NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014 - 8. KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC

Mục lục
NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014
1. BẤT NGỜ PHÚ YÊN
2. CÁCH CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT
3. NGƯỜI GIÀU DẠY CON
4. KỲ THÚ HỒ TRỊ AN
5. DOANH NHÂN CŨNG LÀ CÔNG DÂN
6. VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
7. ĐỂ LÒNG TỰ TRỌNG KHÔNG BỊ TỔN THƯƠNG
8. KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC
9. KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN
10. MỘT CÁCH LÀM HAY
Tất cả các trang

 

KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC


Chuyện người Việt bị kỳ thị, xem thường khi ra nước ngoài không phải mới. Từ năm 1987, khi sang tu nghiệp ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, các “thủ lĩnh Đoàn” của Việt Nam do TW Đoàn cử đi, trong đó có tôi, đã bị hải quan bạn lấy dây thừng khoanh vùng để kiểm tra, cứ như sợ lây dịch. Nhìn qua đoàn Lào, nghiêm túc với complett, cravat, samsonite. Ngó lại Việt Nam, áo quần xốc xếch, người nào cũng mặc ba bốn bộ và xách thùng giấy cho nhẹ để mang đồ qua bán thay vì vali. Đi nước ngoài thời đó là “Đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức” thì thiên hạ khinh là phải.  Sau này, có dịp đi nước ngoài nhiều, càng cảm nhận rõ sự khinh thường đó. Có rất nhiều vị đắng trong những chuyến đi xa. Rất tiếc là các cấp quản lý và lãnh đạo xem đó là chuyện bình thường, không thèm quan tâm chấn chỉnh.

Khi ông chủ các tập đoàn Hundai, Samsung, Daewoo…đang đi làm thuê vào cuối những năm 1960 thì Sài Gòn đã lắp ráp xe La Dalat. Bây giờ, người Việt, nhất là các tỉnh phía Bắc xin visa đi Hàn luôn bị làm khó dễ. Với người Việt, xin visa khó và đắt nhất là đi Nga, chứ không phải Mỹ và châu Âu. Thậm chí Nga còn cấm cửa thanh niên một số tỉnh phía Bắc. Các nước Nhật, Singapore, Hàn Quốc… còn có bảng cảnh báo bằng tiếng Việt về những thói xấu của người Việt. Tôi có người bạn Hàn Quốc, tiến sĩ lịch sử Việt Nam, ở Việt Nam hơn 30 năm, yêu Việt Nam hơn cả người Việt vì “Kiếp trước em là người Việt”. Khi hỏi tại sao không xin nhập tịch Việt thì bạn ấy cười buồn “Quốc tịch Việt đi nước ngoài khó lắm”. Mọi việc đều có nguyên nhân. Cái gì cũng vậy, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Không phải tự nhiên mà họ hành xử với mình như vậy, vì đó là quyền của họ. Những người Việt chân chính chỉ cảm thấy buồn và xấu hổ khi nước mình bị liệt vào danh sách đen “Những dân tộc xấu xí?”.

Người Thái có quyền xếp loại du khách Việt vào hạng bét, có quyền buộc người Việt vào Thái phải chứng minh tài chính, không phải 700 mà 7.000 usd cũng được. Nhưng cách hành xử của Cục Xuất Nhập Cảnh thuộc bộ Ngoại Giao Thái tại cửa khẩu Aranyaprathet là không thể chấp nhận. Đó là sự sỉ nhục quốc thể. Lấy cớ nhằm hạn chế những “Người Việt xấu xí” vào Thái móc túi, cướp giật, mãi dâm, lao động trái phép rồi hành xử thô lỗ, xúc phạm nhân phẩm của những du khách Việt khác là không thể chấp nhận. Cách giải thích “Chụp ảnh để biết rõ sơri tiền, để tránh dùng chung” là ngụy biện. Đó chỉ là cái cớ bao biện cho hành vi bài Việt. Đã qua quầy nhập cảnh là đi luôn, có ai quay lại được đâu ? Thời đại thẻ từ mà Thái Lan buộc dùng tiền mặt là vô lý. Passport của các doanh nghiệp đi nước ngoài như cơm bữa và cả tuổi tác, phong cách của họ vẫn bị người Thái ngược đãi. Hành vi buộc xòe tiền mặt, giơ cao ngang miệng để chụp hình như tội phạm trước hàng trăm du khách khác là sự cố tình miệt thị và sỉ nhục, không dễ tha thứ.

Nhiều bạn đọc bức xúc bảo: “Sao lúc đó không tẩy chay?”. Với du khách, họ đã có kế hoạch, không dễ gì thay đổi lịch trình. Với tôi, hôm đó (trưa ngày 30.4.2014) thì một số khách đã làm xong thủ tục, dù rất bực tức, nên mình cũng phải qua để lo cho đoàn. Trước đây, tôi có nghe một số phản ánh về việc này nhưng “bán tín bán nghi”. Bởi Thái Lan là “Đất nước của những nụ cười thân thiện”. Bởi tôi có nhiều bạn Thái dễ thương và rất “tâm phục, khẩu phục” cách làm du lịch của người Thái. Từ shoping đến sex tour; từ sinh thái, mạo hiểm đến homestay...

Từ vụ việc trên, thông qua báo Người Lao Động và các phương tiện truyền thông, tôi đề nghị Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, Tổng Cục Du Lịch và Bộ Ngoại Giao Việt Nam có văn bản yêu cầu Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh bộ Ngoại Giao Thái Lan: “Chấm dứt ngay hành động sỉ nhục và xin lỗi du khách Việt Nam đã bị chụp hình với tiền mặt”. Nếu họ không tiếp thu và sửa sai, thì người Việt, cả trong và ngoài nước sẽ tẩy chay du lịch Thái Lan. Khi họ đã coi mình không ra gì thì mình cũng không nên đến đó chơi, càng không nên mang tiền vào làm giàu cho họ. Tôi cũng đề nghị tăng mức xử phạt công dân Việt Nam “xuất khẩu tệ nạn” ra nước ngoài, chức càng to, tội càng lớn; vì đó là nguyên nhân làm cho người Việt bị phân biệt đối xử và khó dễ. Cần thiết phải có ngay chương trình hành động, chứ không phải phong trào, phê phán và xử lý những thói hư tật xấu cụ thể của người Việt, đặc biệt khi ra nước ngoài, để xóa dần sự khinh thường của thiên hạ.

* Nguyễn Văn Mỹ



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com