Sáng dậy sớm, viết tiếp bài cho báo MT. Sau đó là việc của Tẹo, nhờ vài cú điện thoại “đúng người đúng việc” nên mọi việc như ý. Chiều trời mưa tầm tã. Đi hớt tóc. Nàng cẩn thận đi theo tận nơi dặn phải hớt kiểu này, này này. Thì đã xong. Rủ nhau đi ăn cái gì đó. Chẳng biết ăn gì. Nên thôi. Gương mặt nàng đẹp và buồn.
Về đến nhà chuẩn bị đi ăn đám cưới người bạn. Định dắt xe ra khỏi nhà. Trời giông tố và mưa. Nên thôi. Ăn cơm nguội và đọc Tập sách Thông báo Hán Nôm học năm 2002. Vừa mua lúc sáng. Chỉ in 300 bản! Vậy mà nay vẫn còn, chứng tỏ loại sách này ít người quan tâm.
Bìa các tập thơ chưa in của Trần Tuấn Kiệt
Đọc và thấy buồn cười về cuộc tranh luận “Vị thế của văn học Hán Việt qua một cuộc tranh luận lớn” diễn ra trên Tạp san Văn Sử Địa từ tháng 3.1955 đến 12.1956. Bài này do PGS Bùi Duy Tân viết. Thật không thể ngờ, thời đó những học giả nước ta tầm cỡ như Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Lộc, Trương Chính… đã tham gia đề tài: “Có nên liệt kê những bài văn do người Việt viết bằng chữ Hán vào văn học dân tộc hay không?”. Với đề tài này, tôi liên tưởng đến hoàn cảnh của cô X chẳng hạn, cô ta lấy chồng ngoại quốc, sinh con thì liệu những "tiên đồng ngọc nữ" ấy có thuộc dòng tộc của cô X hay không? Bây giờ không ai đặt câu hỏi “trầm trọng” đó nữa. Mọi việc đã giải quyết xong: “Do đặc điểm của lịch sử văn học Việt Nam, do đặc điểm quá trình phát triển văn học Việt Nam, những bài văn do người Việt Nam viết bằng chữ Hán trong thời kỳ nước Việt Nam chưa có văn tự hẳn hoi có thể coi là văn học dân tộc của Việt Nam được” (GS Văn Tân). Xác đáng quá.
Đọc xong cuộc tranh luận này, chợt nghĩ, vậy dòng văn học miền Nam trong vùng tạm chiếm thời 1954-1975 có phải là dòng dân tộc hay không? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thống. Năm, mười năm nữa con cháu chúng ta sẽ trả lời câu hỏi đó bằng những việc làm cụ thể, chứ không thể “lửng lơ con cá vàng” mãi. Nếu nhìn rộng thêm, vậy từ sau 1975 đến nay những tác phẩm văn học của các cây bút Việt sáng tác ở hải ngoại có được xếp vào dòng văn học dân tộc hay không? Rồi tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng nước ngoài thì sao? Theo y, không thể chối bỏ được.
Văn học Việt Nam hiện đại chưa thể sánh với nhiều nước trên thế giới, hà cớ gì vì mục đích gì đó, chẳng hạn quan điểm chính trị, lý lịch nhân thân... lại tự làm nghèo thêm những gì đã có? Mà cái dòng văn học miền Nam trong vùng tạm chiếm của những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn... lại có những đặc điểm mà nhiều nhà nghiên cứu chưa chú ý đến. Tôi chỉ đưa ra một thí dụ: Nhiều anh em trong phong trào đấu tranh sinh viên học sinh tại miền Nam bảo rằng, họ xuống đường đấu tranh chống chiến tranh, chống ngoại xâm, đòi thống nhất đất nước cũng có phần do... đọc tác phẩm của các tác giả này! Ô hô! Nói như thế là sai quan điểm dấy nhé! Mà lại rất thật. Thật ở chỗ trong những tác phẩm của các nhà văn di cư 1954 họ viết về miền Bắc, về Hà Nội, về phong tục, văn hóa quá hay quá đẹp nên khiến không ít người ở miền Nam mơ đến ngày Bắc Nam thống nhất để có dịp tận hưởng lấy cái đẹp ấy, được trở về nguồn cội.
Rồi trong cuộc chiến vừa qua, các nhà văn vẫn chưa khai thác hết tính cách rất đặc trưng, rất Việt Nam của người dân vùng tạm chiếm. Trong Người Quảng Nam, tôi đã kể đến trường hợp, chẳng hạn, em rể làm cảnh sát lại bảo anh vợ là "Việt cộng nằm vùng": "Tối nay, bọn tôi đi bố ráp đó. Chi bộ Đảng của mấy ông kiếm chỗ khác mà họp"!
