LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.6.2013

 

Đêm qua ngủ sớm. Y tự nhủ phải ngủ thật sâu. Đẫy giấc. Sáng mai, ngày thứ bảy, có thể yên tâm ngồi lì trong nhà để làm việc. Sớm thật sớm. Gà gáy ò ó o. Y thức dậy. Tâm trạng y chuẩn bị leo dốc lúc gõ bàn phím. Một ly cà phê theo thói quen. Từng giọt đen đang mơn trớn đáy ly. Màn hình máy vi tính đã sẵn sàng. Bàn tay vừa gõ xuống phím, bỗng nghe cái “phựt”. Một âm thanh lạnh lùng. Màn hình tối đen như cái tiền đồ của chị Dậu.

Cúp điện.

 

lmq-truong-nmahuong

Từ trái: Nhà thơ Trương Nam Hương - Lê Minh Quốc

 

Tếch ra đường. Lại cà phê, đấu láo. Một buổi sáng không đến nỗi vô vị, nhạt nhẽo là nhờ gặp bạn học cũ: nhà thơ Trương Nam Hương; nhờ đọc một bài báo hay: “Kẻ đi săn” đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt. Đã in trên báo Doanh Nhân. Trong đó có đoạn viết:

“Khi Tập đoàn unilever (Hà Lan) đặt chân vào Việt Nam năm 1995, họ đã đưa thương hiệu kem đánh răng P/S của Việt Nam vào tầm ngắm. Những năm 1990, P/S và Dạ Lan là hai tên tuổi nổi tiếng và đáng tự hào nhất do các doanh nhân Việt “mang nặng đẻ đau” sinh ra.

Lúc đầu, Unilever chơi bài thành lập liên doanh với P/S để cùng hợp tác khai thác nhãn hiệu này (chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu). Khi nắm được con mồi, kẻ đi săn không cần nấp trong lùm cây nữa mà công khai ý đồ thôn tính bằng chiêu bài hiểm: Làm cho liên doanh lỗ đến nỗi đối tác nội chịu không nổi và phải tự rút. “Cây gậy” mà họ sử dụng là đề nghị liên doanh thay vỏ kem đánh răng P/S bằng nhôm trước đó sang nguyên liệu nhựa.

Phía Công ty hóa phẩm P/S biết rõ mưu đồ này, song không làm gì được vì không thể “chạy đua vũ trang”. Kết cục, Unilever sở hữu nhãn hiệu P/S của Việt Nam. Tương tự, năm 1995 Công ty Colgate Palmolive (Mỹ) ngỏ ý muốn hợp tác liên doanh với Công ty Sơn Hải - chủ nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan. Vẫn bài cũ, sau khi các thủ tục chuyển nhượng và thành lập liên doanh hoàn thành, việc sản xuất kinh doanh của Dạ Lan dần chìm sâu vào thua lỗ. Năm 1998, Tổng Giám đốc Sơn Hải là ông Trịnh Thành Nhơn dù đau đớn, nhưng cũng phải ngậm ngùi bán nốt 30% cổ phần trong liên doanh cho đối tác Mỹ do không trụ nổi với tình trạng liên doanh thua lỗ triền miên”.

Về Dạ Lan, thuở công ty này mới hình thành, tôi có nhiều lần đến với tư cách là PV bàoPN. Sau những lần trò chuyện, tôi viết truyện ngắn Luật chợ. Chất liệu là từ cuộc đời của anh Sáu Nhơn. Trịnh Thành Nhơn. Anh thấp người, da đen và dễ mến. Đã lâu lắm không gặp lại.

Nếu chỉ chọn trong vòng 100 năm, đâu là thương hiệu Việt còn tồn tại đến ngày nay? Đó là Xà bông Cô Ba? Nhà may áo dài Thiết Lập? Nhà in Tân Dân? NXB Mai Lĩnh? Nhà sách Khai Trí? Mô hình giáo dục Đông Kinh Nghĩa Thục? Xưởng đóng tàu Bạch Thái Bưởi? v.v…

Hầu như không có. 

Y ngồi ngẫm nghĩ mãi mà không thể tìm ra, dù đã cố gắng nặn óc với những gì đã đọc, đã biết. Do hạn chế của tư duy người Việt đó chăng? Là không có ý thức phát triển một ngành nghề gì đạt đến đỉnh cao và lấy đó làm niềm tự hào? Hay chỉ đến với ngành nghề đó chỉ vì lợi nhuận nhất thời, khi đã “đạt yêu cầu” thì sẵn sàng lao qua lãnh vực khác? Vậy cũng tốt, nếu là một thử thách về khám phá, sáng tạo nhưng tiếc thay cũng là do lợi nhuận trước mắt. Đừng nói đâu xa, cũng khó có thể tìm được ngành nghề nào “cha truyền con nối”, từ đời nọ sang đời kia.

Chương trình Hàng Việt Nam Chát lượng cao, theo y, công đầu thuộc về nhà báo Kim Hạnh, lúc chị làm tờ Sài Gòn tiếp thị. Vấn đề đặt ra là các sản phẩm được chứng nhận hiện nay đã như thế nào?  Chẳng lẽ sau khi có giấy chứng nhận, người ta “dẫm chân tại chỗ”; thậm chí chí lượng còn kém hơn trước? Trước kia, ông Vương Trí Nhàn đọc lại trước tác cổ nhân để làm chuyên luận in từng kỳ trên báo, đại khái, tạm gọi "thói hư tật xấu của người Việt". Nói một cách thời thượng là “Người Việt xấu xí”. Chẳng hiểu vì sao đến nay vẫn chưa ấn hành. Một dân tộc mạnh là dân tộc đó dám thẳng thắn nhìn nhận khiếm khuyết, hạn chế trong tư duy của dân tộc mình để từ đó, có hướng khắc phục, phấn đấu bằng người. Chứ cứ vỗ về nhau, ru ngủ nhau, bằng điệp khúc "rừng vàng biển bạc, nhân dân anh hùng, tài trí, thông minh v.v. và v.v..." ấy nghe mãi cũng chán. Đành rằng những mỹ từ ấy là cần thiết, là đúng nhưng vẫn chưa đủ trở thành động lực để dân tộc có điểm tựa phát triển. Chỉ khi nào nhìn ra khiếm khuyết, thừa nhận nhận khiếm khuyết ấy thì con người ta mới đủ dũng cảm và có định hướng để phấn đấu.

Bài báo này từ chuyện bàn về thương hiệu Việt, có câu hay: “Đó không chỉ là chuyện kinh doanh, phải coi đó là tinh thần dân tộc. Nếu không có tinh thần dân tộc tuyệt vời, người Hàn Quốc không bao giờ có thương hiệu quốc gia Samsung của họ. Người Nhật biết cúi đầu lịch thiệp trong giao tiếp, nhưng khi chạm vào tinh thần dân tộc họ chẳng bao giờ sợ hãi trước bất cứ tập đoàn đa quốc gia nào, mà luôn ngẩng cao đầu. Nhờ tính tự tôn dân tộc ấy mới có Sony, Honda, Toyota ngày nay”.

Chúng ta có thương hiệu gì?

Ngẫm nghĩ một lúc, chia tay bạn thơ Trương Nam Hương. Lại tiếp tục cà phê với nàng. Một buổi sáng cạn dần. Khi viết những dòng chữ này, tiếng kinh Phật từ ngôi chùa đối diện nhà lại vang đầy lên trong không gian. Chiều nào cũng đều như thế. Đều như vắt chanh. Nghe kinh Phật mỗi ngày mà lòng y chẳng thay đổi được chút nào.

Y còn sân si lắm.

Nếu không sân si, hơn hai mươi năm trước đố y có thể viết được những câu này để rồi đưa vào tập Tôi và đàn bà mà sáng nay nhật báo Sài Gòn Giải phóng đã có bài giới thiệu:

Tôi vắt kiệt tuổi thanh xuân ngây dại

Đêm nằm mơ da thịt của đàn bà

Là những diễn viên điện ảnh khỏa thân

Em đốt cháy tôi bằng cái nhìn bí ẩn

Tôi mê man trong cơn mộng du cùng lời cầu khẩn

Những chiếu chăn thơm hương tóc phấn son

Tôi nằm mơ động tình với mắt biếc môi ngon

Khi tỉnh dậy rùng mình như chết đuối

Tiếng kinh Phật vẫn vọng lên. Nhẹ nhàng. Thanh thoát. Ngoài trời đã sẫm tối. Một ngày đang cạn dần. Chưa kịp làm gì thì vòng quay của kim đồng hồ đã nghiến hết thời gian. Chẳng sao, chỉ biết rằng, y vẫn còn sân si lắm.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment