Cứ theo như nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan, tập phóng sự Trước vành móng ngựa in năm 1938 của nhà văn Hoàng Đạo: “làm cho người đọc vừa phì cười vừa thương tâm”. Có thật thế không? Không bàn luận đến, chỉ biết rằng sau ngày nghỉ hưu về nhà đuổi gà cho vợ, có những vị chánh án từng xử các phiên tòa trên được cấp giấy khen “Quân pháp bất vị thân”, được tuyên dương thành tích luôn giữ vững lập trường “quang minh chính đại”. Đã thế, các ông lại còn luôn được lớp đàn em kế cận mời viết giáo trình, thỉnh giảng truyền đạt kinh nghiệm.
Sau đây là phiên tòa có tính mẫu mực đã đạt đến nghệ thuật cổ điển.
MÀN 1
Chánh án: Mày có xây dựng trái phép không?
- Bẩm không, vì đó là cái thùng sắt, chứ không phải nhà ngói, nhà tường!
- Mày có xin phép thầy đội?
- Bẩm không.
- Hai nghìn quan tiền phạt. Đội xếp đâu! Lôi cổ nó ra.
Tiếp đến là bà già nhếch nhác.
- Có ăn cướp hai cái bánh đúc không?
- Bẩm, không.
- Láo, người ta bắt tận tay day tận mặt, thế mà gân cổ lên cãi.
- Bẩm…
- Im ngay. Hai nghìn quan tiền phạt.
- Bẩm, con già nua… Quan thương cho.
- Già nua mặc kệ, về việc tòa, không ai thương xót đâu.
- Bẩm những hai nghìn, con nghèo khổ lấy đâu con trả?
- Tòa xử xong rồi. Không bằng lòng thì chống án. Ra.
Tiếng vỗ tay vang trời của đám đông dự tòa. Ai nấy đều khen, vị chánh án cương quyết chống cái xấu, nhằm lặp lại kỷ cương phép nước.
MÀN 2
- Mày có nhận thầu xây khu nghỉ dưỡng, biệt thự trên đất rừng phòng hộ không?
- Bẩm có. Nhưng xin tòa cứu xét, chủ của con đã làm đơn xin chuyển đổi đất. Có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
- Mặc, luật là luật. Nghe chửa?
- Rõ. Thế xin hỏi, khí không phải, mong tòa thứ lỗi. Con xin hỏi, tòa có biết khu biệt thự đó là do ông X đầu tư? Tòa có biết ông X là ai không ạ?
- Biết rồi. Chớ lắm lời. X, Y, Z gì cũng mặc. Cứ theo phép nước mà làm.
- Thế tòa tuyên phạt thế nào ạ?
- Đội xếp đâu! Lôi nó ra. Vụ này, tòa xử sau. Đi. Đi ra.
Tiếp đến là một thanh niên non choẹt:
- Bẩm, oan cho con.
- Oan thế nào?
- Con có cố tình làm sai đâu. Chẳng qua, con là con ông A. Tòa biết ông A rồi phải không ạ? Đội ơn tòa. Bố con suôi gia với ông B. Tòa biết ông B rồi, phải không ạ? Khổ nổi, ông B lại đồng cấp với ông C mà ông C lại là anh em kết nghĩa, chí cốt với ông D. Vì mối quan hệ ấy, ông D thương tình bổ nhiệm con ngồi vào vị trí đó, dù con có muốn đâu.
- Hừ! Không mà vẫn nhận nhiệm vụ! Sao không từ chối để rồi thất thoát tiền tỷ tuầy huầy ra đó?
- Bẩm, mọi việc là của bố con. Con chỉ ký tên thôi. Tòa biết bố của con rồi, đúng không nào? Ông A đó.
- Biết rồi. Chớ có bẻm mép. Ông A, B, C, D gì gì cũng mặc. Cứ theo phép nước mà làm.
- Thế tòa tuyên phạt thế nào ạ?
- Đội xếp đâu! Lôi nó ra. Vụ này, tòa xử sau. Đi. Đi ra.
Tiếng vỗ tay vang trời của đám đông dự tòa. Ai nấy đều khen, vị chánh án cương quyết chống cái xấu, nhằm lặp lại kỷ cương phép nước.
MÀN 3
Sân khấu bài trí đơn giản như một cái hội trường cấp xã. Vị chánh án ngồi chễm chệ trên bộ ngựa gỗ, đàng xa ở phía dưới có trải chiếu hoa. Trên chiếu hoa là các học viên đang lúi húi ghi ghi chép chép.
- Này, các em hiểu thấu chửa? Ghi nốt luôn câu kết: “Nghề của chúng ta không có hên, xui. Đâu ra đó rõ ràng, minh bạch. Tựa như một tay đầu bếp giỏi, muốn an toàn thực phẩm, không bị ngộ độc thì điều quan trọng, then chốt, trọng tâm nhất dẫu nó có là con gì cũng mặc, nhưng phải xác định nó là con của ai?”.
T.H
(nguồn báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1.9.2016)
Cùng một chủ đề:
Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách
"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời
Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ
Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố
Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ
Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ
Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"
Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|