Nhận định về nét đặc trưng riêng trong thơ Trương Nam Hương, người viết cho rằng đó là nỗi bơ vơ:“Nỗi bơ vơ mang đến niềm nuối tiếc trong hoài niệm, nỗi bơ vơ mang đến sự khao khát được tìm gặp và nương tựa nơi tình yêu và cũng chính bơ vơ đã thổi hồn thơ Trương Nam Hương đến với nỗi ám ảnh với những người thân đã mất. Trương Nam Hương mang nỗi bơ vơ đi giữa đất trời, cõi đời và hát lên nó ở nhiều giai điệu để tìm sự đồng cảm”. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết sẽ đi tìm hiểu không gian đầy mẫn cảm trong thơ Trương Nam Hương để làm nổi bật nét bơ vơ đó.
Nhà thơ TRƯƠNG NAM HƯƠNG
Không gian nghệ thuật là một khái niệm đã được nhắc đến nhiều trong quá trình tìm hiểu về thế giới nghệ thuật của bất cứ tác giả nào. Ở đây với sự hạn chế, người viết chỉ nhắc khái niệm đó như một dạng biểu hiện của chủ thể trữ tình trong quá trình thể nghiệm bản thể. Ở góc nhìn như thế, bạn đọc sẽ thấy rất rõ không gian bơ vơ trong thơ Trương Nam Hương chịu sự tác động của hai yếu tố:
- Điểm nhìn gián cách.
- Nỗi giải tỏa về tinh thần.
Không gian trong thơ Trương Nam Hương luôn được xác nhận với điểm nhìn gián cách. Dường như thế giới hoài niệm luôn ám ảnh, thôi thúc anh viết về nó, nhắc đến nó. Điều đó được thể hiện rất rõ trong các tập thơ của anh. Qua 10 tập thơ đã xuất bản và trong một số bài viết văn xuôi, bạn đọc sẽ thấy không gian đầy ắp trong thơ Trương Nam Hương là không gian của kí ức: kí ức tình yêu, kí ức quê hương.…. Tập thơ đầu tay “Khúc hát người xa xứ” thì ngay tên nhan đề của tập thơ đã cho thấy rõ nỗi niềm của nhà thơ. Không chỉ dừng lại ở đó, các tập thơ của Trương Nam Hương với các nhan đề luôn giàu sức gợi với niềm hoài tưởng: “Cỏ, tuổi hai mươi”, “Ngoảnh lại tháng năm”, “Ra ngoài ngàn năm”, “Thơ, với tuổi thơ”, “Viết tặng những mùa xưa”…
Điểm nhìn gián cách còn mang đến thơ Trương Nam Hương những không gian của nỗi nhớ. Sống ở Sài Gòn và trưởng thành ở Sài Gòn nhưng không gian được anh nhắc đến nhiều lại là: quê mẹ - Bắc Ninh; quê cha - Huế; quê sinh - Hà Nội. Dễ nhận thấy rằng sau những thăng trầm của cuộc sống, thơ Trương Nam Hương đã mang đậm nét trầm lắng, sâu sắc và khắc khoải. …
Kinh Bắc tràn ngập trong thơ Trương Nam Hương với nỗi nhớ da diết về mẹ và cả mạch ngầm văn hóa đã chảy thẫm trong hồn anh. Chỉ có vậy mới có thể viết những câu thơ đẹp và buồn như một giấc mơ thế này:
Mơ một ngày trở lại
Ngất ngất cánh đồng tuổi thơ
Ngọn gió cũng lon ton bờ bãi
Con chuồn ngô bêu nắng thập thò
Hoa dại nở vô tư
Thót ao đầm tháng sáu
Thẩn thơ ta gỡ cỏ cho bà
Mộ đất vù châu chấu
Không gian của Kinh Bắc ở đây là không gian tràn ngập mầu sắc của hoài niệm mà hình như trong chúng ta ai cũng đã từng có với những: chuồn chuồn ngô, châu chấu bay vù mộ đất, hoa dại nở, ao đầm trong làng...Không gian thoáng rộng, tràn đầy sự vật hoạt động nhắc ta tới một thời thơ bé hồn nhiên. Câu thơ viết ra thì cứ tự nhiên thế đấy mà sao đọng lại nỗi nghẹn ngào trong lòng người đọc với bao tiếc nhớ, day dứt ...
Kinh Bắc còn được hiện ra qua những biến thể về hình ảnh của nó. Một địa danh nhắc lên cũng được gợi đến “Ngồi nhớ sông Cầu mơ hội trẩy” (Lỗi hẹn sông Cầu), những biểu tượng mang tính văn hóa của xứ Kinh Bắc “Sợ Quan họ khóc, sông Cầu xanh mơ…Nón quai thao lẳng gió chờ” (Mùa Xuân quan họ), qua chính những con người gắn bó sâu nặng với xứ đó với bao nhiêu nỗi vất vả “Chân bấm lên rêu. Bà tôi gánh cả gió chiều - xót xa” (Thời nắng xanh), với người mẹ tần tảo “Tủi thân khói bếp ngày xưa. Mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông” (Khói bếp xưa), người em gái không tên “Chợt ngồi nhớ lại câu em hát/ Bèo dạt mây trôi lại xót lòng/ Dễ nhắc bây giờ anh khóc mất/ Sông Cầu buông dải thắt lưng ong” (Câu hát ấy), ở đức tính của những con người nơi đây “Cứ ẩn hiện dáng đời trong câu hát. Lòng mẹ ta nhân hậu vô vàn” hay “Mẹ một đời thầm lặng sống bao dung” (Nhớ mẹ và làng Quan họ)…Dường như bất cứ lúc nào và ở đâu nếu được nhắc về Kinh Bắc là cả một sự chờ đợi, hạnh phúc riêng với Trương Nam Hương.
Cũng trong nỗi nhớ, Trương Nam Hương không thể không nhắc về Hà Nội. Trương Nam Hương viết về Hà Nội như viết về những điều thuộc về mình, của mình. Bởi vậy người đọc sẽ nhận thấy trong thơ anh những hình ảnh thuộc về - gắn với Hà Nội xuất hiện nhiều và với sự thông hiểu đến lạ. Hà Nội của những tháng năm thơ bé gian khó với bao kỉ niệm đã trở thành nỗi nhớ khi xa để anh thao thức gọi “Tôi nhớ mùa Đông Hà Nội quá”, “Nhớ thương Hà Nội nao lòng” và cùng với đó những kí ức sống dậy: “Những quả sấu giòn rơi trưa tháng sáu. Hà Nội ơi nhớ quá tuổi lên mười” với rất nhiều những kí ức chỉ có của một thời:
Nhớ Hà Nội những đêm báo động
Mặc bom rung dế vẫn gáy trong hầm
Hoa sữa còn thơm, biết mình còn sống
Mẹ khóc thầm trong giá rét căm căm
Không gian Kinh Bắc mang đậm nỗi nhớ như từ miền cổ tích thì Hà Nội là nỗi nhớ với những gì có thật và rất gần với biết bao kí ức không thể phai: ly kem mát lạnh, quả sấu giòn, hè phố Khâm Thiên…..Điều đáng nói là Hà Nội trong hoài niệm và cả hiện tại được nhắc đến đâu chỉ mang bóng dáng của người thân mà còn là cả những kỉ niệm đầu đời với hình dáng giai nhân nên luôn thắc thỏm, xao xuyến:
Anh về thương mối tình ta thơ dại
Hè phố Khâm Thiên vị bàng chát mãi
Cho em rồi không lẽ lại đòi em?
Nếu cuộc đời có những cuộc hành trình thì cảm xúc cũng vậy. Những cuộc hành trình mang lại cho thơ Trương Nam Hương nhiều sự trải nghiệm hơn và dường như chúng giúp anh khỏa lấp nỗi bơ vơ trong tâm hồn. Kinh Bắc rồi Hà Nội đôi khi không xoa dịu được điều đó. Và lúc này anh cần viết về Huế - quê cha. Cái thâm trầm của cố đô, không gian xưa cũ của nó hiện diện lúc thì đau đáu “Con từ xứ Huế sinh ra. Thơ con trắc ẩn cánh buồm cha ơi?”, lúc lại ngọt ngào:
Bồng bềnh Huế với ta trôi
Về nơi cùng tận bờ môi dịu dàng
Xin thương Huế một ly tràn
Ướt câu lục bát hai hàng lệ rơi!
