LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.6.2012

 

Sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp đã có.  Khép lại tập sách y nghĩ đến tình bạn.

 

Ve-van-SaigonRR

Trước hết là văn Nguyễn Đông Thức. Anh đã biên tập chu đáo và thỉnh thoảng lúc cao hứng lại comment thêm đôi dòng. Có khi đồng tình và có lúc lại không với tác giả như một cách bổ sung thêm về chuyện này, chuyện kia ở Sài Gòn. Nhờ vậy, cũng một nơi chốn, một vấn đề nào đó đã có thêm một góc nhìn nữa. Cách làm sách như thế này mới mẻ. Sáng tạo. Mà phải quý, phải trân trọng và hết lòng ưu ái với người viết trẻ, một nhà văn nổi tiếng như anh mới nhọc công làm công việc này. Cảm động. Tình bạn dài theo năm tháng quý như rượu ngon. Cũng có thể do tính cách của người Sài Gòn nữa chứ. Anh Thức đã có hơn “60 năm cuộc đời” ở Sài Gòn nên anh ưu ái tác phẩm viết về Sài Gòn cũng là điều dễ hiểu.

Và cũng thật dễ hiểu khi cà phê Trung Nguyên đã “biếu không” mặt bằng trong vòng vài tiếng đồng hồ mà lẽ ra theo nguyên tắc phải thuê 2 triệu 600 ngàn / giờ.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu khi nhận mời đến chung vui với anh em trog ngày ra mắt sách, lập tức nhà thơ Lâm Xuân Thi hào phóng tặng ngay vài triệu bao chầu cà phê đủ mời cả trăm bạn đọc ngày hôm đó.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu khi họa sĩ Bùi Nam và NXB Trẻ nhiệt tình đồng ý thiết kế banner và standee cho buổi ra mắt.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu, từ Mỹ, họa sĩ Khải Cơ đã nồng nhiệt vẽ một hình bìa thật đẹp theo gợi ý của Chị Đẹp. Sửa đi sửa lại nhiều lần mà không một than van và cũng không nhận thù lao nào (trừ tập sách có chữ ký tác giả).

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Và cũng thật dễ hiểu khi facebook của Chị Đẹp đã có hàng trăm bạn bè chúc mừng và cho biết sẽ đến tham dự.

Đơn giản chỉ vì sách viết về Sài Gòn.

Cho đến thời điểm này, so với các địa danh như Hà Nội, Huế, Đà Lạt… thì tạp bút, tùy bút, phóng bút, túy bút ngẫu hứng viết về Sài Gòn, cảm nhận về Sài Gòn vẫn chưa nhiều lắm. Chắc chắn rằng, bất kỳ ai chôn nhau cắt rốn tại non sông nước Việt mến yêu cũng đều ước ao được một lần đến Sài Gòn. Và họ đã đến. Để rồi, dù chỉ chạm chân đến vùng đất này dù một giây hoặc một đời cũng đều dành cho nó nhiều tình cảm.

Vậy Sài Gòn là gì mà quyến rũ đến thế?

Tập sách Ve vãn Sài Gòn là một, chỉ là một trong hằng triệu triệu con chữ, hàng ngàn trang sách nhằm lý giải điều đó. Sự lý giải nào cũng mang tính chủ quan. Không hề gì. Mà chính nhờ vậy, ta càng có thêm nhiều góc nhìn khác nhau. Ngay cả nhà văn Sơn Nam khi viết chuyên luận Người Sài Gòn vào năm 1988, ông khiêm tốn thú nhận: “Dòng đời cuồn cuộn, gặp tảng đá to, trở ngược, nhưng không tù đọng. Làm sao mô tả dòng sông đang chảy ra biển rộng? Làm sao ghi vài nét góp ý về phong cách người Sài Gòn - con người bình thường  - mà có thể làm hài lòng người Sài Gòn nhất là giới trẻ”.

Vậy Sài Gòn là gì khó lý giải đến thế?

Trong nghề viết báo đã nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với nhà báo Trần Bạch Đằng, y không thể ngờ vì sao tác giả Ván bài lật ngửa, khuôn mặt nghiêm nghị, ít cười lại có thể viết được một câu: “Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”. Câu thơ thô mộc. Giản dị. Không uốn éo, khoa ngôn nhưng lại rất thật và cũng rất đúng với tâm trạng của những ai đã từng đặt chân đến Sài Gòn.

“Sài Gòn nhìn lâu càng đẹp”.

Y vỗ đùi cái đét. Trời! Đúng quá! Đừng nhìn đâu xa, y nhìn vào chính y. Thời sinh viên mỗi lần về quê nghĩ hè, ăn Tết mà nghĩ đến lúc phải khăn gói vào lại Sài Gòn là y thở dài sườn sượt cứ như sắp bị đày lên cung trăng. Ngao ngán thở dài bởi y phải mất thời gian làm quen lại với nhịp sống, sinh hoạt của Sài Gòn. Tưởng rằng khó có thể sống được nơi này, vậy mà bây giờ, lúc này, hiện nay đi xa Sài Gòn chỉ dăm ngày là y đã thấy nhớ.

Cái nhớ ấy mơ hồ chẳng rõ rệt gì. Khó có thể nắm bắt. Theo nhà văn Nguyễn Đông Thức là "Một nỗi nhớ mặn môi". Cuối cùng “để đêm đêm nhớ về Sài Gòn/ Thấy mình vừa trở lại quê hương / Đã gặp người một trời yêu thương/ cho lòng thêm chút ấm / Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau / Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau / Tình chia trong đêm sầu”. Trầm Tử Thiêng đó ư? Nghe một lần trong một quán nhậu, đèn vàng mờ, chỉ bạn bè cũ, không ai nói giọng Sài Gòn. Ở đó, những khuôn mặt đã hằn vết nhăn bởi ngọn gió thời gian cày qua hơn nửa đời người. Bởi linh hồn từng đớn đau tình lạnh. Bởi ngăn tim từng chất ngất hạnh phúc tràn trề như suối nguồn hoan lạc của mộng mị ái tình không tính toán. Bởi từng quá yêu những con đường rong ruổi kiếm sống từng ngày lương thiện. Bởi bàn tay từng cầm những tờ giấy bạc đầm đìa mồ hôi của lao động chữ nghĩa, nhét vội vào túi, không thèm phải đếm. Bởi và bởi của muôn vàn lý do giống nhau lẫn dị biệt. Lúc ấy, y đã nghe một giọng ca khàn đục, chìm sâu, chìm sâu như từng viên sỏi nhỏ lăn chậm rãi xuống mộ phần và vọng lên từng chuỗi, từng giọt âm thanh khắc khoải. Phiền muộn. Rưng rức trong lòng. Bạn y hát đó. Một nhà thơ. Vậy thôi, chẳng cần phải nói gì thêm.

Thế là đủ cho một tình cảm sâu nặng dành cho Sài Gòn. Để rồi, sáng mai lên, trên các nẻo phố phường lại nhộn nhịp một sức sống mới. Sài Gòn là vậy. Buồn đó vui đó. Mưa trong nắng. Không bi lụy thở than. Không kèn đồng cho niềm vui và cũng không giọt buồn cho ly biệt...

Vẫn biết thế nhưng tại sao lại quá ít người viết về Sài Gòn?

Vì thế khi Chị Đẹp viết Ve vãn Sài Gòn lập tức đã dành được nhiều thiện cảm.

Bói Kiều là một thú vui tao nhã của người Việt. Chỉ người Việt mới có thú vui lạ lùng này mà bất kỳ người dân tứ xứ bốn biển năm châu nào khi quan sát cũng đều gật gù thèm thuồng: “Ước gì dân tộc mình cũng có thú vui này”. Đã từ lâu, y hay bói Kiều: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều cho con xem một quẻ về chuyện X, xin ứng vào những câu từ dưới lên (hoặc từ trên xuống), trang tay phải (hoặc tay trái)…”. Đêm nay, y không bói Kiều, y lật ngẫu hứng một trang Ve vãn Sài Gòn đọc lại một lần nữa. Tình cờ là trang 92, nguyên văn như sau:

“theo mùa năm tháng theo chủ trương theo ví tiền. Không có gì tồn tại mãi mãi như trước đây.

Có lẽ cô bạn Mỹ của tôi nói đúng, Sài Gòn không còn là nơi  để người ta trụ lại. Sài Gòn bây giờ chỉ là một nơi để người ta tụ lại mà thôi”.

