Phan Quang: ĐI, THẤY, HIỂU VÀ SẺ CHIA


Cuộc sống rộng mở, đất nước tự tin hội nhập thế giới, người Việt Nam có dịp ra nước ngoài ngày càng nhiều.Có những người thật sự là du: du xuân, du ngoạn, du lịch…, đi nước ngoài để thay đổi không khí, để xả hơi, đi cho biết đó biết đây, đi mở rộng tầm mắt, xem người ta làm ăn thế nào. Tự ngày xửa ngày xưa, ông cha ta đã đúc kết đi một ngày đàng học một sàng khôn, và khuyên con cháu đã lớn rồi không nên ru rú ở nhà với mẹ, muốn mau khôn lớn thì phải đi cho biết đó biết đây - vậy là chuyển dịch với trưởng thành gần như đôi bạn song hành. Cũng có những người đi nhiều, song đó chỉ là những lần chuyển dịch do nhu cầu công việc chung hoặc riêng, và trong những trường hợp này đi không đồng nghĩa với du, bởi mớ việc riêng, chung cứ canh cánh bên lòng; cho dù có nhân dịp này thư giãn, thưởng ngoạn được chút nào chăng cũng chỉ là chuyện… tranh thủ bên lề.

 

Rdi-mot-ngay-dang-Toan-

 

Tuy nhiên, xưa cũng như nay, đối với những ai đã trót vướng vào cái nghiệp văn chương thì du, cho dù nhằm mục đích gì đi nữa, cũng cặp kè với viết. Bàn chuyện văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế thời bao cấp, nhà văn Nguyễn Tuân từng quả quyết như đinh đóng cột: “ĐI và VIẾT, đủ và rõ quá rồi” (Tạp chí Tác phẩm mới, 1972). Nguyễn Tuân cây bút lỗi lạc của văn học Việt Nam đương đại, như mọi người đều biết, là người nổi tiếng say mê chuyển dịch. Chắc hẳn ông vô cùng tâm đắc câu nói của một nhà văn Pháp nên có lần dùng nó làm đề từ cho một tác phẩm của mình: “Tôi muốn sau khi tôi chết, người ta lấy da tôi làm một chiếc valy”. Ông từng có lần dốc tất cả số tiền nhuận bút vừa nhận được, sắm một cái valy mới toanh để rồi trăn trở, khổ đau, đêm ngủ không yên giấc khi nhìn thấy nó lên mốc trắng, mốc xanh vì chủ nhân chưa có dịp nào đụng tới. Nguyễn Tuân thích đi, hễ tiện dịp là ông xách valy lên đường. Nhưng xin đừng ai hiểu, mặc dù nhà văn đại ngôn, đôi khi nói có quá lời đi một chút, xin đừng hiểu rằng ông đi không mục đích. Cách đây 70-80 năm, thời khái niệm “du lịch” chưa có trong tư duy của hầu hết người Việt Nam ta và lẽ tất nhiên chưa ra đời ngành du lịch quốc gia, Nguyễn Tuân đã viết: “Phải sống với du lịch rồi hãy nói tới du lịch”. (Tùy bút, 1941).

Dưới chế độ cũ, dù có say mê đến mấy, làm sao nhà văn có nhiều dịp đi xa. Tôi nhớ mang máng, có lần ông từ Bắc vào Nam Kỳ lục tỉnh, chỉ vì ước mơ được nhìn thấy tận mắt kỳ quan Angkor Thom, Angkor Wat thời ấy gọi là Đế Thiên Đế Thích, ông đã định mon men sang Cao Miên thì bị thực dân Pháp bắt bỏ tù vì không có phép xuất ngoại. Trong một chuyến đi gần, vào miền Trung, rời chiếc xe đò tàng tàng bước qua chiếc xe ngựa kéo lộc cộc, ông thăm thị xã Hội An, đến bờ biển Quảng Nam thời ấy còn khá hoang sơ, từ đấy viết nên một thiên tùy bút tuyệt vời: Cửa Đại. Ngày nay, Hội An đẹp hơn thời trước nhiều nhiều lần, trở thành một điểm hẹn tầm quốc tế, không ít người Việt từ mọi nơi trong nước thăm Hội An, Cửa Đại, có người tới lui những nơi này như đi chợ, vậy mà có mấy ai trong chúng ta viết nổi một cái gì đó ngang tầm Cửa Đại của Nguyễn Tuân!

Tôi không điên đến mức so sánh đồng nghiệp của tôi, nhà báo Phạm Quốc Toàn với nhà văn lớn quá cố Nguyễn Tuân. Ở đời, cùng làm nghề cầm bút, có người tài cao có người sức ít, phong cách văn chương mỗi anh một khác, nhưng tiền bối và hậu sinh luôn có điểm tương đồng, đó là tâm thế của nhà văn, nhà báo mỗi khi có dịp lên đường, cho dù là du ngoạn, du xuân hay chỉ là sự chuyển dịch vì công việc.

Do nhu cầu nghề nghiệp, Phạm Quốc Toàn có nhiều dịp ra nước ngoài, và theo tôi hiểu, hầu hết các chuyến đi của anh không hẳn là du. Anh đi công tác. Vậy mà đi đâu viết đó, viết tại chỗ hoặc viết sau khi trở về, cứ thế anh cần mẫn tích cóp, đầu tư tâm trí và vừa cho ra một tập du ký dày gần 500 trang tập hợp các bài viết về vài chục chuyến đi nước ngoài của anh thời gian gần đây. Từ những quốc gia bạn bè thân thiết môi hở răng lạnh như Lào, Campuchia đến những chân trời xa vời - xa mà không quá lạ - từ Australia tận Nam Thái Bình Dương đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bên Đại Tây Dương, lên Thụy Sĩ, Na Uy giàu sang và nước Nga hùng vĩ ở phương Bắc... Tác giả khiêm tốn thưa cùng bạn đọc: “Tất cả chỉ là cảm xúc từ tấm lòng thành của người cưỡi ngựa xem hoa. Nghe gì, thấy gì, biết gì ghi nấy...”

Tôi dám quả quyết: Phạm Quốc Toàn không cảm xúc phơn phớt, anh không đơn thuần cưỡi ngựa xem hoa. Tập du ký của anh chứa nhiều tư liệu phong phú, mỗi thứ có thời gian và không gian xác định, cùng những số liệu vừa đủ minh chứng cảm nhận của mình mà không tới mức rườm rà. Bút pháp anh giản dị, hồn nhiên, thể hiện chất tân văn thời hiện tại. Tôi dám quả quyết, bất kỳ ai lên đường du hay chuyển mà không chuẩn bị tâm thế, thiếu những kiến thức có sẵn trong đầu, không dễ tự dưng viết nên những bài ký cuốn hút và nhiều gợi cảm như Phạm Quốc Toàn trong Đi một ngày đàng...

Cái vốn kiến thức rốt cuộc là “sàng khôn” tích lũy cả đời người. Bất kỳ ai từng viết bút ký, ký sự, dù là bút ký văn học hay ký sự tân văn, đều thấm thía điểm này. Có những chuyến đi xa mệt đến rã rời, ta thèm viết ngay tại chỗ, vừa về tới nhà chưa kịp thở lấy hơi đã náo nức ngồi luôn vào bàn làm việc. Lại có những dịp được đi ung dung thoải mái, trở về cứ vò đầu bứt tóc hoài trước trang giấy mà giấy trắng vẫn hoàn nguyên màu trắng.

Một nét khác biểu hiện rõ tính tân văn ở Phạm Quốc Toàn là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Anh có thái độ rành mạch trước những gì mắt thấy, tai nghe. Có những điều người viết hết lòng ngưỡng mộ, và trông người lại ngẫm đến ta. Có những chi tiết tưởng tác giả bình thản nhưng thật tình đang tìm cách tỏ bày thái độ. Báo chí Mỹ đáng cho ta nể phục lắm, có nhiều việc bạn làm thường ngày, sức ta còn lâu mới với tới... Nhưng, tại sao hầu như cả ngành truyền thông Mỹ lại hùa theo những tay diều hâu trong bộ máy cầm quyền, làm rùm beng về một điều bịa đặt gọi là “sự kiện vịnh Bắc Bộ” năm 1964, tạo cớ cho cánh diều hâu gây nên cuộc chiến tranh tàn phá Việt Nam và cuối cùng Mỹ cam chịu thất bại? Do đâu báo chí Mỹ nhất tề hòa chung giọng với cơ quan mật vụ Hoa Kỳ, lu loa rằng nhà lãnh đạo Sadam Hussein nắm trong tay nhiều loại vũ khí hủy diệt, vì vậy Tổng thống George Bush phải ra đòn trước, diệt nước cộng hòa Iraq để bảo vệ mình và che chở cho toàn nhân loại? Và câu trả lời những người bạn Mỹ đáng kính chỉ có thể là thừa nhận: “Báo chí Mỹ đã rất sai lầm, đã thiếu trách nhiệm trong thông tin”. Đến đất nước Hà Lan “giàu bản sắc văn hóa, yêu âm nhạc”, tác giả bàng hoàng mê mẩn trước cảnh trên trời dưới hoa, riêng một thị trấn Lisse mỗi năm đã trồng và thu hoạch tới bảy triệu bông hoa tulip, nhưng làm sao Phạm Quốc Toàn có thể đồng tình với cảnh “Phố đèn đỏ” ngay tại thủ đô Amsterdam, “một khu phố rộng đến bốn ngàn mét vuông, với hơn năm trăm nhà kính nhốt chừng ấy cô gái bán mình cho bất kỳ người đàn ông nào… Tất cả đều thuận mua vừa bán, cung và cầu theo cơ chế thị trường, hoạt động 24/24 giờ, có cảnh sát bảo vệ”. Tại sao? Lời giải cực kỳ giản đơn: tại riêng năm trăm cô gái bán thân tại khu Phố Đèn Đỏ mỗi năm đã góp chừng 15% doanh thu từ thuế cho thủ đô Amsterdam giàu sang, sạch sẽ, tinh khiết môi trường thiên nhiên.

Những điều mắt thấy, tai nghe, suy ngẫm qua những chuyến đi làm dày làm nặng thêm cái “sàng khôn” mà ông bà ta từng dạy. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng là một người ham chuyển dịch, tuy suốt cả đời ông chưa có dịp được du bao giờ. Khoảng 60 năm về trước, qua bức thư tâm tình với kẻ viết bài này, ông khuyên bạn muốn làm báo, làm văn cho tốt thì hãy hăng hái đi về các địa phương, “không nên ở chi Hà Nội lắm”. Tuy nhiên, theo Chế Lan Viên, đối với người cầm bút, đi không chỉ để thỏa cái thích đi. Đi để thấy, để học, để làm. “Hiện thực chỉ nhờ vào con mắt và lỗ tai, voir (thấy) mà không savoir (biết) thì rồi cũng sẽ tô hồng hay bôi đen thôi” - (Chế Lan Viên toàn tập, tập V, Thư gửi nhà văn Phan Quang, 1/5/1957).

Thế mạnh văn xuôi Chế Lan Viên không hẳn là du ký. Vậy mà qua một chuyến đi thăm hữu nghị ngắn ngày, thật sự cưỡi ngựa xem hoa, ông vẫn có thể trình làng cả một tập bút ký (Thăm Trung Quốc, 1963). Cái “sàng khôn” nhà thơ Chế Lan Viên góp nhặt được qua các chuyến đi ngắn hoặc dài đã giúp ông dày thêm vốn kiến thức, tãng hàm súc trí tuệ những bài luận chiến, làm sáng ngời những tham luận trình bày tại các diễn đàn quốc tế - mà về nguyên tắc, bất kỳ bài nói nào của bất cứ ai tại các cuộc họp mặt loại này đều phải rất ngắn, rất cô đúc - khiến bạn bè kinh ngạc và càng thêm yêu quý Việt Nam.

Tôi đã nhìn thấy trước cái bĩu môi của độc giả: Quái thật! Viết bài tạp bút, sao trích dẫn nhiều đến vậy, bộ muốn khoe chữ chăng? Dù vậy, tôi vẫn không thể không dẫn ra đây một câu nữa của văn hào Mỹ Ernest Hemingway: “Đối với người cầm bút, điều lớn lao nhất là làm công việc của mình, là thấy, học và hiểu. Rồi mới viết. Viết sau khi đã hiểu được một cái gì đấy, sau chứ không phải trước”.

Có một băn khoăn chung của những người viết du ký là những thắng cảnh ta đang nhìn, những tiện nghi ta đang hưởng, những lời giới thiệu ta đang nghe, đã có bao nhiêu người trước ta từng đến đây thưởng ngoạn và trải nghiệm, và chắc chắn nhiều người trong số họ sau đó từng thể hiện thành văn chương, thơ phú chia sẻ với đời. Những điều ta tâm đắc và chân tình trải lòng lên trang giấy hôm nay liệu có trùng lặp nhận xét, nghĩ suy của người từng đi trước, tới trước? Biết làm sao được! Trăm người viết, vạn người xem, mỗi người viết người đọc đều có cách cảm nhận riêng của mình, nếu chẳng may ta người đến sau nhỡ có vô tình lặp lại nhận xét, nghĩ suy của người tới trước thì âu cũng là chuyện thường tình.

Cũng là một người từng có viết dăm bảy bài du ký sau những chuyến chuyển dịch vì việc công, trước sau tôi lòng lại dặn lòng: Hãy đi, thấy, hiểu rồi sẻ chia. Và đã làm nghề cầm bút, nhất thiết phải sẻ chia. Tôi tin Phạm Quốc Toàn đồng cảm, bởi anh đã nghĩ đã làm theo tinh thần ấy với phong cách riêng của anh. Và đấy, theo tôi, chính là một lý do nữa khiến Đi một ngày đàng... của anh ngồn ngộn thông tin, sự kiện, nhận xét, suy ngẫm, làm cho tập bút ký đọc nhẹ nhàng mà thú vị, bổ ích làm sao.

P.Q



Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com