LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.6.2013

 

 

Có lời mời đi Huế, từ ngày 17.6 nhưng y từ chối.

 

PANOR

 

Thời mới vào nghề báo, y thích đi. Đi là được thoát ra khỏi cái phòng trọ chỉ đủ kê mỗi cái chỏng tre. Mỗi lần mưa là nước từ mái tôn rơi tong tả. Đi là thoát khỏi những bửa cơm trưa bụi bờ, nhai trệu trạo mà luôn mơ đến miếng thịt sườn. Xộc xệch ghế lề đường, mồ hôi túa ướt áo, ngựa xe ầm ầm, cắm cúi xuống dĩa cơm tênh hênh những cọng rau muống ẻo, nhũn. Chẳng khác gì thời sinh viên. Chính vì thế, bút danh Huyền Sương, y ký chừng hơn hai mươi năm nay, chỉ là bộc bạch cái thèm khát của ngày ấy.

Không thèm sao được. Cái ấn tượng đầu tiên của ngày đầu tiên khi bước vào phòng ăn ở ký túc xá, y vẫn còn nhớ như in. Trưa ấy, cả lũ xách bát đũa, muỗng xuống nhà ăn. Miệng y huýt sáo, dù bụng đang đói. Y hớn hở bởi sắp được ăn. Cửa phòng ăn chưa mở, ý đứng nhìn qua những vuông cửa kính trắng, đục và y nuốt nước bọt ngạc nhiên: “Ủa? sao nhà trường lại cho sinh viên ăn xôi đậu đen?” Quả thật, nhìn những thau cơm lớn trên mỗi bàn y thấy lỗ chỗ hạt đậu đen to đùng kia mà. Y cười thầm: "À! Có lẽ do nhân ngày khai trường nên sinh viên mới được bửa ăn đặc biệt này đây".

Thích quá! Sướng quá!

Ngay lúc ấy, nhân viên nhà ăn mở cửa phòng. Tất cả ùa vào! Bỗng y nghe rộn lên một âm thanh xẹt qua tai như tiếng máy bay vừa lướt qua. Trời ơi! Cả hàng ngàn con ruồi bay ào thoát ra ngoài. Ruồi ngã loạng choạng vào mắt, mũi, miệng. Y tối tăm mặt mũi. Lúc ngồi vào bàn, cứ tám người quanh một bàn tròn, bấy giờ mới phát hiện trong tô canh lỏng bỏng vài cọng rau muống đã có những con ruồi dũng cảm đã cảm tử, quyết tử đến hơi thở cuối cùng. Dần dà, y quen đi. Bạn bè y cũng quen đi. Gặp ruồi, cứ vớt ra và hất bẹt xuống đất. Rồi tiếp tục ăn. Rất hiên ngang. Rất phong thái. Rất phong lưu như Hàn nho phong vị phú của cụ Nguyễn Công Trứ:

Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no;

Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.

Thời trẻ, y thích đi phỏng vấn. Gặp được nhân vật là có bài. Nay,  y ghét nhất thể loại này. Mất thời gian săn đón, tìm kiếm, hẹn ngày giờ với nhân vật. Mà nhiều khi nhân vật trả lời chẳng ra gì đâm ra phí câu hỏi. Bài trả lời phỏng vấn nhạt như nước ốc. Ngược lại y cũng ghét luôn nhà báo đặt câu hỏi ngớ ngẩn lúc phỏng vấn y, khiến y cáu. Đã thế, họ ghi chép nhiều lúc không đúng ý, bài in lên, đọc lại cũng cáu. Cách tốt nhất, y trả lời qua email cho rõ chữ nghĩa. Mà cái thông lệ tệ hại của nền báo chí ta, người trả lời phỏng vấn chẳng được trả một xu nào.

Cái chuyến đi ra Huế là tham dự ra sách Gửi tình trên sóng của nghệ sĩ Ngọc Lan. Lúc qua Mỹ, y có ở nhà con trai của chị chừng ba ngày. Tập sách này, y biên tập kỹ từ bản thảo. Đọc và thú vị. Chị vừa mail hình ảnh pano quảng bá cho ngày ra mắt ách. Đoạn trích trên pano là từ lời Bạt y đã viết: "Thật ra cuộc đời của mỗi người đã là một tiểu thuyết. Có những tình tiết, những lớp lang khác nhau mà chung quy lại, họ phải diễn, phải sống cho trọn vẹn đoạn trường của một kiếp người. Những buồn vui, hoan lạc, căm thù, đau đớn…, dù từng người có khác nhưng cũng đều là chất liệu để hình thành nên tính cách và số phận con người đó.

Ở nghệ sĩ Võ Ngọc Lan, khi đọc tác phẩm này, ta thấy hiện lên rõ nét nhất vẫn là nhân vật Duyên của những tháng ngày bươn chải vì chồng, vì con - một đức tính ngàn đời thủy chung của người phụ nữ Á đông. Bên cạnh đó, Duyên còn chấp nhận những ngọn roi của tình ái chạm đến vào nỗi đau của thân phận làm vợ, làm mẹ. Vượt lên trên những hỉ, nộ, ái, ố của trần gian muôn mặt vẫn là một phụ nữ tự tin, bản lĩnh và kiêu hãnh bước vào dòng đời xuôi ngược bằng đôi chân và tấm lòng giàu nghị lực".

Lẽ ra đêm nay, đi xem chương trình nhạc Jazz “Five Play Jazz Concert” tại nhà hát Hoà Bình. Vậy mà ở nhà. Đọc quyển Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Ðức vậy. Tác giả sinh năm 1985, làm được quyển sách này thật đáng nể. Câu này, đáng lưu ý: "Điểm nổi bật thú vị nhất là người Việt trong hàng nghìn năm đã nhuộm răng đen và đi chân đất. Chính vì vậy, biến cố lớn nhất trong lịch sử trang phục Việt là vào năm 1744, khi chúa Nguyễn xưng vương và biến đàng Trong thành một vùng lãnh thổ độc lập so với đàng Ngoài, đã bắt toàn bộ quan lại và dân chúng phải đi giày dép" (Trần Quang Đức).

Cái nghề nghiên cứu nó thế, để viết được một câu có tính chất khẳng định, đưa ra một phát hiện gì mới hoặc một tổng kết nào đó người ta phải đọc cả hàng trăm quyển sách. Mà đã xong đâu. Còn tranh luận chán.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment