(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - số ra ngày 1.5.2018)
Cùng một chủ đề:
VỤ ĐIỀU TRA CHẤN ĐỘNG CỦA Sherlock Holmes
Tội gì phải nai lưng làm "đày tớ
Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách
"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời
Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ
Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố
Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ
Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ
Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"
Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ
Bí kíp thành công trong mọi cuộc thi "chạy"
"KHÔNG SAO" - NGHĨA LÝ RA LÀM SAO?
Sự linh nghiệm của một quẻ bói
SỰ TÍCH RA ĐỜI CỦA CÂU: "MIỆNG QUAN TRÔN TRẺ"
Có tiền xúng xính sướng như tiên?
Vì sao cụ cố cỡi hạc quy tiên?
Cuộc bình chọn bất ngờ vào phút chót
Nguồn gốc ra đời câu: "Cháy nhà lòi ra mặt chuột"
Nhân dịp kỷ niệm tròm trèm mấy mươi năm liên tục nhận được cờ thi đua đứng đầu xây dựng phong trào Nông thôn mới, năm nay, cụ Bá Kiến ứ cho tổ chức chọi trâu nữa. Cụ bảo: “Thế là ác”. Thì ra cái tâm của cụ từ bi. Tấm lòng của cụ bác ái. Cụ lại bảo: “Năm nay, làng ta tổ chức thi thơ cho xứng đáng với danh hiệu nước Đại Nam là cường quốc của thơ”.
Phải thế chứ, thiên hạ khen cụ rùm beng.
Sau khi hội đồng hương chức thông qua kế hoạch và rót kinh phí, nhận lệnh của cụ, Mụ Đốp hồ hởi phấn khởi ngày đêm đi rao mõ đến xoạc cẳng khàn hơi. Nhờ sự nhiệt tình này, sáng hôm nay, ngày lành tháng tốt, các nhà thơ nườm nượp kéo đến sân khấu đình làng trổ tài. Khỏi rườm lời, phải nói ngay là thiên hạ ùn ùn đi theo nhằm cổ vũ, động viên cho các văn nhân tài tử đã nung náu tâm can, vò võ trán để sáng chế ra những câu thơ lưu danh muôn thuở.
Bấy giờ, ngoài chánh chủ khảo là cụ Bá Kiến còn có hai vị phó nữa là Xuân Tóc Đỏ và ông Phán mọc sừng. Sau ba hồi trống đánh lùng tùng xèng, thằng Xuân trịnh trọng bước ra sân khấu, nói oang oang qua mi-cờ-rô:
“Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào, hơn ai hết thi nhân là kẻ được đấng tối cao ban cho một quyền năng không ai sánh nổi. Đó là quyền năng chinh phục vũ trụ, quyến rũ càn khôn bằng những vần thơ trác tuyệt. Vì sự kỳ diệu đó, cuộc thi thơ lần đầu tiên của làng ta, Ban giám khảo quyết định chủ đề mang tầm cỡ nhân loại, đạt đến sự quan tâm toàn cõi nước Nam là…”.
Đột nhiên Xuân Tóc Đỏ im bặt. Đám đông đang im phăng phắt vễnh tai nghe từng lời vàng ý ngọc, bỗng gào lên hối hả, thúc giục: “Đề tài gì?”. Khẽ gật đầu hào hứng, thằng Xuân cũng gào lên: “Thuế”. Ai nấy chưng hửng. Các nhà thơ cũng chưng hửng. Đề tài gì mà lạ hoắc, khô khan quá vậy trời? Thi sĩ Nghị Quế đứng vụt dậy: “Tại sao và tại sao? Làng ta có bao nhiêu kỷ lục có thể khiến năm châu lác mắt, sao không chọn mà lại chọn thuế?”.
Ngay lập tức, ông Phán mọc sừng đứng vụt dậy: “Biết một mà không biết mười. Làng ta có kỷ lục gì? Này nhá, về xây tượng đài à? Làng ta liệu có bằng làng kia với câu nói đã đi vào văn học sử: “Không xây tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”? Này nhá, về kỷ lục xây rờ-sọt à? Làng ta liệu có bằng làng kia về cái vụ làm công văn hỏa tốc xin trung ương cho dời cả đồn biên phòng đang ngày đêm canh giữ đất trời để làm nơi ăn chơi nhảy múa không? Quyết là không! Vậy, kỷ lục của làng ta là gì?”.
Không cần phải đợi thi sĩ Nghị Quế đang ngẫn tò te phải há mồm ra, cụ Bá Kiến liền tiếp lời: “Xưa nay, thuế vốn là đặc sản thâm căn cố đế của làng ta đấy. Vì thế ban tổ chức mới chọn đề tài này cho sát với thời sự. Đúng chửa? Hỡi các thi nhân hãy cố lên! Cố lên!”.Vậy đã rõ. Không ai còn ý kiến ý cò gì nữa, các thi sĩ bấy giờ chỉ chú tâm sáng chế ra các câu thơ.
Thời gian chậm rãi trôi qua. Đúng vào giờ Ngọ, Mẹ Đốp gõ mõ thông báo đã đến thời gian thu bài. Quái thay, chẳng có thi sĩ nào nộp thơ dự thi. Tại sao thế? Bởi vì rằng xưa nay, với khát vọng mãnh liệt là thơ của mình phải được Bộ Giáo dục chọn in vào sách giáo khoa dạy dỗ thế hệ trẻ, do đó, các nhà thơ làng ta chỉ làm thơ vịnh nguyệt, tả hoa, thương mây khóc gió nên khi gặp đề tài thời sự thì khác gì bánh tráng gặp mưa, họ bí rị bà rì cũng phải thôi.
Vì lẽ đó, cuộc thi coi mòi đã thất bại, đã phá sản một cách thảm hại.
Nghiêng về phía hai vị phó chủ khảo, cụ Bá Kiến lo lắng, nhăn mày nhíu trán: “Chẳng có bài dự thi nào sất?”. Ông Phán mọc sừng và Xuân Tóc Đỏ cũng hồi họp, nhễ nhại mồ hôi mồ kê: “Vâng ạ. Bỏ bu rồi. Thế còn gì là cái văn hiến của làng ta nữa hả cụ?”. Tình thế căng thẳng như chỉ mành treo chuông, bỗng đâu có tiếng hét lớn: “Nhà cháu không văn hay chữ tốt, chữ nghĩa không đầy lá mít, vậy có được dự thi không thưa quý ngài?”.
Như sắp chết đuối với được cọc, không hẹn mà gặp, Ban giám khảo cùng đồng thanh reo lên: “Sao lại không? Đọc luôn ngay đi”. Lập tức, một giọng đọc thơ rành rọt vang lên khiến ai nấy đều vỗ tay ran. Thơ rằng: “Ngẫm nghĩ song le cũng tự hào/ Dân mình há chịu kém thua sao/ Tự do, bình đẳng tuy thua thiệt/ Nhưng đã hơn người cái… thuế cao” (1).
Ai vừa đọc vậy?
Thì ra, chính là anh Dậu - chồng chị Dậu, tía của cái Tý. Anh vừa ở nhà pha ra vì nhờ chị Dậu bán cái Tý cho nhà Nghị Quế để lấy tiền đóng thuế cho anh.
T.H
(1) Thơ Tú Mỡ (19000-1976)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|