LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.5.2012

 

Sáng qua đã chính thức nhận lời với Đông A. 20 tập truyện tranh danh nhân Việt Nam. Nhuận bút chỉ nhỉnh hơn 1 tháng lương. Họ đóng luôn thuế thu nhập cá nhân. Chẳng bõ bèn gì. Hôm trước ngồi ăn sáng, T.H.N nói: “Thời buổi này, sống bằng nghề viết mà còn có người “đặt hàng” là mừng rồi”. Nghe mà thương. Đã hứa một lời thì tháng tới một tháng dài đến 60 ngày. Cứ nghĩ vì mục tiêu gì lớn lao lao hơn, chẳng hạn, qua bộ sách này trẻ em sẽ yêu lịch sử nước nhà hơn. Nghĩ vậy, để thấy công việc nhẹ nhàng. Đôi khi sự ảo tưởng cũng có ích.

 

van-so-cuoi-cung

Tạp chí VĂN - số cuối cùng do nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng

 

Đêm qua đọc số Văn cuối cùng. Phát hàng ngày 26.3.1975. Anh B tặng. Như vậy, dù không đủ bộ nhưng mình đã có số Văn đầu tiên - in trọn truyện dài Chim hót trong lồng của Nhật Tiến và số kết thúc nay. Kết thúc một giai đoạn của văn học miển Nam qua tờ tạp chí văn học nghệ thuật uy tín, đứng đắn nhất của thời ấy. Đọc lại Nhật ký Mai Thảo, có mấy thông tin đáng chú ý: “Đọc những địa chỉ dưới những thơ, truyện còn giữ lại của năm cũ, thấy Quy Nhơn là tỉnh đứng đầu số lượng người viết mới và sáng tác gửi về. Hơn cả Huế, vượt xa Đà Lạt” (28.2.1975). Tôi nghĩ, không phải bây giờ mà cả trước đó. Cứ nhìn vào sự bứt phá nhằm cách tân thơ Việt Nam hiện đại khởi đầu từ đâu, nếu không là Quy Nhơn, Bình Định? Nơi của trường thơ Loạn, của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan và ngay cả Quách Tấn... Hàn Mặc Tử đã đi quá xa. Ngôi sao băng đã vụt qua đỉnh trời thơ Việt nam hiện đại, ánh sáng còn chói lòa đến giờ, chưa ai có thể chạm tới. Bích Khê cũng là một thí dụ. Về cuối đời, Yến Lan quay về Tứ tuyệt; Chế lan Viên với hình thức thơ văn xuôi và nội dung cuộn sóng từ cõi nhân gian trần tục lên đến nơi sâu thăm thẳm của sự phản tỉnh…

Lại Nhật ký Mai Thảo cho biết, lúc ấy nhân húy nhật cụ Phan Châu Trinh, ban đại diện của nhà trường đã đích thân vào Sài Gòn mời một vài nhà văn như Mai Thảo, Duyên Anh, Hoài Bắc… ra tham dự. Rõ ràng, vai trò của nhà văn còn được xã hội trọng vọng, chứ chưa hẩm hiu như nay. Đọc thấy lạ. Sự ưu ái đó, hầu như nay chỉ dành cho cánh nhà báo. Gần ba mươi năm làm báo, tôi thấy rõ điều đó. Có những cuộc họp, báo chí đã đến đầy đủ nhưng chưa có phóng viên báo SGGP,  người ta vẫn nấn ná chờ. Bởi cần thông tin ấy xuất hiện trên báo Đảng. Ngoài Hà Nội, những cuộc ra mắt có tầm cỡ, thường trong tư liệu báo chí có gửi kèm tờ ND đã thông  tin trước về sự kiện đó. Như một sự “bảo chứng”. Người ta cần nhà báo để quảng bá thông tin hơn sự có mặt và uy tín của nhà văn. Ăn theo thuở ở theo thời. Tôi nhớ, thời đó, học trò cấp ba bước vào trường, đến lớp để 'làm sang", trên tay họ thường cầm lấy những tác phẩm văn chương hoặc những sách triết học của người viết đứng đắn (dù đọc chưa chắc đã hiểu)... Hình ảnh đến trường của học sinh miền Nam nay đã khác hẳn.

Cũng đọc Mai Thảo, biết tờ nhật báo như Chính luận, Đại dân tộc giá bán năm 1975 là 75 đồng; tờ Văn này giá  250 đồng. Sinh nhật tuổi 40 của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (13.5.1975) là một chầu nhậu nhưng lạ với chi tiết giữa cuộc vui, tất cả im lặng: “Mọi người chăm chú nghe bài tựa tuyệt vời bản dịch Nam Hoa Kinh của Nhượng Tống”. Ừ nhỉ! Đâu chỉ là nhậu. Trí thức Sài Gòn thời đó có khác. Trong nhật ký có đoạn: “Thanh Thu tới. Đưa truyện ngắn mới. Quyết tâm với văn chương, đừng tự làm hỏng ngòi bút của mình, đừng ngủ quên trên những thành công đầu. Thánh Thu sẽ là một cây bút viết truyện ngắn có hạng”. Thánh Thu là ai? Nửa khuya nhắn tin anh B để hỏi. Sáng nay nhận được tin nhắn cho biết là bút danh của nhà văn Võ Phi Hùng. Hùng đã chết và tôi có viết bài tiễn biệt anh in PN. Tình hình chiến sự của 1975 đã khốc liệt: “Những lúc như lúc này văn chương làm được gì? Làm sao yên tâm viết?”; “Mà chỉ nói chuyện văn chương trong lúc này vô bổ, phù phiếm”; “Ngủ sớm. Thôi cũng được. Cho khỏe người. Có thời giờ đọc. May  ra viết được”… Mai Thảo kết thúc Nhật ký vào ngày 20.3.1975: “Bầu bạn với giới nghiêm sớm bằng cái không khí nghẹt thở, toát mồ hôi lạnh của tiểu thuyết trinh thám”.

Đọc xong, bâng khuâng mãi…

Trưa đi làm về mẹ cho biết, Phú có đem đĩa xôi tặng nhân đầy tháng cháu ngoại của Phú. Từ Tân Phú lặn lội đến tận nhà, nếu không là tình, là nghĩa chắc không ai nhọc công như thế.

Cảm động quá.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment