VĂN XUÔI Truyện ngắn TÚ HỢI: ĐỘNG CƠ LÀ ĐỘNG CƠ GÌ?

TÚ HỢI: ĐỘNG CƠ LÀ ĐỘNG CƠ GÌ?

dongcoladong-co-gi-1R

 

 

Lại nói về lúc chị Dậu đang mơ mơ màng màng, thiu thiu ngủ, bỗng giật mình vì có bàn tay thọc vào ngực. Chị nắm chặt bàn tay đó lại, giật giọng hỏi: “Ai đấy”. Nghe câu trả lời thều thào từ cái miệng móm đã rụng hết răng, chị biết đích thị cụ Cố.

“Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”. Nhà văn Ngô Tất Tố đã chấm dứt kiệt tác Tắt đèn ngay đoạn văn đó. Thật ra không hẳn là thế, còn nhiều tình tiết nữa. Bằng chứng thằng Xuân Tóc Đỏ khoe, có lần chị Dậu đã kể lại như vầy:

Ngay lúc chạy ù ra sân, chị Dậu vô phước gặp bọn trương tuần, tuần phiên đang đi rảo. Dạo này, nạn trộm chó đã đến mức báo động, sổng một cái, chỉ nghe tiếng xe máy vù qua thì y như rằng lại có thêm con cẩu bị bắt cóc! Chị Dậu đi đâu trong lúc này? Đói quá làm liều chăng? Giải luôn ra đình làng.

Lập tức một hồi mõ cá thật dài, tiếp luôn đến trống ngũ liên nện đủ ba hồi chín tiếng. Cả làng nhốn nháo, đuốc, đèn sáng lòe, rầm rập bước chân của tráng phu, ông già bà cả ùn ùn vác gươm, đao, gậy gộc chạy tới. Đến nơi, họ thấy các ông lý trưởng, phó lý, chánh hội, lý cựu… đã ngồi đấy. Ông lý cất tiếng ồm oàng ra oai:

- Đĩ (1) Dậu, mày đi đâu giữa đêm khuya khoắt thế này? Động cơ gì?

Chị Dậu kể lại sự việc, rồi nấc lên:

- Đó là động cơ khiến con phải vụt chạy ra sân.

Phó lý cất tiếng cười giòn:

- Nói tầm bậy, tầm bạ. Cụ cố tuổi hạc đã cao, đạo đức sáng ngời, ngày đêm ăn chay, niệm Phật, tu tâm tích đức. Mày chớ gắp lửa bỏ tay người. Làng hỏi, mày vu cáo cụ cố vì động cơ gì?

Chị Dậu gào lên:

- Động cơ là động cơ gì? Oan ức quá đi mất.

Nào ngờ, lý trưởng sấn tới, tiện tay tát luôn một cái rõ đau:

- Lếu láo. Đã già miệng lại còn nõ mồm. Có câm họng ngay đi không?

Rồi cất tiếng hỏi thật to:

- Cai lệ chúng mày đâu? Mời cụ cố ra đình ngay.

Có nhiều tiếng dạ rân. Có nhiều bước chân chạy rầm rập. Dăm phút sau, mọi người đã nhìn thấy cụ cố. Đám đông rẽ ra, lấy lối cho cụ chống gậy chậm rãi bước tới. Trương tuần cất tiếng nói lớn:

- Theo lệnh của ông lý, biên lệ đâu? Mày đọc biên bản.

Có tiếng dạ rân. Có đuốc sáng lòe. Có giọng đọc oang oang hòa nhịp cùng ếch, nhái à uôm bờ ao, gốc rạ: “Do cụ cố sờ soạng, sờ sẫm, sờ mó, đó chính là động cơ khiến thị Dậu phải vụt chạy ra sân”. Lý trưởng dịu giọng:

- Bẩm cụ, với động cơ nào đã khiến cụ làm thế ạ?

Cụ cố ngạc nhiên, lắp bắp không thốt lên lời:

- Động cơ là động cơ gì? Chẳng có động cơ gì sất. Thị Dậu là con cháu trong nhà. Cụ đây chỉ dùng bằng tay thôi!

Ông lý vỗ tay vào đùi cái phẹt:

- Đấy. Cụ cố ăn ngay nói thật, thường xuyên làm từ thiện, việc gì cũng có tài chính đóng góp của cụ từ đắp đê đến xây đình, dựng miếu... Thế mà đĩ Dậu lại khai do động cơ của cụ cố. Lính lệ đâu? Căng nọc đĩ Dậu. Nện 30 hèo cho bỏ cái tật nói điêu nói toa, nói chua nói ngoa. Chúng mày nghe thủng lỗ tai chưa?

Kể đến đây chị Dậu òa lên khóc. Sau khi lau khô giọt lệ đầm đìa, rơi lã chã trên mí mắt, nín khóc, chị bảo rằng:

- Sau cái đận ấy, dân làng tôi bèn dặn nhau rút kinh nghiệm: Khi bọn lý trưởng, trương tuần đấu tố, vặn vẹo: “Vì động cơ gì?”, trả lời không khéo, lại no đòn. Vậy phải làm sao? Chi bằng né đi, tránh đi, đừng thèm nghe tới hai tiếng “động cơ” nữa. Cứ như thế cho nó lành. Chớ dại thêm lần nữa.

T.H
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười 15.6.2016)

(1) Đĩ: Tiếng gọi thông thường ở nông thôn Bắc Bộ dành cho phụ nữ đã có con hoặc chỉ đứa con bé gái.

 

Cùng một chủ đề:

LỜI DẠY CỦA CỤ BÁ KIẾN

Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách

Ông trời của làng Vũ Đại

"NGHỆ THUẬT" NÓI

"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"

Chúa Chổm và ông già Noel

Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ

Dân đen sướng lắm chứ

Đời, thế mà vui

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com