Đã có thể thở phào nhẹ nhỏm. Bởi đã xong các động tác cần thiết để có thể công bố kết quả Cuộc thi thơ Lời tỏ tình đầu tiên trên Facebook. Đọc khoảng gần 10 ngàn bài thơ để chọn lấy vỏn vẹn 115 bài. Cứ như sắc thuốc bắc. Mà đã xong đâu. Còn phải viết một bài nhận xét từ cuộc thi này để in vào tập thơ tuyển sẽ phát hành trong buổi trao giải. Các khâu chuẩn bị khác đã xong. Từ giấy mời, địa điểm trao giải đến kế hoạch in ấn…
Khép lại công việc để đi ăn trưa với Benthanh Group. Họ mời nhân dịp 21.6. Đi trên đường loáng thoáng nghĩ vu vơ. Đã từ lâu y có thói quen là ngẫm nghĩ về một cái gì đó lúc đi đường. Chẳng để làm gì. Chỉ để thấy đoạn đường ngắn hơn. Có thể là một tứ thơ chợt đến. Lẩm nhẩm từng câu. Thuộc câu này rồi tiếp tục đến câu kia. “Viết” từng câu trong óc. Lúc ấy, chọn cách "làm thơ" theo thể truyền thống. Vần, nhịp điệu của các câu sẽ níu nhau. Câu này níu câu kia. Bền chặt. Không rơi tuột. Khó quên. Và lúc đến nơi chỉ cần lật trang giấy ra ghi lại là xong. Biết như thế để thấy rằng, dù có cách tân bao nhiêu đi nữa, người yêu thơ vẫn nhớ thơ có nhịp điệu nhiều hơn. Trưa nay, y nghĩ vu vơ: Trên đời này, điều khiến con người ta luôn áy náy là khi một ai đó đối xử với mình tốt quá mà mình lại cứ ầu ơ ví dầu. Lại nghĩ, cách trả thù hay nhất trên đời này là hãy tha thứ. Chính sự khoan dung ấy sẽ giết dần giết mòn kẻ thù trong nỗi ăn năn, ân hận từ ngày, từng giờ. Tha thứ kẻ thù cũng là tha thứ chính mình. Lòng nhẹ nhàng và thanh thản bởi đã trút gánh nặng luôn phải mang theo trên đường đời.
Y không có kẻ thù và cũng không thù ai. Chỉ có tình bạn. Và tình yêu.
Sực nhớ, vừa đọc câu trả lời thật hay của anh Bồ Câu trong mục Vườn Hồng của báo TN chủ nhật vừa rồi. Hỏi: “Tình yêu và tình bạn khác nhau ở chỗ nào hở anh Bồ Câu”. Trả lời: “Có vô số điểm khác nhau giữa tình yêu và tình bạn. Nhưng điểm khác nhau đáng nói nhất là: Với một một người bạn tráo trở ta sẳn sàng nghỉ chơi, nhưng với một người yêu tráo trở có khi ta vẫn chết mê chết mệt, không cách gì chia tay được”. Chuyện này, y thấy đúng như vậy. Y đã từng. Thuở ấy, "trẻ con" thật. Mà đứa trẻ nào lại không say đắm đến mức mê muội về một chuyện gì đó? "On n'est pas sérieux, quand on a dix-sept ans". (Người ta không thể nghiêm túc khi mười bảy tuổi). Câu thơ này của thi sĩ Athur Rimbaud.
Trên đường đi, y nghĩ về địa điểm ra mắt sách của Chị Đẹp.
Quái lạ, cả Sài Gòn rộng lớn thế này lại không có một chỗ nào “cho ra hồn” có thể tổ chức những buỗi ra mắt sách mới. Thông thường là các quán cà phê hoặc các nơi bán sách, nhưng nơi ấy đều chật chội quá; hoặc không thích hợp cho một cuộc giao lưu văn hóa, từ sách. Đố ai có thể tìm ra được địa điểm nào, nhất là ở khu vực trung tâm Sài Gòn; hoặc chỉ quanh quẩn ở Quận 3? Quá khó. Cuối cùng, y chọn được quán cà phê Trung Nguyên ở 6 A Đồng Khởi.
