VĂN XUÔI Truyện ngắn TÚ HỢI: Cuộc bình chọn bất ngờ vào phút chót…

TÚ HỢI: Cuộc bình chọn bất ngờ vào phút chót…

cuocbinhchionbat-ngiovao-phutchot-1R

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười phát hành ngày 1.1.2018)

 

Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống lại vang dội xa gần kêu gào, thúc giục mọi người mau mau ra đình làng. Từ xa xa đã thấy ngọn cờ đuôi nheo bay phất phới rực rỡ sắc màu mừng Xuân đón Tết. Bà con mỗi lúc càng đông nghịt, bước đến đình, họ đã nhìn thấy tấm băng ron treo chình ình trước mắt: “Hội nghị bình chọn nhân vật tiêu biểu nhất trong năm”.

Khác với mọi năm, năm nay, tiên chỉ Bá Kiến chỉ đạo mỗi ban ngành đoàn thể cử người đại điện, chứ mạnh ai nấy nói thì lúc biểu quyết khó lắm. Đã thế, cụ còn chọn ra ban giám khảo phản biện lại ý kiến đề xuất. Có thế mới quang minh chính đại. Rõ ràng minh bạch. Vâng ạ, cụ Bá đã nói thì chỉ có từ đúng tới trúng.

Sau khi ưỡn ngực, hít một hơi thật sâu, Trạch Văn Đoành vung cánh tay lực lưỡng nện dùi vào mặt trống. Mấy tiếng tùng, tùng, tùng rền vang càng khiến mọi người tăng thêm náo nức bội phần.

Theo thứ tự đã sắp xếp, sau phát biểu của khối Công hầu bá tước, khối Canh tiều ngư mục, Thị Nở đại diện khối Nữ công gia chánh lên phát biểu. Bằng giọng nói dịu dàng, bằng nhan sắc muôn phần tươi đẹp đã môi son má phấn, thị cất tiếng: “Bẩm quý ngài, thưa bà con cô bác, chúng em xin chọn ông táo ạ. Vì rằng, dù đói nghèo, dù sang cả thì ai lại không “Cơm ngày ba bữa, đỏ lửa ba lần”? Năm qua, trăm họ yên vui, ngủ ngon giấc ắt do no bụng, há chẳng phải nhờ ông táo là gì?”.

Lập luận sắc bén quá. Ai nấy vỗ tay dạt dào.

Nào ngờ, thay mặt ban giám khảo, thầy giáo Thứ hỏi vặn: “Cái bếp lò ấy quý lắm, cần lắm nhưng nếu không có củi thì sao? Đã củi tươi, khô gì, kể cả nhôm có đút vào lò cũng cháy ráo. Chả nhẽ bình chọn củi với nhôm? Nhảm lắm. Chỉ chọn lấy một thôi. Rõ chửa?”.  

Bấy giờ, để thay đổi không khí, bà Phó Đoan đại diện cho khối Phụ huynh các lớp mẫu giáo, trước lúc có ý kiến đề xuất, liền hát đôi câu Quan họ góp vui. Hát rằng: “Dù ai cho bạc, cho vàng/ Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay”. Bằng cái liếc mắt, đá lông nheo tình tứ đã khiến phó ban giám khảo Xuân Tóc Đỏ liếm mép, nuốt nước bọt cái ực, rồi bảo: “Khỉ lắm. Xin mời phát biểu luôn cho”.

Được lời như cởi tấm lòng, bà Phó Đoan uốn lưỡi: “Bẩm quý ngài, chúng em có ý kiến rằng…”.  Ngập ngừng một lúc, bà Phó lại cất giọng réo rắt: “Dù ai trao nhẫn lồng tay/ Chẳng bằng thấy mặt chàng ngay bây giờ…”. Quái, sao lại cứ ê à ề à? Cụ Bá bực mình quắc mắt: “Cứ tưởng đây là chốn khuê phòng à? Lính lệ đâu gông cổ nó xuống”.

Hoảng hồn, bà Phó liền đi vào trọng tâm: “Bẩm quý ngài, trẻ em là tương lai của đất nước. Dân tộc ta có truyền thống “Dạy con từ thuở còn thơ/ Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Có đúng không ạ?”. Câu hỏi chính xác quá đi mất, nào ai cãi nổi? Bà Phó Đoan lại dõng dạc: “Vì lẽ đó, chúng em xin bình chọn nhân vật trong năm chính là… cái nồi ạ”.

