THƠ Tập thơ Lê Minh Quốc - HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN

Lê Minh Quốc - HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN

Mục lục
Lê Minh Quốc - HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN
TRÌNH BÀY
CHƯƠNG 1 : NGHỀ ĐI RONG
CHƯƠNG 2: NHỊP ĐIỆU HÀNG NGÀY
*Sáng thứ hai
*Sáng thứ ba
*Sáng thứ tư
*Sáng thứ năm
*Sáng thứ sáu
*Sáng thứ bảy
*Sáng chủ nhật
CHƯƠNG 3: VÒNG QUAY CỦA KIM ĐỒNG HỒ
CHƯƠNG 4: HOA TRÁI CÒN XANH
Nhật ký 1
Nhật ký 2
Nhật ký 3
Nhật ký 4
Nhật ký 5
Nhật ký 6
Nhật ký 7
Nhật ký 8
Nhật ký 9
Nhật ký 10
Nhật ký 11
Nhật ký 12
Nhật ký 13
*Từng ngày tập thở
Trang 28
CHƯƠNG 5: TRÁI TIM BẮT ĐẦU TƯƠI TỐT
CHƯƠNG CUỐI: TÁI BÚT
Tất cả các trang

9LỜI THƯA,

Tập trường ca Hành trình của con kiến (NXB Trẻ) in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 9.2006. Bìa là một phần bức tranh của họa sĩ Suối Hoa. Nhà văn Vũ Đình Giang trình bày bìa, họa sĩ Lan Huê trình bày phần nội dung.

Trong phần Lời Bạt là bài viết của nhà văn Trần Nhã Thụy:

“1.

Hình dung của tôi về Lê Minh Quốc từ những ngày chưa “giáp mặt” anh quả không sai. Đó là một gã đàn ông mạnh mẽ, ngang tàng nhưng thích bông phèng và dễ bị chìm đắm. Một người thường đút tay túi quần lững thững đi bộ, mắt ngước cao xanh. Khi đã chán đi bộ thì như vùng chạy. Chạy mãi miết, không còn nhìn thấy gì mà chỉ nghe hơi thở của chính mình. Hoặc đi bộ, hoặc là chạy chứ không có kiểu lật đật, vội vội vàng vàng. Đó chính là Lê Minh Quốc. Nhưng dù đi bộ hay chạy thì Lê Minh Quốc vẫn trên con đường đến với thơ, hay là tìm kiếm một thế giới khác. Thế giới của những giấc mơ mà chúng ta tồn tại bằng những hình ảnh hiện thực được “thông qua” nó. Trong bài thơ Những ngày làm thơ viết năm 1986, Lê Minh Quốc đã bộc lộ phần nào ý niệm về “công việc” làm thơ của mình: “Những người lính binh nhì binh nhất/ đã sống cùng tôi thời đi đánh giặc/ hồn thơ như hoa cẩm chướng đỏ tươi/ như ánh mặt trời sáng loà giữa ngực/ tôi làm thơ như…/ như cái gì chỉ có em mới biết/ tôi mộng du trên trang giấy một mình/ cái vắng teo không hiện lên chữ viết/ đêm mùa thu hoa cúc nở vô tình/ như đói thì ăn như mệt thì nằm/ tôi làm thơ như tôi đã sống…”(Trong tập Trong cõi chiêm bao – NXB Văn nghệ TP.HCM 1989)