(Ngẫu hứng Huế)
Huế là hình ảnh của người em gái thân thương, của nỗi lòng thủy chung mà anh luôn khao khát, mong mỏi:
Rứa mà Huế vẫn chờ tôi
Như cô gái suốt một đời thủy chung
Dang tay ôm Huế vô lòng
Nói sao hết được những rung cảm này
(Huế và tôi)
Có thể thấy sự hoài niệm về không gian xưa cũ, cái bất định của không gian hiện tại và sự hiện diện của không gian quê mẹ, quê cha, nơi tuổi thơ đã trải qua cho thấy rất rõ nỗi bơ vơ trong hồn thơ Trương Nam Hương: luôn kiếm tìm và mong nhớ. Nhưng dường như ngay cả cuộc chạy trốn vào thế giới của hoài niệm, sự níu kéo với những gì thân thuộc cũng chỉ là giải pháp không thật sự thành công. Nỗi cô đơn, bơ vơ vẫn níu giữ lấy hồn thơ Trương Nam Hương để lại nỗi xót xa trong lòng bạn đọc!
Điểm nhìn gián cách còn mang tới cho thơ Trương Nam Hương những không gian không được định danh cụ thể như: Lối xưa, Lối cũ, Mùa hạ cuối, Với biển….mà trong đó cái trống không, vô định luôn được gợi nhắc với nhiều niềm đau. Đó là cái xót xa cho những mối tình không thành: “ Xa rồi ngày ấy em xa. Ngôi trường và gốc phượng già vẫn đây. Em quên tôi, tháng quên ngày. Mình tôi với lặng lẽ này nhớ nhau” - Mùa hạ cuối, nỗi cô đơn khi nhắc khi nhớ lại những ngày tháng cũ: “Để xót xa lòng anh như muối biển. Anh cô đơn hóa đá phía mong chờ”- Với biển…Không gian không được định danh còn là những không gian tưởng như không có thật với: Ảo giác, Chiêm bao…đầy nỗi niềm: “Thôi rồi ảo giác trong ta. Vui hữu hạn. Chỉ buồn là vô biên” - Ảo giác. Rỗng là đặc điểm cụ thể mà người đọc có thể nhận thấy trong những không gian này của Trương Nam Hương. Nào đâu phải không có người xuất hiện, con người vẫn hiển hiện đấy mà cứ như lạc mất, không tìm thấy nhau; người tình xuất hiện đấy mà lại như không có trong đời “Em quên tôi, tháng quên ngày”; và những nhận thức mang đầy nỗi niềm: “Vui hữu hạn. Chỉ buồn là vô biên”. Nếu những không gian được định danh mang tới hình ảnh của những người thương yêu có thể gọi tên thì những không gian không được định danh này lại mang tới những hình ảnh nhạt nhòa, những xúc cảm đơn độc - tự ngộ ra trong những thời khắc riêng. Và dù ở không gian nào thì hình ảnh nhân vật trữ tình xuất hiện cũng luôn thấp thỏm, cô đơn, bé nhỏ, là một phần không thể thiếu của bức tranh tâm trạng không gian.
Không gian vì thế không chỉ được xác lập để làm bối cảnh cho nhân vật trữ tình xuất hiện mà trong thơ Trương Nam Hương, không gian còn trở thành đối tượng thẩm mĩ rất được nhà thơ dụng công xây dựng. Bởi không gian có thứ ngôn ngữ biểu hiện đặc biệt hơn hẳn. Nó không chỉ để thể hiện một nỗi niềm mà còn biểu hiện cho cả những ẩn ức của con người. Trương Nam Hương đã tìm thấy tiếng nói rất riêng đó để giãi bày lòng mình. Không gian chính là phần tâm hồn luôn bơ vơ, day dứt mang nặng nỗi niềm mà anh không thể bày tỏ. Trong không gian đó, với nỗi nhớ, Trương Nam Hương có thể mặc nhiên nhắc tới được những người thân yêu trong gia đình như bà, mẹ, cha, người chị gái thương mến…anh cũng có thể nhìn lại hình bóng của những cố nhân xưa cũ mà không phải với sự tưởng nhớ như những gì đã mất. Tất cả đều có thể hiện diện như đang có và vẫn đây với hình ảnh một thời của bà và cháu: “Trĩu quang gánh một đầu xoong, đầu cháu. Bà hớt hơ chạy bom đạn, khó nghèo” (Bà tôi), là mẹ và những ngày thơ bé: "Mùa xuân theo mẹ lên chùa. Oản - xôi hóng nhận - chuỗi, bùa hóng đeo. Mẹ quỳ tôi nép quỳ theo. Lạy từ ngọn cỏ lạy theo tới trời” (Tuổi thơ)….Vì thế mỗi không gian được gợi nhắc là một lần Trương Nam Hương được trở về với những kí ức tươi đẹp, nơi không có muộn phiền dù có nhiều vất vả, nơi mà thế giới bao quanh như trong cổ tích giờ không thể chạm vào được nữa. Tiếng thơ cất lên vì thế mà vừa là tiếng lòng đau thương của người con xa xứ vừa là tiếng lòng yêu thương của một con người sống nặng ân tình, sống hết mình với từng khoảnh khắc trong đời.