Họp mặt ngày nhà báo, lúc y đến nơi vẫn gặp những gương mặt cũ. Nay có thêm nhiều người mới. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Ông bà ta hay thật, nói cái gì cũng đúng. “Được ăn, được nói, được gói đem về”. Có thế, người được mời mới hả hê, hài lòng. Đọc lại phóng sự của nhà văn bậc thầy Ngô Tất Tố, y cảm nhận điều này một cách sâu sắc. Khi các “đàn anh” chè chén ngoài làng, dứt khoát phải có cái gì đó đem về chia phần cho con cháu ở nhà. Có khi chỉ một miếng xôi chỉ đủ chọi chim, không hơn không kém nhưng vẫn phải có. Muốn hiểu giai tầng ăn trên ngồi trốc ở nông thôn Việt Nam lúc bệ rạc, đổ đốn nhất dứt khoát phải đọc lại Ngô Tất Tố. Có lẽ nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất của dân tộc Việt ngàn năm thủy, hỏa, đạo tặc vẫn là miếng ăn chăng? Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan hoàn toàn có lý khi ông viết trong Nhà văn hiện đại: “Miếng ăn đối với dân Việt Nam to vô cùng, to về đường tinh thần, vì về đường vật chất, nó cũng không lấy gì làm to lắm, nó chỉ bằng đầu ngón tay thôi”.
Ủa, tại sao lại nói chuyện này. Bởi tính y nó thế, hay nghĩ linh tinh. Trưa nay ngồi ăn món xôi gà ngon quá. Tự nhiên lại nhớ đến nhà văn Ngô Tất Tố. Vậy thôi. Đã vậy, thôi thì, cứ hãy xem cách chặt thịt miếng gà giữa làng qua ngòi bút Ngô Tất Tố:
“- Băm thịt gà cần phải dao sắc, thớt phẳng. Nếu mà dao cùn thớt trũng thì thịt sẽ bong hết da!
Vừa nói, hắn vừa với sang thúng đĩa lấy đủ chục chiếc, bầy la liệt trên mặt thềm. Thằng nhỏ đã xách lên đó chiếc thớt mới nguyên, sắc gỗ nghiến còn đỏ đòng đọc. Nhanh nhảu, hắn sờ ngón tay vào lưỡi con dao, xem có bén không. Và hắn lật cái trôn bát liếc luôn ba lượt thật mạnh. Bấy giờ mới giở đến bộ lòng gà. Mề, gan, tim, phổi, các thứ đều được thái riêng và được bày riêng vào một góc đĩa. Tuy nó mới chỉ một dúm cỏn con, nhưng trong mười đĩa không đĩa nào thiếu một thứ nào. Rồi hắn nhấc cả con gà ra thớt. Bắt đầu chặt lấy cái sỏ, sau mới chặt đến miếng phao câu. Thình lình thấy hắn đứng lên ngoảnh mặt vào phía mấy ông đàn anh:
- Thưa trình các cụ, hôm nay sỏ gà pha mấy? Phao gà pha mấy?
Một ông trong bọn nhìn qua vào đám nhiều tuổi, hình như để đếm đầu người, rồi đáp:
- Ở đây chỉ có năm cụ và bốn ông đàn anh. Vậy thì sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn.
Hắn lại ngồi xuống chỗ cũ. Trước hết ghè dao vào giữa hai miếng mỏ gà để cắt cái sỏ ra làm hai mảnh.
Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm đôi và mảnh mỏ trên làm ba. Tôi không biết những miếng thịt gà này có đều nhau không, chỉ thấy tất cả năm miếng, miếng nào cũng có dính một tí mỏ. Tiếp đến cuộc pha phao câu. Công việc tuy không lấy gì làm khó, nhưng hắn làm cũng vẫn có vẻ khác người. Bốn miếng phao gà, miếng nào cũng có đầu bàu, đầu nhọn, chẳng khác nào một cái chũm cau chẻ tư. Sỏ gà bày vào một đĩa, phao gà bày vào một đĩa. Hắn lại cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm hơn mười miếng và bày với đôi chân gà làm thêm một đĩa nữa. Bây giờ thì đến mình gà. Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt riêng hai cái tỏi gà bỏ góc mâm.
Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh. Mỗi mảnh đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may. Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước.
