26.5.2012
Trái đất tròn. Không ngờ vé đi xem chương trình À ố show là do Linh tặng Nàng. Linh là người đưa Q đi thăm quan Hà Lan do công ty sữa Campina tổ chức. Đi về và viết Du lịch của người câm. Nhờ chuyến đi này mà quen với Lê Ngọc Thịnh. Nàng nhắn tin, bảo đi xem văn nghệ ở Nhà hát lớn. Nàng bảo đi là đi, nàng giục đến là đến. Phải đi dù trời đang lất phất mưa mà nếu nàm dài trên giường đọc Liêu trai chí dị thì sướng quá.
Mấy mươi năm viết báo mảng văn hóa văn nghệ, nay nghe đến chuyện xem ca nhạc ca nhiếc, kịch kiếc, xiếc… là tôi chẳng mấy hào hứng. Đi rồi mới biết, đã bỏ một khoảng thời gian hoàn toàn có ích. Chương trình À ố show đang diễn tại Nhà hát lớn TP quá hay. Hay đến độ cứ nghĩ rằng, đã lâu lắm mới được xem những người làm nghệ thuật công phu, yêu nghề đến thế. Ủa? Sao lâu nay mình chẳng biết gì? Bèn tìm trên mạng: “À ố show là sản phẩm thứ hai của nhóm tác giả: Tuấn Lê (đạo diễn), Nhất Lý (đạo diễn âm nhạc), Nguyễn Lân (chỉ đạo nghệ thuật) và Tấn Lộc (biên đạo múa)”.
Chỉ với nia, thúng, cây tre… dân dã và “nhà quê” các nghệ sĩ trẻ đã làm nên một câu chuyện lý thú, sống động của đời sống nông thôn Việt. Sân khấu không thay đổi nhiều. Gần như cố định. Chỉ có ánh sáng, màu vàng hoặc ánh đỏ luân chuyển và thay đổi theo từng tình huống. Diễn viên không nói. Hầu như im lặng. Chỉ đôi lần cất lên giọng ngâm “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”, từ phía hậu trường; hoặc vài câu vọng cổ. Choáng ngợp sự thẩm âm của người nghe là các dụng cụ đàn cổ truyền, lúc réo rắt, lúc vui nhộn, lúc thầm kín, lúc khoan thai, lúc rộn rã… Vậy thôi. Không gì nhiều.
Xem mới thấy, chỉ với vài đạo cụ ấy, dàn diễn viên trẻ đã thể hiện tài nghệ múa, xiếc với tất cả sự tài hoa và cảm xúc thăng hoa thật sự. Họ không diễn. Trên sàn diễn, họ đã sống. Sống trong tâm thế của những người nông dân yêu lấy cái đẹp của ánh trăng của “cái cò lặn lội bờ sông”, của làn điệu dân ca như thực như mộng, của những lúc điệu chèo khoan nhặt câu ca tình tứ... Qua những tung hứng tuyệt vời từ đạo cụ đã có, dù ít, nhưng liên tục mở ra những động tác mới, hình ảnh mới để dẫn cảm xúc người xem đi từ trạng thái này qua tâm trạng kia. Quá giỏi.
Áy là phần 1.
Sau khi rời nông thôn, những người trẻ ấy “hội nhập” vào đời sống đô thị. Bắt đầu cho cảnh ấy là một chuyến xe buýt được cách điệu. Rồi những cảnh nhảy hip hop, nhửng lúc cúp điện, đang tắm lại hết nước… Những tình huống của đời sống thành thị mà ai cũng gặp, cũng thấy. Ấn tượng còn ở chỗ khi từ radio phát lên: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Hà Nội…” thì tiếng giã chát chúa vẫn vọng lên. Tôi hiểu, do mải mê với đời sống thường nhật, kiếm cơm từng ngày nên đôi lúc con người quên béng luôn cả thông tin thời sự hằng ngày.
Nếu phần 1 là sự sâu lắng về nội tâm thì phần 2 có nhiều tiếng cười hơn. Nhộn hơn. Vui hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, đây là chỗ chưa “tới” của vở diễn bởi tất cả những động tác ấy, những hình ảnh ấy chưa phản ánh được sự dằn xé, “va đập” của người nông dân khi tiếp cận với xã hội của đô thị hóa. Phần này còn mờ nhạt. Chưa có những tình huống khắc họa sâu hơn, ấn tượng hơn mà chỉ mới dừng lại miêu tả bên ngoài.
Chỉ trong vòng 60 phút vở À ố show đã đem lại cho người xem cảm giác ấy, dù chưa đầy đủ nhưng đã là một thành công rực rỡ. Cuối vở diễn và trong vở diễn đã nhiều tràng pháo tay vang lên không ngớt. Tại sao vỗ tay? Tự thân khán giả buộc họ phải như thế. Và tôi cũng thế. Đã lâu lắm mới được chìm đắm trong một không gian của nghệ thuật đặc sắc như thế này, lòng y vui mừng và muốn rằng, người khác cũng sẽ có được niềm vui ấy. Vui bởi ở đó đã tái hiện lại lòng biết ơn từ năm tháng gian khó đã nuôi mình khôn lớn.
27.5.2013
Trưa qua viết đến đó là vắt giò lên cổ chạy ra TN và ăn trưa với nàng. Phải viết dù vừa xong cho TGPN, mệt ngất ngư. Viết bởi nghĩ đến cái vé mời của Linh và chuyến đi Hà Lan. Nếu Linh không mời thì chẳng thể có Du lịch của người câm, chẳng thể có tình thân với Thịnh. Phải viết. Như nhắc lại lời cám ơn với Linh dù chẳng biết cô ấy đóng vai trò gì trong vở này.
Ăn trưa là một chỗ ngồi ở Đồng Khởi. Trong phòng máy lạnh và ngoài trời gió mát. Lại tiếp tục trao đổi về À ố show. Nàng bảo: "Vở này còn có cái lợn cợn một chút là các cô gái mặc yếm, trong khi đó là con người và con người của không gian văn hóa Nam bộ". Mình bảo, không sao cả. Miễn là nó Đẹp". Nàng cãi, sao không Đẹp và Thật? Cuộc trao đổi kéo dài, kéo dài quanh vấn đề này. Cũng lý thú. Mỗi ngày là một câu chuyện trao đổi trên trời dưới biển.
Chiều đi nhậu lai rai. Nhà người anh, người bạn chí cốt. Cũng những gương mặt cũ. Anh B đã tặng cho một chồng tạp chí trước 1975. Một đứa trẻ khi nhận quà, vì quá thích món quà đó quá, nó sẽ không mở ra xem ngay mà đặt cẩn thận ở nơi nào đó và đến lúc cần thiết nhất mới tận hưởng một mình. Cảm giác của Q hôm qua cũng thế. Đã say. Đã ngất ngư. Khuya về vẫn lật từng trang Văn, Văn học, Tin văn… Đọc loáng thoáng. Vuốt ve từng trang sách. Cho đã thèm. Viết những dòng này như lời cám ơn đến anh B.
Sáng thứ hai. Lật tờ PN, cảm nhận về vở À ố show trong nhật ký ngày hôm qua đã in.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|