LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.6.2012

 

Sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp đã có.  Khép lại tập sách y nghĩ đến tình bạn.

 

Ve-van-SaigonRR

Trước hết là văn Nguyễn Đông Thức. Anh đã biên tập chu đáo và thỉnh thoảng lúc cao hứng lại comment thêm đôi dòng. Có khi đồng tình và có lúc lại không với tác giả như một cách bổ sung thêm về chuyện này, chuyện kia ở Sài Gòn. Nhờ vậy, cũng một nơi chốn, một vấn đề nào đó đã có thêm một góc nhìn nữa. Cách làm sách như thế này mới mẻ. Sáng tạo. Mà phải quý, phải trân trọng và hết lòng ưu ái với người viết trẻ, một nhà văn nổi tiếng như anh mới nhọc công làm công việc này. Cảm động. Tình bạn dài theo năm tháng quý như rượu ngon. Cũng có thể do tính cách của người Sài Gòn nữa chứ. Anh Thức đã có hơn “60 năm cuộc đời” ở Sài Gòn nên anh ưu ái tác phẩm viết về Sài Gòn cũng là điều dễ hiểu.

Và cũng thật dễ hiểu khi cà phê Trung Nguyên đã “biếu không” mặt bằng trong vòng vài tiếng đồng hồ mà lẽ ra theo nguyên tắc phải thuê 2 triệu 600 ngàn / giờ.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu khi nhận mời đến chung vui với anh em trog ngày ra mắt sách, lập tức nhà thơ Lâm Xuân Thi hào phóng tặng ngay vài triệu bao chầu cà phê đủ mời cả trăm bạn đọc ngày hôm đó.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu khi họa sĩ Bùi Nam và NXB Trẻ nhiệt tình đồng ý thiết kế banner và standee cho buổi ra mắt.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu, từ Mỹ, họa sĩ Khải Cơ đã nồng nhiệt vẽ một hình bìa thật đẹp theo gợi ý của Chị Đẹp. Sửa đi sửa lại nhiều lần mà không một than van và cũng không nhận thù lao nào (trừ tập sách có chữ ký tác giả).

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu khi facebook của Chị Đẹp đã có hàng trăm bạn bè chúc mừng và cho biết sẽ đến tham dự.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Cho đến thời điểm này, so với các địa danh như Hà Nội, Huế, Đà Lạt… thì tạp bút, tùy bút, phóng bút, túy bút ngẫu hứng viết về Sài Gòn, cảm nhận về Sài Gòn vẫn chưa nhiều lắm. Chắc chắn rằng, bất kỳ ai chôn nhau cắt rốn tại non sông nước Việt mến yêu cũng đều ước ao được một lần đến Sài Gòn. Và họ đã đến. Để rồi, dù chỉ chạm chân đến vùng đất này dù một giây hoặc một đời cũng đều dành cho nó nhiều tình cảm.

Vậy Sài Gòn là gì mà quyến rũ đến thế?

Tập sách Ve vãn Sài Gòn là một, chỉ là một trong hằng triệu triệu con chữ, hàng ngàn trang sách nhằm lý giải điều đó. Sự lý giải nào cũng mang tính chủ quan. Không hề gì. Mà chính nhờ vậy, ta càng có thêm nhiều góc nhìn khác nhau. Ngay cả nhà văn Sơn Nam khi viết chuyên luận Người Sài Gòn vào năm 1988, ông khiêm tốn thú nhận: “Dòng đời cuồn cuộn, gặp tảng đá to, trở ngược, nhưng không tù đọng. Làm sao mô tả dòng sông đang chảy ra biển rộng? Làm sao ghi vài nét góp ý về phong cách người Sài Gòn - con người bình thường  - mà có thể làm hài lòng người Sài Gòn nhất là giới trẻ”.

Vậy Sài Gòn là gì khó lý giải đến thế?

Trong nghề viết báo đã nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với nhà báo Trần Bạch Đằng, y không thể ngờ vì sao tác giả Ván bài lật ngửa, khuôn mặt nghiêm nghị, ít cười lại có thể viết được một câu: “Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”. Câu thơ thô mộc. Giản dị. Không uốn éo, khoa ngôn nhưng lại rất thật và cũng rất đúng với tâm trạng của những ai đã từng đặt chân đến Sài Gòn.

“Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”.

Y vỗ đùi cái đét. Trời! Đúng quá! Đừng nhìn đâu xa, y nhìn vào chính y. Thời sinh viên mỗi lần về quê nghĩ hè, ăn Tết mà nghĩ đến lúc phải khăn gói vào lại Sài Gòn là y thở dài sườn sượt cứ như sắp bị đày lên cung trăng. Ngao ngán thở dài bởi y phải mất thời gian làm quen lại với nhịp sống, sinh hoạt của Sài Gòn. Tưởng rằng khó có thể sống được nơi này, vậy mà bây giờ, lúc này, hiện nay đi xa Sài Gòn chỉ dăm ngày là y đã thấy nhớ.

Cái nhớ ấy mơ hồ chẳng rõ rệt gì. Khó có thể nắm bắt. Theo nhà văn Nguyễn Đông Thức là "Một nỗi nhớ mặn môi". Cuối cùng “để đêm đêm nhớ về Sài Gòn/ Thấy mình vừa trở lại quê hương / Đã gặp người một trời yêu thương/ cho lòng thêm chút ấm / Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau / Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau / Tình chia trong đêm sầu”. Trầm Tử Thiêng đó ư? Nghe một lần trong một quán nhậu, đèn vàng mờ, chỉ bạn bè cũ, không ai nói giọng Sài Gòn. Ở đó, những khuôn mặt đã hằn vết nhăn bởi ngọn gió thời gian cày qua hơn nửa đời người. Bởi linh hồn từng đớn đau tình lạnh. Bởi ngăn tim từng chất ngất hạnh phúc tràn trề như suối nguồn hoan lạc của mộng mị ái tình không tính toán. Bởi từng quá yêu những con đường rong ruổi kiếm sống từng ngày lương thiện. Bởi bàn tay từng cầm những tờ giấy bạc đầm đìa mồ hôi của lao động chữ nghĩa, nhét vội vào túi, không thèm phải đếm. Bởi và bởi của muôn vàn lý do giống nhau lẫn dị biệt. Lúc ấy, y đã nghe một giọng ca khàn đục, chìm sâu, chìm sâu như từng viên sỏi nhỏ lăn chậm rãi xuống mộ phần và vọng lên từng chuỗi, từng giọt âm thanh khắc khoải. Phiền muộn. Rưng rức trong lòng. Bạn y hát đó. Một nhà thơ. Vậy thôi, chẳng cần phải nói gì thêm.

Thế là đủ cho một tình cảm sâu nặng dành cho Sài Gòn. Để rồi, sáng mai lên, trên các nẻo phố phường lại nhộn nhịp một sức sống mới. Sài Gòn là vậy. Buồn đó vui đó. Mưa trong nắng. Không bi lụy thở than. Không kèn đồng cho niềm vui và cũng không giọt buồn cho ly biệt...

Vẫn biết thế nhưng tại sao lại quá ít người viết về Sài Gòn?

Vì thế khi Chị Đẹp viết Ve vãn Sài Gòn lập tức đã dành được nhiều thiện cảm.

Bói Kiều là một thú vui tao nhã của người Việt. Chỉ người Việt mới có thú vui lạ lùng này mà bất kỳ người dân tứ xứ bốn biển năm châu nào khi quan sát cũng đều gật gù thèm thuồng: “Ước gì dân tộc mình cũng có thú vui này”. Đã từ lâu, y hay bói Kiều: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều cho con xem một quẻ về chuyện X, xin ứng vào những câu từ dưới lên (hoặc từ trên xuống), trang tay phải (hoặc tay trái)…”. Đêm nay, y không bói Kiều, y lật ngẫu hứng một trang Ve vãn Sài Gòn đọc lại một lần nữa. Tình cờ là trang 92, nguyên văn như sau:

“theo mùa năm tháng theo chủ trương theo ví tiền. Không có gì tồn tại mãi mãi như trước đây.

Có lẽ cô bạn Mỹ của tôi nói đúng, Sài Gòn không còn là nơi  để người ta trụ lại. Sài Gòn bây giờ chỉ là một nơi để người ta tụ lại mà thôi”.

Ngay dòng kế tiếp, nhà văn Nguyễn Đông Thức "comment":

“Từ ký ức, tôi có vài điều tiếc nhớ. Đường Lê Lợi ngày xưa có một chợ trời sách cũ góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) bên phía Sài Gòn Center bây giờ. Thì thôi đủ thứ sách xưa nay thượng vàng hạ cám, kể cả sách báo ngoại văn, giá rẻ bất ngờ - gom từ các trại lính Mỹ, ngày nào cũng tấp nập người lui tới (sau có dời ra đường Đặng Thị Nhu một thời gian). “Đường sách” mỗi năm làm một lần vào trước Tết như hiện nay ở đường Mạc Thị Bưởi luôn đông khách, rồi các hội chợ sách hai năm một lần vô cùng nhộn nhịp, có vẻ tiếp tục “truyền thống” và cho thấy nhu cầu rất lớn của người Sài Gòn trong thú vui lang thang tìm sách. Phải chi thành phố có quy hoạch hẳn một khu chợ sách cũ nhỉ?

Nguyễn Huệ thì có những kiosque bán hoa (ngày xưa tôi hay ra đây mua hoa tặng bạn gái), đồ lưu niệm, tiền xu, bưu thiếp… trên hai dãy tiểu đảo ngăn cách con đường chính và hai con đường phụ hai bên… Đều là những nét văn hóa đẹp.

Sài Gòn còn nổi tiếng với những hàng me hàng dầu trồng dọc hai bên đường từ thời Pháp. Những trái dầu quay tít bay trên đường Lê Quý Đôn, những trái me lúc lỉu trong nắng trên đường Nguyễn Du, Duy Tân…”.

Đã trích hết trang 92.

Chắc chắn những ai yêu Sài Gòn khi đọc Ve vãn Sài Gòn sẽ có hai cảm giác song hành về một Sài Gòn Hôm nay và Sài Gòn của thập niên 1960 thế kỷ trước. Sài Gòn của Hiện tại và Sài Gòn của Ký ức. Và thêm một cảm giác nữa là người đọc muốn gặp tác giả đặng tranh cãi chuyện này, chuyện nọ cho đỡ ấm ức hoặc muốn kể thêm vài chi tiết nữa như gửi gắm nỗi lòng đặng bổ sung của lần tái bản... Dù cảm giác gì đi nữa, có lẽ người đọc đều hài lòng bởi có một tác giả đã viết về Sài Gòn thay cho mình - "tác giả cũng thuộc loại… bà Tám có hạng!" như trong Lời nói đầu đã cho biết.

Chính vì thế, trang viết nhẹ nhàng trôi qua và đọng lại nhiều cảm xúc khác nhau. Cảm xúc ấy được chia qua nhiều chương khác nhau: Sài Sòn, Nhớ Sài Gòn. Vẽ Sài Gòn, Sài Gòn ở, Tiếng Sài Gòn, Xuống phố, Sài Gòn ăn, Giọt Sài Gòn, Đêm Sài Gòn. Noel Sài Gòn, Đàn ông Sài Gòn, Ve vãn Sài Gòn. Vỏn vẹn trong 182 trang sách và kết thúc bằng câu viết thăng hoa thâm trầm và kín đáo:

“Có nhũng thứ không để tìm hiểu, chỉ để chấp nhận và hòa vào. Sài Gòn là như thế. Mãi mãi là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về mình.

Vì Sài Gòn có ký độc quyền cho một ai đâu”.

