Đáng tiếc. Thật đáng tiếc.
Y không thể thỏa mãn lời mời khẩn thiết của người bạn, người em trong dòng tộc mời cà phê sáng, ăn trưa và lai rai tâm tình cho bõ những ngày không gặp mặt. Thật tình y cũng muốn, nhưng rồi không thể. Ngày thứ Bảy và Chủ nhật là ngày của riêng y. Ngày thiêng liêng của bất kỳ ai làm công việc nhà nước. Suốt một tuần chạy như ngựa ngoài phố, tiếp nhận hầm bà lằng mọi thứ thông tin thì cuối tuần họ cần yên tĩnh. Hướng nội. Tìm về bản ngã của chính mình. Tĩnh tâm soi gương nhìn lại gương mặt mình. Nằm yên lắng nghe hơi thở mình. Lâu nay mình đâu có thở, chỉ là những sự vận động theo thói quen. Lúc ấy, y ngại đọc tin nhắn và nghe điện thoại. Dẫu là thông tin cho biết trúng số độc đắc.
Mẹ Lê Minh Quốc và nhà thơ Đỗ Trung Quân (chụp tại nhà Quốc khoảng năm 2004)
Ngày ấy, được vật lộn với một mớ sách trong nhà, quét cái này dọn cái kia, chăm cái cây, lau cái nhà, gõ bàn phím… Hoàn toàn tự do. Không vướng bận thời gian. Ngày chủ nhật, bao giờ mẹ y cũng rụt rè bước lên gác, chỉ đứng phía sau lưng y, hỏi khẽ: “Trưa, ăn cơm không để mẹ nấu ?”. Hỏi xong, nhón chân bước xuống. Cứ như thể là con trai mình đang làm công việc cực kỳ quan trọng. Cực kỳ trọng đại. Mà thật ra y có làm gì ra hồn đâu, cũng chỉ là viết dăm mớ chữ kiếm cơm mỗi ngày. Vậy mà mẹ y không dám quấy rày, dẫu là một tiếng động nhỏ. Lặng lẽ bước xuống bếp.
“Trưa, ăn cơm không để mẹ nấu ?”. Y biết rằng, câu hỏi này sẽ không còn dài. Một ngày nào đó y sẽ không còn nghe nữa. Sẽ không còn vọng bên tai y những lời trìu mến, ân cần, tha thiết vậy nữa. Mẹ y đã già rồi. Y cũng chẳng còn trẻ gì nữa. Y sợ thời gian. Thời gian không đủ cho y lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với men say khật khưỡng trong âm nhạc và phấn son và những ảo tưởng vô bờ bến. Ấy vậy mà y cũng phải về. Chừng mươi năm trước, trong quán Dòng Thời Gian, y vụt chạy trước sự ngỡ ngàng của mọi người cũng bởi:
Chẳng có gì níu kéo anh rời khỏi cơn mê
Ngoài một điều duy nhất
Mẹ
Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành mẹ nhẫn nại như đất
Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất...
Lạ thật, với người đàn bà, thuở bé mỗi ngày mở cửa cho ba đi làm thì lúc về già thói quen ấy vẫn y nguyên. Chỉ có khác là mở cửa cho con. Rồi cẩn thận khép cửa và mong con bình yên trở về. Lúc nhỏ, mở cửa cho ba đi làm, nói: "Trưa/ chiều ba đi làm về nhớ mua quà nghe ba". Nay mở cửa cho con, không nói gì nhưng sâu thẳm trong ánh mắt ấy là sự lo toan, nhắn nhủ: "Trưa/ chiều nhớ về sớm nghe con". Có những lúc, đã khuya, y về nhà trong cơn say rũ người, mềm oặt như tàu lá chuối chỉ chực ngã vật ngã nhào xuống đất nhưng chợt tỉnh như sáo khi nghe câu hỏi đang ngáy ngủ: “Q về đó hả?”. Chỉ vậy thôi. Chỉ một câu hỏi của mẹ. Y cảm thấy có lỗi quá. Y thầm hứa ngày mai sẽ không còn nữa. Ngày mai y sẽ ngoan hơn. Ngày mai sẽ... Ngày mai ấy chẳng đến bao giờ.
Từng ngày, mẹ y nấu cho y ăn và luôn biết tâm sự buồn vui trong thâm tâm y khi chỉ cần nhìn qua mâm cơm. Dù không hỏi, mẹ y không dám hỏi y nhưng chắc chắn thắc mắc trong đầu: "Vì sao lại bỏ cơm?". Nếu hỏi, y sẽ trả lời ra làm sao? Chẳng thể. Giữa mẹ và con ít có lúc chuyện trò tâm sự. Do đó, có những lúc khốc liệt đớn đau: “sầu tình cơm chẳng muốn ăn / đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm”, y cũng phải cố nuốt. Cho trôi qua cuống họng. Dẫu mệt mõi. Dẫu rã rời. Cũng phải cố nuốt. Đã có những cuộc liên hoan tràng giang đại hải những sơn hào mỹ vị chỉ thiếu mỗi gan trời nhưng y cũng phải lặng lẽ tìm cách thoái lui để về nhà. Về nhà ăn cơm mẹ nấu. Niềm vui của người đàn bà lúc về già, tưởng rằng, chỉ có thế. Khi chưa có chồng, thương cha mẹ, lo cho chị cho em; lúc có chồng lại lo toan cho chồng, cho con. Tấm lòng người mẹ vĩ đại quá. Đừng quên, với người mẹ, con là số một, chồng chỉ đứng vị trí thứ hai.
Tình cờ hôm nọ đọc được câu tục ngữ, thấy lạ: “Mười mặt con không hẳn là chồng”. Ăn đời ở kiếp với nhau không hẳn do hai người đã có con. Nếu cần, họ chỉ giữ lại con mà quên phứt đi cái lão chồng cà chớn, lang chạ kia… Với con thì không bao giờ, dẫu nó hư hèn nhất. Thật lạ, nếu chồng léng phéng có con rơi, con rớt thì người đàn bà sẽ đem con về nuôi chăng? Vì ít ra đó là cũng giọt máu của chồng mình? Đừng hòng, những lúc ấy chỉ có thể cuốn gói sang nhà khác. Vậy mà nếu con mình "lỡ dại" làm chuyện "ngoài luồng" ấy, lập tức người mẹ sẽ dang rộng tay ngay bởi đó là cháu nội của mình, giọt máu của con trai mình. Và y, câu hỏi: “Có đi đâu không? Mẹ nấu cơm”. Chắc hẳn sẽ không còn kéo dài nữa. Mẹ y đã già rồi. Bạn y, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết:
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
Y nhận ra rằng, lũ chúng ta ai ai cũng nhìn thấy được điều giản dị và vĩ đại ấy, từ mẹ. Dăm năm trước, y đã viết trong sổ tang của người bạn mất mẹ. Cũng là viết cho chính y đấy thôi: "Vẫn còn có mẹ":
Không gì bất hạnh hơn khi ta cài trên ngực đóa hồng
để suốt đời nhớ mẹ
dù thế nào ta cũng là đứa trẻ
một đứa trẻ cô đơn
suốt đời cô đơn
khi đã xa vòng tay của mẹ
lời kinh Phật là lời chia sẻ
nén nhang thơm đến tận cõi niết bàn
hương huệ thơm mênh mang
khiến ta buồn muốn khóc
mẹ tảo tần suốt một đời cực nhọc
để nuôi ta hoàn thiện trở thành người
trên đường đi, ta đã gặp hoa tươi
gặp tiếng cười, gặp niềm vui hạnh phúc
là lúc ấy mỗi ngày mẹ bạc tóc
âu lo nhìn theo mỗi bước ta đi
ta lớn lên xa vòng tay của mẹ nhu mì
ta xa những ngày mẹ một mình tựa cửa
ta đâu biết trong từng hơi mẹ thở
vẫn trái tim độ lượng gọi ta về
vẫn ân cần giọng nói
gọi tên ta ngay cả lúc ngủ mê
vẫn từng đêm chờ đợi
đợi ta về...
lúc ta quay về, mẹ đã đi xa
mẹ về hư không, mẹ về mây trắng
ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng
muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ?
mẹ vẫn về trong mỗi lúc ta mơ
chở che cho ta trong đời thường mệt nhọc
đêm nay uống từng lời kinh Phật
ta ngước lên trời thấy từng giọt mưa rơi
giọt mưa rơi trên môi
mặn như nước mắt
ta đã nhủ lòng ta đừng khóc
sao vẫn còn đau nhói phía trái tim?
xin mẹ ngủ bình yên
trong cuộc đời ta vẫn còn có mẹ
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|