(Nay, post tấm hình này lên. Sẽ trở lại sau)
Cái tình bạn trong văn nghệ thời buổi này như thế nào? Thức dậy, trời mưa lất phất lơ phơ. Cầm máy kiểm tra tin nhắn theo thói quen. Một lúc có hai tin nhắn về cuộc nhậu chiều nay. Một đã nhận lời từ mấy ngày trước; và một mới tức thì. Thấy vui vui.
Bạn bè còn rủ nhậu là vẫn nhớ đến nhau. Không rủ nhậu cũng nhớ đến nhau. Ngày nào cũng nhậu với nhau, chưa chắc do nhớ nhau.
Chỉ vì thói quen.
Quen cái biện pháp giết chết tươi, phải giết gọn ghẽ cho bằng hết cái khoảng thời gian nắng, mưa loạng choạng ngã qua vỉa hè lúc tan sở, trước lúc về nhà. Quen tính cách con người ngồi đối ẩm đó. Quen cảm giác bia bọt đó. Để rồi chiều nào cũng tụ tập một chỗ nào đó. Ngồi với nhau nhiều vậy đó nhưng chắc gì đã vì nhớ nhau, vì hiểu nhau, cần tâm sự với nhau?
Nhậu chỉ vài ba tri kỷ thôi ư? Không, dân văn nghệ Sài Gòn thích nhậu càng đông càng vui. Dù thân hay sơ. Dù gặp một triệu lần hoặc chỉ mới lần đầu cũng có thể nâng ly. Vui vẻ xởi lởi. Không chấp nhất. Rồi ai về nhà nấy. Rồi có thể trăm năm sau không gặp lần nữa. Những cuộc nhậu đàn đúm loẹt xoẹt, loẹt quẹt ấy, y đã chán.
Hôm trước y ngồi với người bạn. Bỗng một người bạn rất quen kéo ghế ngồi chung. Chán như con gián. Hoàn toàn không có trong dự kiến của y, của bạn y - dù tất cả là bạn. Bạn của giới văn nghệ mênh mông và bao la bát ngát. Chỉ cần nghe tên nhau đã có thể là bạn. Có những người nhậu cực kỳ khó tính, một trong nhưng người đó mà y quen biết là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn. Anh đã mất. Thời cực thịnh vàng son của quán nhậu 81 Trần Quốc Thảo - trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.HCM thì ngày như mọi ngày, ngày nào cũng dập dìu tài tử giai nhân những muốn lấp bể dời núi bằng tài năng của mình luôn ùn ùn kéo đến. Lúc ấy, Hoàng Ngọc Tuấn chỉ ngồi một mình. Một bàn một ghế. Một chai bia Sài Gòn xanh. Khói thuốc mù mịt. Đốt liên tục. Hễ ai kéo ghế ngồi chung là anh đuổi thẳng thừng.
Nhậu ở 81 thời ấy có cái đặc điểm thú vị là bất kể bàn nhậu nào, có những người muốn vào ngồi chung với ai chỉ việc xách một chai bia; hoặc một vại bia hơi đến, rót đều rồi ngồi lì. Ngồi đến mọc rễ. Chỉ đứng dậy khi bàn đó tính tiền. Rồi bước sang bàn khác. Nhờ vậy, có những người ngày nào cũng có độ nhậu. Nhậu từ sáng đến mờ mịt nhọ nhem mặt mũi trăng sao trên trời. Ai cũng biết mặt. Nhẵn mặt. Chẳng ai trách. Anh em văn nghệ mà. Lại có những người không có tiền nhưng vẫn nhậu đều đặn mỗi ngày. Nhờ vào tài đọc thơ. Lúc say, ai cần âm thanh du dương? Có ngay. Cứ đọc oang oang trong quán nhậu. Ai thích thì nghe, không thích thì thôi. Ấy là cái độc đáo của quán nhậu 81. Y và nhà văn Võ Phi Hùng từng hào hứng dự kiến viết chung kịch bản tài liệu về làng văn nghệ Sài Gòn, nhìn từ quán 81 này. Chưa kịp làm, chỗ này hiện đang xây dựng lại và Võ Phi Hùng đã viễn du chín suối.
Thời ấy, khi văn nghệ sĩ qua đời, quan tài được quàng tại đây. Trong nhang khói nghi ngút. Ngoài bia bọt lai rai. Mãi sau này mới có Nhà Tang lễ ở 25 Lê Quý Đôn. Tại đây tuyệt nhiên không có tiếng kinh cầu. Không có tiếng kinh, không rõ người quá cố buồn hay vui? Chẳng rõ.
