NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014

Mục lục
NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014
1. BẤT NGỜ PHÚ YÊN
2. CÁCH CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT
3. NGƯỜI GIÀU DẠY CON
4. KỲ THÚ HỒ TRỊ AN
5. DOANH NHÂN CŨNG LÀ CÔNG DÂN
6. VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
7. ĐỂ LÒNG TỰ TRỌNG KHÔNG BỊ TỔN THƯƠNG
8. KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC
9. KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN
10. MỘT CÁCH LÀM HAY
Tất cả các trang

Anh bạn Nguyễn Văn Mỹ - cựu chiến binh chiến trường Kampuchia, hiện nay là UV.BCH Hiệp Hội Lữ Hành VN cũng là người thiết kế Lửa Việt tours. Anh vừa gửi đến trang web www.leminhquoc.vn những bài viết của anh. Đọc kỹ, tôi thích bởi suy nghĩ và cách trình bày, lý giải vấn đề đều có tinh thần trách nhiệm. Chắc chắn những bài viết này đem lại cho bạn đọc nhiều điều hữu ích. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


nguyenvanmyKPC-2008RR

Anh Nguyễn văn Mỹ thuyết minh du khách khi tham quan tại Kampuchia (2008)

L.M.Q

IMG_0801My-va-QuocR

Nguyễn Văn Mỹ & Lê Minh Quốc tại Kampuchia (2008)


BẤT NGỜ PHÚ YÊN


Đoàn nhà báo (6 đài truyền hình, 18 cơ quan báo chí) , Hội Nhà Văn Hà Nội (4 người) và doanh nghiệp Lữ Hành (4 đơn vị) tham dự Famtrip báo chí “Một vùng đất Phú trời Yên” do Hội Nhà báo VN (Văn phòng phía Nam), Sở VHTTDL Phú Yên, Đại Thuận groups và Lửa Việt tours tổ chức từ 13 - 16.3 đã có nhiều bất ngờ với du lịch Phú Yên.

Vùng đất lâu nay từng được dân lữ hành diễn giải là “Tiềm năng phong Phú nhưng còn ngủ Yên” đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm hẹn hấp dẫn của du khách “Một vùng đất Phú, trời Yên” với nhiều cái NHẤT, rất đáng để khám phá.

* Đầu tiên việc miễn vé tham quan các điểm du lịch do tỉnh quản lý. Tại danh thắng quốc gia ghềnh Đá Dĩa, nhà vệ sinh không thu tiền nhưng rất tươm tất, sạch sẽ. Chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian hoành tráng vào tối thứ 7 hàng tuần tại tháp Nhạn cũng không bán vé mà mở cửa cho cả dân Phú Yên và khách du lịch đến thưởng ngoạn. Đây là cách làm táo bạo thể hiện sự hiếu khách, là cách PR rất hiệu quả, chưa tỉnh thành nào làm được như vậy.

* Tiếp theo là những con số 2 kỳ thú. Phú Yên có 2 vịnh nổi tiếng là Xuân Đài và Vũng Rô, 2 đầm lừng danh là Ô Loan và Cù Mông, 2 đèo nổi bật là Cù Mông (phía bắc) và đèo Cả (phía nam), 2 tuyến quốc lộ 25 và 29 (từ Tây Nguyên xuống), 2 tuyến xuyên Việt (quốc lộ 1 và đường sắt), 2 sông lớn chảy qua là Đà Rằng (sông Ba) và sông Lộ (sông Cái), 2 danh thắng quốc gia về đá là ghềnh Đá Dĩa và núi Đá Bia, 2 nhạc cụ đá độc đáo là Đàn Đá Và Kèn Đá ở Tuy An...

* Là bộ Linga - Đá Bia và Yoni - Vũng Rô của tín ngưỡng phồn thực lớn nhất thế giới. Bộ linh vật nhân tạo lớn nhất Asean thuộc di chỉ khảo cổ thánh địa Cát Tiên (Đồng Nai) chỉ cao 2,1m. Linga - Đá Bia cao 81m; sừng sững trên núi Ông, còn gọi là Thạch Bia sơn, cao 706m thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Tùy góc nhìn mà từ xa, Đá Bia nom tựa ngón tay cái khổng lồ - người Pháp gọi là Le doigt de Dieu (ngón tay của Chúa) hay cùi bắp tổ chảng - người Chăm gọi là Hduơn Ktol (cùi bắp). Tương truyền, năm 1471, đi qua vùng này, vua Lê Thánh Tôn từng cho người khắc lên đá và tên gọi Đá Bia có từ đó. Đường lên núi đẹp sững sờ. Còn Yoni - Vũng Rô rộng 16,4km2, ba mặt có núi cao che chắn, biển lặng như gương. Dọc đường thiên lí Nam - Bắc, ngang Vũng Rô, nhìn lên núi Đá Bia, khách sẽ thấy bộ Linga - Yoni của cặp đôi Sơn thần và Hải thần ngạo nghễ giữa mênh mông trời đất, gắn liền nhiều sự kiện lịch sử.

* Là ghềnh Đá Dĩa ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Ghềnh lạ lùng, đẹp hơn tranh vẽ. Nhìn xa tựa tổ ong khổng lồ vừa rớt xuống từ trời mà du khách tham quan là những chú ong cần mẫn. Tới gần, những viên đá lục giác đen tuyền, cao trên chục mét, rộng chừng 4 tấc, được bàn tay khéo léo của tạo hóa sắp xếp, đều tăm tắp, nửa chìm, nửa nổi, thực hư. Dọc đường , có rất nhiều “nhà cửa” của gia súc và cả tường nhà, bờ ruộng được xếp bằng đá rất ngộ nghĩnh. Cấu trúc đá bazan có nguồn gốc núi lửa hàng trăm triệu năm này các nước Asean không có. Biển ở đây cũng cực đẹp.

* Là hải đăng Mũi Đại Lãnh, cực Đông của tổ quốc, nơi đón ánh nắng mặt trời đầu tiên trên đất liền của lãnh thổ Việt Nam. Hải đăng cao 26,5m từ mặt đất và 110m so với mực nước biển, tín hiệu ánh sáng 27 hải lí. Leo cầu thang xoắc ốc 108 bậc để lên đỉnh chiêm ngắm biển trời xanh bạc mắt, gió hào phóng tinh khôi thỏa thuê rửa phổi. Nếu không thể qua đêm thì hẹn trước, theo “5 anh em trực chiến hải đăng” là Thắng, Bình, Linh, Trung, Nguyên đi săn (chứ không phải đi câu) cá chình biển. Hồi hộp và ấn tượng hơn cả phim hành động kiểu Mỹ. Dưới chân hải đăng là bãi Môn, hoa hậu  biển Phú Yên.

* Là nhà thờ cổ Mằng Lăng thuộc huyện Tuy An. Nhà thờ rộng 5.000m2, có khuôn viên đẹp, kiến trúc kiểu Gothic, xây dựng từ 1892. Hiện nhà thờ còn lưu giữ bảo vật của giáo hội Công Giáo Việt Nam, cuốn sách tiếng Việt đầu tiên “Phép giảng 8 ngày” in năm 1651 tại Roma, Ý của giám mục Alexandre de Rhodes, dân gian quen gọi là cha Đắc Lộ, người đã hoàn thiện và phát triển chữ quốc ngữ buổi đầu, từng sống và giảng đạo ở đây. Nhà thờ còn lưu giữ nhiều di vật của Andre Phú Yên (1624 – 1644), thánh tử vì đạo đầu tiên của Việt Nam. Theo người dân Phú Yên thì tên gọi Mằng Lăng là đọc trệch từ bằng lăng, loại cây có hoa màu tím, miền bắc gọi là săng lẻ, miền Nam gọi là thao lao (đọc trệch từ srao lao của người Khmer).

* Là tháp Nhạn, tháp Chăm đầu tiên được thắp sáng  vào buổi tối ở Việt Nam. Tháp đặt trên núi Nhạn, còn gọi là núi Bảo Tháp, núi Tháp Dinh, núi Khỉ (vì rất nhiều khỉ). Tháp cao 22m, hình vuông, mỗi cạnh 10m, xây dựng từ thế kỷ 12. Khi lên đèn, tháp Nhạn lung linh mờ ảo, đẹp như mơ. Khá khen cho sáng kiến làm đẹp tháp Nhạn về đêm để khách và nam thanh nữ tú khắp nơi nườm nượp lên hóng gió và ngắm Tuy Hòa. Cảnh trí gợi nhớ đến đồi Montmatre của Paris tráng lệ. Tối thứ 7 hàng tuần, có biểu diễn ca nhạc dân gian miễn phí.

* Là phố ẩm thực Bờ Kè với các đặc sản địa phương mà đặc biệt là cá ngừ, còn gọi là cá bò gù. Phú Yên là “thủ đô” của cá ngừ Việt Nam với hàng chục món ngon mà nổi tiếng hơn cả là “Mắt cá ngừ tiềm thuốc bắc”, còn gọi là “Đèn pha đại dương”, nghe đồn là Viagra của dân biển. Rồi các món “Gỏi bao tử cá ngừ”, “Ức cá ngừ 5 món”, “Cháo, súp hoặc lẩu đầu cá ngừ”, “cà ri vi cá ngừ”, “Cá ngừ cắt lát cuộn cải đắng xanh”, “cá ngừ sushi; nướng sa tế, ớt hoặc vang đỏ”, “cá  ngừ kho măng, canh măng, um, kho ớt, lúc lắc, xào đậu”; “các món cá ngừ trộn rau nhút, salad, nui”, “ba chỉ cuộn cá ngừ”, “đậu hủ và cà chua nhồi cá ngừ” ...Có cả tiệc buffet cá ngừ hoành tráng. Chưa kể các món ngon khác, tha hồ mà chọn lựa. Đảm bảo giá cả hợp lí, không có nạn chặt chém du khách.

*Phú Yên cũng vừa khai trương giai đoạn 1 trạm dừng A Stop ở huyện Sông Cầu. Trên đường xuôi ngược Nam Bắc, đây là trạm dừng được qui hoạch bài bản và chất lượng. Khách sạn Cen Deluxe và Vietstar resort là 2 đơn vị 5 sao đầu tiên mở cửa đón sinh viên ngành du lịch đến thực địa. Hơn thế,  còn hỗ trợ cho các đoàn sinh viên thực tập đến lưu trú với giá cực mềm… 

Bạn còn chần chờ gì nữa, mà chưa nhanh chân ra xứ Nẫu thưởng ngoạn những cái nhất độc đáo của Phú Yên. Biết đâu bạn sẽ phát hiện thêm mấy cái nhất lý thú khác.

 

* Nguyễn Văn Mỹ



CÁCH CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT


Khi làm việc với các đối tác nước ngoài và đưa khách quốc tế đi du lịch, họ hay hỏi về các phong tục và văn hóa Việt Nam. Câu hỏi thường gặp và làm tôi bối rối nhất là “Cách chào nhau của người Việt Nam?”. Tôi trả lời: “Người Việt chào nhau bằng cách vòng 2 tay trước ngực và cúi đầu”. Nhiều người thích thú bởi cách chào độc đáo, rất Việt Nam này. Cách đây mấy tháng, Derek, một người bạn Anh gặp lại tôi và  thắc mắc “Anh bảo người Việt chào nhau bằng cách vòng tay cúi đầu nhưng khi tôi làm như vậy thì bị chế diễu. Họ nói với tôi là cách chào này chỉ dành cho trẻ con chào người lớn?”. “Thế người lớn chào lại thế nào?” Derek hỏi lại. “Thường là xoa đầu các em nhỏ và gật đầu với các em lớn hơn”. “Còn người lớn chào nhau?”. “Có nhiều cách như giơ cánh tay vẫy, cúi đầu chắp tay trước ngực hoặc xuôi tay gập người”. Derek lắc đầu cười “Không hiểu, không hiểu”. Tôi lúng túng thật sự.

Đem chuyện này trao đổi với các đồng nghiệp và sinh viên, ai cũng giật mình và tranh luận sôi nổi. Tại  sao một đất nước tự hào với mấy ngàn năm văn hiến oanh liệt mà đến cách chào riêng cũng chẳng có?. Các nhà lãnh đạo, quan chức, doanh nghiệp và bô lão; mỗi người chào một kiểu. Giơ cánh tay vẫy là cách chào của người Mỹ và châu Âu. Cúi đầu chắp tay trước ngực là cách chào của Ấn Độ và nhiều nước Asean. Xuôi tay gập người là cách chào của Nhật Bản, Hàn Quốc…rất xa lạ với văn hóa Việt Nam. Nhớ lại, sau 1975, nhiều người đã lên án gay gắt cách chào truyền thống chắp tay trước ngực và cúi đầu là tàn dư phong kiến, mang nặng tư tưởng nô lệ, phải kiên quyết giải phóng, kể cả với trẻ em. Gần đây, cách chào này mới được phục hồi nhưng chỉ dành cho trẻ em.

Cách chào của người Mỹ và châu Âu được xem là phóng khoáng, cởi mở. Cách chào của Ấn Độ, Nhật Bản…là khiêm tốn và lắng nghe. Cách chào vòng tay trước ngực và cúi đầu của người Việt vừa khiêm tốn lắng nghe, vừa trân trọng người đối diện. Khi chào, người nhỏ tuổi hơn, cấp bậc nhỏ hơn sẽ chào trước. Người lớn tuổi hơn, cấp bậc cao hơn sẽ chào lại đáp lễ, cùng trân trọng và lắng nghe.

Trong buổi giao lưu giữa tác giả với bạn đọc trong Hội Sách thành phố lần 8 tại công viên Lê Văn Tám, tôi đã xin phép chào độc giả bằng cách vòng 2 tay trước ngực và cúi đầu, được khán giả đồng tình và vỗ tay nhiệt liệt. Sau buổi giao lưu, nhiều người đề nghị tôi viết bài về việc này. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có những hội thảo, diễn đàn để thống nhất cách chào Việt Nam. Việc nhỏ, rất nhỏ, nhưng là một phần của bộ mặt văn hóa và quốc thể người Việt. Theo thiển ý của tôi, có tham khảo ý kiến một số bạn bè, cả trong và ngoài nước; thì cách chào vòng 2 tay trước ngực và cúi đầu là Việt Nam nhất?


* Nguyễn Văn Mỹ



NGƯỜI GIÀU DẠY CON


Việt Nam được thế giới công nhận vừa vượt qua ngưỡng nghèo đầy gian nan. Chuẩn này lấy thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Nghĩa là 2/3 dân số Việt Nam vẫn còn rất nghèo. Dù còn rất nghèo nhưng người Việt nổi tiếng xài sang, nổi tiếng lãng phí. Có dịp ra nước ngoài làm việc với các đối tác, gặp gỡ sinh viên quốc tế mới thấy họ “nghèo” hơn mình nhiều. Từ xe cộ, điện thoại, máy tính, quần áo và cả ăn nhậu…đều bị người Việt bỏ xa.

Thiên hạ xem những thứ đó chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống nên tùy khả năng mà sắm sửa. Người Việt thì coi đó là mục đích, là cứu cánh, thể hiện đẳng cấp nên ganh đua kiểu “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Việt Nam là thị trường béo bở và có tốc độ phát triển nhanh nhất các loại hàng xa xỉ. Sắm sửa để che đậy cái nghèo, để thiên hạ thấy mình giàu hơn, sành điệu hơn. Thay vì thi đua ai học giỏi hơn, biết nhiều ngoại ngữ hơn, làm từ thiện tốt hơn, kiến thức sâu rộng hơn…thì cứ chăm bẳm ai xài hàng hiệu mới nhất, xịn nhất. Thay vì coi cái nghèo là nỗi nhục, phải tìm cách vượt qua thì họ xem đó là số phận nên luôn tìm cách khỏa lấp bằng hàng hóa. Sẽ có người phản biện “Tôi xài tiền của tôi. Nhịn ăn, nhịn học, vay tiền để sắm sửa là chuyện của tôi, hà cớ gì mấy người rỗi hơi thắc mắc. Tôi đâu có cướp giật hay tham ô để mua sắm?”. Nếu chỉ một số người nghĩ vậy thì không sao, nhưng cả một thế hệ, cả một dân tộc cũng nghĩ vậy thì chí nguy, nhất là khi đất nước đang nghèo, các nhà lãnh đạo vẫn ngày ngày xách cặp đi xin viện trợ.

Tôi nghiệm ra là những người giỏi thật sự, giàu thật sự họ ít phô trương. Chỉ có những người giỏi nhờ chạy chọt, nhờ thân thế; những người giàu “đột xuất” mới tìm mọi cách để khoe khoang, bởi “Thùng rỗng thì kêu to”. Con cái của mấy đại gia mới nổi nhờ thời thế, so với thiên hạ chỉ tép riu nhưng cách họ xài tiền thì các tỉ phú hàng đầu thế giới phải gọi bằng cụ. Lâu lâu đọc báo, thấy hình tỉ phú thế giới này lộ đôi vớ rách, tỉ phú kia đi giày vẹt đế, xài điện thoại đời “ông nội”…mà tức cười. Họ cũng không quan tâm lắm đến những “tiểu tiết” mà người Việt xem là “đại sự” đó. Các siêu giàu thế giới như Buffett, Pritzker, Carlson…có cách dạy con rất khôn ngoan. Đặc biệt là cách dạy con của Warren Buffett (sinh năm 1930), người giàu thứ 2 thế giới, một trong những “Nhà quản trị tài chính giỏi nhất thế kỷ 20” (1999), một trong “100 người có quyền lực nhất thế giới” (2007)… Warren còn quyết định tặng 99% tài sản cho các quỹ từ thiện.

Dù thuộc loại siêu giàu, gia đình Buffett vẫn sống trong căn hộ bình thường, mua từ 1958. Các con đi học trường công, bằng xe bus, hạnh phúc và thân thiên với bạn học lẫn láng giềng. Warren làm việc ở nhà, không có văn phòng riêng, không có thư ký hay trợ lý, bình thường như bao người bình thường khác. Khi ông xuất hiện trên truyền hình và có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới, các con ông và hàng xóm còn tưởng là chuyện “Những người thích đùa” hay “Cá tháng 4”. Cả nhà Warren vẫn không thay đổi chỗ ở, vẫn duy trì nếp sống và quan hệ bình thường với mọi người chung quanh. Họ quí mến, kính trọng gia đình ông vì cuộc đời thực của ông và các con chứ không phải vì sự giàu có. Mọi quyết định Warren đều bàn bạc với các con, không áp đặt suy nghĩ của mình và luôn được thống nhất. Bởi “Bài học tốt nhất cho các con là tấm gương thực của ba mẹ chúng”. Các con ông giờ đã trưởng thành, tiếp tục sự nghiệp của cha, không bao giờ ỷ lại, biết tự lực vươn lên và tiết kiệm mọi nơi mọi lúc. Tài sản ông để lại cho các con vừa đủ làm vốn liếng để phát triển theo cách của mình.

Nghĩ lại cách dạy con của mấy đại gia Việt Nam mà phát hoảng.

 

*Nguyễn Văn Mỹ



KỲ THÚ HỒ TRỊ AN

 

Xét về diện tích, Trị An là anh cả trong các hồ ở Việt Nam, kể cả tự nhiên và nhân tạo. Hồ rộng 32.300 ha; gấp 11,5 lần hồ T’ Nưng. Nếu  T’ Nưng (rộng 280 ha) được gọi là Biển Hồ thì Trị An phải là Đại Biển Hồ. Hồ Trị An hình thành với thủy điện cùng tên; công suất phát điện hơn 1,7 tỉ kwh/năm. Hồ rộng thứ 2 là Dầu Tiếng - Tây Ninh, 27.000 ha; rộng thứ 3 là Thác Bà, 19.050 ha. Còn xét về dung tích nước thì hồ Hòa Bình dẫn đầu với 9,45 tỉ m3; công suất phát điện 8,16 tỉ kwh/năm.  Thác Bà xếp thứ 2 với 3,9 tỉ; nhưng công suất chỉ hơn 400 triệu kmh/năm; còn Dầu Tiếng là hồ thủy lợi.

Có dịp lênh đênh trên Trị An mới thấy hết cái lãng mạn và mênh mông cảm xúc của hồ. Cùng sông mẹ Đồng Nai (sông chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài nhất, 580 km) và các phụ lưu như La Ngà, sông Bé ngồn ngộn phù sa nhưng đổ vào Trị An là biếc xanh con gái. Trị An có hơn 40 đảo. Có những đảo trở thành thân quen như đảo Đồng Trường, đảo Ó của du lịch Đồng Nai và gần đây là đảo Robinson của ca sĩ Cao Minh. Gọi như vậy bởi đảo không có người ở. Trị An là túi cá nước ngọt tự nhiên khổng lồ của cả vùng Đông Nam bộ, là điểm hẹn lý tưởng của dân ghiền câu cá. Có cả hội câu cá Trị An và hội thi câu cá rôm rả. Du thuyền trên hồ đón bình minh hay đợi hoàng hôn đều tuyệt vời nhưng đã nhất là ngủ đêm trên hồ. Hoặc mặc áo phao, chọn nơi nước trong xanh nhất rồi nhảy ùm xuống tắm.

Trong lần đến Khu bảo tồn Thiên Nhiên - Văn Hóa Đồng Nai, tôi gặp lại anh Trần Văn Mùi, người bạn thân thiết của Lửa Việt từ những ngày đầu lên vườn quốc gia Cát Tiên gần 20 năm trước. Anh em hàn huyên tâm sự đủ chuyện đời. Anh đãi tôi mấy món lạ, đặc sản “cây nhà, lá vườn, cá hồ” của khu bảo tồn, chế biến từ cá cơm, cá kìm và rau rừng. Là người đi và biết khá nhiều chuyện, nhiều món ngon; vậy mà vẫn há hốc mồm, ngạc nhiên vì quá nhiều điều mới lạ. Lâu nay, chỉ nghe nói cá cơm và cá kìm ở biển; chứ không biết có cá cơm, cá kìm ở hồ nước ngọt ?. Hôm ấy, tôi được ăn bữa buffet  cá cơm và cá kìm nhớ đời. Từ chiên bột, chiên dòn, chiên tỏi ớt, rang chua ngọt, gỏi tươi, gỏi khô, canh chua, kho tiêu, kho nghệ, kho điều, kho khế, kho sả ớt, mắm, nước mắm… Riêng gỏi cũng tới mấy món, tôi khoái nhất món gỏi cá kìm khô với xoài xanh. Nước chấm là mắm, nước mắm,  tương, chao… chế biến theo phong cách Nam bộ. Ăn không biết no, tới lúc đứng dậy thì ách bụng mà vẫn muốn ăn thêm. Về Sài Gòn, cả tuần sau vẫn nhớ. Có lẽ do môi trường và thổ nhưỡng, cá cơm và cá kìm hồ Trị An béo và thơm ngọt hơn ở biển ?

Tôi đã du thuyền trên hồ vào những thời điểm khác nhau, đã lênh đênh gần cả giờ vượt hồ, từ xã Mã Đà, Vĩnh Cửu lên xã Phú Cường, Định Quán đi bắt cá cơm, cá kìm. Từ ngày có hồ Trị An, bà con Phú Cường có thêm nghề đánh bắt thủy sản, cả xã có hơn 50 thuyền, mỗi thuyền ít nhất 2 người. Có nhiều cách bắt cá cơm như lưới kéo khơi, lưới rê, te (còn gọi là ủi)  và vó bằng đèn măng sông…Dân Trị An chủ yếu dùng  cách te (chủ động) và lưới rê (thụ động). Lưới te như chiếc vợt tổ chảng, nhỏ dần phần đáy (gọi là đụt) để chứa cá. Mắt lưới cá cơm chỉ 0,5 cm; bằng hoặc nhỏ dần phía đụt. Gọng lưới làm bằng tre hoặc gỗ, có dây thừng nối  2 đầu. Để dụ cá, mỗi thuyền dùng vài chục đèn măng sông đặt trên phao xốp, mỗi đèn cách nhau chừng 50 - 100m. Sau vài giờ, thuyền áp sát đèn độ 3m, hạ lưới te vào giữa và vớt đèn lên, cá rớt xuống đụt. Cứ thế xoay vòng lần lượt từng đèn cho tới sáng. Lưới rê hình chữ nhật, dài cả ngàn mét, phía trên giềng phao và cờ hiệu, cách khoảng 30m có đèn dầu để dụ cá, phía dưới giềng chì. Giăng lưới xong, neo thuyền đợi. Gần sáng thì thu lưới, treo lên giá gỗ trên tàu, dùng gậy có cước lớn đập vào lưới để rũ cá. Cách rê nhàn hơn và năng suất chỉ chừng 1/3 te. Đánh bắt cá kìm cũng tượng tự như cá cơm, hơi khác là mắt lưới lớn gấp đôi, cỡ 1 cm và chỉ có cách duy nhất là te.