Ngay dòng kế tiếp, nhà văn Nguyễn Đông Thức "comment":

“Từ ký ức, tôi có vài điều tiếc nhớ. Đường Lê Lợi ngày xưa có một chợ trời sách cũ góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) bên phía Sài Gòn Center bây giờ. Thì thôi đủ thứ sách xưa nay thượng vàng hạ cám, kể cả sách báo ngoại văn, giá rẻ bất ngờ - gom từ các trại lính Mỹ, ngày nào cũng tấp nập người lui tới (sau có dời ra đường Đặng Thị Nhu một thời gian). “Đường sách” mỗi năm làm một lần vào trước Tết như hiện nay ở đường Mạc Thị Bưởi luôn đông khách, rồi các hội chợ sách hai năm một lần vô cùng nhộn nhịp, có vẻ tiếp tục “truyền thống” và cho thấy nhu cầu rất lớn của người Sài Gòn trong thú vui lang thang tìm sách. Phải chi thành phố có quy hoạch hẳn một khu chợ sách cũ nhỉ?

Nguyễn Huệ thì có những kiosque bán hoa (ngày xưa tôi hay ra đây mua hoa tặng bạn gái), đồ lưu niệm, tiền xu, bưu thiếp… trên hai dãy tiểu đảo ngăn cách con đường chính và hai con đường phụ hai bên… Đều là những nét văn hóa đẹp.

Sài Gòn còn nổi tiếng với những hàng me hàng dầu trồng dọc hai bên đường từ thời Pháp. Những trái dầu quay tít bay trên đường Lê Quý Đôn, những trái me lúc lỉu trong nắng trên đường Nguyễn Du, Duy Tân…”.

Đã trích hết trang 92.

Chắc chắn những ai yêu Sài Gòn khi đọc Ve vãn Sài Gòn sẽ có hai cảm giác song hành về một Sài Gòn Hôm nay và Sài Gòn của thập niên 1960 thế kỷ trước. Sài Gòn của Hiện tại và Sài Gòn của Ký ức. Và thêm một cảm giác nữa là người đọc muốn gặp tác giả đặng tranh cãi chuyện này, chuyện nọ cho đỡ ấm ức hoặc muốn kể thêm vài chi tiết nữa như gửi gắm nỗi lòng đặng bổ sung của lần tái bản... Dù cảm giác gì đi nữa, có lẽ người đọc đều hài lòng bởi có một tác giả đã viết về Sài Gòn thay cho mình - "tác giả cũng thuộc loại… bà Tám có hạng!" như trong Lời nói đầu đã cho biết.

Chính vì thế, trang viết nhẹ nhàng trôi qua và đọng lại nhiều cảm xúc khác nhau. Cảm xúc ấy được chia qua nhiều chương khác nhau: Sài Sòn, Nhớ Sài Gòn. Vẽ Sài Gòn, Sài Gòn ở, Tiếng Sài Gòn, Xuống phố, Sài Gòn ăn, Giọt Sài Gòn, Đêm Sài Gòn. Noel Sài Gòn, Đàn ông Sài Gòn, Ve vãn Sài Gòn. Vỏn vẹn trong 182 trang sách và kết thúc bằng câu viết thăng hoa thâm trầm và kín đáo:

“Có nhũng thứ không để tìm hiểu, chỉ để chấp nhận và hòa vào. Sài Gòn là như thế. Mãi mãi là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về mình.

Vì Sài Gòn có ký độc quyền cho một ai đâu”.

Muốn viết thêm đôi dòng nữa nhưng đêm đã khuya. Nên thôi. Dừng bút. Chợt hình dung ra khuôn mặt gày gò của người bạn thơ đêm khuya nọ đã hát: "Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau / Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau / Tình chia trong đêm sầu”. Đọc sách của một người là đã ngồi bên tác giả quyền sách đó. Vậy hóa ra trong nhà y có hàng ngàn người bạn thân quý vậy sao? Đặt cẩn thận quyển Ve vãn Sài Gòn lên kệ sách, y mỉm cười và thấp thoáng ngoài xa đã nghe tiếng mèo ăn đêm, tiếng chó sủa trong hẻm sâu vắng mà gờn gợn tê tái khi sực nhớ một người sắp đi xa. Lòng buồn rười rượi. Y bảo với y như thế và tự trả lời:

Vâng, đêm đã khuya...

"Tình chia trong đêm sầu”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment