NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014 - 3. NGƯỜI GIÀU DẠY CON

Mục lục
NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự 2014
1. BẤT NGỜ PHÚ YÊN
2. CÁCH CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT
3. NGƯỜI GIÀU DẠY CON
4. KỲ THÚ HỒ TRỊ AN
5. DOANH NHÂN CŨNG LÀ CÔNG DÂN
6. VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
7. ĐỂ LÒNG TỰ TRỌNG KHÔNG BỊ TỔN THƯƠNG
8. KHI NGƯỜI VIỆT BỊ SỈ NHỤC
9. KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN
10. MỘT CÁCH LÀM HAY
Tất cả các trang


NGƯỜI GIÀU DẠY CON


Việt Nam được thế giới công nhận vừa vượt qua ngưỡng nghèo đầy gian nan. Chuẩn này lấy thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Nghĩa là 2/3 dân số Việt Nam vẫn còn rất nghèo. Dù còn rất nghèo nhưng người Việt nổi tiếng xài sang, nổi tiếng lãng phí. Có dịp ra nước ngoài làm việc với các đối tác, gặp gỡ sinh viên quốc tế mới thấy họ “nghèo” hơn mình nhiều. Từ xe cộ, điện thoại, máy tính, quần áo và cả ăn nhậu…đều bị người Việt bỏ xa.

Thiên hạ xem những thứ đó chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống nên tùy khả năng mà sắm sửa. Người Việt thì coi đó là mục đích, là cứu cánh, thể hiện đẳng cấp nên ganh đua kiểu “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Việt Nam là thị trường béo bở và có tốc độ phát triển nhanh nhất các loại hàng xa xỉ. Sắm sửa để che đậy cái nghèo, để thiên hạ thấy mình giàu hơn, sành điệu hơn. Thay vì thi đua ai học giỏi hơn, biết nhiều ngoại ngữ hơn, làm từ thiện tốt hơn, kiến thức sâu rộng hơn…thì cứ chăm bẳm ai xài hàng hiệu mới nhất, xịn nhất. Thay vì coi cái nghèo là nỗi nhục, phải tìm cách vượt qua thì họ xem đó là số phận nên luôn tìm cách khỏa lấp bằng hàng hóa. Sẽ có người phản biện “Tôi xài tiền của tôi. Nhịn ăn, nhịn học, vay tiền để sắm sửa là chuyện của tôi, hà cớ gì mấy người rỗi hơi thắc mắc. Tôi đâu có cướp giật hay tham ô để mua sắm?”. Nếu chỉ một số người nghĩ vậy thì không sao, nhưng cả một thế hệ, cả một dân tộc cũng nghĩ vậy thì chí nguy, nhất là khi đất nước đang nghèo, các nhà lãnh đạo vẫn ngày ngày xách cặp đi xin viện trợ.

Tôi nghiệm ra là những người giỏi thật sự, giàu thật sự họ ít phô trương. Chỉ có những người giỏi nhờ chạy chọt, nhờ thân thế; những người giàu “đột xuất” mới tìm mọi cách để khoe khoang, bởi “Thùng rỗng thì kêu to”. Con cái của mấy đại gia mới nổi nhờ thời thế, so với thiên hạ chỉ tép riu nhưng cách họ xài tiền thì các tỉ phú hàng đầu thế giới phải gọi bằng cụ. Lâu lâu đọc báo, thấy hình tỉ phú thế giới này lộ đôi vớ rách, tỉ phú kia đi giày vẹt đế, xài điện thoại đời “ông nội”…mà tức cười. Họ cũng không quan tâm lắm đến những “tiểu tiết” mà người Việt xem là “đại sự” đó. Các siêu giàu thế giới như Buffett, Pritzker, Carlson…có cách dạy con rất khôn ngoan. Đặc biệt là cách dạy con của Warren Buffett (sinh năm 1930), người giàu thứ 2 thế giới, một trong những “Nhà quản trị tài chính giỏi nhất thế kỷ 20” (1999), một trong “100 người có quyền lực nhất thế giới” (2007)… Warren còn quyết định tặng 99% tài sản cho các quỹ từ thiện.

Dù thuộc loại siêu giàu, gia đình Buffett vẫn sống trong căn hộ bình thường, mua từ 1958. Các con đi học trường công, bằng xe bus, hạnh phúc và thân thiên với bạn học lẫn láng giềng. Warren làm việc ở nhà, không có văn phòng riêng, không có thư ký hay trợ lý, bình thường như bao người bình thường khác. Khi ông xuất hiện trên truyền hình và có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới, các con ông và hàng xóm còn tưởng là chuyện “Những người thích đùa” hay “Cá tháng 4”. Cả nhà Warren vẫn không thay đổi chỗ ở, vẫn duy trì nếp sống và quan hệ bình thường với mọi người chung quanh. Họ quí mến, kính trọng gia đình ông vì cuộc đời thực của ông và các con chứ không phải vì sự giàu có. Mọi quyết định Warren đều bàn bạc với các con, không áp đặt suy nghĩ của mình và luôn được thống nhất. Bởi “Bài học tốt nhất cho các con là tấm gương thực của ba mẹ chúng”. Các con ông giờ đã trưởng thành, tiếp tục sự nghiệp của cha, không bao giờ ỷ lại, biết tự lực vươn lên và tiết kiệm mọi nơi mọi lúc. Tài sản ông để lại cho các con vừa đủ làm vốn liếng để phát triển theo cách của mình.

Nghĩ lại cách dạy con của mấy đại gia Việt Nam mà phát hoảng.

 

*Nguyễn Văn Mỹ



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com