LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.6.2013

 

Chiều qua trên đường đến khách sạn sheraton, chợt nhiên lại nhớ Đoàn Tuấn. Trong trí nhớ của y những thập niên 1990, nhớ Hà Nội là nhớ đến Tuấn. Và ngược lại. Rồi sau này là những bạn bè mới. Ngày một đông. Tuấn gương mẫu, chân tình và có được phẩm chất rất đáng yêu, rất bản lĩnh của mọi đàn ông trên trái đất này: sợ vợ.

 

nguyen-du-Bien-1

Nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng

 

Ngày nọ, tháng 4.2006, Công ty Phương Nam mời cánh nhà báo ra Hà Nội khai trương cụm Megastar. Sẫm tối, nghe tin nhà văn Bà Tùng Long mất. Ai nấy sửng sốt. Anh Nguyễn Đông Thức bay về Sài Gòn trong đêm. Đỗ Trung Quân viết bài cho báo PN. Còn y, viết cho báo PL. Lúc ấy, hoặc viết tay hoặc gõ máy đánh chữ, bao giờ, y cũng tận dụng mặt trắng các tờ giấy đã in để viết bài. Tiết kiệm là quốc sách. Ngồi vỉa hè Hà Nội, y hý hoáy viết tay. Viết xong, tôi nhờ Đoàn Tuấn đem về cơ quan của Tuấn fax giùm. Cho nhanh. Người ta đang đợi bài để kịp in số báo ngày mai. Tuấn giúp ngay. Không chần chừ.

Lúc anh quay lại, y thở phào và bắt đầu rủ nhau đi ăn tối. Đang ăn, lại nghe điện thoại réo tới tấp. Thì ra, không rõ, nhà biên kịch này tâm trí để đâu mà tòa soạn báo PL lúc nhận bài, họ chỉ thấy những thông tin về… thị trường chứng khoán! Trời đất, thay vì fax phần chữ viết tay của y, Đoàn Tuấn đãng trí fax phần chữ đã in. Thế mới sinh chuyện!

Mà đâu chỉ một lần. Tuấn làm báo Điện ảnh và có tài biên tập rất nhanh. Chỉ cần quét mắt qua trang giấy là anh đã có thể phát hiện ngay các lỗi cần sửa. Ngày kia, y gửi bài đến cộng tác, do tiết kiệm nên thường viết mặt  trắng còn lại trên tờ giấy đã sử dụng. Lúc nhận bài, thay vì đọc và biên tập các trang mà y đã viết, anh lại chăm chú đọc và tẩy xóa... những trang kia! Ấy mới là nhà thơ của sư đoàn 307 mà một thời rừng xanh tuổi trẻ chúng tôi đã gắn bó nhau như bóng với hình và ngang dọc khắp quê hương Chùa Tháp.

Đến khách sạn Sheraton lại gặp nhiều bạn bè mới và cũ. Hầu hết là mới. Cũng nơi này, cũng đơn vị này mời, năm 2005, y đã đến dự họp báo mở màn cho kênh Giờ vàng phim Việt của HTV 7. Sự kiện này bắt đầu bằng bộ phim Vòng xoáy tình yêu phát sóng ngày 20.5.2005. Đứng trò chuyện cùng Hữu Thân, vài nhà báo khác, anh Tiến - giám đốc Lasta cho biết thời điểm đó cộng ty anh đã đầu tư cả thảy là 400 triệu đồng. Đang tán ngẫu, điện thoại anh Lưu Đình Triều rủ đi nhậu.

Lựa chọn như thế nào?

Ngồi khề khà, và mừng quá đỗi khi nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng cho hai số tạp chí Văn. Rất quý. Hai số báo này kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du (1765-1965). Năm đó, cả hai miền Nam Bắc đều tổ chức trọng thể. Với tài liệu đang giữ, tôi biết tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra quyết định số 135TTg/Vg thành lập Ban tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du mà trưởng ban là ông Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, cùng lúc Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ra chỉ thị “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”. Tại miền Nam, trong vùng giải phóng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng thành lập Ban tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du mà trưởng ban là bác sĩ Phùng Văn Cung. Tại Sài Gòn, ngày 3.10.1965, giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch - Tổng ủy viên Văn hóa Xã hội kiêm Ủy viên Giáo dục đã đọc diễn văn khai mạc Tuần lễ kỷ niệm đệ nhị bách niên thi hào Nguyễn Du.

