú Xương như uống phải thần được, dần dần tỉnh lại. Rồi cụ ngồi bật dậy, buộc miệng: “Tốt quá. Phải đi trước thời đại”.
Không rõ, câu nói ấy, cụ Tú khen vợ cân đồng nát sách giáo khoa hay khen cho cái câu trong bài báo vừa đọc?
T.H
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ cười ngày 1.7.2018)
Cùng một chủ đề:
VỤ ĐIỀU TRA CHẤN ĐỘNG CỦA Sherlock Holmes
Tội gì phải nai lưng làm "đày tớ
Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách
"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời
Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ
Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố
Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ
Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ
Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"
Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ
Bí kíp thành công trong mọi cuộc thi "chạy"
"KHÔNG SAO" - NGHĨA LÝ RA LÀM SAO?
Sự linh nghiệm của một quẻ bói
SỰ TÍCH RA ĐỜI CỦA CÂU: "MIỆNG QUAN TRÔN TRẺ"
Có tiền xúng xính sướng như tiên?
Vì sao cụ cố cỡi hạc quy tiên?
Cuộc bình chọn bất ngờ vào phút chót
Nguồn gốc ra đời câu: "Cháy nhà lòi ra mặt chuột"
KÊT CỤC BẤT NGỜ CỦA MỘT CUỘC THI THƠ
Danh hiệu mới nhất của Kép Tư Bền là gì?
KHỔ THÂN TIẾNG VIỆT TE TUA MỖI NGÀY
< Lùi | Tiếp theo > |
---|