Không gian bơ vơ trong thơ tình Trương Nam Hương còn có thể được nhìn nhận như một trong những thủ pháp biểu hiện của niềm bi cảm trong quan niệm của nhà thơ. Bởi nhìn một cách tổng thể: những sáng tác của Trương Nam Hương ngay từ khi mới chấp bút luôn chịu thụ hưởng từ niềm xúc cảm bi thương. Cần phải nhận rõ niềm bi cảm trong thơ Trương Nam Hương không phải là cái buồn bi lụy, sầu úa mà đó là cách nhìn cuộc đời thông qua lăng kính của cái Đẹp nhưng chịu sự chi phối của nỗi niềm, mất mát. Vì thế mà Trương Nam Hương luôn không ngừng nhắc đến bà, mẹ, người chị gái xa xôi hay những người tình đã qua trong đời. Điều đó có thể thấy rất rõ trong các sáng tác của anh khi thế giới người thân đã mất và người tình đã qua trở thành một đề tài quen thuộc. Và dù viết về thời khắc nào trong năm, trạng thái cảm xúc nào của nỗi lòng…người đọc vẫn luôn nhận thấy nỗi “ngậm ngùi” trong thơ anh như chính lời nhận định của Nguyễn Trọng Tạo đã viết “Hồn thơ Trương Nam Hương đẹp như nỗi buồn”. Vì vậy nên không gian chịu sự chi phối của tư duy thẩm mĩ ấy cũng là điều dễ hiểu. Và đặc biệt hơn nữa khi không gian đó tách riêng ra tạo thành đối tượng thẩm mĩ có khả năng chi phối đến những sự vật tồn tại trong nó.
Không chỉ dừng lại ở đó, đọc thơ Trương Nam Hương bạn đọc còn nhận thấy: trong những sáng tác của mình Trương Nam Hương đã sử dụng không gian như một thể nghiệm nhằm giải tỏa tinh thần. Một tuổi thơ sớm bất hạnh khi mất mẹ, phải sống với bà và sau này khi lớn lên luôn phải “xa xứ” đã để lại trong lòng nhà thơ khá nhiều tổn thương. Càng trải nghiệm càng giúp anh nhìn rõ hơn mất mát, nỗi đau trong mình. Chính vì vậy viết về quá khứ cùng nỗi chông chênh của những không gian có thể coi như một sự xoa dịu cho nỗi nhớ và nỗi đau mà anh đã trải qua. Có hiểu như vậy mới có thể thấy được vì sao không gian bơ vơ chiếm số lượng lớn đến thế trong những sáng tác của Trương Nam Hương. Người đọc có thể thấy không gian trong thơ Trương Nam Hương luôn biến đổi với từng hình tượng trữ tình: mẹ - bà gắn với Kinh Bắc, tuổi thơ - người tình gắn với Hà Nội, cha - em với Huế…. Giống một sự đuổi bắt, người đọc nhận thấy trong thơ của mình, Trương Nam Hương như đang cố đi tìm lại cho mình những thương yêu ngày cũ qua các không gian khác nhau: cái ấm áp của ngày qua với bà và mẹ, cái say đắm - yên bình của thời trẻ dại, cái bao dung gần gũi từ cha…Sự lặp lại với tần số khá lớn của các không gian này cùng những biến thể của nó khiến người đọc không thể không nhận ra sức ám ảnh của chúng.
Không gian nghệ thuật trong thơ Trương Nam Hương vì thế mặc nhiên vừa là nơi gửi gắm nỗi niềm cũng đồng thời là nơi anh có thể phát hiện ra chính mình rõ hơn. Bơ vơ đâu chỉ là cảm xúc, tâm trạng mà còn là đặc sắc riêng trong mĩ cảm của anh cũng là vì thế!
Ths NGUYỄN THỊ QUỲNH NGA
(Nguồn: Thế giới mới số 15/2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|