Hoàng Mai, tức Mai Tabakian, một họa sĩ gốc Việt sinh năm 1970, sống ở thủ đô Paris (Pháp). Tuy đã có bằng thạc sĩ Luật và đang có công ăn việc làm ổn định nhưng chị lại bỏ ngang, nhảy qua sáng tác mỹ thuật từ ba năm nay, sau một lần về quê Quảng Nam.
Họa sĩ Mai Tabakian
Suốt năm qua là thời gian khá bận rộn vì phải hoàn tất các tác phẩm mỹ thuật để tham dự nhiều triển lãm như “Too web or not too web” ở Bảo tàng Jean Lurcat (Angers), ở tòa đô chính Montrouge phía Nam Paris và BJ Art Gallery… Xen kẽ đó là những cuộc trả lời phỏng vấn của các đài truyền hình và các nhà phê bình nghệ thuật... Cuối năm 2013 này, thông tin từ nhà dân dân tộc học Nguyễn Tùng, thân sinh của chị từ Paris vừa cho biết: Trong suốt 3 tháng cuối năm 2013, con gái ông, Mai Tabakian lại đang có một mùa Đông vắng nhà nữa. Vắng nhà nhưng đầy hứng khởi vì được mời tham dự cùng lúc 3 triển lãm tại Đức, Pháp và Italia. Đây là ba triển lãm danh giá mà các họa sĩ đương đại đều mong ước được mời tham dự…
Một tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Mai Tabakian
Với chủ đề Eros (Thần tình ái), Hội nghệ thuật Arte&Arte (Italia) tổ chức triển lãm kéo dài hết quý 4 tại biệt thự Olmo thuộc thành phố Como. Tại đây, Mai Tabakian có mặt cùng 10 nghệ sĩ của 6 nước Argentina, Pháp, Mỹ, Nam Phi, Nhật Bản và TQ. Từ cuối tháng 10.2013 đến cuối tháng 3.2014, Mai Tabakian lại quay về tu viện hoàng gia Brou (TP Lyon, Pháp) để tham gia triển lãm “Bên kia giấc mơ của tôi”. Đây là triển lãm quốc tế được tổ chức 2 năm một lần với 80 tác phẩm của nhiều họa sĩ quốc tế. trong đó, Mai trưng bày tác phẩm xếp đặt bằng mô-đun vải ép “Vườn tược ngọt ngào”. Hết Pháp, lại quay sang thành phố Kohn (Đức) góp mặt cùng 10 nghệ sĩ quốc tế khác.
Mai kể: Tại Too web or not too web (Nhiều web hay không nhiều web), chị chỉ giới thiệu duy nhất tác phẩm «Source code - mã nguồn». Đây là một trong số 68 tác phẩm được Ban giám khảo chọn từ 462 tác phẩm của các nghệ sĩ gởi tới từ 20 nước trên khắp thế giới để dự thi. Còn tại triển lãm quốc tế Miniartextil (Tiểu phẩm nghệ thuật bằng vải, sợi) ở toà đô chính Montrouge, Mai có tác phẩm Public Sphere (Lĩnh vực công cộng) và hai tác phẩm sắp đặt Flower Power (Quyền lực của hoa) và Champions’ League (Giải vô địch). Cũng ở Paris, Mai Tabakian còn triển lãm tác phẩm Un étrange bouquet (Một bó hoa kỳ lạ) ở phòng tranh BJ Art Gallery (Paris)...
«Công việc chiếm hết thời giờ của tôi. Nhưng tôi yêu thích nó ! Bởi vậy, mỗi lời mời , dù là đã cuối năm, nhưng là một thôi thúc sáng tạo...», Mai nói với tôi qua email...
Con đường dẫn Mai Takabian từ nghề luật đến với thế giới mỹ thuật hết sức tình cờ. Một lần về quê cha ở vùng Gò Nổi, Quảng Nam, là đất trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa nổi tiếng, chị theo cha ghé xem một lò ươm tơ truyền thống. Những cái kén sôi sùng sục trong bếp lò. Những sợi tơ óng ả kéo ra từ cái kén. Tất cả như một sự sinh nở, cuốn hút lấy chị và thay đổi cuộc đời chị. «Người ta đến với tơ tằm, với vải bằng nghề may quần áo; còn tôi thì không! Vải là phương tiện tạo hình toàn diện của tôi. Tôi thường nói rằng, tôi vẽ với các loại vải và các thứ vải như là những bảng màu khác nhau được dùng trong các bức tranh, các tác phẩm điêu khắc và xếp đặt của tôi...», Mai Tabakian bộc bạch.
Nhà phê bình mỹ thuật Nhật Bản, Yinka Shonibare khi xem triển lãm Eros đã đánh giá đây là triển lãm qui tụ các nghệ sĩ quốc tế hàng đầu (top international artists) trong lĩnh vực tạo hình bằng chất liệu vải , mà cô gái gốc Việt Mai Tabakian là một phong cách riêng. Còn nữ phê bình gia Marie Deparis-Yafil (Pháp) khi đánh giá về các tác phẩm của Mai Tabakian đã nhận xét khá kỹ lưỡng: "Hoa nở vội hay nấm độc hại? Những ảo giác kỳ lạ? Những thứ thảo mộc tác động trên tâm thần? Hay là các loại mứt khổng lồ của Willy Wonka (một người làm chocolate nổi tiếng)? Ẩn dụ tính dục cho những cơn mơ lạc thú của các thiếu nữ theo quan niệm của Freud?... Không cường điệu chút nào khi nói rằng hai bộ tác phẩm của Mai Tabakian được trình bày ở đây gợi ra rất nhiều cách hiểu và diễn dịch!”
Marie Deparis Yafil nói tiếp: “Ta có thể phát hiện, khi vào tận các xó xỉnh của phòng triển lãm, một "cô bé lọ lem" mà đích nhắm đến - tìm một chiếc giày vừa chân mình - là bất chấp mọi ẩn dụ. Mai Tabakian rõ ràng thích hiểu ngược lại, với sự hóm hĩnh và tinh quái, các huyền thoại và các truyện thần tiên đã nuôi dưỡng các cơn mơ của chị.Về mặt hình thức, các tác phẩm này, gồm các đồ vật hỗn hợp thuộc dạng điêu khắc hay ngay cả kiến trúc, cống hiến một chọn lựa khác với các các phẩm nghệ thuật đương đại làm bằng vải mà ta thường thấy. Không phải may mà cũng không phải thêu hay dệt thảm, cách làm của Mai gần giống với một thứ "ghép vải", vì vải được ghép vào trong các tấm polystyren ép đùn. Với vẻ tinh tế và khéo léo, Mai Tabakian sáng tạo được những tác phẩm rất đáng mê về mặt tạo hình, nhưng dáng dấp pop và đầy màu sắc của chúng không che khuất đi những sức mạnh ẩn tàng trong sâu thẳm của chúng, những thực tại đáng ngại và đau đớn, những tình cảm hay tư tưởng, cho thấy một hình thức đấu tranh chống lại sự hủy diệt trong thế giới ngày nay mà chúng ta không thể nhận biết hết.".
Xuất phát điểm của sự sáng tạo của Mai là vải. Và kỹ thuật mà chị tìm ra qua lao động nghê thuật đã giúp chị phát hiện các khả năng tạo hình bao la của chất liệu này chứ không còn thu hẹp ở chức năng mang tính bản chất của vải là để bao bọc, bảo vệ, che chở thân hình con người...
Lần thứ tư Hoàng Mai Tabkian về Việt Nam năm 2012 nhân ngày giỗ của ông nội chị. Ba lần trước là vào các mùa hè 1978, 1980 và 2000. Sau 12 năm xa cách, chị bảo đất nước đã thay đổi rất nhiều và phát triển hơn. "Lần này tôi cũng khi khắp nơi từ Nam chí Bắc và sang tận Phnompenh, Siam Riep. Điều quyến rũ tôi ở Việt Nam là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, sự tương phản giữa quá khứ và tương lai: những người bán hàng rong, các xe xích lô hoạt động ngay bên cạnh các cửa hàng, tiệm cà phê, quán ăn sang trọng, hay các loại xe ô tô cực kỳ hiện đại! Nhưng tôi vẫn yêu thích nhưng vùng nông thôn như là đang quay về với những kỷ niệm nào đó từ những câu chuyện kể của cha mình... Nhưng dù có vật đổi sao dời, tôi vẫn tiếp tục chơi với...vải vì khả năng tạo hình phong phú của nó. Với vải, tôi như thể hàn gắn những vết thương của chính tôi và ngay cả của những người khác...», Mai Tabakian nói.
T.Đ.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|