Muốn viết thêm đôi dòng nữa nhưng đêm đã khuya. Nên thôi. Dừng bút. Chợt hình dung ra khuôn mặt gày gò của người bạn thơ đêm khuya nọ đã hát: "Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau / Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau / Tình chia trong đêm sầu”. Đọc sách của một người là đã ngồi bên tác giả quyền sách đó. Vậy hóa ra trong nhà y có hàng ngàn người bạn thân quý vậy sao? Đặt cẩn thận quyển Ve vãn Sài Gòn lên kệ sách, y mỉm cười và thấp thoáng ngoài xa đã nghe tiếng mèo ăn đêm, tiếng chó sủa trong hẻm sâu vắng mà gờn gợn tê tái khi sực nhớ một người sắp đi xa. Lòng buồn rười rượi. Y bảo với y như thế và tự trả lời:

Vâng, đêm đã khuya...

"Tình chia trong đêm sầu”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.6.2013

 

 

Đã có thể thở phào nhẹ nhỏm. Bởi đã xong các động tác cần thiết để có thể công bố kết quả Cuộc thi thơ Lời tỏ tình đầu tiên trên Facebook. Đọc khoảng gần 10 ngàn bài thơ để chọn lấy vỏn vẹn 115 bài. Cứ như sắc thuốc bắc. Mà đã xong đâu. Còn phải viết một bài nhận xét từ cuộc thi này để in vào tập thơ tuyển sẽ phát hành trong buổi trao giải. Các khâu chuẩn bị khác đã xong. Từ giấy mời, địa điểm trao giải đến kế hoạch in ấn…

 

ngay-nha-bo-21.6.2013

 

Khép lại công việc để đi ăn trưa với Benthanh Group. Họ mời nhân dịp 21.6. Đi trên đường loáng thoáng nghĩ vu vơ. Đã từ lâu y có thói quen là ngẫm nghĩ về một cái gì đó lúc đi đường. Chẳng để làm gì. Chỉ để thấy đoạn đường ngắn hơn. Có thể là một tứ thơ chợt đến. Lẩm nhẩm từng câu. Thuộc câu này rồi tiếp tục đến câu kia. “Viết” từng câu trong óc. Lúc ấy, chọn cách "làm thơ" theo thể truyền thống. Vần, nhịp điệu của các câu sẽ níu nhau. Câu này níu câu kia. Bền chặt. Không rơi tuột. Khó quên. Và lúc đến nơi chỉ cần lật trang giấy ra ghi lại là xong. Biết như thế để thấy rằng, dù có cách tân bao nhiêu đi nữa, người yêu thơ vẫn nhớ thơ có nhịp điệu nhiều hơn. Trưa nay,  y nghĩ vu vơ: Trên đời này, điều khiến con người ta luôn áy náy là khi một ai đó đối xử với mình tốt quá mà mình lại cứ ầu ơ ví dầu. Lại nghĩ, cách trả thù hay nhất trên đời này là hãy tha thứ. Chính sự khoan dung ấy sẽ giết dần giết mòn kẻ thù trong nỗi ăn năn, ân hận từ ngày, từng giờ. Tha thứ kẻ thù cũng là tha thứ chính mình. Lòng nhẹ nhàng và thanh thản bởi đã trút gánh nặng luôn phải mang theo trên đường đời.

Y không có kẻ thù và cũng không thù ai. Chỉ có tình bạn. Và tình yêu.

Sực nhớ, vừa đọc câu trả lời thật hay của anh Bồ Câu trong mục Vườn Hồng của báo TN chủ nhật vừa rồi. Hỏi: “Tình yêu và tình bạn khác nhau ở chỗ nào hở anh Bồ Câu”. Trả lời: “Có vô số điểm khác nhau giữa tình yêu và tình bạn. Nhưng điểm khác nhau đáng nói nhất là: Với một một người bạn tráo trở ta sẳn sàng nghỉ chơi, nhưng với một người yêu tráo trở có khi ta vẫn chết mê chết mệt, không cách gì chia tay được”.  Chuyện này, y thấy đúng như vậy. Y đã từng. Thuở ấy, "trẻ con" thật. Mà đứa trẻ nào lại không say đắm đến mức mê muội về một chuyện gì đó? "On n'est pas sérieux, quand on a dix-sept ans". (Người ta không thể nghiêm túc khi mười bảy tuổi). Câu thơ này của thi sĩ Athur Rimbaud.

Trên đường đi, y nghĩ về địa điểm ra mắt sách của Chị Đẹp.

Quái lạ, cả Sài Gòn rộng lớn thế này lại không có một chỗ nào “cho ra hồn” có thể tổ chức những buỗi ra mắt sách mới. Thông thường là các quán cà phê hoặc các nơi bán sách, nhưng nơi ấy đều chật chội quá; hoặc không thích hợp cho một cuộc giao lưu văn hóa, từ sách. Đố ai có thể tìm ra được địa điểm nào, nhất là ở khu vực trung tâm Sài Gòn; hoặc chỉ quanh quẩn ở Quận 3? Quá khó. Cuối cùng, y chọn được quán cà phê Trung Nguyên ở 6 A Đồng Khởi.

Họp mặt ngày nhà báo, lúc y đến nơi vẫn gặp những gương mặt cũ. Nay có thêm nhiều người mới. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Ông bà ta hay thật, nói cái gì cũng đúng. “Được ăn, được nói, được gói đem về”. Có thế, người được mời mới hả hê, hài lòng. Đọc lại phóng sự của nhà văn bậc thầy Ngô Tất Tố, y cảm nhận điều này một cách sâu sắc. Khi các “đàn anh” chè chén ngoài làng, dứt khoát phải có cái gì đó đem về chia phần cho con cháu ở nhà. Có khi chỉ một miếng xôi chỉ đủ chọi chim, không hơn không kém nhưng vẫn phải có. Muốn hiểu giai tầng ăn trên ngồi trốc ở nông thôn Việt Nam lúc bệ rạc, đổ đốn nhất dứt khoát phải đọc lại Ngô Tất Tố. Có lẽ nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất của dân tộc Việt ngàn năm thủy, hỏa, đạo tặc vẫn là miếng ăn chăng? Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan hoàn toàn có lý khi ông viết trong Nhà văn hiện đại: “Miếng ăn đối với dân Việt Nam to vô cùng, to về đường tinh thần, vì về đường vật chất, nó cũng không lấy gì làm to lắm, nó chỉ bằng đầu ngón tay thôi”.

Ủa, tại sao lại nói chuyện này. Bởi tính y nó thế, hay nghĩ linh tinh. Trưa nay ngồi ăn món xôi gà ngon quá. Tự nhiên lại nhớ đến nhà văn Ngô Tất Tố. Vậy thôi. Đã vậy, thôi thì, cứ hãy xem cách chặt thịt miếng gà giữa làng qua ngòi bút Ngô Tất Tố:

“- Băm thịt gà cần phải dao sắc, thớt phẳng. Nếu mà dao cùn thớt trũng thì thịt sẽ bong hết da!

Vừa nói, hắn vừa với sang thúng đĩa lấy đủ chục chiếc, bầy la liệt trên mặt thềm. Thằng nhỏ đã xách lên đó chiếc thớt mới nguyên, sắc gỗ nghiến còn đỏ đòng đọc. Nhanh nhảu, hắn sờ ngón tay vào lưỡi con dao, xem có bén không. Và hắn lật cái trôn bát liếc luôn ba lượt thật mạnh. Bấy giờ mới giở đến bộ lòng gà. Mề, gan, tim, phổi, các thứ đều được thái riêng và được bày riêng vào một góc đĩa. Tuy nó mới chỉ một dúm cỏn con, nhưng trong mười đĩa không đĩa nào thiếu một thứ nào. Rồi hắn nhấc cả con gà ra thớt. Bắt đầu chặt lấy cái sỏ, sau mới chặt đến miếng phao câu. Thình lình thấy hắn đứng lên ngoảnh mặt vào phía mấy ông đàn anh:

- Thưa trình các cụ, hôm nay sỏ gà pha mấy? Phao gà pha mấy?

Một ông trong bọn nhìn qua vào đám nhiều tuổi, hình như để đếm đầu người, rồi đáp:

- Ở đây chỉ có năm cụ và bốn ông đàn anh. Vậy thì sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn.

Hắn lại ngồi xuống chỗ cũ. Trước hết ghè dao vào giữa hai miếng mỏ gà để cắt cái sỏ ra làm hai mảnh.

Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm đôi và mảnh mỏ trên làm ba. Tôi không biết những miếng thịt gà này có đều nhau không, chỉ thấy tất cả năm miếng, miếng nào cũng có dính một tí mỏ. Tiếp đến cuộc pha phao câu. Công việc tuy không lấy gì làm khó, nhưng hắn làm cũng vẫn có vẻ khác người. Bốn miếng phao gà, miếng nào cũng có đầu bàu, đầu nhọn, chẳng khác nào một cái chũm cau chẻ tư. Sỏ gà bày vào một đĩa, phao gà bày vào một đĩa. Hắn lại cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm hơn mười miếng và bày với đôi chân gà làm thêm một đĩa nữa. Bây giờ thì đến mình gà. Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt riêng hai cái tỏi gà bỏ góc mâm.

Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh. Mỗi mảnh đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may. Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước.

Băm xong con gà, hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng. Lăng Vân cười và hỏi tôi:

- Anh đã chịu nghề băm thịt gà của ông Mới làng tôi chưa? Nhà hắn ba đời làm cái nghề ấy, thì mới thạo được như thế. Người khác dễ ai làm nổi!

Tôi chịu lắm. Và tôi muốn dâng cho ông Mới ấy cái chức nghệ sĩ”.

Cụ Ngô Tất Tố quan sát quá giỏi và viết quá giỏi. Lại sực nhớ chừng mươi năm trước ăn thịt gà ở làng Định Công. Làng này sát làng gốm Bát Tràng, cách một đường lộ. Nhờ đi lang thang trong buổi chiều tà. Nắng nhạt. Mỏng như tơ. Khói đồng nghi ngút xanh. Mỏng như gió. Mùi rơm rạ thơm lên bóng nắng. Nhờ vậy mới viết được câu thơ: "Gạch Bát Tràng mát lạnh / Mang giày đi sao đành". Miếng thịt gà chặt to. Nhìn no nê con mắt. Và gợi lên một cảm giác thèm thuồng. Muốn nhai ngấu nghiến. Rất bản năng. Tuấn bảo: "Tên làng Định Công là Hai Bà Trưng đặt, do đã có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Hán". Có lẽ nhờ chi tiết hư thật này mà bữa ăn hôm ấy ngon miệng hơn. "Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời". Đã lâu lắm rồi, không ngồi ăn chung với Tuấn. Hôm ra Phan Thiết, anh em cũng muốn gọi con gà xé phay ăn chơi nhưng khu resort chỉ bán thức ăn đông lạnh đã qua kiểm dịch nên đành chịu. Đành ăn con dông. Ăn và nhớ đến truyện ngắn Mùa dông lại về của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Trong đó không có câu phương ngữ mới nghe lần đầu và ghi lại trong sổ tay: "Nhất đầu thỏ, nhì mỏ dông". Câu này không thể có ở vùng miền khác, ngoài Phan Thiết, Bình Thuận... chăng?