Kinh ngạc trước ý kiến kỳ quặc, ai nấy đồng loạt gào rú, cười sặc sụa. Đám đông ồn ào như ong vỡ tổ. Bất chấp, bà Phó vẫn điềm đạm: “Thưa quý ngài, ông bà ta có dạy: "Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”. Thế nhưng không ít phụ huynh lại chủ trương “Vung bé úp nồi to”. Tức là cái vung bé tẹo cũng ngang nhiên “bằng vai phải lứa”, ngang cơ với vung to, nồi to. Há chẳng phải chiêu trò bố “lót đường” cho con rất khôn ngoan đấy ư?”.

Ai nấy đồng loạt vỗ tay. Lạ thay, chỉ cụ Bá vẫn điềm tĩnh như không: “Này, mụ Phó kia, dài dòng mãi. Có phải mụ muốn bảo một khi ông bố là cây đa, cây đề thì lũ con nhãi ranh dù oắt tì, hỉ mũi chưa sạch, văn dốt vũ dát cũng được đẩy lên tầm cỡ ấy chứ gì?”. Bà Phó liền gật đầu. Cụ nói tiếp: “Này, một khi cái nồi to đã cũ rích mốc xì, quá date, đã hết hạn sử dụng bị ném xó góc bếp thì cái vung bé “ăn theo” ấy có làm nên tích sự gì không? Chả nhẽ, lấy nó úp qua cái nồi to khác? Đừng hòng”.

Ối dào, thiên hạ ầm ĩ tán thành.

Dừng lại giây lát, cụ tằng hắng: “Này, ta chốt hạ thế này nhá. Đúng như ý kiến Thị Nở, muốn ăn ngon thì phải có bếp. Bếp thì phải có nồi. Nồi thì phải có củi. Củi thì phải có khói. Khói thì phải có nhọ. Nhọ thì phải bám lấy đít nồi. Vì mối quan hệ biện chứng triết học ấy, ta hãy chọn lấy nhân vật là…”.  Vốn sinh ra tại vùng địa linh nhân kiệt nên dân làng ta luôn trí tuệ, thông minh vượt bậc, vì thế, sau câu hỏi ấy, tất thẩy đồng loạt hô to: “Nhọ nồi. Nhân vật tiêu biểu nhất trong năm là nhọ nồi”.

Qua sự bình chọn nghiêm túc này, lập tức món nhọ nồi ắt cực kỳ hút hàng vì không ít ông bố chủ trương “Vung bé úp nồi to” phải mua tìm để bôi mặt cho con; con lùng mua để bôi mặt cho bố - chứ chẳng lẽ trơ trẽn cái mặt mốc du Xuân đón Tết?

Nghĩ thế, lập tức, Trạch Văn Đoành hứng chí quá liền nện dùi vào trống. Tùng! Tùng! Tùng! Nghe ra rất rền vang. Âm thanh rất hoành tráng.

T.H

Cùng một chủ đề:

BÀI HỌC VỀ HƯU

NGHỆ THUẬT THOÁT HIỂM

VỤ ĐIỀU TRA CHẤN ĐỘNG CỦA Sherlock Holmes

Tội gì phải nai lưng làm "đày tớ

Dân tình tệ bạc quá đi mất

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

ĐỘNG CƠ LÀ ĐỘNG CƠ GÌ?

LỜI DẠY CỦA CỤ BÁ KIẾN

Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách

Ông trời của làng Vũ Đại

"NGHỆ THUẬT" NÓI

"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"

Chúa Chổm và ông già Noel

Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ

Dân đen sướng lắm chứ

"BÍ KÍP" QUAN TRỌNG NHẤT

Bí kíp thành công trong mọi cuộc thi "chạy"

Cuội đời mới

Nỗi lòng cụ Ngáo

"KHÔNG SAO" -  NGHĨA LÝ RA LÀM SAO?

Tội trạng của con kiến

Sự linh nghiệm của một quẻ bói

KHÓ LẮM, KHÓ LẮM CƠ

KINH NGHIỆM NÓI DÓC

Sự đời, đơn giản vậy thôi

THẾ MIỆNG NHÀ MÀY CÓ GÌ?

Vì sao Don Juan ngủm củ tỏi?

SỰ TÍCH RA ĐỜI CỦA CÂU: "MIỆNG QUAN TRÔN TRẺ"

Có tiền xúng xính sướng như tiên?

Vì sao cụ cố cỡi hạc quy tiên?

SỰ CỐ NÀY MỚI LÀ SỰ VINH HOA

XIN LỖI, ÔNG LÀ AI?

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com