Anh Nguyễn Văn Tuấn là tay lão luyện trong nghề, có khả năng “đọc” đường đi của cá, vừa cho thuyền “ủi” tới vừa giải thích “Ủi cá kìm thì là là mặt nước, sâu lắm cũng 1 m độ lại. Cá cơm thì sâu hơn, chừng 3 - 4 m”. Ủi thấy nặng thuyền là cất lưới, đổ cá vào khoang, ướp đá. Bắt cá cơm, chừng 8 giờ tối là dong thuyền ra hồ thả đèn, ủi lúc nào thấy mệt thì về. Cá kìm thì trễ hơn vài giờ. Mỗi đêm chịu khó cũng ủi được 50 - 70 kg cá cơm, cá kìm thì ít hơn. Bữa trúng có khi hơn tạ, nhưng có hôm chỉ dăm ba chục kg mỗi thuyền. Lên bờ là có thương lái bao tiêu, sau khi dành để ăn, làm khô, làm mắm…Hình như ban ngày cá ngủ, đêm mới kéo nhau tìm mồi? ”. Tập làm ngư dân te cá cơm, cá kìm là điểm nhấn hấp dẫn, vừa lao động khám phá, vừa thể dục rèn luyện và biết thêm bao điều thú vị.

Còn “Cây nhà, lá vườn” của khu bảo tồn là 39 loại rau rừng, chưa kể hàng chục loại lá dùng để nấu “nước sâm Trị An”. Mỗi loại đều có hương vị riêng, vừa kích thích tiêu hóa, vừa là vị thuốc, còn hơn cả thực phẩm chức năng, tạo cho bữa ăn càng ngon miệng. Hôm ấy, chỉ 18 loại mà tôi đã hoa mắt, nhớ không hết. Có những loại lá từng ăn như Tàu bay, Cát lòi, Bứa, Lành ngạnh, Lộc vừng, Sung, Điều, Xoài, Đinh lăng, Đọt mây…Có những loại lần đầu khai vị như Chân voi, Tam lang, Bằng lăng, Nhíp, Lý, Bướm, Bìm bìm, Trung quân…Nhiều lá, tôi biết từ lâu nhưng không biết có thể ăn được. Tháng 4 này sẽ có ngay tour độc “Kỳ thú hồ Trị An”, chỉ 2 ngày cuối tuần là thỏa sức khám phá. Vào rừng Mã Đà, tìm hiểu và thi hái các loại lá rừng. Tối du thuyền lên Phú Cường, tham gia “ủi” cá cơm cá kìm với ngư dân rồi chia nhau chế biến và thanh toán các “chiến lợi phẩm” với rau rừng thu hoạch. Đã đời với buffet cá thì giăng võng hoặc trải chiếu “mơ cùng trăng sao và gió hồ”, phiêu du vào cõi vô thường. Tha hồ rửa mắt, rửa bụng và rửa phổi.

Mới hay tour lạ chẳng cần đâu xa, có khi là những việc gần gũi chung quanh mà ta vô tình chưa biết.


*Nguyễn Văn Mỹ



DOANH NHÂN CŨNG LÀ CÔNG DÂN

Mấy ngày nay, dư luận sôi sục việc Trung Quốc (TQ) kéo dàn khoan khổng lồ với nhiều tàu hộ tống, có cả tàu chiến, vào gây sự ở biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam (VN). Lo lắng thì ít mà giận dữ thì nhiều.  Họ đã bày đủ trò hèn hạ để phá rối, làm lũng đoạn và tìm cách thôn tính thị trường VN với nhiều cách làm quái đản. Đáng tiếc là cung cách quản lý quan liêu và yếu kém của VN đã vô tình tiếp tay nối giáo cho chủ nghĩa bành trướng  Đại Hán. Vừa mới trỗi dậy, TQ đã gây sự và để tiếng xấu khắp năm châu. Dẫu nền kinh tế TQ được xếp thứ 2 thế giới, sau Mỹ và trên Nhật Bản nhưng  vài chục năm nữa, TQ cũng chưa thể ngồi ngang chiếu với Nhật Bản nếu tính theo thu nhập đầu người. TQ có 1,4 tỉ dân; Nhật Bản 130 triệu dân thì TQ xếp sau Nhật Bản mới lạ.

Trong quan hệ xã hội, cha ông mình từng dạy “mềm nắn, rắn buông”. Thái độ ngang ngược của TQ hiện nay là cụ thể những tính toán thâm độc, có lộ trình và đối sách với từng nước riêng, cả trong đất liền và trên biển cả. Trên đất liền, VN đã ưu ái cho TQ quá nhiều dự án, cả những vùng trọng điểm quốc phòng, kéo theo nhiều hệ lụy. TQ đi tới đâu, công nhân họ theo lập làng, dựng phố tới đó; máy móc thiết bị thì lạc hậu và tay nghề kém nên tiến độ thi công chưa bao giờ đảm bảo. Trên biển thì VN nhún nhường quá mức. Hoàng Sa - Trường Sa VN là của VN, cả thế giới đều công nhận. Khi TQ ngỗ ngược cấm ngư dân VN đánh cá trong vùng biển chủ quyền VN, thường xuyên tấn công, bắt nạt, phá hoại tàu thuyền và hành hung ngư dân VN, thì VN chỉ “cực lực phản đối” qua người phát ngôn. Nếu VN có động thái quyết liệt hơn, kể cả việc kiện TQ ra tòa án quốc tế như Philippines đang làm thì chắc chắn TQ chưa dám kéo dàn khoan vào biển VN nghênh ngang như vậy.

Lần này, phản ứng VN có mạnh mẽ hơn và tỏ rõ lập trường sẵn sàng đáp trả nếu TQ cứ lấn tới.  Mỹ đã có những tuyên bố cứng rắn lên án TQ. Nhật Bản, Ấn Độ là những nước đang có xung đột và mâu thuẫn với TQ cũng lên tiếng bênh vực VN nhưng các nước Asean vẫn im lặng. Bản chất TQ là “Vừa ăn cướp vừa la làng”, thiên hạ ai cũng biết. Tục ngữ VN có câu “Lửa thử vàng”,  “Khi hoạn nạn mới hay bạn tốt” , “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Khi TQ xua tàu chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines trên biển Đông thì VN chỉ lên tiếng can ngăn thay vì phản đối. Tương tự với Malaysia cũng vậy. Nên khi VN bị TQ uy hiếp, họ cũng giữ thái độ chừng mực như mình trước đây. TQ rất giỏi chiến thuật “Bẻ đũa từng chiếc”. Đã đến lúc VN điều chỉnh quan hệ đối ngoại, đoàn kết với các nước đang bị TQ uy hiếp, đặc biệt là Philippines. Đặng Tiểu Bình, “kiến trúc sư” cải cách kinh tế TQ, người phát động chiến tranh xâm lược VN vào ngày 17.02.1979, từng khẳng định: “Tất cả chân lý phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn”. “16 chữ vàng” và “Bốn tốt” đã được thực tiễn kiểm nghiệm quá rõ ràng qua rất nhiều hành động cụ thể của TQ đối với VN.

