Làng Phong Ngũ xưa là một trong 6 giáp phía bắc dinh trấn Thanh Chiêm, nay là huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Phong Niên xã ngũ hiệu hay Ngũ Giáp, Phong Ngũ xưa, nay là một thôn của xã Điện Thắng Nam thành lập từ đầu thế kỷ 17, phía bắc dinh trấn Thanh Chiêm của xứ Đàng Trong. Phong Ngũ từ xưa là một làng thuần nông, tuy có vài vị khoa bảng thời phong kiến như các cử nhân Hà Đức Ý, Đốc học - Lang Trung bộ Lại Hà Đằng… nhưng nhìn chung học vấn vẫn là mục tiêu cao xa của nhiều gia đình nông dân quanh năm vốn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”…
(Ảnh: cụ Hà Một và tiến sĩ Võ Văn Chi trên sân khấu đình làng - T.Đ.T
Cuộc sông nghèo khó đã đi vào thơ của nhà thơ Thu Bồn khi ông trở về quê sau chiến tranh: “Viên đạn bây giờ cày lên viên đạn năm xưa” và “Đứa trẻ nào kia nhặt thóc trên đồng/ như nhặt lại tuổi thơ tôi rơi rụng…”. Trai làng Phong Ngũ cùng thế hệ với Thu Bồn ngày ấy xếp bút nghiên ở tuổi 20 đã có người trở thành những liệt sĩ đầu tiên của Quảng Nam như Tú tài Hà Bồng, nhà giáo Hà Sửu…
Làng Phong Ngũ có ngôi đình cổ xây dựng kiên cố từ đầu thế kỷ 20 với những câu đối thể hiện khát vọng khoa bảng để giúp nước giúp đời của cha ông. Ngôi đình gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử đó đã bị hư hại trong chiến tranh. Ngày nay, làng Phong Ngũ đã có nhiều đổi thay cả cảnh và người. Đình làng vừa xây dựng lại trên nền cũ với sự đóng góp của người dân và các mạnh thường quân.Cả làng có đến hơn 10 vị tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ, cử nhân, tiêu biểu như các tiến sĩ Hà Ban, Võ Văn Lâm, Hà Trình và tiến sĩ công nghệ Nano Võ Văn Chi mới 26 tuổi vừa tốt nghiệp ở Pháp trở về…
Cuối năm, đình làng Phong Ngũ đã được khánh thành với hơn một ngàn người dân cùng quan khách đến dự. Tiến sĩ Võ Văn Chi và 26 tân sinh viên là con em của làng đã được vinh danh, tặng thưởng trong dịp này như là một thành tựu quan trọng nhất của làng…
Hình ảnh khiến nhiều người xúc động trong dịp này có lẽ là chi tiết cụ lão lớn tuổi nhất làng Hà Một ( 95 tuổi) lên sân khấu trao giấy khen, hoa và 1 triệu đồng của làng cho vị tiến sĩ trẻ.
Võ Văn Chi là con cháu trong làng, đậu thủ khoa bậc đại học và được nhận đi du học lại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp ( CNRS).Là tiến sĩ khoa công nghệ Nano với chuyên đề “Tính chất từ của hệ tiếp xúc giữa graphene và cấu trúc nano của kim loại từ” và từng được mời làm việc cho cơ quan Ứng dụng bức xạ Synchrotron của châu Âu và là học trò cưng của giáo sư vật lý nổi tiếng Olivier Fruchart. Nhưng anh đã quay về và hiện làm việc tại Trung tâm Công nghệ cao Đà Nẵng. Còn người lên sân khấu khen thưởng cho anh là cụ Hà Một, người cao niên nhất nhưng lại có chiều cao thấp nhất làng. Thời thanh niên, cụ chỉ cao 1,4 mét. Cụ Một là con nhà nghèo, không biết chữ và đi làm thuê ở đợ khắp nơi. Nhưng cụ còn là một pho tự điển sống của làng Phong Ngũ. Cụ thuộc hàng trăm câu ca dao tục ngữ, những câu hò khoan, những sự tích và gốc tích nhiều tộc họ. Ai không biết chuyện gì của làng, thường tìm tới hỏi…
Trên sân khấu của buối lễ, một người già không biết chữ, thấp bé, chân mang đôi dép nhựa, tay chống gậy trao thưởng cho một tiến sĩ trẻ cao gấp đôi ông trước ống kính ghi hình và cả ngàn quan khách là hình ảnh vô cùng xúc động. Nhưng ẩn chứa trong hình ảnh này là một ý nghĩa sâu sắc…
Ông Hà Hùng, Tổng giám đốc Cienco 5 là một thành viên trong ban tổ chức khánh thành đình làng nói với chúng tôi về sự tương phản này: “Cụ đại lão Hà Một bên cạnh tiến sĩ Chi hôm nay trước đình làng, chính là một thông điệp mang ý nghĩa lịch sử của làng Phong Ngũ. Lịch sử nghèo khó và gian nan của làng đang và sẽ gởi tất cả kỳ vọng vào thế hệ trẻ, vào sự tiến bộ bằng tri thức. Kỳ vọng đó thể hiện ngay chính ở đình làng của mình, nơi hội tụ linh khí của mỗi một vùng quê…”.
80 phần trăm dân số Việt Nam sống ở các làng quê và làm nông nghiệp. Nếu mỗi làng quê đều đặt niềm tin của mình vào tuổi trẻ và làm được như làng làng Phong Ngũ, tôi tin đất nước sẽ ngày một rạng rỡ và tươi đẹp!
T.Đ.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|