Trưa hôm nay, y ăn uống no say, cũng hát hò và chơi sổ số. Vui vẻ. Thân tình. Ấm áp. Vẫn là điệu nhạc boléro. Mà trong nhiều cuộc nhậu hiện nay, hát gì thì hát, hò gì thì hò, cuối cùng cũng phải boléro. Tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt. Có người nhắc đến nhà báo Võ Như Lanh, dù anh vắng mặt. Nhắc vì câu nói của anh: “Đừng chê nhạc boléro. Những người ăn mày, ăn xin họ kiếm sống là từ loại nhạc này đó”.  Ngẫm nghĩ anh Lanh nói như thế là sòng phẳng. Vậy mà nói đến boléro, không ít  “trí thức” bĩu môi, phồng mang trợn mắt miệt thị phũ phàng rằng thì là “sến’, “mari sến”…

Về đến nhà đã trưa trật rồi. Cũng ngủ. Dậy, check mail và từ chối tham gia talkshow Tôi bình luận phim vào chiều mai. Chia sẻ cảm về phim Ván bài lật ngửa chung với diễn viên Thương Tín. Bận nên không thể. Làm sao thể được bởi chiều mai sách của Chị Đẹp chính thức đưa từ nhà in về NXB Trẻ. Y nôn nóng quá. Cứ như sách của y vậy. Đoàn Tuấn gọi điện thoại cho biết đang viết, được chừng 1 phần 3 tập sách Trung đoàn viễn chinh. Nhận lời viết Tựa cho tập sách này. Trung đoàn viễn chinh là tên của Tuấn gọi E 29 mà y và Tuấn đã gắn bó cả một thời trai trẻ. Thời ấy, nhìn cuộc đời qua nòng súng thép vẫn thấy trời xanh vời vợi. Yêu đời và thèm được sống. Thèm được trở về nguyên vẹn. Từ chân tay đến linh hồn. “Trả súng đạn này khi sạch nợ sông núi rồi, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất bao năm…”. Tuấn hát thầm qua điện thoại. Mấy chục năm trước trong khu rừng khộp ở Anlungveng, y và đồng đội đã hát. Nghe rưng rưng. Và vọng lên một niềm hy vọng mãnh liệt của ngày ra quân, sẽ đến...

Có phải nhạc boléro đó không?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký bis 17.6.2013


Sáng nay đi dự kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn. Cũng là dịp phát hành tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề… dâu bể (NXB Hội Nhà văn) của nhiều tác giả. Địa điểm là tòa nhà Bitexco Financial Tower  (số 2 Hải Triều, Q.1). Chỗ gửi xe lòng vòng lèo vèo dưới tòa nhà. Cam đoan đi một lần là lần sau hết dám đến, bởi nơi gửi xe nhiêu khê quá.

 

thu-bon

 

Buổi họp thân mật, ấm cúng do nhà phê bình Ngô Thảo chủ trì. Có người vợ đầu tiên, vắng mặt người vợ cuối cùng. Có Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Hữu Tá, Nguyễn Văn Hạnh, Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Ngô Thị Kim Cúc, Phan Hoàng, Trần Hoàng Nhân… và nhiều gương mặt quen thuộc khác của làng văn nghệ, báo chí Sài Gòn. Có mấy ý kiến đáng lưu ý: Tại sao chưa có sinh viên nào làm luận văn nghiên cứu về trường ca của Thu Bồn? Đến nay, các nhà thơ hiện đại, chưa có ai vượt qua Thu Bồn về thể loại này. Thu Bồn là người đứng đầu bảng (GS Nguyễn Văn Hạnh). So với nhiều người khác, Thu Bồn hoàn toàn xứng đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Ngô Thảo). Nhiều ý kiến phát biểu về tính cách tráng sĩ, chân thành chí cốt với bạn bè của Thu Bồn (Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, Trần Hữu Tá, Nguyễn Tiến Toàn, Thu Nguyệt…).

Y nghĩ rằng, những năm cuối thế kỷ XX dân Quảng Nam có hai người chịu chơi là Bùi Giáng và Thu Bồn. Đáng nể nhất là họ dám sống trọn vẹn với những gì họ đã nghĩ. Viết đúng cảm xúc. Không nói một đàng viết một nẻo. Đa phần, chúng ta uốn éo quá, khôn lỏi quá mà cũng láu cá quá. Cứ sợ mất lòng người khác. Luôn e dè rào trước đón sau. Phải diễn nhiều hơn. Chẳng dám đưa cái mặt thật ra dưới nắng mặt trời. Nếu có cũng ít hoặc chừng mực...

Trong cuộc họp mặt này, y đã phát biểu như những gì y đã viết về Thu Bồn trong tập Người Quảng Nam. Đại khái y nhắc lại vài kỷ niệm khi uống bia ở 81 Trần Quốc Thảo, có lần Thu Bồn nói rằng, trong thơ ca Việt Nam hiện đại vẫn còn quá ít những câu thơ mang tầm vóc nhân loại, nghĩa là khi dịch ra bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới thì dân tộc nào cũng đều cảm nhận, chia sẻ được tính tư tưởng trong câu thơ ấy. Trong giây phút ngẫu hứng của cơn say ngất ngưỡng, Thu Bồn đã đứng dậy và đọc câu thơ của Xuân Diệu minh họa cho cái ý vừa phát biểu một cách hào sảng:

Trái đất - ba  phần tư nước mắt

Đi như giọt lệ giữa không trung

Khi tham gia bài viết Nhớ “người vắt sữa bầu trời” in trong tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề… dâu bể, y muốn nhấn mạnh về giai thoại câu lục bát  nhảm nhí: “Thật lạ, không rõ do duyên cớ gì, trong những lần trò chuyện, tôi thường nghe anh bình luận về thơ trung niên thi sĩ Bùi Giáng với mọi sự trân trọng. Và ngược lai, ở Bùi Giáng cũng thế, ông thường bảo đó là người “biết chơi”. “Chơi” hiểu theo ngôn ngữ trầm phù của Bùi Giáng chắc đa nghĩa lắm chăng? Với hai thi sĩ nổi tiếng cũng là niềm tự hào của Quảng Nam, tôi không rõ từ đâu, lâu nay trong lúc trà dư tửu hậu thiên hạ thường bảo rằng mấy câu lục bát nhảm nhí, lảm nhảm rẻ tiền này là của Bùi Giáng “trêu” Thu Bồn, đại loại: “Thu Vân ngồi cạnh Thu Bồn”. Nói như thế, tin như thế là ngốc nghếch và cũng chỉ là suy nghĩ của những kẻ tầm thường khi léng phéng đến với thơ, mon men bước gần đến những thi sĩ chân tài như Bùi Giáng, Thu Bồn…” (tr. 262).

Một con người như Thu Bồn chắc có nhiều giai thoại văn nghệ. Nếu ai đó chịu khó ghi chép lại ắt là tập sách hay. Có những mẩu chuyện mà y còn nhớ,đại loại lần nọ Thu Bồn tình cờ gặp Bùi Giáng trong cơn mưa tầm tã ở ngã tư đường Nguyễn Tri Phương - Lý Thường Kiệt (TP.HCM). Thấy ông rét run, Thu Bồn đưa bộ quần áo bộ đội cho ông thay và đùa: “Bùi tiên sinh cứ tự nhiên cởi truồng ra thay quần áo cũng được”. Không ngờ Bùi Giáng bảo: “Cái đó không phải... thơ để lúc nào cũng bày ra được”!

Lại nghe kể, sinh thời Thu Bồn có dáng cao to như con gấu, tiếng nói nói âm vang như hổ. Lần nọ, vào mùa đông rét thấu xương, ở cơ quan anh (tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội) ai nấy đang chìm vào giấc ngủ, bỗng có tiếng động. Nhanh như sóc, Thu Bồn vùng dậy lao ra. Trước mặt mình là tên ăn trộm gầy còm, ăn mặc rách rưới, trên mặt còn nhiều vết xước do vướng dây kẽm gai lúc “nhập nha”, đang đứng run như cày sấy. Thu Bồn mềm lòng, anh lặng lẽ bước vào nhà, lấy đưa cho bộ quần áo cũ.

Lại nghe kể, măm 1973, nhà thơ Thu Bồn được giải thưởng Lotus của Hội Nhà văn Á - Phi. Với số tiền thưởng tương đương 2.000 USD, anh trích ra một ít chiêu đãi bạn bè. Ngày ấy, bạn bè quốc tế đến dự và chúc mừng anh đông lắm, có nhà thơ Ximônốp, tiến sĩ Nicolin, Eptusenkô v.v... Sau vài chén rượu thân mật, nhà thơ  “bốc” hẳn. Và khi bước lên diễn đàn nhận giải, anh cao hứng bỏ bài diễn văn viết sẵn, ứng khẩu luôn mấy câu thơ:

Có người bảo Mạc Tư Khoa vô cùng to lớn

Nhưng tôi bảo Mạc Tư Khoa vô cùng bé nhỏ

Có những mối tình con người ôm không xuể

Thì làm sao có thể bảo tôi yêu Mạc Tư Khoa vô cùng thân thiết vừa đủ gọn một vòng tay?

Tôi vừa ôm vừa siết

Mơ trong lòng và yêu ở trong tim...

Sở dĩ  thế vì lúc ấy, ngồi cạnh anh có cả cô Jania phiên dịch nữa. Khổ nỗi cô ấy rất xinh đẹp nên Thu Bồn hào hứng  là phải “đạo”. Đúng tính cách của anh.

Còn đây là giai thoại mà sáng nay, y mới biết: Nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể rằng khi phái đoàn nhà văn Việt Nam làm hồ sơ sang Mỹ tham quan, sứ quán Mỹ thẳng thừng từ chối Thu Bồn. Đơn giản vì anh không có một tờ giấy lận lưng từ hộ khẩu đến chứng minh nhân dân! Sau Hội Nhà văn Việt Nam phải có công văn can thiệp nên mọi việc mới ổn thỏa. Nếu đúng thế, Thu Bồn quả là tay chơi bạt mạng giang hồ!

Sáng nay, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đến dự. Qua phát biểu, giọng nói ấy vẫn da diết, tha thiết và chân tình khi trình bày vài cảm nghĩ về một người mà ông gọi là “bậc đàn anh” và rất tâm đắc với câu thơ Thu Bồn viết từ thời kháng chiến: “Hỡi những người nô lệ đừng quên / Tôi là bộc phá viên!”. Sực nhớ lúc dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần VIII từ ngày 4 đến ngày 6.8.2010 tại Hà Nội, giọng nói của Bùi Minh Quốc còn âm vang và khỏe khoắn hơn nhiều. Ấy vậy mà đến lúc “cao trào” nhất, đột nhiên Chủ tịch đoàn rung chuông thông báo… nghỉ giải lao! Mọi người ùa ra khỏi trường như ong vỡ tổ. Tiếng nói của anh trở nên lạc lõng. Rơi trong vô vọng. Tương tự trước đó, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng phát biểu hăng hái, xăng xái và đang oang oang, bỗng dưng... micờrô câm tịt! Vậy cũng xong.

Trưa, sau hội thảo, anh Ngô Thảo mời mọi người ngồi lại nhậu lai rai nhưng y về nhà.

Về cũng vì một lời hứa với P.T.N của DDVN. Phải có bài gấp cho số tới mà mấy hôm nay du hí Phan Thiết, y chưa viết kịp. Không riêng gì nghề báo, nghề nào cũng vậy thôi, nếu lười biếng, trễ hẹn thì lần sau chẳng có ma nào đặt bài nữa. Nghĩ thế, y lại cày tiếp đến 15 g rồi bước xuống nhà ăn trưa. Con cá bống kho tiêu. Ngon ơi là ngon. Chiều, ngoài trời có mưa lai rai. Đi đến một quán cà phê sẽ tổ chức ra mắt tập Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp nhưng y không hài lòng nơi ấy. Để mai tính.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.6.2013

 

Nếu có một điều ước, y sẽ ước điều gì? Chỉ có thể là làm sao trong một ngày thời gian sẽ dài gấp đôi. Xem kìa, mỗi sáng, lúc 7 giờ, y đã ngồi vào bàn làm việc. Trước hết là check email, đọc, reypy. Rồi lướt web đọc linh tinh lang tang thông tin mới. Loay hoay một chút đã hơn 8 giờ. Giật mình. Nhanh chóng thoát khỏi xa lộ thông tin. Bắt đầu chăm chú vào công việc của một ngày. Đang gõ phím ngon lành, bỗng tin nhắn rủ ăn sáng. Mười lần như một. Vẫn phở bà Dậu. Ngồi tán ngẫu một lúc, nhìn đồng hồ, đã hơn 9 giờ. Vào cơ quan mới đứng lên, ngồi xuống đã đến giờ cơm trưa. Trưa y về nhà cơm nước, ngủ nghĩ, thức giấc đã hơn 14 giờ. Chưa kịp làm gì đã xế chiều.

Những ngày này, bao nhiêu công việc buộc y phải làm cho xong. Không chần chừ nữa, Trễ hạn rồi. Tự ý thức phải lao động mẫn cán như Chí Phèo lúc rạch mặt ăn vạ ở nhà Bá Kiến, phải nôn nóng tranh thủ diễn nốt vai tuồng hài với tâm trạng bi đát như Kép Tư Bền, y lao đầu chúi mũi “cày” như điên. Bất chấp thời gian. Bỏ ngoài tai lời mời những cuộc nhậu có chân dài váy ngắn.  Tâm thế của y đang tựa mũi tên đã thoát khỏi cung và vun vút lao về phía trước. Đã sắp đến đích rồi. Ủa? Y làm gì mà ghê gớm thế? Ừ, cũng là chuyện viết lách xì xằng gì đó.

Đột ngột, có một bàn tay nhỏ nhắn thơm tho, quyến rũ vỗ vai y và thỏ thẻ nhỏ nhẹ như hơi thở: “Em muốn đi nghỉ mát”. Trời! Có mà điên! Đang vắt giò lên cổ với công việc đây! Y cáu quá muốn mắng một câu cho hả, cho nhẹ người. Rồi ra sao cũng mặc. Phiền toái quá đi mất. Định há mồm ra vặt lại một câu thật hiên ngang, thật dũng cảm cho đáng mặt đàn ông, ấy vậy mà chỉ trong nháy mắt y đổi giọng ngay. Y nhũn như con chi chi. Mềm như cọng bún. Rất hiền lành, tử tế, xum xoe y như Thúc Sinh lúc từ giả nàng Kiều quay về nhà gặp Hoạn Thư: “Vâng ạ! Anh lúc nào cũng chiều em”.

Thốt xong câu nịnh nọt ấy, y hả hê quá, sung sướng quá nhưng vẫn lại lao đầu làm nốt những gì đang dang dở. Được thêm gì hay nấy. Khuya, y thức đến 1 giờ sáng bởi sáng mai sớm lên tàu lửa, y sẽ tranh thủ ngủ bù. Chẳng sao cả. Y thầm động viên y “Dân chơi sợ gì mưa rơi”.

 

SaigonRailroadStationRRR

 

Sáng sớm. Tiếng còi tàu rền rã vang lên. Người đi kẻ ở mới nhộn nhịp làm sao. Y phơi phới như tuổi mười bảy của lần hẹn hò thứ nhất. Lần thứ nhất thoát khỏi công việc để phiêu du đến một nơi có mây trời, sóng biển, núi non và không gian yên tĩnh.

Y hăng hái dẫn nàng tìm toa số 1. Lúc ấy, y  vui vẻ, hào hứng trong tâm thế của câu thơ mà giao thừa năm nọ, bạn y, nhà thơ Nguyễn Thái Dương đã nhắn tin:

Trăm nghìn mồng một, mồng hai

Cũng không sánh nổi một giây giao thừa

Làm sao có khoảng thời gian nào thăng hoa tình ái, thú vị thơ mộng hơn lúc này, bởi nàng sắp đi xa đến những vài tháng. Vậy thì tha hồ lênh đênh trong cõi mộng và thực như Đường Minh Hoàng du nguyệt điện…

Thế nhưng, vừa bước lên toa, ném bịch cái va ly xuống ghế, nàng đã nước mắt vắn dài, nức nở như đứa trẻ đang cầm miếng bánh vừa định đưa vào miệng đã bị ai đó giật mất trên tay. Y hoàn toàn không hiểu mô tê ất giáp bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quý gì sất. Y chỉ biết nàng khóc ngon lành. “Anh không nhớ mấy hôm nay em đau lưng à? Anh nghĩ em thế nào mà mua vé hạng này?”.

Hạng này là hạng nào?

Là hạng “ghế cứng” rẻ tiền nhất, không máy lạnh, chỉ có quạt máy kêu rò rò như lão già ho lao thở khò khè lúc nửa đêm thanh vắng. Thì đã sao?

Y sực nhớ thời sinh viên, cái vé hạng sang nhất của y là vé “tàu chợ”. Người và súc vật chung một toa, không có băng ghế. Tất cả đều đứng, nằm, ngồi chung một sàn. Vậy có chết ai đâu? Nàng càu nhàu: “Sao anh không mua toa có “ghế mềm”, hay là…”. Vừa tức tưởi đến đó, nàng ngập ngừng giây lát, hít sâu hơi thở vào ngực cho khỏe khoắn rồi tiếp tục cẳn nhẳn: “Hay là anh tiếc tiền?”.

Y biết trả lời ra làm sao?

Đã lâu lắm rồi, y không đi xe lửa. Khi xếp hàng, người ta đưa vé gì y nhận lấy chứ không hỏi cụ thể gì thêm. Mà cái tính của y nó thế. Có để ý gì đâu. Lúc lãnh lương cũng vậy, y hoàn toàn không thể nhớ là mỗi tháng nhận tiền lương cụ thể bao nhiêu. Trong đầu y không có chữ “cụ thể”. Lần nọ bạn thơ Phan Hoàng mời y sáng sớm đến dự ra mắt Hội quán Pysa của đồng hương Phú Yên và cho biết nó ở đường Cộng Hòa Tân Bình “gần maximark”. Lúc ấy, trong đầu y chợt liên tưởng maximark ở gần Lăng Ông Bà Chiểu. Vậy là đến ngày hẹn, y phóng xe về phía chợ Bà Chiểu và đỏ mắt đi tìm...

Tính y lơ tơ mơ đến thế. Nàng lại không hiểu thế.

Vậy là bao nhiêu chuyện trước đây của y được nàng kể ra vanh vách, không sót một chi tiếc nhằm chứng minh cho câu nói chắc như đinh đóng cột: “Hay là anh tiếc tiền?”. Nàng đòi quay về. Phải dỗ dành mãi. Mất luôn cái buổi sáng không thể chợp mắt mà y đang thèm ngủ. Y bèn giết thời gian bằng cách quan sát lại cái vé tàu hỏa. Bấy giờ,  y mới nhận thấy người ta ghi trên vé kỳ cục thật: “Ghế cứng” sao không ghi “Ghế gỗ, máy quạt”; “Ghế mềm điều hòa” sao không ghi “Ghế nệm, máy lạnh”? Có dễ hiểu hơn không? Nghe đến "Ghế mềm điều hòa" y cam đoan trong 1 triệu người thì đã có đến 999, 9 người nghĩ ngay đến... bệnh viện Từ Dũ. Loay hoay một lúc, y mở máy đọc tin nhắn vừa đến: "Anh đi về đi. Em không hủy phòng được. Em phải đi. Nhưng em không muốn thấy mặt anh". Đọc tin nhắn này, y biết tỏng tâm lý của nàng và bật cười khoái trá...

Đường sắt Việt Nam bây giờ đã sạch sẽ hơn trước, đỡ nhốn nháo hơn. Thế nhưng nó vẫn chạy cà rịch cà tang đến sốt ruột. Sài Gòn - Phan Thiết: 4 tiếng đồng hồ!

Cuối cùng, cũng đến resort Poshanu. Chuyện gì sẽ xẩy ra? Xem hồi sau sẽ rõ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.6.2013


Đáng tiếc. Thật đáng tiếc.

Y không thể thỏa mãn lời mời khẩn thiết của người bạn, người em trong dòng tộc mời cà phê sáng, ăn trưa và lai rai tâm tình cho bõ những ngày không gặp mặt. Thật tình y cũng muốn, nhưng rồi không thể. Ngày thứ Bảy và Chủ nhật là ngày của riêng y. Ngày thiêng liêng của bất kỳ ai làm công việc nhà nước. Suốt một tuần chạy như ngựa ngoài phố, tiếp nhận hầm bà lằng mọi thứ thông tin thì cuối tuần họ cần yên tĩnh. Hướng nội. Tìm về bản ngã của chính mình. Tĩnh tâm soi gương nhìn lại gương mặt mình. Nằm yên lắng nghe hơi thở mình. Lâu nay mình đâu có thở, chỉ là những sự vận động theo thói quen. Lúc ấy,  y ngại đọc tin nhắn và nghe điện thoại. Dẫu là thông tin cho biết trúng số độc đắc.

 

me-le-minh-quoc-va-DT-quan

Mẹ Lê Minh Quốc và nhà thơ Đỗ Trung Quân (chụp tại nhà Quốc khoảng năm 2004)

 

Ngày ấy, được vật lộn với một mớ sách trong nhà, quét cái này dọn cái kia, chăm cái cây, lau cái nhà, gõ bàn phím… Hoàn toàn tự do. Không vướng bận thời gian. Ngày chủ nhật, bao giờ mẹ y cũng rụt rè bước lên gác, chỉ đứng phía sau lưng y, hỏi khẽ: “Trưa, ăn cơm không để mẹ nấu ?”. Hỏi xong, nhón chân bước xuống. Cứ như thể là con trai mình đang làm công việc cực kỳ quan trọng. Cực kỳ trọng đại. Mà thật ra y có làm gì ra hồn đâu, cũng chỉ là viết dăm mớ chữ kiếm cơm mỗi ngày. Vậy mà mẹ y không dám quấy rày, dẫu là một tiếng động nhỏ. Lặng lẽ bước xuống bếp.

“Trưa, ăn cơm không để mẹ nấu ?”. Y biết rằng, câu hỏi này sẽ không còn dài. Một ngày nào đó y sẽ không còn nghe nữa. Sẽ không còn vọng bên tai y những lời trìu mến, ân cần, tha thiết vậy nữa. Mẹ y đã già rồi. Y cũng chẳng còn trẻ gì nữa. Y sợ thời gian. Thời gian không đủ cho y lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với men say khật khưỡng trong âm nhạc và phấn son và những ảo tưởng vô bờ bến. Ấy vậy mà y cũng phải về. Chừng mươi năm trước, trong quán Dòng Thời Gian, y vụt chạy trước sự ngỡ ngàng của mọi người cũng bởi:

Chẳng có gì níu kéo anh rời khỏi cơn mê

Ngoài một điều duy nhất

Mẹ

Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành mẹ nhẫn nại như đất

Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất...

Lạ thật, với người đàn bà, thuở bé mỗi ngày mở cửa cho ba đi làm thì lúc về già thói quen ấy vẫn y nguyên. Chỉ có khác là mở cửa cho con. Rồi cẩn thận khép cửa và mong con bình yên trở về. Lúc nhỏ, mở cửa cho ba đi làm, nói: "Trưa/ chiều ba đi làm về nhớ mua quà nghe ba". Nay mở cửa cho con, không nói gì nhưng sâu thẳm trong ánh mắt ấy là sự lo toan, nhắn nhủ: "Trưa/ chiều nhớ về sớm nghe con". Có những lúc, đã khuya, y về nhà trong cơn say rũ người, mềm oặt như tàu lá chuối chỉ chực ngã vật ngã nhào xuống đất nhưng chợt tỉnh như sáo khi nghe câu hỏi đang ngáy ngủ: “Q về đó hả?”. Chỉ vậy thôi. Chỉ một câu hỏi của mẹ.  Y cảm thấy  có lỗi quá. Y thầm hứa ngày mai sẽ không còn nữa. Ngày mai y sẽ ngoan hơn. Ngày mai sẽ... Ngày mai ấy chẳng đến bao giờ.

