NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014 - 6. VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Mục lục
NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014
1. BẤT NGỜ PHÚ YÊN
2. CÁCH CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT
3. NGƯỜI GIÀU DẠY CON
4. KỲ THÚ HỒ TRỊ AN
5. DOANH NHÂN CŨNG LÀ CÔNG DÂN
6. VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
7. ĐỂ LÒNG TỰ TRỌNG KHÔNG BỊ TỔN THƯƠNG
8. KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC
9. KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN
10. MỘT CÁCH LÀM HAY
Tất cả các trang

 

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Mấy ngày nay, dư luận bức xúc việc Cục Xuất Nhập Cảnh Thái Lan (CXNCTL) liệt Việt Nam vào cuối bảng “Những quốc gia xấu xí” bên cạnh Afghanistan, Pakistan, Bangladseh, Iraq…Tệ hại hơn, họ còn buộc du khách Việt; dù đi đoàn hay cá nhân, kể cả lãnh đạo các doanh nghiệp, xòe tiền ngang mặt để chụp hình như tội phạm trước thiên hạ tại các cửa khẩu đường bộ. Đó là hành động sỉ nhục quốc thể đáng lên án. Tổng Cục Du Lịch (TCDL) và Cục Lãnh Sự bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gởi công hàm yêu cầu Thái Lan giải thích và chấm dứt hành vi phân biệt đối xử với khách Việt. Dư luận đang đòi hỏi CXNCTL phải xin lỗi những du khách đã bị họ làm nhục. Điều đáng nói là việc này xảy ra cả gần năm nay nhưng TCDL và các Hiệp Hội Du Lịch gần như không biết.  Chỉ khi đoàn cravan xe cổ Volwagen Sài Gòn do Lửa Việt tổ chức đi Campuchia, qua cửa khẩu Anaryaprathet vào Thái thì mới to chuyện. Báo chí vào cuộc và mọi người mới vỡ lẽ. Nếu CXNCTL không chấm dứt và xin lỗi, người Việt sẽ tẩy chay du lịch Thái.

Nhân dịp này, người Việt cần nghiêm khắc nhìn lại mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “Không có lửa sao có khói?”. Không ai tự nhiên gây sự với những người mang tiền vào làm giàu cho nước mình cả. Chung qui cũng bởi những người Việt xấu xí, luôn tìm cách “xuất khẩu tệ nạn” qua xứ họ. “Con sâu làm rầu nồi canh”. Từ việc lợi dụng các lễ hội để móc túi, giựt dọc đến việc mãi dâm và lao động trái phép với nhiều vấn nạn. Báo chí cả 2 nước đã lên tiếng nhưng Việt Nam chưa có cách gì chấn chỉnh. Khi ra nước ngoài bị kỳ thị hay sỉ nhục, người Việt hoặc chịu đựng, hoặc chỉ to mồm lúc đó chứ chưa biết gõ cửa các sứ quán, các cơ quan trách nhiệm và cả báo chí để làm tới cùng. Mà nào chỉ có Thái Lan xem thường người Việt. Hễ chỗ nào có người Việt đông là dân bản xứ họ khó chịu. Ở Thái Lan, Campuchia và Lào không chỉ có Việt kiều mà còn có “Việt liều” (ở và lao động trái phép) và cả “Việt gian” (tội phạm). Các nước như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều có bảng cảnh báo về thói xấu của người Việt. Người Việt xin visa rất nhiêu khê, kể cả mấy nước ngày xưa thua kém mình. Khó và đắt nhất là đi Nga chứ không phải đi Mỹ hay châu Âu. Một số người nước ngoài, rất yêu Việt Nam nhưng không nhập tịch vì sợ bị làm khó dễ khi ra nước ngoài.  Nhiều người cho rằng tại mình nghèo nên mới vậy? Campuchia và Lào nghèo hơn Việt Nam nhiều sao không bị kỳ thị?. Thiên hạ khinh vì mình qua xứ họ mà không có văn hóa và mang theo nhiều thói hư tật xấu.

Thời bao cấp, đi nước ngoài, dù công tác hay học tập đều nhằm mục đích “Đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức” nên bị khinh thường là đương nhiên. Mấy nước Đông Âu thời đó, người Việt còn có những đường dây độc quyền mua hàng, dân bản xứ cũng phải nhờ cậy. Giờ đổi mới, người Việt đi du lịch, học tập và định cư ở nước ngoài hà rầm. Chỗ nào khách Việt đông là dân châu Âu họ tránh vì sợ ồn ào, sợ bị làm phiền. Ra nước ngoài, người Việt ít chịu xếp hàng. Ăn buffet cứ chen ngang dưới nách Tây và lấy đồ ăn thừa mứa, chưa kể còn lén đem về. Vào thang máy hay lên tàu điện chẳng chịu nhường ai; trong chưa ra, ngoài đã ào vào. Quần áo thì như đang ở nhà mình, cứ vô tư ra phố với đồ bộ để ngủ. Các thói quen xả rác, khạc nhổ, hút thuốc, đi bộ sai luật, hay ngậm tăm sau khi ăn…cứ tưởng chỉ có ở dân quê mà cả cánh trí thức, nhà văn, chủ doanh nghiệp. Tham quan ít chịu nghe thuyết minh, không quan tâm đến văn hóa, lịch sử bản xứ mà cứ ào đi chụp ảnh. Không thấy ai là dẫm lên cỏ, ngồi lên hoa chụp hình dù có bảng cấm. Thích khoe của, khoái phô trương  và luôn tìm cách trốn vé, ăn gian khi mua hàng vì “Ăn vụng thú vị và đã hơn?”. Có người còn xem đó là chiến tích. Nạn ăn cắp vặt khi vào siêu thị, nạn buôn lậu không chỉ của nhân viên mà cả cán bộ sứ quán hoặc lãnh đạo đi công tác càng làm cho hình ảnh người Việt bị méo mó. Không chỉ chia rẽ, thiếu đoàn kết; thậm chí, người Việt còn làm khổ, làm hại nhau nên thiên hạ càng xem thường.

Người ta tổng kết rằng người Việt hung hăng. Va quệt nhỏ cũng muốn ăn thua đủ. Thù dai, mấy chục năm kết thúc chiến tranh vẫn kình địch chống đối.  Đố kỵ, chẳng muốn ai hơn mình, càng không thể giúp ai để họ hơn mình. Khôn ranh, cái gì cũng muốn hơn thiên hạ, kể cả việc phá giá chơi nhau và tư duy kiểu thằng Bờm. Không trung thực từ việp xếp hàng, khai báo, mua sắm…bởi việc nói dối đã thành hệ thống hoàn chỉnh. Xem thường pháp luật, cứ tưởng thiên hạ như xứ mình, nói một đằng làm một nẻo nên tha hồ vi phạm; có gì thì năn nỉ, chạy chọt. Gian tham từ trong học tập đến công việc. Tư lợi, cứ có chút lợi riêng là làm bất chấp thể diện quốc gia và lợi ích dân tộc. Lãnh đạo các cấp chưa gương mẫu nên “Thượng bất chính hạ tắc loạn”. Nhiều nhất là việc đi du lịch rồi trốn ở lại hoặc đi hợp tác lao động rồi bỏ ra ngoài bất hợp pháp; kết bè, lập đảng gây rối trật tự. Nhiều việc bình thường ở xứ mình nhưng tối kỵ ở xứ người. Cái gốc của đạo lý trong nước đã mục nát nên có dịp ra ngoài là “xuất khẩu tệ nạn”. Nhiều năm làm hướng dẫn viên, lắm lúc xấu hổ muốn độn thổ vì thói xấu của người Việt, từ dân thường đến lãnh đạo.

Từ ngày lập quốc, chưa bao giờ hình ảnh người Việt trong mắt thiên hạ lại xấu xí như hiện nay. Việc bị kỳ thị và phân biệt đối xử tùy theo cấp độ và dạng thức khác nhau nhưng gần như nước nào cũng có. Không phải bổng dưng mà họ đối xử với mình như vậy. Đáng buồn,  chưa có cơ quan đoàn thể nào lên tiếng báo động để kịp thời chấn chỉnh nên bệnh càng lây lan và chưa có thuốc chữa. Lâu nay, mình chỉ quen tâng bốc nhau kiểu AQ chính truyện. Khi nói về những thói xấu người Việt, nhằm đánh động lòng tự trọng và cả tự hào dân tộc để sửa sai thì bị chụp mũ “nói xấu người Việt”, “nói xấu chế độ”.

Việc sỉ nhục khách Việt của CXNCTL như giọt nước tràn ly, đánh động vào lương tâm và lòng tự trọng của những người Việt chân chính. Trong cái rủi, có cái may. Nhờ vậy, mới có dịp nhìn lại những thói hư tật xấu của mình để tìm cách khắc phục. Chuyện cấp bách lắm rồi. Không thể nào chậm trễ. Mỗi cá nhân cho đến các tập thể cần có những hành động cụ thể. Phải chấn chỉnh từ trong nước. Thời đại internet, bất cứ việc tốt xấu gì xảy ra trên trái đất này, chỉ cần vài phút là cả thế giới biết. Cần tăng hình phạt và xử lí nghiêm những người Việt xấu xí ở nước ngoài; chức càng to, tội càng lớn. Giận thiên hạ thì ít mà buồn và xấu hổ cho mình thì nhiều. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, e rằng những chuyến đi xa ngày càng có thêm nhiều vị đắng, người Việt càng tiếp tục bị khinh thường.

Chỉ có ta mới giúp ta được. Không thể bắt thiên hạ phải nghĩ tốt trong khi mình còn nhiều cái xấu mà không chịu sửa.

 

* Nguyễn Văn Mỹ



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com