Hơn bất cứ dân tộc nào, người VN rất yêu chuộng hòa bình bởi từng đi qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt. Lịch sử VN đã chứng minh “Bất luận kẻ thù nào, dù hung bạo quỉ quyệt, đến xâm lược VN, trước sau cũng chuốc lấy thất bại”. Các triều đại phong kiến TQ trước đây cũng chưa bao giờ khuất phục được VN. Thậm chí, vào thế kỷ XIII, người TQ còn cảm thán và kêu lên rằng: “Nếu dân tộc VN sinh ra ở phương Bắc thì vó ngựa Nguyên Mông không thể dẫm nát châu Âu. Nếu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh ra ở Nhà Tống thì người TQ không bị đô hộ cả trăm năm!”. Tôi không tin là chiến tranh có thể xảy ra. TQ đang tìm mọi cách khiêu khích chọc VN nổi đóa, ra tay trước để lấy cớ đáp trả hủy diệt. VN thừa hiểu bụng dạ TQ, “Bốn tốt” nhưng tới “Mười xấu”, chẳng dại gì mắc bẫy. Nếu chiến tranh xảy ra, VN sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đỡ lo vì phải toàn xài hàng nhiễm độcTQ. Chính  TQ mới là là kẻ gánh chịu nhiều thiệt hại hơn cả, từ kinh tế đến ngoại giao. Cán cân thương mại Việt - Trung đang nghiêng hẳn về phía TQ. Các doanh nghiệp TQ đang lo sốt vó vì nếu xung đột leo thang; các nhà máy phải đóng cửa, người TQ cũng phải rời bỏ các “làng - phố” ở VN và về nước thất nghiệp.

Tôi có nhiều bạn bè TQ. Trừ những lãnh đạo hiếu chiến, có ý đồ riêng và những người theo chủ nghĩa Đại Hán, người TQ chẳng ai muốn xung đột hay chiến tranh xảy ra, không chỉ với VN và với bất cứ nước nào. Nhân dân TQ cũng như nhân dân VN, chỉ muốn yên ổn để làm ăn và làm giàu. Chiến tranh đi tới đâu, chết chóc và hủy diệt đi tới đó. Bên nào thắng thì nhân dân cũng bại. Vấn đề là đừng để chiến tranh xảy ra. Nhưng dân tộc VN không phải vì thế mà khiếp nhược và chấp nhận lệ thuộc.

Mềm mỏng, kiên quyết, biết dựa vào sức mạnh nhân dân và của nhân loại, buộc đối thủ không dám thực hiện những ý đồ xấu xa. Việc cấp bách phải làm là kiên quyết kiện TQ ra tòa án quốc tế để đòi lại Hoàng Sa (bị chiếm 1974) và 8 đảo ở Trường Sa (bị chiếm 1988). Song song, phải giảm dần sự lệ thuộc vào TQ trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Muốn không bị bắt nạt thì mình phải đủ mạnh và có bạn bè chí cốt, biết đoàn kết với các nước cùng cảnh ngộ. Doanh nhân, trước hết cũng là công dân. Không thể đứng ngoài thời cuộc, thờ ơ với vận mệnh của đất nước. Trước khi nước mất thì nhà và cả doanh nghiệp đã tan. Không phải tự nhiên mà tất cả đền thờ các danh tướng, các anh hùng VN đều quay mặt về hướng Bắc và cột đá thề của An Dương Vương không ghi chữ nào :

“Đứng trước đền Sóc Sơn, tôi hỏi các cụ già:

Sao những cổng đền lại quay về hướng Bắc?

Các cụ cười rung chòm râu thưa:

Phía ấy, ngày xưa, thường có giặc!”.

“Mấy ngàn năm cột đá vẫn còn đây.

Sao những lời thề không khắc vào đá?

Có phải những lời thề thiêng liêng trừ giặc giã,

Đã tạc tự bao đời - TRONG DẠ MỖI NGƯỜI DÂN!”.

(Đọc trên báo Văn Nghệ, lâu rồi quên tên tác giả)


 * Nguyễn Văn Mỹ


 

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Mấy ngày nay, dư luận bức xúc việc Cục Xuất Nhập Cảnh Thái Lan (CXNCTL) liệt Việt Nam vào cuối bảng “Những quốc gia xấu xí” bên cạnh Afghanistan, Pakistan, Bangladseh, Iraq…Tệ hại hơn, họ còn buộc du khách Việt; dù đi đoàn hay cá nhân, kể cả lãnh đạo các doanh nghiệp, xòe tiền ngang mặt để chụp hình như tội phạm trước thiên hạ tại các cửa khẩu đường bộ. Đó là hành động sỉ nhục quốc thể đáng lên án. Tổng Cục Du Lịch (TCDL) và Cục Lãnh Sự bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gởi công hàm yêu cầu Thái Lan giải thích và chấm dứt hành vi phân biệt đối xử với khách Việt. Dư luận đang đòi hỏi CXNCTL phải xin lỗi những du khách đã bị họ làm nhục. Điều đáng nói là việc này xảy ra cả gần năm nay nhưng TCDL và các Hiệp Hội Du Lịch gần như không biết.  Chỉ khi đoàn cravan xe cổ Volwagen Sài Gòn do Lửa Việt tổ chức đi Campuchia, qua cửa khẩu Anaryaprathet vào Thái thì mới to chuyện. Báo chí vào cuộc và mọi người mới vỡ lẽ. Nếu CXNCTL không chấm dứt và xin lỗi, người Việt sẽ tẩy chay du lịch Thái.

Nhân dịp này, người Việt cần nghiêm khắc nhìn lại mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “Không có lửa sao có khói?”. Không ai tự nhiên gây sự với những người mang tiền vào làm giàu cho nước mình cả. Chung qui cũng bởi những người Việt xấu xí, luôn tìm cách “xuất khẩu tệ nạn” qua xứ họ. “Con sâu làm rầu nồi canh”. Từ việc lợi dụng các lễ hội để móc túi, giựt dọc đến việc mãi dâm và lao động trái phép với nhiều vấn nạn. Báo chí cả 2 nước đã lên tiếng nhưng Việt Nam chưa có cách gì chấn chỉnh. Khi ra nước ngoài bị kỳ thị hay sỉ nhục, người Việt hoặc chịu đựng, hoặc chỉ to mồm lúc đó chứ chưa biết gõ cửa các sứ quán, các cơ quan trách nhiệm và cả báo chí để làm tới cùng. Mà nào chỉ có Thái Lan xem thường người Việt. Hễ chỗ nào có người Việt đông là dân bản xứ họ khó chịu. Ở Thái Lan, Campuchia và Lào không chỉ có Việt kiều mà còn có “Việt liều” (ở và lao động trái phép) và cả “Việt gian” (tội phạm). Các nước như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều có bảng cảnh báo về thói xấu của người Việt. Người Việt xin visa rất nhiêu khê, kể cả mấy nước ngày xưa thua kém mình. Khó và đắt nhất là đi Nga chứ không phải đi Mỹ hay châu Âu. Một số người nước ngoài, rất yêu Việt Nam nhưng không nhập tịch vì sợ bị làm khó dễ khi ra nước ngoài.  Nhiều người cho rằng tại mình nghèo nên mới vậy? Campuchia và Lào nghèo hơn Việt Nam nhiều sao không bị kỳ thị?. Thiên hạ khinh vì mình qua xứ họ mà không có văn hóa và mang theo nhiều thói hư tật xấu.

Thời bao cấp, đi nước ngoài, dù công tác hay học tập đều nhằm mục đích “Đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức” nên bị khinh thường là đương nhiên. Mấy nước Đông Âu thời đó, người Việt còn có những đường dây độc quyền mua hàng, dân bản xứ cũng phải nhờ cậy. Giờ đổi mới, người Việt đi du lịch, học tập và định cư ở nước ngoài hà rầm. Chỗ nào khách Việt đông là dân châu Âu họ tránh vì sợ ồn ào, sợ bị làm phiền. Ra nước ngoài, người Việt ít chịu xếp hàng. Ăn buffet cứ chen ngang dưới nách Tây và lấy đồ ăn thừa mứa, chưa kể còn lén đem về. Vào thang máy hay lên tàu điện chẳng chịu nhường ai; trong chưa ra, ngoài đã ào vào. Quần áo thì như đang ở nhà mình, cứ vô tư ra phố với đồ bộ để ngủ. Các thói quen xả rác, khạc nhổ, hút thuốc, đi bộ sai luật, hay ngậm tăm sau khi ăn…cứ tưởng chỉ có ở dân quê mà cả cánh trí thức, nhà văn, chủ doanh nghiệp. Tham quan ít chịu nghe thuyết minh, không quan tâm đến văn hóa, lịch sử bản xứ mà cứ ào đi chụp ảnh. Không thấy ai là dẫm lên cỏ, ngồi lên hoa chụp hình dù có bảng cấm. Thích khoe của, khoái phô trương  và luôn tìm cách trốn vé, ăn gian khi mua hàng vì “Ăn vụng thú vị và đã hơn?”. Có người còn xem đó là chiến tích. Nạn ăn cắp vặt khi vào siêu thị, nạn buôn lậu không chỉ của nhân viên mà cả cán bộ sứ quán hoặc lãnh đạo đi công tác càng làm cho hình ảnh người Việt bị méo mó. Không chỉ chia rẽ, thiếu đoàn kết; thậm chí, người Việt còn làm khổ, làm hại nhau nên thiên hạ càng xem thường.

Người ta tổng kết rằng người Việt hung hăng. Va quệt nhỏ cũng muốn ăn thua đủ. Thù dai, mấy chục năm kết thúc chiến tranh vẫn kình địch chống đối.  Đố kỵ, chẳng muốn ai hơn mình, càng không thể giúp ai để họ hơn mình. Khôn ranh, cái gì cũng muốn hơn thiên hạ, kể cả việc phá giá chơi nhau và tư duy kiểu thằng Bờm. Không trung thực từ việp xếp hàng, khai báo, mua sắm…bởi việc nói dối đã thành hệ thống hoàn chỉnh. Xem thường pháp luật, cứ tưởng thiên hạ như xứ mình, nói một đằng làm một nẻo nên tha hồ vi phạm; có gì thì năn nỉ, chạy chọt. Gian tham từ trong học tập đến công việc. Tư lợi, cứ có chút lợi riêng là làm bất chấp thể diện quốc gia và lợi ích dân tộc. Lãnh đạo các cấp chưa gương mẫu nên “Thượng bất chính hạ tắc loạn”. Nhiều nhất là việc đi du lịch rồi trốn ở lại hoặc đi hợp tác lao động rồi bỏ ra ngoài bất hợp pháp; kết bè, lập đảng gây rối trật tự. Nhiều việc bình thường ở xứ mình nhưng tối kỵ ở xứ người. Cái gốc của đạo lý trong nước đã mục nát nên có dịp ra ngoài là “xuất khẩu tệ nạn”. Nhiều năm làm hướng dẫn viên, lắm lúc xấu hổ muốn độn thổ vì thói xấu của người Việt, từ dân thường đến lãnh đạo.

Từ ngày lập quốc, chưa bao giờ hình ảnh người Việt trong mắt thiên hạ lại xấu xí như hiện nay. Việc bị kỳ thị và phân biệt đối xử tùy theo cấp độ và dạng thức khác nhau nhưng gần như nước nào cũng có. Không phải bổng dưng mà họ đối xử với mình như vậy. Đáng buồn,  chưa có cơ quan đoàn thể nào lên tiếng báo động để kịp thời chấn chỉnh nên bệnh càng lây lan và chưa có thuốc chữa. Lâu nay, mình chỉ quen tâng bốc nhau kiểu AQ chính truyện. Khi nói về những thói xấu người Việt, nhằm đánh động lòng tự trọng và cả tự hào dân tộc để sửa sai thì bị chụp mũ “nói xấu người Việt”, “nói xấu chế độ”.

Việc sỉ nhục khách Việt của CXNCTL như giọt nước tràn ly, đánh động vào lương tâm và lòng tự trọng của những người Việt chân chính. Trong cái rủi, có cái may. Nhờ vậy, mới có dịp nhìn lại những thói hư tật xấu của mình để tìm cách khắc phục. Chuyện cấp bách lắm rồi. Không thể nào chậm trễ. Mỗi cá nhân cho đến các tập thể cần có những hành động cụ thể. Phải chấn chỉnh từ trong nước. Thời đại internet, bất cứ việc tốt xấu gì xảy ra trên trái đất này, chỉ cần vài phút là cả thế giới biết. Cần tăng hình phạt và xử lí nghiêm những người Việt xấu xí ở nước ngoài; chức càng to, tội càng lớn. Giận thiên hạ thì ít mà buồn và xấu hổ cho mình thì nhiều. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, e rằng những chuyến đi xa ngày càng có thêm nhiều vị đắng, người Việt càng tiếp tục bị khinh thường.

Chỉ có ta mới giúp ta được. Không thể bắt thiên hạ phải nghĩ tốt trong khi mình còn nhiều cái xấu mà không chịu sửa.

 

* Nguyễn Văn Mỹ


ĐỂ LÒNG TỰ TRỌNG KHÔNG BỊ TỔN THƯƠNG


Loạt bài về việc du khách Việt bị Cục Xuất Nhập Cảnh Thái Lan (CXNCTL)  thuộc bộ Ngoại Giao (không phải là Hải Quan) bắt xòe tiền ngang mặt và chụp hình trên báo Thanh Niên đã tạo sự quan tâm đặc biệt của dư luận, chỉ xếp sau sự kiện dàn khoan Trung Quốc ngang ngược xâm phạm thềm lục địa Việt Nam. Hàng chục ngàn comment được phản hồi với nhiều cung bậc. Người bức xúc do “quốc thể bị sỉ nhục”, đòi trả đũa tương tự hoặc tẩy chay du lịch Thái.  Người chua chát vì “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải xem lại mình trước, bởi “không có lửa, sao có khói?”.

Sự việc cần phải bình tĩnh, xem xét thấu đáo để giải quyết kịp thời và thấu tình, đạt lý. Chuyện người Việt ra nước ngoài bị phân biệt đối xử đã có từ sau 1975 ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Lúc đó, dù đi học hay đi công tác; đều là dịp để “Đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức”; thiên hạ khinh thường là đương nhiên. Đáng tiếc là các cấp quản lý chưa quan tâm để chấn chỉnh nên ngày càng tệ hại. Việc một số cán bộ các sứ quán hoặc lãnh đạo đi công tác vi phạm pháp luật sở tại, được báo chí nước ngoài “bêu dương” càng làm mất uy tín của người Việt.  Nhiều nước, từng một thời thua kém Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều có những bảng cảnh báo bằng tiếng Việt về các thói xấu của người Việt. Việc xin visa vào nước Nga - “người bạn lớn” năm xưa giờ rất nhiêu khê, khó khăn và đắt hơn cả visa vào Mỹ. Tất cả nguyên do đều bởi những “người Việt xấu xí”. Buồn và nhục nhưng chỉ biết tự trách mình, vì “Con sâu làm rầu nồi canh”. Chẳng nước nào tự dưng muốn “gây sự”, xếp loại Việt Nam vào “bảng  phong thần những quốc gia xấu xí”. Đòi hỏi phải có bảo lãnh hay chứng minh tài sản khi nhập cảnh hoặc xin visa cũng vậy. Đó là quyền của họ. Không thể bắt người khác phải nghĩ tốt khi mình còn khiếm khuyết. Tại mình nghèo và “xấu xí” (dù chưa phải tất cả) nên đành chịu. Campuchia và Lào, nghèo hơn Việt Nam nhiều, nhưng họ đâu có bị kỳ thị như vậy?.

Vấn đề đáng lên án là hành vi “Buộc du khách Việt phải xòe tiền ngang mặt để chụp hình như tội phạm trước mặt thiên hạ”, là thái độ cộc cằn thô lỗ của nhân viên CXNCTL ở các cửa khẩu đường bộ, kể cả với lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là sự sỉ nhục quốc thể và vi phạm quyền con người. Việc này, văn phòng Tổng Cục Du Lịch Thái Lan tại Việt Nam (TAT) đã nghe phản ánh và đề nghị  CXCTL xem xét lại. Phía CXNTL vẫn giữ quan điểm rằng phải làm vậy để đối phó với nạn một số người Việt nhập cảnh để móc túi, giật dọc, lao động chui…Tổng Cục Du Lịch (TCDL) và Cục Lãnh Sự bộ Ngoại Giao Việt Nam đã kịp thời gởi công hàm yêu cầu Thái Lan giải thích và chấm dứt hành vi kỳ thị này. Lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng đã lên án hành động đáng xấu hổ này. Trừ ý kiến của Phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch (HHDL), chủ tịch Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam Vũ Thế Bình; các HHDL vẫn chưa có động thái cụ thể trước việc du khách Việt bị sỉ nhục. Chuyện này xảy ra đã khá lâu nhưng TCDL và các HHDL đều không nắm rõ. Chỉ khi báo chí lên tiếng, vụ việc mới được quan tâm là điều phải xem lại. TCDL và các HHDL phải là cơ quan bảo vệ quyền lợi của du khách Việt đầu tiên.

