TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc - * Tôi và đàn bà (báo SGGP)

Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc - * Tôi và đàn bà (báo SGGP)

Mục lục
Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc
* Tôi và đàn bà (báo SGGP)
* * Lê Minh Quốc và... đàn bà (Tạp chí Duyên dáng Việt Nam)
* Tôi và đàn bà (TTC, AT & TGPN)
* Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bẩm sinh đã sợ đàn bà (báo THỂ THAO & VĂN HÓA)
* Tôi và đàn bà: Luận chuyện phụ nữ kim - cổ - Đông - Tây (báo Pháp luật TP.HCM)
* LÊ MINH QUỐC: Trả lời Bloggazin.com về TÔI VÀ ĐÀN BÀ
* Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết như đã sống
* TÔI VÀ ĐÀN BÀ (tạp chí Người Làm Báo)
Tất cả các trang

 

Tôi và đàn bà

Phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với người nghệ sĩ, đặc biệt là với Lê Minh Quốc. Với cương vị một nhà báo, gần ba mươi năm anh làm báo liên quan đến phụ nữ; với vai trò một họa sĩ thì phụ nữ là chủ đề chính trong tranh của anh; đến với thơ văn hình ảnh người phụ nữ ở khắp mọi nơi. Thậm chí, với vai trò một nhà nghiên cứu, khi thực hiện công trình về danh nhân Việt Nam người ta cũng bảo Lê Minh Quốc viết cho danh nhân nữ nhiều hơn! Cách đây hai năm, anh cho ra mắt bạn đọc cuốn sách đầu tiên của mình về đề tài phụ nữ với một nhan đề làm rất nhiều người ganh tị Gái đẹp trong tôi và mới đây là tác phẩm Tôi và đàn bà. Dù không chính thức nhưng như chính tác giả có dịp thổ lộ, có thể xem Tôi và đàn bà là phần nối tiếp của Gái đẹp trong tôi.

Rất khó để xếp Tôi và đàn bà vào dạng nào, về danh nghĩa đây là một tác phẩm phiếm luận. Nhưng trong đó, bạn đọc lại có thể thấy được ký ức của tác giả về ảnh hưởng của phụ nữ, đàn bà đối với cuộc đời của mình. Cũng có thể xem đây là tác phẩm thơ bằng văn xuôi khi đọc nhưng dòng văn đầy chất thơ: “Tôi đã từng phiêu lưu trên mênh mông của một vùng thân xác mà ngoài khơi xa chập chùng sóng vỗ và những ngọn đèn trên thuyền đánh cá lấp lánh tựa các vì sao rọi xuống…”. Cũng có đoạn tác phẩm lại thể hiện sự trần tục đầy hình ảnh như ở chương viết về phụ nữ ba miền, tác giả đã liên tưởng hình ảnh người phụ nữ ở mỗi miền đất của Tổ quốc bằng chính các loại món ăn từ bột đặc trưng của vùng đất đó. Đây là người đẹp sông Hồng có cái mịn màng của bánh đúc; nét đẹp sông Hương thâm trầm, kín đáo như vị ngon của bánh bèo; rồi cái giòn giòn, nồng nàn của rau xanh và tươi trong bánh xèo khắc họa hình ảnh vẻ đẹp của cô gái sông Cửu Long.

Có thể nói, khi đọc tác phẩm của Lê Minh Quốc, nếu đọc bằng một tâm thế thật phóng khoáng, đọc toàn bộ và nhìn lại, bạn đọc sẽ có cảm giác như anh đang giúp khắc họa cách mà người đàn ông nghĩ về người đàn bà. Có lúc nhẹ nhàng lãng mạn như bài thơ, có khi triết lý, suy tư như nhà hiền triết và không ít lần lại trần tục như một kẻ sành ăn nhớ về một món ngon. Tất cả mâu thuẫn lẫn nhau nhưng cũng đồng thời gắn kết hợp lý với nhau cũng như sự mâu thuẫn của đàn ông khi nghĩ về phụ nữ. Nếu bạn đọc là nam chắc hẳn sẽ gật gù tâm đắc, mà nếu là nữ thì như Lê Minh Quốc nói “…kẻ phàm phu tục tử như tôi thì làm sao có thể hiểu được bí ẩn của tạo hóa…”.

Một điều khá đặc biệt của Tôi và đàn bà là nếu quá mệt mỏi trong việc cố gắng cùng Lê Minh Quốc tìm hiểu về phụ nữ, bạn có thể xem tác phẩm này dưới góc độ một tài liệu nghiên cứu độc đáo về vấn đề nam nữ. Lê Minh Quốc đã đưa vào tác phẩm của mình nhiều thông tin lý thú như việc anh tiết lộ từ 300 năm trước, người Việt đã viết về tình dục rất bạo. Tiêu biểu là một tác phẩm được lưu trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm với mã số A.2829. Đây là một bản chép tay của tác phẩm có tên Hoa viên kỳ ngộ tập, gồm 46 tờ tương ứng 92 trang 27x15cm, trang đầu có đóng dấu của Thư viện Viễn đông Bác cổ Pháp. Lê Minh Quốc cho biết: “Hoa viên kỳ ngộ tập không ghi tên tác giả, nhưng câu chuyện diễn ra tại đất Nam Xang tương ứng với huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện nay… Có thể so sánh Hoa viên kỳ ngộ tập như một Tây sương ký. Rất tiếc, thời đó chúng ta không có một nhà phê bình văn học cỡ Kim Thánh Thán để nhận ra giá trị của tiểu thuyết viết chuyện phòng the thuộc loại đầu tiên của người Việt”.

 

XUÂN THÂN

(nguồn: báo SGGP 8.6.2013/ http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2013/6/320487/)

 



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com