“Tôi làm thơ như tôi đã sống” không phải là một quan niệm hay nhận định mà là một sự chọn lựa. Anh lựa chọn phần sống, lẽ sống cho anh trước rồi mới đến “công việc” làm thơ sau. Đó là một cái nhìn tỉnh táo và đúng đắn, bởi: “Các nhà thơ không sáng chế ra các bài thơ/ Bài thơ nằm đâu đó ở phía sau kia/ Lâu lắm rồi nó"vẫn ở đó/ Nhà thơ chỉ việc khám phá ra nó” (Jan Skacel). Với riêng Lê Minh Quốc thì việc “khám phá ra những bài thơ” đó kỳ thực đã luôn gây cho anh sự phấn kích và thích thú. Sự phấn khích nhiều khi gây ra những huyên náo, ồn ào, như trợn trạo, khuyếch trương. Nhưng bỏ qua cái “vỏ hình thức” đó là còn lại những tiếng thì thầm, là cái tình sâu đậm, là cái gì đó giăng mắc, khó “phá vây”. Lê Minh Quốc đã “khám phá” chính mình như thế này đây: “Bằng chất liệu bụi bặm, khói xe và son phấn/ tôi vẽ mặt tôi trên chiếc gương soi/ gương mặt thật của thằng kép hát/ đang múa mép, khua môi/ hãy nhép miệng cười/ âm thanh kêu như ngựa hí/ sự tiếu ngạo không đồng hành cùng đố kỵ/ thời buổi này quá đỗi nhiễu nhương…” (Tôi vẽ mặt tôi trong tập thơ cùng tên – NXB Văn hoá-thông tin 1994).

Sinh 1959 tại Đà Nẵng. Học hết phổ thông. Năm 1978 Lê Minh Quốc tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia. Chính thời gian ở chiến trường ác liệt này, mấp mé giữa sống và chết này, Lê Minh Quốc đã làm rất nhiều thơ. Làm thơ như là ghi nhật kí, như là ăn ngủ, hít thở mỗi ngày. Cũng trong thời gian này giữa Lê Minh Quốc và Đoàn Tuấn (Đoàn Minh Tuấn) nảy sinh một tình bạn đẹp đẽ và sâu đậm. Tình bạn đó còn bền chặt đến tận bây giờ. Họ đã từng in thơ chung, viết chung tập truyện, làm thơ tặng nhau, như là có một cái gì đó vừa gắn bó vừa thấu hiểu. Một tình bạn văn chương đẹp đẽ hiếm hoi trong cuộc sống ngày nay. Kết thúc bài thơ Đất nước và người lính Lê Minh Quốc viết: “Giữa khoảng trời xanh biên giới/ Chúng tôi: Lê Minh Quốc-Đoàn Tuấn-hai người lính yêu thơ/ Trăm nhớ ngàn thương nói bằng tiếng khóc/ Xin mỗi lần về lại quê hương…” (Trong tập Đất bên ngoài Tổ quốc NXB Văn học 1997).

2.

Nếu như Lê Minh Quốc đã từng có những tình bạn đẹp, bền lâu, thì tình yêu với anh lại có phần lận đận (?!). Hay nói cách khác, tình yêu đối với anh có khi là hữu thể, có khi là vô hình. Nắm bắt đó rồi để tuột trôi. Cũng có thể anh chưa tìm thấy một tình yêu đích thực để “giải toả” được những ám ảnh nghẹt thở của tâm linh mình (?!). Rõ ràng anh là người không thích cái trạng thái trung bình mà luôn đam mê đến cực điểm. Nhưng dù gì thì Lê Minh Quốc cũng là một người yêu mê đắm, yêu đến… bất chấp: “Yêu một người đàn bà có chồng thì buồn bã nhân đôi/ Anh đếch sợ. Cứ yêu như sắp chết/ Trái đất sắp nổ tung không còn ai biết/ Thì sao anh không dám yêu/ Thì sao anh không dám làm một cánh diều/ Được đứt dây giữa trời tơi bời gió thổi?” (Ngẫm nghĩ buổi sáng – Trong tập Tôi vẽ mặt tôi). Tuy nhiên, với mảng thơ tình, người đọc vẫn bắt gặp ở Lê Minh Quốc những tình cảm trong sáng, xúc động. Những ký ức về một tình yêu thơ dại tưởng nhoà trong nước mắt và thời gian: “dưới mái nhà của em/ tôi ngồi uống trà mỗi đêm/ để bắt đầu từ giã ra đi/ ngọn đèn khuya soi xuống những dòng thơ/ cũng gặp đầy bất trắc/ cũng gặp nhiều tai ương/ là em xưa mộng mị một làn hương…” (Dưới mái nhà của em – Trong tập Tôi vẽ mặt tôi).

Từ tập thơ Tôi vẽ mặt tôi (1994), Lê Minh Quốc được biết đến như một nhà thơ có cá tính sáng tạo, một giọng thơ có khả năng gây “động chạm” đến nhiều tầng nấc trong suy nghĩ và tình cảm của người đọc. Tất nhiên, không phải ai cũng hiểu và chấp nhận. Hơn ai hết, Lê Minh Quốc là người “ngộ” ra những nhọc nhằn, bất trắc của một người làm thơ. Biết và biết vượt qua chính mình lại càng khó hơn. Lê Minh Quốc vẫn lặng lẽ và bền bỉ với thơ. Nhưng có một thời gian dài, bạn đọc lại bị “sốc” bởi Lê Minh Quốc của những thể loại khác. Anh viết chuyện tình của các danh nhân Việt Nam, viết tiểu thuyết lịch sử, viết kịch bản phim tài liệu, biên soạn truyện cười và giải đáp kiến thức văn hoá phổ thông v.v...Lúc đó gặp Lê Minh Quốc, hỏi anh định bỏ thơ hay sao?. Vẫn giọng cười hào sảng, anh trả lời: “Làm sao bỏ được. Nhưng bây giờ thơ đang trong thời kỳ “lạm phát”, mà mình làm thơ không phải để “cạnh tranh” nên đành …cạnh tranh ở các mảng khác. Nùói thiệt cũng là để “kiếm xu” mà sống…”. Khi viết “bằng tay trái” ở các thể loại vừa kể trên, Lê Minh Quốc cũng tỏ ra là một người sắc sảo và vững vàng về chuyên môn. Nhiều mảng đề tài như lần đầu được anh “khai phá”, nên sách của anh rất được nhiều NXB đặt hàng. Nhưng nói gì thì nói, làm gì thì làm, cuối cùng vẫn thấy anh “quay về” với thơ. Kỳ thực là không phải quay về mà tiếp tục bước những bước chân mạnh mẽ và tạo dấu ấn hơn. Thơ Lê Minh Quốc trong “giai đoạn mới” bộc lộ rõ nét hơn cái khát khao dấn thân tìm kiếm một thế giới khác, cái thế giới mà anh chưa từng biết hay thế giới mà anh mong được sống (!).

Trong tập thơ Yêu em Đà Nẵng (NXB Trẻ 1999) Lê Minh Quốc một lần nữa đã thực sự chinh phục bạn đọc yêu thơ anh bằng sự “bày biện” và “chứng minh” những câu thơ như được chắt lọc và viết ra trong những giờ khắc thăng hoa nhất. Trong bài thơ Thay lời tựa, Lê Minh Quốc viết: “em chạy qua vườn bàn chân bé nhỏ/ trong vườn lảnh lót tiếng chim reo/ thưở ấy bình yên mà mỗi lần nhớ lại/ buồn và tiếc nuối/ ôi thời gian/ đã chuốc chén rượu say mê man/ tưởng mộng mị chưa qua đi/ làm sao giữ lại được?” (Trong tập Yêu em Đà Nẵng). Đà Nẵng là nơi anh sinh ra và lớn lên đến ngày ra đi. Từ đó mà ra đi nên từ đó những ý nghĩ và tình cảm cũng quay về. Anh yêu Đà Nẵng là yêu tuổi thơ anh là nhớ thời tuổi trẻ anh là không thể quên những tinh khôi vụng dại mối tình đầu. Thật xúc động khi đọc bài Giấc mơ tuổi nhỏ: “như một kẻ mộng du đi qua cuộc đời này/ tôi bắt đầu một ngày/ bằng cách đi tắm, rửa mặt, rửa tay/ để đón nhận tiếng chim reo gieo trên mái ngói/ trong một mùa nắng mới/ dẫn tôi về miền Trung”.

3.

Đi bộ và chạy và tìm kiếm một thế giới khác. Đó là cái nhìn của riêng tôi về thơ và người của Lê Minh Quốc - một người anh, người đã dũng cảm đi một chặng xa hơn tôi rất nhiều. Và giờ đây tôi thấy anh như đang lững thững đút tay túi quần dạo bộ. Anh đi tìm sự tĩnh lặng của ngày ẩn dưới vòm cây. Không còn thời đi tìm ảo giác mà đang sống bằng những cảm giác chân thật. Đọc một cuốn sách, tưới mấy chậu hoa, ngồi ăn cơm với người mẹ già, hay ngồi lai rai với bạn bè thì cũng là vui. Niềm vui đó là có thật: “đi vào trong giấc ngủ/ tìm kiếm một thế giới khác/ có tôi làm con ve sầu/ ngủ quên trên ban-công/ buổi sáng khi nàng vừa thức dậy/ tôi sẽ kêu vang/ như tiếng chuông nhà thờ trong sương mai/ gọi nàng dậy đi lễ…”. Niềm vui đó là có thật nhưng nỗi buồn thì vẫn tồn tại. Với riêng Lê Minh Quốc, có những nỗi buồn chẳng biết gọi tên nhưng cũng có những nỗi buồn cụ thể, ám ảnh đời người. Trong bài thơ Sợ quái gì trong tập thơ Tôi chạy theo thơ (NXB Trẻ 2003), anh viết: “nếu có một đứa con bằng xương bằng thịt/ của chính anh/ cuộc đời anh sẽ khác/ như người đi gieo hạt/ chờ đợi ngày mai gặt hái niềm vui/ như người giong buồm ra khơi/ sẽ đem về hạt muối/ cuộc đời anh nhân đôi/ đó là lần đầu tiên hái ngôi sao trên trời/ đặt tên Sự Sống…”. Đọc những dòng đó thấy như anh đang độc thoại với chính mình.

Nhưng dù thế nào thì cuộc sống vẫn tiếp nối. Lê Minh Quốc là người quảng đại nên tâm tính nhiều khi cũng vô ưu. Rất đàn ông mà cũng vô cùng hồn nhiên đó là hai đặc tính đúng cho cả người và thơ Lê Minh Quốc. Reo vui khi nhìn thấy một cảnh mưa trong nắng, lớn tiếng gọi vang hàng quán đòi “đáp ứng” món nước mắm “gin”, hay quàng vai bạn bè, “xuất khẩu thành thơ” cười ra nước mắt v.v…Ngẫm nghĩ những điều ấy, lại thấy thèm được đọc thơ anh như thèm một ly cà phê đen buổi sớm và nghe một tiếng ới gọi hào sảng của bạn bè…” (Trần Nhã Thụy - trích từ trang tr.84-88).

Ngay khi tập trường ca Hành trình của con kiến phát hành, tôi có tổ chức ra mắt một vài nơi. Ấn tượng nhất vẫn là nơi quán cà phê Dòng thời gian của anh Thành Đana. Hầu hết báo chí đều đưa tin cho sự kiện này. Người ngồi từ trong nhà đến kín sân.

Nhiều người tình cũ và mới lúc ấy cũng đến. Nhà báo Lưu Đình Triều nói đùa, những “con kiến” cũng đến ngồi xếp hàng tham dự… Một phần hồn của đời sống đã không giữ được.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh có mua tập thơ với giá đặc biệt. Sự thân thiết bè bạn ấy làm sao có thể quên?

Còn nhớ sau đó, là cuộc lai rai với nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức tại quán nhậu trên đường Cao Thắng. Quán bán thức ăn của người Bắc. Dường như đêm đó trời có mưa…

Những con kiến đã có một đời sống khác.

5.2012

LÊ MINH QUỐC



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com