LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.5.2013

 

“Trước khi viết một tập tiểu thuyết mới, anh có những chuẩn bị gì?” Tôi thường hỏi bạn bè trong những lúc ngồi tán phét chuyện trên tời dưới đất. Có lần, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bảo, đại khái, chẳng chuẩn bị gì cả, cứ bắt tay vào viết, trong quá trình viết, các tình tiết xẩy ra thì cân nhắc, xử lý. Cũng tựa như đứa trẻ nhảy xuống hồ, dù chưa biết bơi. Thực tế của công việc lúc ấy tự khắc khiến mình phải làm gì. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết nhiều và từng nổi đình đám với Cù lao tràm, Đứng trước biển… và một loạt kịch bản phim truyền hình. Anh viết khoẻ. Sung sức. Chưa hề tỏ ra mỏi mệt.

 

don-nick-R

Đón Nick tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 22.5.2015 (ảnh: First News)

 

Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lại khác. Anh cho biết chuẩn bị đề cương rất kỹ, từng chi tiết và khi đã “chín” mới bắt tay vào viết. Ngày báo Thanh Niên muốn in nhiều kỳ truyện mới của bộ Kính vạn hoa, anh không trả lời vội. Vào một ngày đẹp trời, anh ra Vũng Tàu. Một mình, một phòng mình và suy nghĩ suốt mấy ngày liền về cốt truyện sẽ viết. Khi viết được những dòng đầu tiên. cảm thấy đã có thể viết được, anh mới  điện thoại cho anh Hoàng hải Vân. Nhận lời viết feuilleton. Từng kỳ truyện dài của anh được công chúng đón nhận rầm trời. Báo Thanh Niên cũng tăng số lượng vùn vụt.

Trong tập sách Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ, y quên kể chuyện anh bị mất trộm tại Hà Nội. Chuyện là đầu năm 2005, anh được NXB Giáo Dục mời ra Thủ đô làm giám khảo cho một cuộc thi sáng tác văn học, và được bố trí ở khách sạn của Công đoàn. Sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” một cách vẻ vang, anh được các bạn văn như nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Trần Anh Thái, nhà phê bình Trần Quang Đạo... đãi một chầu nhậu để bù khú chuyện văn chương. Trước lúc rời khách sạn đi đến với bạn bè, anh đã cẩn thận khóa cửa phòng và giao lại chìa khóa cho tiếp tân. Thế nhưng, khi trở về trong cơn say ngất ngưỡng, anh bỗng tỉnh như sáo vì... hành lý, đồ dùng cá nhân của mình đã bị “dọn sạch”! Tiếc nhất là chiếc máy vi tính xách tay, trong đó có chứa toàn bộ tác phẩm đã xuất bản hoặc đang viết dở dang, cũng... “không cánh mà bay”!  Nhà văn của chúng ta cười mếu báo ngay cho cơ quan chức năng. Công an đã nhanh chóng có mặt tại khách sạn. Dù rất hâm mộ một “văn nhân tài tử” từ trong Nam ra Bắc công tác; dù rất nhiệt tình, rất tài năng cỡ như Sherlock Holmes nhưng cuối cùng họ cũng... đành bó tay!

Hàng ngày, Nguyễn Nhật Ánh có thói quen, mỗi sáng ngồi vào viết, bàn phải sạch. Sạch từ bụi trên bàn đến phin cà phê, cái gạt tàn thuốc… Anh viết một lèo đến 10 giờ sáng, ngừng lại nghĩ ngơi rồi lại viết đến 14 giờ. Sau đó mới cơm nước. Ngủ trưa. Chiều lai rai với bạn bè. Nguyễn Nhật Ánh không có ngày chủ nhật. Sức làm việc của anh thật đáng nể.

Có người, dù không thọ giáo ngày nào nhưng đọc tác phẩm của họ, tự ta đã xem họ là Thầy. Với y, là cụ Nguyễn Hiến Lê. Sống trên đời bằng nghề cầm bút mà để lại cả trăm tác phẩm có giá trị phải là người tự đặt cho mình một kỷ luật nghiêm ngặt, mới có thể lao động phi thường như thế. Xin được “công bố” lịch làm việc trong một ngày của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Sở dĩ tôi biết là do đọc nhiều những ghi chép của cụ:

6 giờ sáng thức dậy, tập thở, xoa bóp thân thể rồi đi bộ; 7 giờ ăn sáng, uống trà và đọc sách đến 8g; sau đó ông ngồi vào bàn làm việc đến 11g 30; nghỉ trưa đến 14 giờ; thức dậy lại đọc sách và tiếp tục viết cho đến 17 giờ chiều; 18g ăn tối, xong nghe nhạc; 21 giờ ngủ.

Ròng rã mấy mươi năm cụ vẫn duy trì đều đặn như thế, bất kể thời tiết nóng lạnh ra sao quả đáng khâm phục. Có lần, cụ bảo, cứ đến giờ là ngồi vào bàn viết, chứ không cần phải đợi cảm hứng có đến hay không? Nghe đâu nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Khải... cũng có suy nghĩ như thế. Và do lao động miệt mài, nghiêm túc với nghề nên họ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có chất lượng tốt.

Không rõ cụ Nguyễn Hiến Lê khi trò chuyện với văn hữu ra sao, chớ ở nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh, y nhận thấy họ có điểm chung là khi trình bày  một vấn đề gì cũng đều mạch lạc, khúc chiết, dễ hiểu và lập luận sắc bén.

Ngày mới vào nghề có lần phỏng vấn nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, y nhận thấy anh cũng có cách trả lời gẫy gọn, dễ ghi. Thậm chí theo ngữ điệu của từng câu nói, ta có thể biết đến đâu là phết, đâu là dấu chấm… Trong khi đó, với ông Sơn Nam lại khác. Hỏi vấn đề A, ông lại lái qua B và cứ dông dài chuyện mình đang thích nói hơn là đi vào trọng tâm câu hỏi của nhà báo. Ai ghi sao thì ghi. Ông cứ khề khà tràng giang đại hải….

Hồi còn ở báo TT, ban biên tập nhờ y đặt bài ông viết về món ăn Nam bộ. Y ghé nhà trọ ông trên đường Lý Thường Kiệt, trong hẻm để lấy bài, chứ lúc đó ông chưa về căn nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng. Bài ông đánh máy nhưng không đặt tựa. Sau này, tôi mới rõ nhiều bài báo khác của ông cũng vậy. Tòa báo muốn tựa gì, cứ việc; muốn cắt xén ra sao, cứ việc. Ông không quan tâm. Ông cho rằng, chuyện mình, mình viết; chuyện của tòa báo thì họ cứ làm. Miễn sao nhuận bút trả nhanh, trả nhiều là được. Thái độ này theo tôi là tính cách của một nhà báo chuyên nghiệp. Viết bất kỳ thể loại nào, ông cũng ký tên thật, không xài bút danh. Không núp dưới cái tên khác để che giấu những bài viết mà mình không dám chịu trách nhiệm. Ông nói, nếu hư, đánh đĩ ngoài bút thì có soạn từ điển, viết biên khảo cũng hư.

Khi viết văn mỗi người một kiểu. Thời trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM còn ở Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh), nhà văn Nguyễn Quang Sáng có phòng riêng vì ông là chủ tịch Hội. Thỉnh thoảng anh em vào chơi thấy ông ngồi viết, chỉ khoác ngang vòng bụng cái khăn lông, cởi trần, viết bằng tay trên từng trang giấy trắng. Ông cười hề hề: “Như thế này mới thỏa mái. Không gò bó mới dễ viết’. Có lần ông bảo: “Tao không viết vào ban đêm. Nhất là những lúc đã nhậu "sương sương". Sáng mai đọc lại thấy câu văn  “bốc” quá là xoá sạch". Ông có thói quen là ngẫm nghĩ rất kỹ một truyện ngắn trong đầu và có thể kể lại làu làu từng câu, từng chữ. Kể đến lúc thật “nhuyễn”, không còn thấy lợn cợn gì, ông mới viết ra. Có nhiều nhà phê bình cho rằng Nguyễn Quang Sáng là người kể chuyện độc đáo. Đọc truyện ngắn của ông ta luôn có cảm giác rất thật, rất hay là nhờ vậy chăng?

Đêm qua nhậu với Nàng, Nhân và Ca ở Việt Phố. Tẹo không đến được vì nhậu ở quận 5, lúc lấy xe ra bị công an đo nồng độ và lập biên bản giữ xe. Cứ cái điệu này, đi nhậu leo lên taxi là khoẻ nhất. Sáng viết xong cái bài cho MT. Chiều cúp điện lên cơ quan viết.

Mấy hôm nay thiên hạ cứ rần rần về thông tin đón người đàn ông không tay không chân đến từ nước Úc. Cuộc đời của anh khiến mọi câu chuyện cổ tích cũng phải ganh tỵ. Đó là Nick James Vujicic. Tại sao Nick đã làm được điều phi thường, kỳ diệu đó? Đó là do niềm tin từ Tôn giáo. Ngay từ lúc ý thức được thân phận của mình, anh đã có lúc muốn tự tử nhưng sao đó lại thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. Trong tự truyện Sống cho điều ý nghĩa hơn, anh viết: “Qua thời gian, tôi tự nhận thức rằng Đấng Sáng tạo muốn tôi có mặt trên thế gian này trong tình trạng thiếu tứ chi không phải ngài muốn trừng phạt tôi. Thay vì thế, Ngài có một kế hoạch tuyệt vời dành cho tôi, một kế hoạch cho phép tôi trở thành người truyền cảm hứng và khích lệ tinh thần tất cả những người khác trên trái đất này. Nếu Đấng Sáng Sáng Tạo có thể chấp nhận một người không tay không chân như tôi và sử dụng tôi làm cánh tay và đôi chân của Ngài thì Ngài cũng có thể sử dụng bất cứ ai vì những mục đích cao cả tốt đẹp như thế”.

Tối đi ăn với Nàng ở quán Hàn Quốc. Thức ăn ngon, nhưng phải chạy mua chai nước mắm cho phù hợp khẩu vị.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment