KỲ THÚ HỒ TRỊ AN
Xét về diện tích, Trị An là anh cả trong các hồ ở Việt Nam, kể cả tự nhiên và nhân tạo. Hồ rộng 32.300 ha; gấp 11,5 lần hồ T’ Nưng. Nếu T’ Nưng (rộng 280 ha) được gọi là Biển Hồ thì Trị An phải là Đại Biển Hồ. Hồ Trị An hình thành với thủy điện cùng tên; công suất phát điện hơn 1,7 tỉ kwh/năm. Hồ rộng thứ 2 là Dầu Tiếng - Tây Ninh, 27.000 ha; rộng thứ 3 là Thác Bà, 19.050 ha. Còn xét về dung tích nước thì hồ Hòa Bình dẫn đầu với 9,45 tỉ m3; công suất phát điện 8,16 tỉ kwh/năm. Thác Bà xếp thứ 2 với 3,9 tỉ; nhưng công suất chỉ hơn 400 triệu kmh/năm; còn Dầu Tiếng là hồ thủy lợi.
Có dịp lênh đênh trên Trị An mới thấy hết cái lãng mạn và mênh mông cảm xúc của hồ. Cùng sông mẹ Đồng Nai (sông chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài nhất, 580 km) và các phụ lưu như La Ngà, sông Bé ngồn ngộn phù sa nhưng đổ vào Trị An là biếc xanh con gái. Trị An có hơn 40 đảo. Có những đảo trở thành thân quen như đảo Đồng Trường, đảo Ó của du lịch Đồng Nai và gần đây là đảo Robinson của ca sĩ Cao Minh. Gọi như vậy bởi đảo không có người ở. Trị An là túi cá nước ngọt tự nhiên khổng lồ của cả vùng Đông Nam bộ, là điểm hẹn lý tưởng của dân ghiền câu cá. Có cả hội câu cá Trị An và hội thi câu cá rôm rả. Du thuyền trên hồ đón bình minh hay đợi hoàng hôn đều tuyệt vời nhưng đã nhất là ngủ đêm trên hồ. Hoặc mặc áo phao, chọn nơi nước trong xanh nhất rồi nhảy ùm xuống tắm.
Trong lần đến Khu bảo tồn Thiên Nhiên - Văn Hóa Đồng Nai, tôi gặp lại anh Trần Văn Mùi, người bạn thân thiết của Lửa Việt từ những ngày đầu lên vườn quốc gia Cát Tiên gần 20 năm trước. Anh em hàn huyên tâm sự đủ chuyện đời. Anh đãi tôi mấy món lạ, đặc sản “cây nhà, lá vườn, cá hồ” của khu bảo tồn, chế biến từ cá cơm, cá kìm và rau rừng. Là người đi và biết khá nhiều chuyện, nhiều món ngon; vậy mà vẫn há hốc mồm, ngạc nhiên vì quá nhiều điều mới lạ. Lâu nay, chỉ nghe nói cá cơm và cá kìm ở biển; chứ không biết có cá cơm, cá kìm ở hồ nước ngọt ?. Hôm ấy, tôi được ăn bữa buffet cá cơm và cá kìm nhớ đời. Từ chiên bột, chiên dòn, chiên tỏi ớt, rang chua ngọt, gỏi tươi, gỏi khô, canh chua, kho tiêu, kho nghệ, kho điều, kho khế, kho sả ớt, mắm, nước mắm… Riêng gỏi cũng tới mấy món, tôi khoái nhất món gỏi cá kìm khô với xoài xanh. Nước chấm là mắm, nước mắm, tương, chao… chế biến theo phong cách Nam bộ. Ăn không biết no, tới lúc đứng dậy thì ách bụng mà vẫn muốn ăn thêm. Về Sài Gòn, cả tuần sau vẫn nhớ. Có lẽ do môi trường và thổ nhưỡng, cá cơm và cá kìm hồ Trị An béo và thơm ngọt hơn ở biển ?
Tôi đã du thuyền trên hồ vào những thời điểm khác nhau, đã lênh đênh gần cả giờ vượt hồ, từ xã Mã Đà, Vĩnh Cửu lên xã Phú Cường, Định Quán đi bắt cá cơm, cá kìm. Từ ngày có hồ Trị An, bà con Phú Cường có thêm nghề đánh bắt thủy sản, cả xã có hơn 50 thuyền, mỗi thuyền ít nhất 2 người. Có nhiều cách bắt cá cơm như lưới kéo khơi, lưới rê, te (còn gọi là ủi) và vó bằng đèn măng sông…Dân Trị An chủ yếu dùng cách te (chủ động) và lưới rê (thụ động). Lưới te như chiếc vợt tổ chảng, nhỏ dần phần đáy (gọi là đụt) để chứa cá. Mắt lưới cá cơm chỉ 0,5 cm; bằng hoặc nhỏ dần phía đụt. Gọng lưới làm bằng tre hoặc gỗ, có dây thừng nối 2 đầu. Để dụ cá, mỗi thuyền dùng vài chục đèn măng sông đặt trên phao xốp, mỗi đèn cách nhau chừng 50 - 100m. Sau vài giờ, thuyền áp sát đèn độ 3m, hạ lưới te vào giữa và vớt đèn lên, cá rớt xuống đụt. Cứ thế xoay vòng lần lượt từng đèn cho tới sáng. Lưới rê hình chữ nhật, dài cả ngàn mét, phía trên giềng phao và cờ hiệu, cách khoảng 30m có đèn dầu để dụ cá, phía dưới giềng chì. Giăng lưới xong, neo thuyền đợi. Gần sáng thì thu lưới, treo lên giá gỗ trên tàu, dùng gậy có cước lớn đập vào lưới để rũ cá. Cách rê nhàn hơn và năng suất chỉ chừng 1/3 te. Đánh bắt cá kìm cũng tượng tự như cá cơm, hơi khác là mắt lưới lớn gấp đôi, cỡ 1 cm và chỉ có cách duy nhất là te.
Anh Nguyễn Văn Tuấn là tay lão luyện trong nghề, có khả năng “đọc” đường đi của cá, vừa cho thuyền “ủi” tới vừa giải thích “Ủi cá kìm thì là là mặt nước, sâu lắm cũng 1 m độ lại. Cá cơm thì sâu hơn, chừng 3 - 4 m”. Ủi thấy nặng thuyền là cất lưới, đổ cá vào khoang, ướp đá. Bắt cá cơm, chừng 8 giờ tối là dong thuyền ra hồ thả đèn, ủi lúc nào thấy mệt thì về. Cá kìm thì trễ hơn vài giờ. Mỗi đêm chịu khó cũng ủi được 50 - 70 kg cá cơm, cá kìm thì ít hơn. Bữa trúng có khi hơn tạ, nhưng có hôm chỉ dăm ba chục kg mỗi thuyền. Lên bờ là có thương lái bao tiêu, sau khi dành để ăn, làm khô, làm mắm…Hình như ban ngày cá ngủ, đêm mới kéo nhau tìm mồi? ”. Tập làm ngư dân te cá cơm, cá kìm là điểm nhấn hấp dẫn, vừa lao động khám phá, vừa thể dục rèn luyện và biết thêm bao điều thú vị.
Còn “Cây nhà, lá vườn” của khu bảo tồn là 39 loại rau rừng, chưa kể hàng chục loại lá dùng để nấu “nước sâm Trị An”. Mỗi loại đều có hương vị riêng, vừa kích thích tiêu hóa, vừa là vị thuốc, còn hơn cả thực phẩm chức năng, tạo cho bữa ăn càng ngon miệng. Hôm ấy, chỉ 18 loại mà tôi đã hoa mắt, nhớ không hết. Có những loại lá từng ăn như Tàu bay, Cát lòi, Bứa, Lành ngạnh, Lộc vừng, Sung, Điều, Xoài, Đinh lăng, Đọt mây…Có những loại lần đầu khai vị như Chân voi, Tam lang, Bằng lăng, Nhíp, Lý, Bướm, Bìm bìm, Trung quân…Nhiều lá, tôi biết từ lâu nhưng không biết có thể ăn được. Tháng 4 này sẽ có ngay tour độc “Kỳ thú hồ Trị An”, chỉ 2 ngày cuối tuần là thỏa sức khám phá. Vào rừng Mã Đà, tìm hiểu và thi hái các loại lá rừng. Tối du thuyền lên Phú Cường, tham gia “ủi” cá cơm cá kìm với ngư dân rồi chia nhau chế biến và thanh toán các “chiến lợi phẩm” với rau rừng thu hoạch. Đã đời với buffet cá thì giăng võng hoặc trải chiếu “mơ cùng trăng sao và gió hồ”, phiêu du vào cõi vô thường. Tha hồ rửa mắt, rửa bụng và rửa phổi.
Mới hay tour lạ chẳng cần đâu xa, có khi là những việc gần gũi chung quanh mà ta vô tình chưa biết.
*Nguyễn Văn Mỹ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|