Cái tình bạn văn nghệ của thời buổi này, y có cảm giác nhạt hơn thế hệ trước. Đọc nhiều sách, ta biết có những đôi bạn của thế hệ văn chương 1932 - 1945 chí thân, như anh em cật ruột: Nhất Linh - Khái Hưng, họ ký tên chung một vài tác phẩm, con trai Nhất Linh là con nuôi của Khái Hưng: Trần Khánh Triệu. Rồi đôi bạn Nam Cao - Tô Hoài; Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ; Vũ Trọng Phụng - Ngô Tất Tố; Thâm Tâm - Trần Huyền Trân v.v… Những tên tuổi lớn này, y chưa gặp, tất nhiên, nhưng tôi biết vậy. Người khác biết vậy. Há chẳng phải là điều khiến ta suy nghĩ đó sao?
Trưa ngủ dậy, để lấy thêm sự hưng phấn của một ngày làm việc cách tốt nhất là đọc loáng thoáng cái gì đó. Đêm, muốn ngủ cho thật ngon giấc, đẫy giấc không gì bằng dán mắt vào trang sách.
Đọc lại thấy cái này hay, bèn chép lại. Rằng, đây là chuyện kể của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tôi chưa gặp ông Hoan, nhưng đã gặp nhà văn Lê Minh - con gái của Kép Từ Bền. Tôi hỏi, nếu so sánh truyện ngắn trào phúng, hoạt kê của nhà văn Nguyễn Công Hoan thì ta chọn ai? Có thể là Axit Nexin được chăng? Bà Lê Minh trả lời: “Không, chỉ có thể là Sê-khốp”. Bà nói đúng. Bài phỏng vấn này có in trên báo PN cách đây chừng mươi năm. Có lẽ chưa ai vượt qua nhà văn Nguyễn Công Hoan về chất lượng và số lượng truyện ngắn trào phúng, châm biếm đầy chất houmour của Việt Nam. Nhớ có lần trao giải truyện ngắn một ngàn mấy trăm chữ gì đó ở tòa soạn TT, nhà văn Nguyên Ngọc có nhận xét, đại ý, truyện ngắn Việt Nam hiện đại quá ít yếu tố houmour. Con người nhà văn của thời hiện đại ít cười hay đã quên cười? Liên hệ qua Nguyễn Nhật Ánh, y nghĩ, một trong những yếu tố thành công, bạn đọc yêu thích cũng do anh Ánh biết cười. Nhân vật của anh, tình huống của anh luôn hóm hỉnh. Đọc là có lúc phải bật cười. Thì truyện tranh Tin Tin, Luky Luke… hấp dẫn mọi người cũng là do góp phần của yếu tố này.
Hãy trở lại với bài viết của Nguyễn Công Hoan. Ông viết như sau:
“Hồi mình còn nhỏ, cứ vào chiều hăm bảy, hăm tám Tết, là thấy cụ Thắng Lãm đến thăm gia đình ở quê nhà. Cụ vừa vào cổng thì cả nhà mừng, chạy ra đón. Cụ cao lớn, chống gậy, nói to và hay cười nhưng lại điếc. Cụ là bạn thân của ông nội mình. Ông nội mình mất sớm, năm ngoài ba mươi tuổi. Trước kia, cứ đến ngày giỗ, thì cụ Thắng Lãm sang. Nhưng rồi cụ bảo đi ăn giỗ thì buồn. Cụ đổi ngày đến thăm, là trước Tết.
Chờ cụ nghỉ ngơi khỏi mệt thì nhà bưng cơm rượu lên. Trước khi ngồi vào mâm, cụ đến bàn thờ, thắp hương, lẩm nhẩm lời khấn, rồi vái bốn vái.
Cả nhà kính cụ như cha. Cụ thăm hỏi không thiếu ai. Sáng hôm sau, cụ dậy sớm đi ra đồng. Cụ thăm mộ ông nội mình và vài ngôi ở gần. Thấy chỗ nào sứt lở, cụ bảo anh người nhà đắp lại cho cẩn thận.
Rồi cơm nước xong, cụ chống gậy ra về.
Mình coi cụ như ông. Mà chính vì thế, nên chẳng bao giờ tìm hiểu xem Thắng Lãm là tên cụ, hay tên làng. Và từ làng cụ đến đây bao xa. Cả nhà quý cụ là người bạn chân thành của ông mình. Cụ chỉ vì tình xưa, nghĩa cũ, trước sau như một, mà đến thăm quê bạn, thăm con cháu của bạn. Nếu cần lợi lộc, cụ đã đến nơi mà con của bạn làm quan.
Ông cha ta ngày xưa ăn ở với nhau như thế. Thật chẳng có chữ nghĩa nào ca ngợi nổi”.
Vâng chẳng chữ nghĩa nào ca ngợi nổi. Chỉ đôi dòng, không gì to tát mà đã thấy hiện lên cái đẹp của tình người. Cảm động.
Sáng nay vừa xem cái bìa tập sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp. Còn chỉnh sửa đôi chút. Sẽ phát hành trước ngày 21.6. Chắc là thế. Nay, post tấm hình này lên. Sẽ trở lại sau.
Ngoài kia nắng đã lên. Trời đẹp thế. Vậy mà y vẫn còn ngồi gõ lóc cóc trên bàn phím.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|