Băm xong con gà, hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng. Lăng Vân cười và hỏi tôi:
- Anh đã chịu nghề băm thịt gà của ông Mới làng tôi chưa? Nhà hắn ba đời làm cái nghề ấy, thì mới thạo được như thế. Người khác dễ ai làm nổi!
Tôi chịu lắm. Và tôi muốn dâng cho ông Mới ấy cái chức nghệ sĩ”.
Cụ Ngô Tất Tố quan sát quá giỏi và viết quá giỏi. Lại sực nhớ chừng mươi năm trước ăn thịt gà ở làng Định Công. Làng này sát làng gốm Bát Tràng, cách một đường lộ. Nhờ đi lang thang trong buổi chiều tà. Nắng nhạt. Mỏng như tơ. Khói đồng nghi ngút xanh. Mỏng như gió. Mùi rơm rạ thơm lên bóng nắng. Nhờ vậy mới viết được câu thơ: "Gạch Bát Tràng mát lạnh / Mang giày đi sao đành". Miếng thịt gà chặt to. Nhìn no nê con mắt. Và gợi lên một cảm giác thèm thuồng. Muốn nhai ngấu nghiến. Rất bản năng. Tuấn bảo: "Tên làng Định Công là Hai Bà Trưng đặt, do đã có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Hán". Có lẽ nhờ chi tiết hư thật này mà bữa ăn hôm ấy ngon miệng hơn. "Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời". Đã lâu lắm rồi, không ngồi ăn chung với Tuấn. Hôm ra Phan Thiết, anh em cũng muốn gọi con gà xé phay ăn chơi nhưng khu resort chỉ bán thức ăn đông lạnh đã qua kiểm dịch nên đành chịu. Đành ăn con dông. Ăn và nhớ đến truyện ngắn Mùa dông lại về của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Trong đó không có câu phương ngữ mới nghe lần đầu và ghi lại trong sổ tay: "Nhất đầu thỏ, nhì mỏ dông". Câu này không thể có ở vùng miền khác, ngoài Phan Thiết, Bình Thuận... chăng?
Trưa hôm nay, y ăn uống no say, cũng hát hò và chơi sổ số. Vui vẻ. Thân tình. Ấm áp. Vẫn là điệu nhạc boléro. Mà trong nhiều cuộc nhậu hiện nay, hát gì thì hát, hò gì thì hò, cuối cùng cũng phải boléro. Tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt. Có người nhắc đến nhà báo Võ Như Lanh, dù anh vắng mặt. Nhắc vì câu nói của anh: “Đừng chê nhạc boléro. Những người ăn mày, ăn xin họ kiếm sống là từ loại nhạc này đó”. Ngẫm nghĩ anh Lanh nói như thế là sòng phẳng. Vậy mà nói đến boléro, không ít “trí thức” bĩu môi, phồng mang trợn mắt miệt thị phũ phàng rằng thì là “sến’, “mari sến”…
Về đến nhà đã trưa trật rồi. Cũng ngủ. Dậy, check mail và từ chối tham gia talkshow Tôi bình luận phim vào chiều mai. Chia sẻ cảm về phim Ván bài lật ngửa chung với diễn viên Thương Tín. Bận nên không thể. Làm sao thể được bởi chiều mai sách của Chị Đẹp chính thức đưa từ nhà in về NXB Trẻ. Y nôn nóng quá. Cứ như sách của y vậy. Đoàn Tuấn gọi điện thoại cho biết đang viết, được chừng 1 phần 3 tập sách Trung đoàn viễn chinh. Nhận lời viết Tựa cho tập sách này. Trung đoàn viễn chinh là tên của Tuấn gọi E 29 mà y và Tuấn đã gắn bó cả một thời trai trẻ. Thời ấy, nhìn cuộc đời qua nòng súng thép vẫn thấy trời xanh vời vợi. Yêu đời và thèm được sống. Thèm được trở về nguyên vẹn. Từ chân tay đến linh hồn. “Trả súng đạn này khi sạch nợ sông núi rồi, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất bao năm…”. Tuấn hát thầm qua điện thoại. Mấy chục năm trước trong khu rừng khộp ở Anlungveng, y và đồng đội đã hát. Nghe rưng rưng. Và vọng lên một niềm hy vọng mãnh liệt của ngày ra quân, sẽ đến...
Có phải nhạc boléro đó không?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|