Không dừng lại ở việc yêu cầu chấm dứt hành vi xúc phạm, cần buộc “cục XNCTL phải xin lỗi những du khách Việt đã bị làm nhục lâu nay”. Nếu không, các HHDL, các doanh nghiệp Lữ Hành Việt Nam sẽ tẩy chay du lịch Thái Lan. Đó là sự tự trọng tối thiểu, là hành động biểu thị sự trân trọng và bảo vệ du khách cần thiết. Một khi họ đã “bạc đãi” như vậy thì vào chơi chỉ thêm nhục. Càng không thể mang tiền đến làm giàu cho những kẻ coi mình không ra gì. Nhiều nước khác đang “trải thảm đỏ” mời du khách Việt. 

Về phần mình, phải nghiêm túc thừa nhận, việc “xuất khẩu tệ nạn” lâu nay và có biện pháp chấn chỉnh. Việc cần làm ngay là tăng hình phạt và xử lý nghiêm khắc  với người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài; chức càng to, tội càng lớn; vì đó là nguyên nhân dẫn đến sự khinh thường người Việt. Các công ty Lữ Hành kiên quyết từ chối những du khách có ý đồ “xuất khẩu tệ nạn” và có thể bị liên đới trách nhiệm khi để du khách vi phạm pháp luật. Chuyện cấp bách lắm rồi, nếu không muốn bị tiếp tục khinh thường và phân biệt đối xử. Muộn còn hơn không, phải đồng bộ, chung tay góp sức xóa dần thành kiến của thiên hạ khi người Việt ra nước ngoài.


* Nguyễn Văn Mỹ


 

KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC


Chuyện người Việt bị kỳ thị, xem thường khi ra nước ngoài không phải mới. Từ năm 1987, khi sang tu nghiệp ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, các “thủ lĩnh Đoàn” của Việt Nam do TW Đoàn cử đi, trong đó có tôi, đã bị hải quan bạn lấy dây thừng khoanh vùng để kiểm tra, cứ như sợ lây dịch. Nhìn qua đoàn Lào, nghiêm túc với complett, cravat, samsonite. Ngó lại Việt Nam, áo quần xốc xếch, người nào cũng mặc ba bốn bộ và xách thùng giấy cho nhẹ để mang đồ qua bán thay vì vali. Đi nước ngoài thời đó là “Đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức” thì thiên hạ khinh là phải.  Sau này, có dịp đi nước ngoài nhiều, càng cảm nhận rõ sự khinh thường đó. Có rất nhiều vị đắng trong những chuyến đi xa. Rất tiếc là các cấp quản lý và lãnh đạo xem đó là chuyện bình thường, không thèm quan tâm chấn chỉnh.

Khi ông chủ các tập đoàn Hundai, Samsung, Daewoo…đang đi làm thuê vào cuối những năm 1960 thì Sài Gòn đã lắp ráp xe La Dalat. Bây giờ, người Việt, nhất là các tỉnh phía Bắc xin visa đi Hàn luôn bị làm khó dễ. Với người Việt, xin visa khó và đắt nhất là đi Nga, chứ không phải Mỹ và châu Âu. Thậm chí Nga còn cấm cửa thanh niên một số tỉnh phía Bắc. Các nước Nhật, Singapore, Hàn Quốc… còn có bảng cảnh báo bằng tiếng Việt về những thói xấu của người Việt. Tôi có người bạn Hàn Quốc, tiến sĩ lịch sử Việt Nam, ở Việt Nam hơn 30 năm, yêu Việt Nam hơn cả người Việt vì “Kiếp trước em là người Việt”. Khi hỏi tại sao không xin nhập tịch Việt thì bạn ấy cười buồn “Quốc tịch Việt đi nước ngoài khó lắm”. Mọi việc đều có nguyên nhân. Cái gì cũng vậy, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Không phải tự nhiên mà họ hành xử với mình như vậy, vì đó là quyền của họ. Những người Việt chân chính chỉ cảm thấy buồn và xấu hổ khi nước mình bị liệt vào danh sách đen “Những dân tộc xấu xí?”.

Người Thái có quyền xếp loại du khách Việt vào hạng bét, có quyền buộc người Việt vào Thái phải chứng minh tài chính, không phải 700 mà 7.000 usd cũng được. Nhưng cách hành xử của Cục Xuất Nhập Cảnh thuộc bộ Ngoại Giao Thái tại cửa khẩu Aranyaprathet là không thể chấp nhận. Đó là sự sỉ nhục quốc thể. Lấy cớ nhằm hạn chế những “Người Việt xấu xí” vào Thái móc túi, cướp giật, mãi dâm, lao động trái phép rồi hành xử thô lỗ, xúc phạm nhân phẩm của những du khách Việt khác là không thể chấp nhận. Cách giải thích “Chụp ảnh để biết rõ sơri tiền, để tránh dùng chung” là ngụy biện. Đó chỉ là cái cớ bao biện cho hành vi bài Việt. Đã qua quầy nhập cảnh là đi luôn, có ai quay lại được đâu ? Thời đại thẻ từ mà Thái Lan buộc dùng tiền mặt là vô lý. Passport của các doanh nghiệp đi nước ngoài như cơm bữa và cả tuổi tác, phong cách của họ vẫn bị người Thái ngược đãi. Hành vi buộc xòe tiền mặt, giơ cao ngang miệng để chụp hình như tội phạm trước hàng trăm du khách khác là sự cố tình miệt thị và sỉ nhục, không dễ tha thứ.

Nhiều bạn đọc bức xúc bảo: “Sao lúc đó không tẩy chay?”. Với du khách, họ đã có kế hoạch, không dễ gì thay đổi lịch trình. Với tôi, hôm đó (trưa ngày 30.4.2014) thì một số khách đã làm xong thủ tục, dù rất bực tức, nên mình cũng phải qua để lo cho đoàn. Trước đây, tôi có nghe một số phản ánh về việc này nhưng “bán tín bán nghi”. Bởi Thái Lan là “Đất nước của những nụ cười thân thiện”. Bởi tôi có nhiều bạn Thái dễ thương và rất “tâm phục, khẩu phục” cách làm du lịch của người Thái. Từ shoping đến sex tour; từ sinh thái, mạo hiểm đến homestay...

Từ vụ việc trên, thông qua báo Người Lao Động và các phương tiện truyền thông, tôi đề nghị Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, Tổng Cục Du Lịch và Bộ Ngoại Giao Việt Nam có văn bản yêu cầu Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh bộ Ngoại Giao Thái Lan: “Chấm dứt ngay hành động sỉ nhục và xin lỗi du khách Việt Nam đã bị chụp hình với tiền mặt”. Nếu họ không tiếp thu và sửa sai, thì người Việt, cả trong và ngoài nước sẽ tẩy chay du lịch Thái Lan. Khi họ đã coi mình không ra gì thì mình cũng không nên đến đó chơi, càng không nên mang tiền vào làm giàu cho họ. Tôi cũng đề nghị tăng mức xử phạt công dân Việt Nam “xuất khẩu tệ nạn” ra nước ngoài, chức càng to, tội càng lớn; vì đó là nguyên nhân làm cho người Việt bị phân biệt đối xử và khó dễ. Cần thiết phải có ngay chương trình hành động, chứ không phải phong trào, phê phán và xử lý những thói hư tật xấu cụ thể của người Việt, đặc biệt khi ra nước ngoài, để xóa dần sự khinh thường của thiên hạ.

* Nguyễn Văn Mỹ


 

KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN

 

Tôi vừa hoàn tất hành trình đầy lý thú của đoàn caravan xe cổ Volwagen Sài Gòn khám phá xứ sở chùa tháp từ 26.4 - 3.5.2014 Đoàn đã đi qua 16/21 tỉnh thành của Cambodia, góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam. Rất nhiều khách nước ngoài và người Khmer không thể tin là với những chiếc xe sản xuất hơn nửa thế kỷ trước lại có thể vượt hơn 2.300 km; lên cả đền Preah Vihear qua Anlong Veng tới núi Kulen và cao nguyên Bokor…Chuyến đi sẽ hết sức trọn ven nếu không có sự cố ngày 30.4.