Hôm trước ăn cơm ở nhà nàng, đọc lại tạp chí Văn số đặc biệt về Bùi Giáng, có dòng chữ này (nguyên văn): “Ta có thể so sánh con người Bùi Giáng ngày nay với Đức Phật thời mới bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Trong khi đó ma vương, quỷ sứ và môn đệ của Bà la môn giáo đến châm chích đủ điều. Nhưng Đức Phật vẫn là Đức Phật và ma vương gì đó cũng vẫn là ma vương”.
Thủ bút nhà thơ Trần Tuấn Kiệt
Trần Tuấn Kiệt viết về Bùi Giáng. Trời! Những người cùng thế hệ đã viết cho nhau như thế, quả rất lạ. Thời buổi này, bạn bè với nhau cũng ít ai dành thời gian đọc để xem bạn mình viết gì; hoặc có lời nhận định đúng mức. Hầu như giới thiệu các tác phẩm mới hiện nay là công việc của nhà báo. Chỉ giới thiệu theo kiểu thông tấn. Có thể do những bài viết nhận định phê bình ra tấm ra miếng không phù hợp với báo thời sự hằng ngày. Mà phải là báo chuyên ngành. Loại báo này thì số lượng phát hành chẳng nhiều, ít người đọc.
Tôi biết đến khái niệm “đồng hương” từ khi sống trong bộ đội. Giềng mối đồng hương chặt chẽ nhất vẫn là anh em ngoài Bắc, cụ thể tại đơn vị tôi là Hà Nội và Hải Phòng. Có thể bao che cho nhau, chia ngọt xẻ bùi cho nhau miễn đó là đồng hương. Đố ai có thể “đụng” vào. “Đụng” một người là chạm đến cả hội đồng hương. Mệt. Ngay cả chính trị trị viên, đại đội trưởng cũng e dè. Anh em Trung và Nam lại khác. Vẫn đồng hương nhưng không chí cốt đến mức đó. Thân thì thân, chơi thì chơi nhưng vẫn không bao che, nếu đồng hương sai. Nhìn qua văn chương hiện nay, những cây bút ngoài Bắc vẫn giữ được cái tính “đồng hương” đó; hoặc “cùng hội cùng thuyền”. Không phải bây giờ mà ngay cả trước đây. Trước 1945 ngoài Bắc có các nhóm như Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm… họ có cơ quan ngôn luận tung hứng cho nhau. Trước 1975 ở miền Nam có các nhóm khác nhau mà nổi bật là nhóm Sáng tạo, họ cũng có tờ báo giúp nhau “đôi bạn cùng tiến”. Người Trung và Nam làm văn nghệ không được như thế.
Nhắc đến nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, y nhớ chừng gần mười năm trước đây, ông có tìm y ở tòa soạn báo PN và đưa giữ bản thảo của ông. Thơ viết sau 1975. Đó là các tập Thái hằng, Lữ hành, Nghịch hành, Sử thi, Tình xuân vạn cổ, Vòng cung nguyệt quế. Đã nhập liệu. Chưa in. Mấy trăm trang, khổ lớn. Và tập trường ca Ngôi đền thiêng đã in trước 1975. Y có gửi biếu ông 200 ngàn đồng. Chẳng biết tương đương với hiện nay chừng bao nhiêu. Thời đó ông sống khốn khó. Sống bằng nghề viết sách dạy võ, ký Hồng Lĩnh và loạt truyện võ hiệp ký tên nhăng cuội gì đó, không nhớ nữa. Con gái của ông cũng viết văn, chắc nhỏ hơn tôi vài tuổi. Lúc đó, ông sống trong hẻm sâu hun hút ngoài phía Hàng Xanh, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Y có đưa I đến chơi. Ông Kiệt hiền lành, nói năng rổn rảng, thân tình, bạt mạng. Trong bản thảo này, ông có làm khá nhiều thơ tặng Bùi Giáng, nhà thơ Ý Nhi, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, họa sĩ Chóe…
Ngoài trời mưa vẫn râm ran. Tiệc cưới chắc đã tàn. Mẹ chắc đã ngủ. Nàng chắc đã ngủ. Gương mặt nàng đẹp và buồn...
Đã lâu lắm không gặp lại ông Trần Tuấn Kiệt. Cũng một kiếp người.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|