ĐỂ LÒNG TỰ TRỌNG KHÔNG BỊ TỔN THƯƠNG
Loạt bài về việc du khách Việt bị Cục Xuất Nhập Cảnh Thái Lan (CXNCTL) thuộc bộ Ngoại Giao (không phải là Hải Quan) bắt xòe tiền ngang mặt và chụp hình trên báo Thanh Niên đã tạo sự quan tâm đặc biệt của dư luận, chỉ xếp sau sự kiện dàn khoan Trung Quốc ngang ngược xâm phạm thềm lục địa Việt Nam. Hàng chục ngàn comment được phản hồi với nhiều cung bậc. Người bức xúc do “quốc thể bị sỉ nhục”, đòi trả đũa tương tự hoặc tẩy chay du lịch Thái. Người chua chát vì “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải xem lại mình trước, bởi “không có lửa, sao có khói?”.
Sự việc cần phải bình tĩnh, xem xét thấu đáo để giải quyết kịp thời và thấu tình, đạt lý. Chuyện người Việt ra nước ngoài bị phân biệt đối xử đã có từ sau 1975 ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Lúc đó, dù đi học hay đi công tác; đều là dịp để “Đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức”; thiên hạ khinh thường là đương nhiên. Đáng tiếc là các cấp quản lý chưa quan tâm để chấn chỉnh nên ngày càng tệ hại. Việc một số cán bộ các sứ quán hoặc lãnh đạo đi công tác vi phạm pháp luật sở tại, được báo chí nước ngoài “bêu dương” càng làm mất uy tín của người Việt. Nhiều nước, từng một thời thua kém Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều có những bảng cảnh báo bằng tiếng Việt về các thói xấu của người Việt. Việc xin visa vào nước Nga - “người bạn lớn” năm xưa giờ rất nhiêu khê, khó khăn và đắt hơn cả visa vào Mỹ. Tất cả nguyên do đều bởi những “người Việt xấu xí”. Buồn và nhục nhưng chỉ biết tự trách mình, vì “Con sâu làm rầu nồi canh”. Chẳng nước nào tự dưng muốn “gây sự”, xếp loại Việt Nam vào “bảng phong thần những quốc gia xấu xí”. Đòi hỏi phải có bảo lãnh hay chứng minh tài sản khi nhập cảnh hoặc xin visa cũng vậy. Đó là quyền của họ. Không thể bắt người khác phải nghĩ tốt khi mình còn khiếm khuyết. Tại mình nghèo và “xấu xí” (dù chưa phải tất cả) nên đành chịu. Campuchia và Lào, nghèo hơn Việt Nam nhiều, nhưng họ đâu có bị kỳ thị như vậy?.
Vấn đề đáng lên án là hành vi “Buộc du khách Việt phải xòe tiền ngang mặt để chụp hình như tội phạm trước mặt thiên hạ”, là thái độ cộc cằn thô lỗ của nhân viên CXNCTL ở các cửa khẩu đường bộ, kể cả với lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là sự sỉ nhục quốc thể và vi phạm quyền con người. Việc này, văn phòng Tổng Cục Du Lịch Thái Lan tại Việt Nam (TAT) đã nghe phản ánh và đề nghị CXCTL xem xét lại. Phía CXNTL vẫn giữ quan điểm rằng phải làm vậy để đối phó với nạn một số người Việt nhập cảnh để móc túi, giật dọc, lao động chui…Tổng Cục Du Lịch (TCDL) và Cục Lãnh Sự bộ Ngoại Giao Việt Nam đã kịp thời gởi công hàm yêu cầu Thái Lan giải thích và chấm dứt hành vi kỳ thị này. Lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng đã lên án hành động đáng xấu hổ này. Trừ ý kiến của Phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch (HHDL), chủ tịch Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam Vũ Thế Bình; các HHDL vẫn chưa có động thái cụ thể trước việc du khách Việt bị sỉ nhục. Chuyện này xảy ra đã khá lâu nhưng TCDL và các HHDL đều không nắm rõ. Chỉ khi báo chí lên tiếng, vụ việc mới được quan tâm là điều phải xem lại. TCDL và các HHDL phải là cơ quan bảo vệ quyền lợi của du khách Việt đầu tiên.
Không dừng lại ở việc yêu cầu chấm dứt hành vi xúc phạm, cần buộc “cục XNCTL phải xin lỗi những du khách Việt đã bị làm nhục lâu nay”. Nếu không, các HHDL, các doanh nghiệp Lữ Hành Việt Nam sẽ tẩy chay du lịch Thái Lan. Đó là sự tự trọng tối thiểu, là hành động biểu thị sự trân trọng và bảo vệ du khách cần thiết. Một khi họ đã “bạc đãi” như vậy thì vào chơi chỉ thêm nhục. Càng không thể mang tiền đến làm giàu cho những kẻ coi mình không ra gì. Nhiều nước khác đang “trải thảm đỏ” mời du khách Việt.
Về phần mình, phải nghiêm túc thừa nhận, việc “xuất khẩu tệ nạn” lâu nay và có biện pháp chấn chỉnh. Việc cần làm ngay là tăng hình phạt và xử lý nghiêm khắc với người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài; chức càng to, tội càng lớn; vì đó là nguyên nhân dẫn đến sự khinh thường người Việt. Các công ty Lữ Hành kiên quyết từ chối những du khách có ý đồ “xuất khẩu tệ nạn” và có thể bị liên đới trách nhiệm khi để du khách vi phạm pháp luật. Chuyện cấp bách lắm rồi, nếu không muốn bị tiếp tục khinh thường và phân biệt đối xử. Muộn còn hơn không, phải đồng bộ, chung tay góp sức xóa dần thành kiến của thiên hạ khi người Việt ra nước ngoài.
* Nguyễn Văn Mỹ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|