Hôm ấy, đoàn từ Siem Reap lên Bantiamienchay, qua cửa khẩu Poipet, nhập cảnh vào Thái Lan bằng cửa khẩu Aranyaprathet để dạo chợ Rong Klua và về trong ngày. Trong khi xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh, đập vào mắt du khách là bảng hiệu “phong thần” cảnh báo du khách các nước sẽ “có vấn đề” khi vào Thái Lan như Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Iraq, Việt Nam…Anh em rất buồn vì bị phân biệt đối xử, dù biết rằng “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là hậu quả tất yếu nhằm hạn chế một số người Việt nhập cảnh vào Thái Lan để móc túi, giựt dọc và mãi dâm trong vài năm nay. Trước đây, nhiều du khách, bạn bè, học trò và cả những người đang học tiến sĩ ở Thái Lan đã điện thoại, gởi mail cho tôi; phản đối việc bị “làm nhục” khi nhập cảnh vào Thái Lan. Tôi nghe, biết vậy nhưng hoài nghi bởi Thái Lan là cường quốc du lịch của Asean, nổi tiếng bởi sự thân thiện và nhiều chiêu PR độc đáo để dụ khách đến.

Dù đã nghe kể, tôi vẫn bị sốc thật sự. Người Việt nhập cảnh vào Thái Lan qua Poipet hôm đó còn có đoàn khách từ Kiên Giang của công ty du lịch Hòa Bình. Mọi người rất khó chịu khi bị hạch họe, quát tháo. Sốc nhất là việc khách buộc phải xòe 700 usd, không chấp nhận các loại thẻ, giơ tiền lên ngang mặt để chụp hình lưu lại trước mắt cả trăm du khách chờ nhập cảnh. Vì đang giờ nghỉ trưa nên chỉ có 3/8 quầy làm việc. Tôi để ý thấy chỉ 2 quầy có cách hành xử như vậy, quầy còn lại, bên tay trái, nữ nhân viên rất nhã nhặn chứ không cộc cằn như 2 quầy còn lại. Cứ nghĩ, khách quê, lần đầu vào Thái Lan nên mới bị vậy. Ai dè tới phiên đoàn caravan, toàn là chủ doanh nghiệp, nhiều người từng đi Mỹ, Nhật và châu Âu; kể cả tôi đều phải xòe tiền, giơ ngang mặt, chụp hình như tội phạm quả tang. Nhiều anh em phản đối đề nghị hủy chương trình, nhưng có số anh em đã qua trước nên phải chấp nhận trong ấm ức.

Thiết nghĩ, việc Thái Lan liệt Việt Nam vào “nhóm nước xấu xa” là quyền của họ. Việc họ buộc du khách Việt phải có 700 usd tiền mặt khi nhập cảnh cũng vậy. Nhưng không thể chấp nhận thái độ thô lỗ, xem thường và xúc phạm du khách Việt Nam như hiện nay. Không thể vì năm mười người, thậm chí vài chục người xấu mà đối xử vô văn hóa, xúc phạm nhân phẩm du khách Việt Nam. Đó là sự sỉ nhục quốc thể, không thể chấp nhận. Anh em  trong đoàn caravan xe cổ Volwagen Sài Gòn, thông qua báo Tuổi Trẻ, thống nhất kiến nghị với  Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, Tổng Cục Du Lịch và Bộ Ngoại Giao Việt Nam có văn bản yêu cầu :
- Cục Xuất Nhập Cảnh thuộc bộ Ngoại Giao Thái Lan chấm dứt hành động phân biệt đối xử và sỉ nhục du khách Việt Nam như hiện nay.
- Có văn bản xin lỗi các du khách Việt từng bị xòe tiền chụp ảnh như tội phạm tại các cửa khẩu nhập cảnh Thái Lan.

Trong khi chờ phản hồi, đề nghị người Việt Nam, cả trong và ngoài nước, đoàn kết, tẩy chay du lịch Thái Lan cho đến khi có sự xin lỗi và sửa sai. Khi họ đã không cần và xem thường mình như thế thì đến làm gì cho thêm nhục? Nhiều nước khác đang cần mình hơn.  Được biết, văn phòng Tổng Cục Du Lịch Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều phản ánh của các công ty Lữ Hành Việt Nam về việc này và kiến nghị với bộ Ngoại Giao Thái Lan nhưng hình như vẫn chưa đủ “ép phê”?

Nhân dịp này, đoàn cũng kiến nghị bộ Công An và quốc hội, điều chỉnh luật, tăng hình phạt và xử lý thật nghiêm những người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Việc phạm tội ở nước ngoài cũng là hành vi làm nhục quốc thể, làm xấu hình ảnh của đất nước.

 

* Nguyễn Văn Mỹ



MỘT CÁCH LÀM HAY

 

Vừa rồi, tôi có nhận thông tin từ phòng Hướng Dẫn Viên là “Khoa Du Lịch trường đại học Sài Gòn xin số tài khoản công ty để chuyển tiền. Mỗi sinh viên của khoa, sau khi hoàn tất thực tập được hỗ trợ 600.000đ cho công ty đã tiếp nhận”.

Tôi rất vui, vì lâu lắm rồi mới thấy một trường đại học thể hiện trách nhiệm với việc thực tập của sinh viên như thế. Hơn 10 năm trước, khi tiếp nhận sinh viên khoa Du Lịch, trường đại học Văn Hiến, công ty cũng nhận được tiền hỗ trợ như vậy, nhưng chỉ được vài năm rồi ngưng hẳn. Lúc đó, công ty đã xin phép nhà trường chuyển số tiền này vào quỹ từ thiện “Tuần hội Trung Thu”của công ty mà nhà trường là một trong những đơn vị tài trợ.

Lâu nay, việc thực tập của sinh viên mỗi trường mỗi khác. Có trường làm việc trực tiếp với các công ty. Có trường chỉ cấp giấy giới thiệu. Có trường bỏ mặc các em tự xoay xở. Hàng năm, công ty nhận sinh viên thực tập cả chục đơn vị đào tạo nhưng không có đơn vị nào “trả chi phí thực tập cho sinh viên” như đại học Sài Gòn, thậm chí không có cả một lời cám ơn. Số tiền tuy không lớn nhưng là sự ghi nhận việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Tôi đã gọi điện thoại và gởi công văn cho nhà trường cám ơn, xin phép được chuyển số tiền này vào “Quỹ hỗ trợ sinh viên” của nhà trường. Từ khi thành lập (1999) đến nay, công ty đều qui định rõ “sinh viên đến công ty thực tập hướng dẫn viên được hưởng lương tour mỗi ngày”.

Công ty luôn khẳng định, việc tiếp nhận và tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để tuyển chọn nhân sự. Từ năm 2012, sinh viên thực tập không chỉ được nhận lương tour mà còn được lương ở các vị trí khác trong công ty. Dĩ nhiên, phải qua sàng lọc chứ không thể nhận đại trà. Hỏi thêm, được biết, một số trường cũng có chi phí cho sinh viên thực tập nhưng giao cho sinh viên sử dụng, các doanh nghiệp không hề hay biết. Việc này dễ tạo ấn tượng là nhà trường bỏ mặc việc thực tập của sinh viên cho doanh nghiệp. Nhiều công ty, sinh viên đến thực tập, chẳng những không được lương mà còn phải bỏ tiền túi để thực tập, để đi tour. Đây là sự vô lí, chỉ có ở Việt Nam. Sinh viên thực tập, kể cả đi theo tour nội địa không hề tốn thêm chi phí, trừ vài điểm tham quan “không giống ai”, cố tình “tận thu” cả những hướng dẫn viên tương lai. So với việc các em làm cho công ty, chi phí này không đáng kể.

Chính việc trả lương cho sinh viên thực tập, dù còn rất khiêm tốn  là một trong những cách PR hiệu quả cho thương hiệu công ty. Sau này, dù làm việc nơi khác, dù có lương khủng, các em vẫn sẽ nhớ mãi “khoản thu nhập đầu tiên” từ nghề nghiệp của mình, từ công ty nơi mình thực tập. Việc trả chi phí và tìm chỗ cho sinh viên thực tập cũng là cách PR rất tốt về sự quan tâm thật sự của nhà trường với sinh viên.

Mong sao, những cách làm này ngày càng được phổ biến, để nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp lực trong đào tạo. Để học gắn nhiều hơn với hành. Để sinh viên cảm thấy được trân trọng và đỡ cực nhọc.

 

* Nguyễn Văn Mỹ

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com