Từng ngày, mẹ y nấu cho y ăn và luôn biết tâm sự buồn vui trong thâm tâm y khi chỉ cần nhìn qua mâm cơm. Dù không hỏi, mẹ y không dám hỏi y nhưng chắc chắn thắc mắc trong đầu: "Vì sao lại bỏ cơm?". Nếu hỏi, y sẽ trả lời ra làm sao? Chẳng thể. Giữa mẹ và con ít có lúc chuyện trò tâm sự. Do đó, có những lúc khốc liệt đớn đau: “sầu tình cơm chẳng muốn ăn / đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm”, y cũng phải cố nuốt. Cho trôi qua cuống họng. Dẫu mệt mõi. Dẫu rã rời. Cũng phải cố nuốt. Đã có những cuộc liên hoan tràng giang đại hải những sơn hào mỹ vị chỉ thiếu mỗi gan trời nhưng y cũng phải lặng lẽ tìm cách thoái lui để về nhà. Về nhà ăn cơm mẹ nấu. Niềm vui của người đàn bà lúc về già, tưởng rằng, chỉ có thế. Khi chưa có chồng, thương cha mẹ, lo cho chị cho em; lúc có chồng lại lo toan cho chồng, cho con. Tấm lòng người mẹ vĩ đại quá. Đừng quên, với người mẹ, con là số một, chồng chỉ đứng vị trí thứ hai.

Tình cờ hôm nọ đọc được câu tục ngữ, thấy lạ: “Mười mặt con không hẳn là chồng”. Ăn đời ở kiếp với nhau không hẳn do hai người đã có con. Nếu cần, họ chỉ giữ lại con mà quên phứt đi cái lão chồng cà chớn, lang chạ kia… Với con thì không bao giờ, dẫu nó hư hèn nhất. Thật lạ, nếu chồng léng phéng có con rơi, con rớt thì người đàn bà sẽ đem con về nuôi chăng? Vì ít ra đó là cũng giọt máu của chồng mình? Đừng hòng, những lúc ấy chỉ có thể cuốn gói sang nhà khác. Vậy mà nếu con mình "lỡ dại" làm chuyện "ngoài luồng" ấy, lập tức người mẹ sẽ dang rộng tay ngay bởi đó là cháu nội của mình, giọt máu của con trai mình. Và y, câu hỏi: “Có đi đâu không? Mẹ nấu cơm”. Chắc hẳn sẽ không còn kéo dài nữa. Mẹ y đã già rồi. Bạn y, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết:

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

mấy kẻ đi qua

mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

Y nhận ra rằng, lũ chúng ta ai ai cũng nhìn thấy được điều giản dị và vĩ đại ấy, từ mẹ. Dăm năm trước, y đã viết trong sổ tang của người bạn mất mẹ. Cũng là viết cho chính y đấy thôi: "Vẫn còn có mẹ":

 Không gì bất hạnh hơn khi ta cài trên ngực đóa hồng

để suốt đời nhớ mẹ

dù thế nào ta cũng là đứa trẻ

một đứa trẻ cô đơn

suốt đời cô đơn

khi đã xa vòng tay của mẹ

lời kinh Phật là lời chia sẻ

nén nhang thơm đến tận cõi niết bàn

hương huệ thơm mênh mang

khiến ta buồn muốn khóc

mẹ tảo tần suốt một đời cực nhọc

để nuôi ta hoàn thiện trở thành người

trên đường đi, ta đã gặp hoa tươi

gặp tiếng cười, gặp niềm vui hạnh phúc

là lúc ấy mỗi ngày mẹ bạc tóc

âu lo nhìn theo mỗi bước ta đi

ta lớn lên xa vòng tay của mẹ nhu mì

ta xa những ngày mẹ một mình tựa cửa

ta đâu biết trong từng hơi mẹ thở

vẫn trái tim độ lượng gọi ta về

vẫn ân cần giọng nói

gọi tên ta ngay cả lúc ngủ mê

vẫn từng đêm chờ đợi

đợi ta về...

lúc ta quay về, mẹ đã đi xa

mẹ về hư không, mẹ về mây trắng

ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng

muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ?

mẹ vẫn về trong mỗi lúc ta mơ

chở che cho ta trong đời thường mệt nhọc

đêm nay uống từng lời kinh Phật

ta ngước lên trời thấy từng giọt mưa rơi

giọt mưa rơi trên môi

mặn như nước mắt

ta đã nhủ lòng ta đừng khóc

sao vẫn còn đau nhói phía trái tim?

xin mẹ ngủ bình yên

trong cuộc đời ta vẫn còn có mẹ

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.6.2013

 

Đêm qua ngủ sớm. Y tự nhủ phải ngủ thật sâu. Đẫy giấc. Sáng mai, ngày thứ bảy, có thể yên tâm ngồi lì trong nhà để làm việc. Sớm thật sớm. Gà gáy ò ó o. Y thức dậy. Tâm trạng y chuẩn bị leo dốc lúc gõ bàn phím. Một ly cà phê theo thói quen. Từng giọt đen đang mơn trớn đáy ly. Màn hình máy vi tính đã sẵn sàng. Bàn tay vừa gõ xuống phím, bỗng nghe cái “phựt”. Một âm thanh lạnh lùng. Màn hình tối đen như cái tiền đồ của chị Dậu.

Cúp điện.

 

lmq-truong-nmahuong

Từ trái: Nhà thơ Trương Nam Hương - Lê Minh Quốc

 

Tếch ra đường. Lại cà phê, đấu láo. Một buổi sáng không đến nỗi vô vị, nhạt nhẽo là nhờ gặp bạn học cũ: nhà thơ Trương Nam Hương; nhờ đọc một bài báo hay: “Kẻ đi săn” đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt. Đã in trên báo Doanh Nhân. Trong đó có đoạn viết:

“Khi Tập đoàn unilever (Hà Lan) đặt chân vào Việt Nam năm 1995, họ đã đưa thương hiệu kem đánh răng P/S của Việt Nam vào tầm ngắm. Những năm 1990, P/S và Dạ Lan là hai tên tuổi nổi tiếng và đáng tự hào nhất do các doanh nhân Việt “mang nặng đẻ đau” sinh ra.

Lúc đầu, Unilever chơi bài thành lập liên doanh với P/S để cùng hợp tác khai thác nhãn hiệu này (chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu). Khi nắm được con mồi, kẻ đi săn không cần nấp trong lùm cây nữa mà công khai ý đồ thôn tính bằng chiêu bài hiểm: Làm cho liên doanh lỗ đến nỗi đối tác nội chịu không nổi và phải tự rút. “Cây gậy” mà họ sử dụng là đề nghị liên doanh thay vỏ kem đánh răng P/S bằng nhôm trước đó sang nguyên liệu nhựa.

Phía Công ty hóa phẩm P/S biết rõ mưu đồ này, song không làm gì được vì không thể “chạy đua vũ trang”. Kết cục, Unilever sở hữu nhãn hiệu P/S của Việt Nam. Tương tự, năm 1995 Công ty Colgate Palmolive (Mỹ) ngỏ ý muốn hợp tác liên doanh với Công ty Sơn Hải - chủ nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan. Vẫn bài cũ, sau khi các thủ tục chuyển nhượng và thành lập liên doanh hoàn thành, việc sản xuất kinh doanh của Dạ Lan dần chìm sâu vào thua lỗ. Năm 1998, Tổng Giám đốc Sơn Hải là ông Trịnh Thành Nhơn dù đau đớn, nhưng cũng phải ngậm ngùi bán nốt 30% cổ phần trong liên doanh cho đối tác Mỹ do không trụ nổi với tình trạng liên doanh thua lỗ triền miên”.

Về Dạ Lan, thuở công ty này mới hình thành, tôi có nhiều lần đến với tư cách là PV bàoPN. Sau những lần trò chuyện, tôi viết truyện ngắn Luật chợ. Chất liệu là từ cuộc đời của anh Sáu Nhơn. Trịnh Thành Nhơn. Anh thấp người, da đen và dễ mến. Đã lâu lắm không gặp lại.

Nếu chỉ chọn trong vòng 100 năm, đâu là thương hiệu Việt còn tồn tại đến ngày nay? Đó là Xà bông Cô Ba? Nhà may áo dài Thiết Lập? Nhà in Tân Dân? NXB Mai Lĩnh? Nhà sách Khai Trí? Mô hình giáo dục Đông Kinh Nghĩa Thục? Xưởng đóng tàu Bạch Thái Bưởi? v.v…

Hầu như không có. 

Y ngồi ngẫm nghĩ mãi mà không thể tìm ra, dù đã cố gắng nặn óc với những gì đã đọc, đã biết. Do hạn chế của tư duy người Việt đó chăng? Là không có ý thức phát triển một ngành nghề gì đạt đến đỉnh cao và lấy đó làm niềm tự hào? Hay chỉ đến với ngành nghề đó chỉ vì lợi nhuận nhất thời, khi đã “đạt yêu cầu” thì sẵn sàng lao qua lãnh vực khác? Vậy cũng tốt, nếu là một thử thách về khám phá, sáng tạo nhưng tiếc thay cũng là do lợi nhuận trước mắt. Đừng nói đâu xa, cũng khó có thể tìm được ngành nghề nào “cha truyền con nối”, từ đời nọ sang đời kia.

Chương trình Hàng Việt Nam Chát lượng cao, theo y, công đầu thuộc về nhà báo Kim Hạnh, lúc chị làm tờ Sài Gòn tiếp thị. Vấn đề đặt ra là các sản phẩm được chứng nhận hiện nay đã như thế nào?  Chẳng lẽ sau khi có giấy chứng nhận, người ta “dẫm chân tại chỗ”; thậm chí chí lượng còn kém hơn trước? Trước kia, ông Vương Trí Nhàn đọc lại trước tác cổ nhân để làm chuyên luận in từng kỳ trên báo, đại khái, tạm gọi "thói hư tật xấu của người Việt". Nói một cách thời thượng là “Người Việt xấu xí”. Chẳng hiểu vì sao đến nay vẫn chưa ấn hành. Một dân tộc mạnh là dân tộc đó dám thẳng thắn nhìn nhận khiếm khuyết, hạn chế trong tư duy của dân tộc mình để từ đó, có hướng khắc phục, phấn đấu bằng người. Chứ cứ vỗ về nhau, ru ngủ nhau, bằng điệp khúc "rừng vàng biển bạc, nhân dân anh hùng, tài trí, thông minh v.v. và v.v..." ấy nghe mãi cũng chán. Đành rằng những mỹ từ ấy là cần thiết, là đúng nhưng vẫn chưa đủ trở thành động lực để dân tộc có điểm tựa phát triển. Chỉ khi nào nhìn ra khiếm khuyết, thừa nhận nhận khiếm khuyết ấy thì con người ta mới đủ dũng cảm và có định hướng để phấn đấu.

Bài báo này từ chuyện bàn về thương hiệu Việt, có câu hay: “Đó không chỉ là chuyện kinh doanh, phải coi đó là tinh thần dân tộc. Nếu không có tinh thần dân tộc tuyệt vời, người Hàn Quốc không bao giờ có thương hiệu quốc gia Samsung của họ. Người Nhật biết cúi đầu lịch thiệp trong giao tiếp, nhưng khi chạm vào tinh thần dân tộc họ chẳng bao giờ sợ hãi trước bất cứ tập đoàn đa quốc gia nào, mà luôn ngẩng cao đầu. Nhờ tính tự tôn dân tộc ấy mới có Sony, Honda, Toyota ngày nay”.

Chúng ta có thương hiệu gì?

Ngẫm nghĩ một lúc, chia tay bạn thơ Trương Nam Hương. Lại tiếp tục cà phê với nàng. Một buổi sáng cạn dần. Khi viết những dòng chữ này, tiếng kinh Phật từ ngôi chùa đối diện nhà lại vang đầy lên trong không gian. Chiều nào cũng đều như thế. Đều như vắt chanh. Nghe kinh Phật mỗi ngày mà lòng y chẳng thay đổi được chút nào.

Y còn sân si lắm.

Nếu không sân si, hơn hai mươi năm trước đố y có thể viết được những câu này để rồi đưa vào tập Tôi và đàn bà mà sáng nay nhật báo Sài Gòn Giải phóng đã có bài giới thiệu:

Tôi vắt kiệt tuổi thanh xuân ngây dại

Đêm nằm mơ da thịt của đàn bà

Là những diễn viên điện ảnh khỏa thân

Em đốt cháy tôi bằng cái nhìn bí ẩn

Tôi mê man trong cơn mộng du cùng lời cầu khẩn

Những chiếu chăn thơm hương tóc phấn son

Tôi nằm mơ động tình với mắt biếc môi ngon

Khi tỉnh dậy rùng mình như chết đuối

Tiếng kinh Phật vẫn vọng lên. Nhẹ nhàng. Thanh thoát. Ngoài trời đã sẫm tối. Một ngày đang cạn dần. Chưa kịp làm gì thì vòng quay của kim đồng hồ đã nghiến hết thời gian. Chẳng sao, chỉ biết rằng, y vẫn còn sân si lắm.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.6.2013

 

 

Có lời mời đi Huế, từ ngày 17.6 nhưng y từ chối.

 

PANOR

 

Thời mới vào nghề báo, y thích đi. Đi là được thoát ra khỏi cái phòng trọ chỉ đủ kê mỗi cái chỏng tre. Mỗi lần mưa là nước từ mái tôn rơi tong tả. Đi là thoát khỏi những bửa cơm trưa bụi bờ, nhai trệu trạo mà luôn mơ đến miếng thịt sườn. Xộc xệch ghế lề đường, mồ hôi túa ướt áo, ngựa xe ầm ầm, cắm cúi xuống dĩa cơm tênh hênh những cọng rau muống ẻo, nhũn. Chẳng khác gì thời sinh viên. Chính vì thế, bút danh Huyền Sương, y ký chừng hơn hai mươi năm nay, chỉ là bộc bạch cái thèm khát của ngày ấy.

Không thèm sao được. Cái ấn tượng đầu tiên của ngày đầu tiên khi bước vào phòng ăn ở ký túc xá, y vẫn còn nhớ như in. Trưa ấy, cả lũ xách bát đũa, muỗng xuống nhà ăn. Miệng y huýt sáo, dù bụng đang đói. Y hớn hở bởi sắp được ăn. Cửa phòng ăn chưa mở, ý đứng nhìn qua những vuông cửa kính trắng, đục và y nuốt nước bọt ngạc nhiên: “Ủa? sao nhà trường lại cho sinh viên ăn xôi đậu đen?” Quả thật, nhìn những thau cơm lớn trên mỗi bàn y thấy lỗ chỗ hạt đậu đen to đùng kia mà. Y cười thầm: "À! Có lẽ do nhân ngày khai trường nên sinh viên mới được bửa ăn đặc biệt này đây".

Thích quá! Sướng quá!

Ngay lúc ấy, nhân viên nhà ăn mở cửa phòng. Tất cả ùa vào! Bỗng y nghe rộn lên một âm thanh xẹt qua tai như tiếng máy bay vừa lướt qua. Trời ơi! Cả hàng ngàn con ruồi bay ào thoát ra ngoài. Ruồi ngã loạng choạng vào mắt, mũi, miệng. Y tối tăm mặt mũi. Lúc ngồi vào bàn, cứ tám người quanh một bàn tròn, bấy giờ mới phát hiện trong tô canh lỏng bỏng vài cọng rau muống đã có những con ruồi dũng cảm đã cảm tử, quyết tử đến hơi thở cuối cùng. Dần dà, y quen đi. Bạn bè y cũng quen đi. Gặp ruồi, cứ vớt ra và hất bẹt xuống đất. Rồi tiếp tục ăn. Rất hiên ngang. Rất phong thái. Rất phong lưu như Hàn nho phong vị phú của cụ Nguyễn Công Trứ:

Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no;

Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.

Thời trẻ, y thích đi phỏng vấn. Gặp được nhân vật là có bài. Nay,  y ghét nhất thể loại này. Mất thời gian săn đón, tìm kiếm, hẹn ngày giờ với nhân vật. Mà nhiều khi nhân vật trả lời chẳng ra gì đâm ra phí câu hỏi. Bài trả lời phỏng vấn nhạt như nước ốc. Ngược lại y cũng ghét luôn nhà báo đặt câu hỏi ngớ ngẩn lúc phỏng vấn y, khiến y cáu. Đã thế, họ ghi chép nhiều lúc không đúng ý, bài in lên, đọc lại cũng cáu. Cách tốt nhất, y trả lời qua email cho rõ chữ nghĩa. Mà cái thông lệ tệ hại của nền báo chí ta, người trả lời phỏng vấn chẳng được trả một xu nào.

Cái chuyến đi ra Huế là tham dự ra sách Gửi tình trên sóng của nghệ sĩ Ngọc Lan. Lúc qua Mỹ, y có ở nhà con trai của chị chừng ba ngày. Tập sách này, y biên tập kỹ từ bản thảo. Đọc và thú vị. Chị vừa mail hình ảnh pano quảng bá cho ngày ra mắt ách. Đoạn trích trên pano là từ lời Bạt y đã viết: "Thật ra cuộc đời của mỗi người đã là một tiểu thuyết. Có những tình tiết, những lớp lang khác nhau mà chung quy lại, họ phải diễn, phải sống cho trọn vẹn đoạn trường của một kiếp người. Những buồn vui, hoan lạc, căm thù, đau đớn…, dù từng người có khác nhưng cũng đều là chất liệu để hình thành nên tính cách và số phận con người đó.

Ở nghệ sĩ Võ Ngọc Lan, khi đọc tác phẩm này, ta thấy hiện lên rõ nét nhất vẫn là nhân vật Duyên của những tháng ngày bươn chải vì chồng, vì con - một đức tính ngàn đời thủy chung của người phụ nữ Á đông. Bên cạnh đó, Duyên còn chấp nhận những ngọn roi của tình ái chạm đến vào nỗi đau của thân phận làm vợ, làm mẹ. Vượt lên trên những hỉ, nộ, ái, ố của trần gian muôn mặt vẫn là một phụ nữ tự tin, bản lĩnh và kiêu hãnh bước vào dòng đời xuôi ngược bằng đôi chân và tấm lòng giàu nghị lực".

Lẽ ra đêm nay, đi xem chương trình nhạc Jazz “Five Play Jazz Concert” tại nhà hát Hoà Bình. Vậy mà ở nhà. Đọc quyển Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Ðức vậy. Tác giả sinh năm 1985, làm được quyển sách này thật đáng nể. Câu này, đáng lưu ý: "Điểm nổi bật thú vị nhất là người Việt trong hàng nghìn năm đã nhuộm răng đen và đi chân đất. Chính vì vậy, biến cố lớn nhất trong lịch sử trang phục Việt là vào năm 1744, khi chúa Nguyễn xưng vương và biến đàng Trong thành một vùng lãnh thổ độc lập so với đàng Ngoài, đã bắt toàn bộ quan lại và dân chúng phải đi giày dép" (Trần Quang Đức).

Cái nghề nghiên cứu nó thế, để viết được một câu có tính chất khẳng định, đưa ra một phát hiện gì mới hoặc một tổng kết nào đó người ta phải đọc cả hàng trăm quyển sách. Mà đã xong đâu. Còn tranh luận chán.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.6.2013

 

quoc-va-con-gai-nuoi

(Nay, post tấm hình này lên. Sẽ trở lại sau)


Cái tình bạn trong văn nghệ thời buổi này như thế nào? Thức dậy, trời mưa lất phất lơ phơ. Cầm máy kiểm tra tin nhắn theo thói quen. Một lúc có hai tin nhắn về cuộc nhậu chiều nay. Một đã nhận lời từ mấy ngày trước; và một mới tức thì. Thấy vui vui.

Bạn bè còn rủ nhậu là vẫn nhớ đến nhau. Không rủ nhậu cũng nhớ đến nhau. Ngày nào cũng nhậu với nhau, chưa chắc do nhớ nhau.

Chỉ vì thói quen.

Quen cái biện pháp giết chết tươi, phải giết gọn ghẽ cho bằng hết cái khoảng thời gian nắng, mưa loạng choạng ngã qua vỉa hè lúc tan sở, trước lúc về nhà. Quen tính cách con người ngồi đối ẩm đó. Quen cảm giác bia bọt đó. Để rồi chiều nào cũng tụ tập một chỗ nào đó. Ngồi với nhau nhiều vậy đó nhưng chắc gì đã vì nhớ nhau, vì hiểu nhau, cần tâm sự với nhau?

Nhậu chỉ vài ba tri kỷ thôi ư? Không, dân văn nghệ Sài Gòn thích nhậu càng đông càng vui. Dù thân hay sơ. Dù gặp một triệu lần hoặc chỉ mới lần đầu cũng có thể nâng ly.  Vui vẻ xởi lởi. Không chấp nhất. Rồi ai về nhà nấy. Rồi có thể trăm năm sau không gặp lần nữa. Những cuộc nhậu đàn đúm loẹt xoẹt, loẹt quẹt ấy, y đã chán.

Hôm trước y ngồi với người bạn. Bỗng một người bạn rất quen kéo ghế ngồi chung. Chán như con gián. Hoàn toàn không có trong dự kiến của y, của bạn y - dù tất cả là bạn. Bạn của giới văn nghệ mênh mông và bao la bát ngát. Chỉ cần nghe tên nhau đã có thể là bạn. Có những người nhậu cực kỳ khó tính, một trong nhưng người đó mà y quen biết là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn. Anh đã mất. Thời cực thịnh vàng son của quán nhậu 81 Trần Quốc Thảo - trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.HCM thì ngày như mọi ngày, ngày nào cũng dập dìu tài tử giai nhân những muốn lấp bể dời núi bằng tài năng của mình luôn ùn ùn kéo đến. Lúc ấy, Hoàng Ngọc Tuấn chỉ ngồi một mình. Một bàn một ghế. Một chai bia Sài Gòn xanh. Khói thuốc mù mịt. Đốt liên tục. Hễ ai kéo ghế ngồi chung là anh đuổi thẳng thừng.

Nhậu ở 81 thời ấy có cái đặc điểm thú vị là bất kể bàn nhậu nào, có những người muốn vào ngồi chung với ai chỉ việc xách một chai bia; hoặc một vại bia hơi đến, rót đều rồi ngồi lì. Ngồi đến mọc rễ. Chỉ đứng dậy khi bàn đó tính tiền. Rồi bước sang bàn khác. Nhờ vậy, có những người ngày nào cũng có độ nhậu. Nhậu từ sáng đến mờ mịt nhọ nhem mặt mũi trăng sao trên trời. Ai cũng biết mặt. Nhẵn mặt. Chẳng ai trách. Anh em văn nghệ mà. Lại có những người không có tiền nhưng vẫn nhậu đều đặn mỗi ngày. Nhờ vào tài đọc thơ. Lúc say, ai cần âm thanh du dương? Có ngay. Cứ đọc oang oang trong quán nhậu. Ai thích thì nghe, không thích thì thôi. Ấy là cái độc đáo của quán nhậu 81. Y và nhà văn Võ Phi Hùng từng hào hứng dự kiến viết chung kịch bản tài liệu về làng văn nghệ Sài Gòn, nhìn từ quán 81 này. Chưa kịp làm, chỗ này hiện đang xây dựng lại và Võ Phi Hùng đã viễn du chín suối.

Thời ấy, khi văn nghệ sĩ qua đời, quan tài được quàng tại đây. Trong nhang khói nghi ngút. Ngoài bia bọt lai rai. Mãi sau này mới có Nhà Tang lễ ở 25 Lê Quý Đôn. Tại đây tuyệt nhiên không có tiếng kinh cầu. Không có tiếng kinh, không rõ người quá cố buồn hay vui? Chẳng rõ.

Cái tình bạn văn nghệ của thời buổi này, y có cảm giác nhạt hơn thế hệ trước. Đọc nhiều sách, ta biết có những đôi bạn của thế hệ văn chương 1932 - 1945 chí thân, như anh em cật ruột: Nhất Linh - Khái Hưng, họ ký tên chung một vài tác phẩm, con trai Nhất Linh là con nuôi của Khái Hưng: Trần Khánh Triệu. Rồi đôi bạn Nam Cao - Tô Hoài; Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ; Vũ Trọng Phụng - Ngô Tất Tố; Thâm Tâm - Trần Huyền Trân v.v… Những tên tuổi lớn này, y chưa gặp, tất nhiên, nhưng tôi biết vậy. Người khác biết vậy. Há chẳng phải là điều khiến ta suy nghĩ đó sao?

Trưa ngủ dậy, để lấy thêm sự hưng phấn của một ngày làm việc cách tốt nhất là đọc loáng thoáng cái gì đó. Đêm, muốn ngủ cho thật ngon giấc, đẫy giấc không gì bằng dán mắt vào trang sách.

Đọc lại thấy cái này hay, bèn chép lại. Rằng, đây là chuyện kể của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tôi chưa gặp ông Hoan, nhưng đã gặp nhà văn Lê Minh - con gái của Kép Từ Bền. Tôi hỏi, nếu so sánh truyện ngắn trào phúng, hoạt kê của nhà văn Nguyễn Công Hoan thì ta chọn ai? Có thể là Axit Nexin được chăng? Bà Lê Minh trả lời: “Không, chỉ có thể là Sê-khốp”. Bà nói đúng. Bài phỏng vấn này có in trên báo PN cách đây chừng mươi năm. Có lẽ chưa ai vượt qua nhà văn Nguyễn Công Hoan về chất lượng và số lượng truyện ngắn trào phúng, châm biếm đầy chất houmour của Việt Nam. Nhớ có lần trao giải truyện ngắn một ngàn mấy trăm chữ gì đó ở tòa soạn TT, nhà văn Nguyên Ngọc có nhận xét, đại ý, truyện ngắn Việt Nam hiện đại quá ít yếu tố houmour. Con người nhà văn của thời hiện đại ít cười hay đã quên cười? Liên hệ qua Nguyễn Nhật Ánh, y nghĩ, một trong những yếu tố thành công, bạn đọc yêu thích cũng do anh Ánh biết cười. Nhân vật của anh, tình huống của anh luôn hóm hỉnh. Đọc là có lúc phải bật cười. Thì truyện tranh Tin Tin, Luky Luke… hấp dẫn mọi người cũng là do góp phần của yếu tố này.

Hãy trở lại với bài viết của Nguyễn Công Hoan. Ông viết như sau:

“Hồi mình còn nhỏ, cứ vào chiều hăm bảy, hăm tám Tết, là thấy cụ Thắng Lãm đến thăm gia đình ở quê nhà. Cụ vừa vào cổng thì cả nhà mừng, chạy ra đón. Cụ cao lớn, chống gậy, nói to và hay cười nhưng lại điếc. Cụ là bạn thân của ông nội mình. Ông nội mình mất sớm, năm ngoài ba mươi tuổi. Trước kia, cứ đến ngày giỗ, thì cụ Thắng Lãm sang. Nhưng rồi cụ bảo đi ăn giỗ thì buồn. Cụ đổi ngày đến thăm, là trước Tết.

Chờ cụ nghỉ ngơi khỏi mệt thì nhà bưng cơm rượu lên. Trước khi ngồi vào mâm, cụ đến bàn thờ, thắp hương, lẩm nhẩm lời khấn, rồi vái bốn vái.

Cả nhà kính cụ như cha. Cụ thăm hỏi không thiếu ai. Sáng hôm sau, cụ dậy sớm đi ra đồng. Cụ thăm mộ ông nội mình và vài ngôi ở gần. Thấy chỗ nào sứt lở, cụ bảo anh người nhà đắp lại cho cẩn thận.

Rồi cơm nước xong, cụ chống gậy ra về.

Mình coi cụ như ông. Mà chính vì thế, nên chẳng bao giờ tìm hiểu xem Thắng Lãm là tên cụ, hay tên làng. Và từ làng cụ đến đây bao xa. Cả nhà quý cụ là người bạn chân thành của ông mình. Cụ chỉ vì tình xưa, nghĩa cũ, trước sau như một, mà đến thăm quê bạn, thăm con cháu của bạn. Nếu cần lợi lộc, cụ đã đến nơi mà con của bạn làm quan.

Ông cha ta ngày xưa ăn ở với nhau như thế. Thật chẳng có chữ nghĩa nào ca ngợi nổi”.

Vâng chẳng chữ nghĩa nào ca ngợi nổi. Chỉ đôi dòng, không gì to tát mà đã thấy hiện lên cái đẹp của tình người. Cảm động.

Sáng nay vừa xem cái bìa tập sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp. Còn chỉnh sửa đôi chút. Sẽ phát hành trước ngày 21.6. Chắc là thế. Nay, post tấm hình này lên. Sẽ trở lại sau.

Ngoài kia nắng đã lên. Trời đẹp thế. Vậy mà y vẫn còn ngồi gõ lóc cóc trên bàn phím.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.6.2013

 

Chiều qua trên đường đến khách sạn sheraton, chợt nhiên lại nhớ Đoàn Tuấn. Trong trí nhớ của y những thập niên 1990, nhớ Hà Nội là nhớ đến Tuấn. Và ngược lại. Rồi sau này là những bạn bè mới. Ngày một đông. Tuấn gương mẫu, chân tình và có được phẩm chất rất đáng yêu, rất bản lĩnh của mọi đàn ông trên trái đất này: sợ vợ.

 

nguyen-du-Bien-1

Nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng

 

Ngày nọ, tháng 4.2006, Công ty Phương Nam mời cánh nhà báo ra Hà Nội khai trương cụm Megastar. Sẫm tối, nghe tin nhà văn Bà Tùng Long mất. Ai nấy sửng sốt. Anh Nguyễn Đông Thức bay về Sài Gòn trong đêm. Đỗ Trung Quân viết bài cho báo PN. Còn y, viết cho báo PL. Lúc ấy, hoặc viết tay hoặc gõ máy đánh chữ, bao giờ, y cũng tận dụng mặt trắng các tờ giấy đã in để viết bài. Tiết kiệm là quốc sách. Ngồi vỉa hè Hà Nội, y hý hoáy viết tay. Viết xong, tôi nhờ Đoàn Tuấn đem về cơ quan của Tuấn fax giùm. Cho nhanh. Người ta đang đợi bài để kịp in số báo ngày mai. Tuấn giúp ngay. Không chần chừ.

Lúc anh quay lại, y thở phào và bắt đầu rủ nhau đi ăn tối. Đang ăn, lại nghe điện thoại réo tới tấp. Thì ra, không rõ, nhà biên kịch này tâm trí để đâu mà tòa soạn báo PL lúc nhận bài, họ chỉ thấy những thông tin về… thị trường chứng khoán! Trời đất, thay vì fax phần chữ viết tay của y, Đoàn Tuấn đãng trí fax phần chữ đã in. Thế mới sinh chuyện!

Mà đâu chỉ một lần. Tuấn làm báo Điện ảnh và có tài biên tập rất nhanh. Chỉ cần quét mắt qua trang giấy là anh đã có thể phát hiện ngay các lỗi cần sửa. Ngày kia, y gửi bài đến cộng tác, do tiết kiệm nên thường viết mặt  trắng còn lại trên tờ giấy đã sử dụng. Lúc nhận bài, thay vì đọc và biên tập các trang mà y đã viết, anh lại chăm chú đọc và tẩy xóa... những trang kia! Ấy mới là nhà thơ của sư đoàn 307 mà một thời rừng xanh tuổi trẻ chúng tôi đã gắn bó nhau như bóng với hình và ngang dọc khắp quê hương Chùa Tháp.

Đến khách sạn Sheraton lại gặp nhiều bạn bè mới và cũ. Hầu hết là mới. Cũng nơi này, cũng đơn vị này mời, năm 2005, y đã đến dự họp báo mở màn cho kênh Giờ vàng phim Việt của HTV 7. Sự kiện này bắt đầu bằng bộ phim Vòng xoáy tình yêu phát sóng ngày 20.5.2005. Đứng trò chuyện cùng Hữu Thân, vài nhà báo khác, anh Tiến - giám đốc Lasta cho biết thời điểm đó cộng ty anh đã đầu tư cả thảy là 400 triệu đồng. Đang tán ngẫu, điện thoại anh Lưu Đình Triều rủ đi nhậu.

Lựa chọn như thế nào?

Ngồi khề khà, và mừng quá đỗi khi nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng cho hai số tạp chí Văn. Rất quý. Hai số báo này kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du (1765-1965). Năm đó, cả hai miền Nam Bắc đều tổ chức trọng thể. Với tài liệu đang giữ, tôi biết tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra quyết định số 135TTg/Vg thành lập Ban tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du mà trưởng ban là ông Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, cùng lúc Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ra chỉ thị “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”. Tại miền Nam, trong vùng giải phóng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng thành lập Ban tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du mà trưởng ban là bác sĩ Phùng Văn Cung. Tại Sài Gòn, ngày 3.10.1965, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch - Tổng ủy viên Văn hóa Xã hội kiêm Ủy viên Giáo dục đã đọc diễn văn khai mạc Tuần lễ kỷ niệm đệ nhị bách niên thi hào Nguyễn Du.

Đây cũng là năm Hội đồng Hòa bình thế giới chính thức ra Quyết nghị kỷ niệm 200 năm năm sinh thi hào Nguyễn Du cùng với 8 danh nhân văn hóa khác trên thế giới: Nhà thơ Quintus Horatius Flaccus (La Mã) trước công nguyên; nhà thơ Dante Alighieri (Ý); nhà thơ Lomonosov (Nga); nhà thông thái Ai Hayssam (Ả Rập); nhà cải cách xã hội Jan Hus (Tiệp Khắc); nhà soạn nhạc Sibelius (Phần Lan); nhà thơ Yeats (Ialăng) và nhà y học Finlay (Cu Ba). Sắp đến đây, Đại hội đồng UNESCO sẽ vinh danh nhân kỷ niệm 250 sinh của Nguyễn Du. Như vậy có 3 danh Việt Nam được vinh dự lớn lao này: Nhà chính trị kiệt xuất, nhà thơ Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thi hào dân tộc Nguyễn Du.


nguyen-du-bien-2

Nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng


Nay, anh Biền cho thêm hai số Văn này nữa. Xem như cũng kha khá tài liệu về Nguyễn Du ấn hành trong năm 1965. Đọc và rất thích. Lật trang giấy chợt gờn gợn cảm giác làn gió của quá khứ đang lặng lẽ thổi đến. Mơn man từng tờ. Tìm thấy những tên tuổi của trí thức Sài Gòn: Nguyễn Hiến Lê, Đông Hồ, Giản Chi, Vũ Hạnh, Nguyễn văn Xuân, Võ Hồng, Bửu Cầm, Lê Ngọc Trụ, Đặng Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng v.v... đã có bài cộng tác Anh Biền bảo: “in cách đây 48 năm rồi đó Q”. Nghe thoảng một chút bùi ngùi của thời gian đã lấp đi tuổi tác của cả thảy mọi người. Nhắc lại như một lời cám ơn anh B. Sáng nay, ngồi lật ngẫu nhiên tạp chí Văn kỷ niệm Nguyễn Du, trang 78 là bài thơ “Nghe đất” của nhà văn Mai Thảo:

Buổi trưa nằm dưới cây xanh

Nhìn qua lá biếc lả xanh sắc trời

Mát thơm đất trải bên người

Nghe trên ẩm lạnh da người cũng thơm

 

Đất lên hương, thấm qua hồn

Nghe Vui thoáng đến, nghe Buồn thoảng đi

Giữa giờ trưa nắng phương phi

Gió êm ve vuốt hàng my cuối đầu

 

Người nằm nghe đất bao lâu

Tai nương ngợ tiếng nghìn sau thở dài

Lung linh sóng nằng bay dài

Cõi trong nghe cháy, cõi ngoài miên man

 

Chợt đâu rụng tiếng phai tàn

Hoa xanh động ảnh nắng vàng trôi qua

Linh hồn thiếp giữa triều hoa

Bóng hình thôi đã nhạt nhòa trong ta

Hôm trước lên facebook thấy ảnh An May trong quân phục học kỳ quân đội. Sáng nay, anh Triều nhắn tin  đã đưa cu Rơm lên đường “nhập ngũ”. Cũng như An May. Ngoãnh lại phía sau, bỗng nhiên y thấy y  của ngày 23.7.1977. Ngày nhập ngũ và đi luôn một lèo, mãi đến năm năm sau mới quay về Đà Nẵng.

Chợt đâu rụng tiếng phai tàn

Hoa xanh động ảnh nắng vàng trôi qua


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.6.2013

 

"Hết ngày dài rồi lại đêm thâu

Tôi đang đi trên đất Phi Châu"

Miên man mụ mị mờ mỏi mắt

Đọc đã đừ đư đến đặc đầu

Ấy là cảm nghĩ của y trong những ngày này. Đọc thơ dự thi trên facebook. Ròng rã. Liên tục. Chỉ mỗi một động tác là cú nhấp chuột, cứ lặp đi lặp lại diễn ra trong vài tiếng đồng hồ.  Vậy mà nó lại đem đến cảm giác mệt mỏi khiến chẳng thể đọc thêm bất kỳ một chữ gì nữa. Cố gắng cũng không thể. Tâm thần bải hoải. Tứ chi rã rời. Thì ra, cái gì lặp đi lặp lại, không sáng tạo đều đem lại cảm giác tệ hại ấy.

 

hinh-bia-tap-ttho-RR

Hình được chọn làm bìa tập Thơ hay Facebook, sắp in

 

Mọi việc sẽ nhanh chóng hơn, nếu trong email đó, người dự thi paste luôn bài thơ, dưới có ghi tên họ, địa chỉ đầy đủ. Đọc loáng qua là xong. Có người gửi kèm files là phải mất thêm động tác nữa. Năm bài thơ mất 5 động tác mở files. Đã thế, có người dùng nhiều font chữ trong một bài thơ; hoặc trình bày cầu kỳ như một bức tranh, chữ nghĩa to nhỏ, sắc màu đậm nhạt khác nhau; hoặc không ghi tên tác giả, địa chỉ; hoặc viết những lời thư tâm sự rất dài v.v… Đọc những email này thêm rối mắt. Mệt. Chỉ mất thêm thời gian. Không cần thiết. Lại có người quá khiêm tốn, tự nhận xét khiêm tốn rằng đại loại thế này đại loại thế kia. Ô hay, chính tác giả đã tự đánh giá trang viết của mình "không ra gì" thì làm sao người khác xem trọng?

Khi viết một tác phẩm, gạt phắt cái sự khiêm tốn (dù giả vờ) ra phía sau lưng. Quên nó đi. Chỉ nhìn vào màn hình trước mắt, tay gõ bàn phím như đang quất roi vào lưng ngựa. Chữ chạy trên màn hình như bóng ngựa đang soải vó lao về phía trước. Rất kiêu hãnh. Rất tự tin. Cứ thế đã. Rồi sau đó thế nào đừng quan tâm. Khi viết, nên lắng nghe lời khuyên của nhà văn lớn G.G. Macket - khi ông trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Cu-ba “Bôhêmia” vào tháng 2/1979: “Tôi nghĩ rằng, trong nghề nghiệp của nhà văn, khiêm tốn là một đức tính dư thừa. Bởi vì nếu anh ta định viết một cách khiêm tốn thì anh ta cũng chỉ là một nhà văn ở trình độ khiêm tốn. Thành ra, cần vũ trang tính hiếu thắng và tự đặt mình trước những mẫu mực lớn - đối với tôi đó là Xôphôclơ, Đôxtôiepxki… Sao lại cứ cố viết khiêm nhường trước các nghệ sĩ lớn ấy, nhiệm vụ là phải viết hay hơn họ” (Nhà văn bàn về nghề văn - Hội VHNT tỉnh QNĐN xuất bản năm 1983).

Những ngày này y đang đọc những bài thơ dự thi. Cố gắng lên. Y tự nhủ y.

Sài Gòn vẫn không mưa dù có lúc mây đen vần vũ, cuộn xoáy phía chân trời. Ngồi trong quán cà phê góc đường Pasteur - Lý Tự Trọng uống lai rai một chút cho bõ ghét một buổi sáng chủ nhật cày như điên và không dám bước ra phố ăn sáng. Y tiếc thời gian. Ai buộc y? Ai ép y? Chẳng ai cả. Y tự nguyện bởi “đến hẹn lại lên”. Không thể chần chừ. Công việc viết báo đôi khi khắc nghiệt như thế. Không viết ngay, để mai ư? Mai, đã cũ. Từng ngày là từng dòng thông tin cuồn cuộn, nhà báo lại lao theo. Kiếm sống bằng thông tin. Thế nhưng nói thật, có những lúc y muốn trong một ngày không lướt web, không tiếp cận bất kỳ một thông tin nào cả. Có những thông tin khiến y nhói lòng. Lòng y đau nhói. Những vụ cướp, hiếp tàn nhẫn quá; những vụ tham nhũng khốc liệt quá; những vụ giết người vô cảm lạnh lùng quá… Cứ thế, cứ thế lại dồn vào đầu khiến y thấy Đời kém vui. Vậy y lẩn tránh thời sự chăng? Đôi lúc phải thế, biết làm sao? Cứ ảo tưởng mây vẫn xanh, nắng vẫn ngời, gió vẫn lộng. Có ảo tưởng một chút thì con người ta mới có thể yên tâm làm việc. Nhiều lúc ngồi vào bàn, việc đầu tiên của y là ngắt kết nối internet, cắt mọi quan hệ bên ngoài để thật sự toàn tâm toàn ý với gì đang suy nghĩ và viết. Sáng nay y đã email cho Đông A về danh nhân Mạc Đĩnh Chi. Có lần, vua Trần Anh Tôn hỏi Mạc Đĩn Chi:

- Trẫm nghe các quan nói nhà Trạng túng, nếu có thiếu gì cứ nói, trẫm sẽ tư cấp thêm.

Mạc Đĩnh Chi tâu:

- Hạ thần trên nhờ ơn vua dưới nhờ lộc nước, vợ con không phải đói rét là may, đâu dám cầu vinh thân phì gia. Xin bệ hạ đừng thương hạ thần nghèo, chỉ xin thương lấy muôn dân, giữ nghiệp tổ tông, sửa sang chính trị, khiến lũ hạ thần được làm hết chức trách bày tôi, đó là ước nguyện của hạ thần. Ước nguyện ấy thực hiện được, hạ thần dẫu áo vải cơm rau cũng là đủ. Nếu ước nguyện ấy không được thực hiện, hạ thần dẫu mỹ vị cao lương, áo quần gấm vóc, ngựa xe trăm cỗ, nô bộc ngàn người thì cũng là thiếu. Cúi xin bệ hạ xét cho!

Chưa cần gì nhiều, chỉ cần quan chức nhà ta thuộc lòng và làm theo lời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chì thì dân đỡ khổ biết bao. Y tin vẫn còn có những con người viết hoa như thế trong thế giới rộng lớn và chật hẹp này. Tin để thấy Đời còn đẹp. Vì thế, y phải viết bằng hết những danh nhân còn lại. Hợp đồng vậy là xong.

Chiều qua trời không mưa. Say chếnh choáng một chút. Khi xe lướt bánh ngang qua Thư viện Khoa học Xã hội - gần Đồng Khởi, bất chợt y lại nhớ đến ngày tháng sinh viên. Ngày đó, y thường trực ở nơi này gần như thường xuyên. Nhẵn mặt. Bao nhiêu là sách báo xưa, y ngốn hết. Ngày đó, y quen với cô Nga thủ thư. Cô làm công việc này từ trước 1975. Tóc bạc trắng. Đẹp lão. Tình khoan dung, đôn hậu và luôn nhiệt tình với lũ nhóc sinh viên như y.  Trên bài làm việc cô luôn có con mèo mun, lông xám, to cỡ bằng con chó. Tròn quay. Mập ú. Sau Thư viện này xây lại. Lúc đó y đã ra trường, đã có việc làm nên ít lui tới. Ngày nọ y ngỡ ngàng đọc báo TT đăng phóng sự nhiều kỳ về vụ bảo vệ của Thư viện nay lén đem sách báo ra ngoài bán cân ký.  Vụ này ầm ĩ một thời. Khi viết về doanh nhân Bạch Thái Bưởi, y có tìm đến Thư viện kiếm vài tài liệu liên quan, y đã gặp lại cô Nga. Yêu cầu của y được cô Nga nhiệt tình giúp đỡ ngay. Sau một hồi hàn huyên tâm sự, cô bảo, đại khái, khi xây dựng nhà thầu không hỏi ý kiến của các thủ thư, của người làm công tác thư viện nên xây xong mới thấy có nhiều bất cập. Nhìn thoáng qua, y thấy cô nói đúng. Từ đó, y ít đến Thư viện vì không có thời gian. Cô Nga chắc đã nghỉ hưu rồi.

Chiều qua, lại lênh đênh trên sóng nước của trầm thơm, và những tiếng kêu hân hoan than thở của cõi người.

Sáng nay ở nhà làm việc. Bỗng cúp điện. Chiều nay có cuộc hẹn trả lởi phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam về vai trò của tư nhân trong thị trường xuất bản sách hiện nay.

Sự nhớ đến cả ngàn email thi thơ còn trong gmail phải đọc. Y thoáng rùng mình và mỉm cười. Chẳng biết tại sao y lại cười lảng xẹt như thế? Lại cười một mình nữa chứ! Đúng là cái cười lảng nhách.

Bởi đó là y.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 55 trong tổng số 58