Đây cũng là năm Hội đồng Hòa bình thế giới chính thức ra Quyết nghị kỷ niệm 200 năm năm sinh thi hào Nguyễn Du cùng với 8 danh nhân văn hóa khác trên thế giới: Nhà thơ Quintus Horatius Flaccus (La Mã) trước công nguyên; nhà thơ Dante Alighieri (Ý); nhà thơ Lomonosov (Nga); nhà thông thái Ai Hayssam (Ả Rập); nhà cải cách xã hội Jan Hus (Tiệp Khắc); nhà soạn nhạc Sibelius (Phần Lan); nhà thơ Yeats (Ialăng) và nhà y học Finlay (Cu Ba). Sắp đến đây, Đại hội đồng UNESCO sẽ vinh danh nhân kỷ niệm 250 sinh của Nguyễn Du. Như vậy có 3 danh Việt Nam được vinh dự lớn lao này: Nhà chính trị kiệt xuất, nhà thơ Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thi hào dân tộc Nguyễn Du.


nguyen-du-bien-2

Nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng


Nay, anh Biền cho thêm hai số Văn này nữa. Xem như cũng kha khá tài liệu về Nguyễn Du ấn hành trong năm 1965. Đọc và rất thích. Lật trang giấy chợt gờn gợn cảm giác làn gió của quá khứ đang lặng lẽ thổi đến. Mơn man từng tờ. Tìm thấy những tên tuổi của trí thức Sài Gòn: Nguyễn Hiến Lê, Đông Hồ, Giản Chi, Vũ Hạnh, Nguyễn văn Xuân, Võ Hồng, Bửu Cầm, Lê Ngọc Trụ, Đặng Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng v.v... đã có bài cộng tác Anh Biền bảo: “in cách đây 48 năm rồi đó Q”. Nghe thoảng một chút bùi ngùi của thời gian đã lấp đi tuổi tác của cả thảy mọi người. Nhắc lại như một lời cám ơn anh B. Sáng nay, ngồi lật ngẫu nhiên tạp chí Văn kỷ niệm Nguyễn Du, trang 78 là bài thơ “Nghe đất” của nhà văn Mai Thảo:

Buổi trưa nằm dưới cây xanh

Nhìn qua lá biếc lả xanh sắc trời

Mát thơm đất trải bên người

Nghe trên ẩm lạnh da người cũng thơm

 

Đất lên hương, thấm qua hồn

Nghe Vui thoáng đến, nghe Buồn thoảng đi

Giữa giờ trưa nắng phương phi

Gió êm ve vuốt hàng my cuối đầu

 

Người nằm nghe đất bao lâu

Tai nương ngợ tiếng nghìn sau thở dài

Lung linh sóng nằng bay dài

Cõi trong nghe cháy, cõi ngoài miên man

 

Chợt đâu rụng tiếng phai tàn

Hoa xanh động ảnh nắng vàng trôi qua

Linh hồn thiếp giữa triều hoa

Bóng hình thôi đã nhạt nhòa trong ta

Hôm trước lên facebook thấy ảnh An May trong quân phục học kỳ quân đội. Sáng nay, anh Triều nhắn tin  đã đưa cu Rơm lên đường “nhập ngũ”. Cũng như An May. Ngoãnh lại phía sau, bỗng nhiên y thấy y  của ngày 23.7.1977. Ngày nhập ngũ và đi luôn một lèo, mãi đến năm năm sau mới quay về Đà Nẵng.

Chợt đâu rụng tiếng phai tàn

Hoa xanh động ảnh nắng vàng trôi qua


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment